Bà bầu bị dị ứng thời tiết có nguy hiểm? Cần làm gì?
Nội Dung Bài Viết
Bà bầu rất dễ bị dị ứng thời tiết do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể trở nên nhạy cảm hơn. Trên thực tế, tình trạng này hiếm khi đe dọa đến sức khỏe của mẹ và bé nhưng có thể gây ngứa ngáy, khó chịu khiến thai phụ ăn uống kém và mất ngủ.
Bà bầu bị dị ứng thời tiết – Dấu hiệu nhận biết
Dị ứng thời tiết là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng thái quá với các yếu tố thời tiết như nhiệt độ không khí, gió, độ ẩm, áp suất khí quyển,… Đây là một dạng dị ứng thường gặp bên cạnh dị ứng thực phẩm.
Dị ứng thời tiết thường xảy ra trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Những yếu tố từ thời tiết “vô tình” kích thích phản ứng thái quá của hệ miễn dịch dẫn đến hiện tượng dị ứng. Dị ứng thời tiết ảnh hưởng đến nhiều cơ quan hơn so với tình trạng dị ứng những dị nguyên cụ thể (dị ứng mỹ phẩm, dị ứng thực phẩm, dị ứng với kim loại,…).
Dị ứng nói chung và dị ứng thời tiết chỉ xảy ra ở một số đối tượng – đặc biệt là người có cơ địa nhạy cảm. Trong một số trường hợp, dị ứng thời tiết có thể gây bùng phát triệu chứng của viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng và một số bệnh cơ địa khác. Ngoài yếu tố cơ địa, nguy cơ bị dị ứng thời tiết cũng có thể tăng lên ở những đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm. Do đó, phụ nữ mang thai rất dễ gặp phải tình trạng này.
Các dấu hiệu nhận biết dị ứng thời tiết ở bà bầu:
- Triệu chứng thường gặp nhất là nổi phát ban, mề đay trên da (chủ yếu là những vùng da hở, tiếp xúc trực tiếp với không khí như da mặt, tay, cổ và lưng).
- Các sẩn cục, đám đỏ trên da có thể bằng phẳng hoặc nổi cục thường gây ngứa ngáy và châm chích. Tình trạng này xảy ra đột ngột ngay sau khi xuất hiện những yếu tố dị ứng (nhiệt độ nóng/ lạnh đột ngột, gió lạnh, tăng độ ẩm,…)
- Ngoài tổn thương da, dị ứng thời tiết ở bà bầu còn có thể gây sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, ngứa mắt, đau rát và ngứa họng
- Một số bà bầu còn có thể bị bùng phát triệu chứng của hen phế quản (khó thở, thở khò khè, ho,…) do dị ứng thời tiết
- Nếu có tiền sử viêm da cơ địa (hoặc mang gen gây bệnh nhưng chưa khởi phát), triệu chứng của bệnh cũng có thể bùng phát khi bà bầu bị dị ứng thời tiết. Viêm da cơ địa đặc trưng bởi tổn thương là các đám đỏ có mụn nước, rỉ dịch kèm ngứa ngáy và đau rát. Sau một thời gian tiến triển, tổn thương khô dần, trở nên thâm nhiễm, cộm cứng và ngứa ngáy dai dẳng
Trường hợp hiếm gặp có thể bị nổi mề đay cấp tính kèm theo tụt huyết áp, khó thở do dị ứng thời tiết. Tình trạng này cần được xử trí sớm để tránh sốc phản vệ – phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng.
Vì sao bà bầu bị dị ứng thời tiết?
Có thể thấy, dị ứng thời tiết chỉ xảy ra ở một số cá thể. Dù đã được nghiên cứu từ lâu nhưng nguyên nhân chính xác gây ra các tình trạng dị ứng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, điểm chung của những người dễ bị dị ứng là có cơ địa mẫn cảm. Yếu tố này được quy định bởi gen nên có khả năng di truyền giữa các thành viên trong gia đình.
Người có cơ địa mẫn cảm thường nhạy cảm với các yếu tố như thời tiết, thức ăn, mỹ phẩm, kim loại, côn trùng,… Khi tiếp xúc với dị nguyên (mà trong trường hợp này là các yếu tố thời tiết), hệ miễn dịch sẽ có xu hướng đối kháng bằng cách sản xuất kháng thể, sau đó hoạt hóa với tế bào mast làm giải phóng hàng loạt các chất trung gian hóa học vào da và niêm mạc. Trong đó, histamine được xem là chất trung gian có vai trò chính trong phản ứng dị ứng.
Đối với dị ứng thời tiết, nguyên nhân trực tiếp gây ra phản ứng dị ứng là các yếu tố như gió, áp suất, độ ẩm, nhiệt độ,… Tuy nhiên, phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở người có sẵn cơ địa nhạy cảm.
Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch suy giảm. Do đó, tế bào miễn dịch dễ bị rối loạn và phản ứng thái quá đối với các yếu tố thời tiết. Ngoài ra, nguy cơ bị dị ứng thời tiết khi mang thai có thể tăng lên nếu có những yếu tố sau:
- Di truyền (có người thân bị dị ứng thời tiết hoặc mắc các bệnh cơ địa khác)
- Tiền sử cá nhân bị dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn hoặc mắc các bệnh cơ địa như viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản
- Mẹ bầu bị stress, căng thẳng có nguy cơ dị ứng thời tiết cao hơn so với thai phụ có tâm lý ổn định, lạc quan
- Suy nhược cơ thể
Dị ứng thời tiết khi mang thai có nguy hiểm không?
Dị ứng thời tiết là tình trạng khá phổ biến và thường không quá nguy hiểm. So với dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết có mức độ nhẹ hơn và hiếm khi xảy ra tình trạng sốc phản vệ (hạ huyết áp, choáng váng, khó thở, ngất xỉu,…).
Đa phần các trường hợp bị dị ứng thời tiết đều có thể thuyên giảm nhanh sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tái phát trở lại nếu tiếp tục tiếp xúc với dị nguyên. Dù hiếm khi xảy ra sốc phản vệ nhưng nếu nhận thấy dị ứng thời tiết gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, bà bầu nên gọi cấp cứu để tránh những tình huống đáng tiếc.
Dị ứng thời tiết ít khi đe dọa đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên nếu không chăm sóc và khắc phục sớm, các triệu chứng có thể tái phát nhiều lần gây ngứa ngáy, bứt rứt, ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ và sinh hoạt. Ngoài ra, dị ứng thời tiết kéo dài còn khiến mẹ bầu ăn uống kém, sụt cân, mệt mỏi và dễ bị suy nhược. Tình trạng này làm gián đoạn sự phát triển của thai nhi khiến trẻ sinh ra nhẹ cân, ốm yếu.
Bà bầu bị dị ứng thời tiết phải làm sao?
Bà bầu bị dị ứng thời tiết phải làm sao là vấn đề được nhiều thai phụ quan tâm. Bởi phụ nữ mang thai dễ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chống dị ứng.
Để cải thiện tình trạng dị ứng thời tiết, bà bầu có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:
1. Cách ly với dị nguyên
Các yếu tố thời tiết là nguyên nhân trực tiếp kích thích phản ứng dị ứng. Do đó để cải thiện tình trạng này, mẹ bầu nên cách ly với dị nguyên. Thời tiết là yếu tố không thể thay đổi nhưng việc hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ nóng/ lạnh, gió,… có thể giảm phần nào các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu ở da và cơ quan hô hấp.
Một số biện pháp giúp hạn chế tiếp xúc với các yếu tố thời tiết:
- Vào thời điểm chuyển mùa, mẹ bầu nên hạn chế di chuyển ngoài trời và nên đóng kín cửa để tránh gió lạnh, phấn hoa bay vào trong nhà.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là vùng cổ và tay chân.
- Đối với dị ứng thời tiết nóng, nên tắm rửa sạch sẽ 1 – 2 lần/ ngày và mặc quần áo thông thoáng, thấm hút tốt.
- Khi phải di chuyển ngoài trời, nên đeo khẩu trang và mặc quần áo dài tay để tránh tiếp xúc với dị nguyên.
- Giữ không gian sống thoáng mát với nhiệt độ ổn định từ 25 – 27 độ C.
2. Các biện pháp tại nhà
Đa phần các trường hợp bị dị ứng thời tiết đều có mức độ nhẹ. Do đó, mẹ bầu không nhất thiết phải sử dụng thuốc chống dị ứng. Để cải thiện các triệu chứng do dị ứng thời tiết gây ra, thai phụ có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như:
- Nếu bị dị ứng thời tiết nóng, mẹ bầu nên tắm nước mát để làm sạch cơ thể và giảm ngứa. Nước mát còn giúp co mạch máu và giảm hiện tượng viêm, đỏ trên da.
- Trong trường hợp dị ứng thời tiết lạnh gây nổi mề đay và viêm da cơ địa, cần ngâm rửa da với nước ấm để làm sạch vảy bong. Sau đó, sử dụng kem dưỡng ẩm lành tính để làm mềm da và tái tạo hàng rào bảo vệ. Qua đó ngăn chặn sự xâm nhập của dị nguyên vào cấu trúc da và hạn chế được tình trạng da ngứa ngáy, viêm đỏ rõ rệt.
- Các triệu chứng dị ứng thời tiết có thể trở nên nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng nếu thường xuyên tiếp xúc với các chất dị ứng, kích ứng. Do đó trong thời gian này, mẹ bầu nên hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, mạt bụi, bấm mốc, khói thuốc lá,…
- Có thể sử dụng trà xanh, lá khế,… rửa sạch và đun sôi lấy nước tắm hằng ngày. Đây đều là những biện pháp dân gian có hiệu quả giảm phát ban, nổi mề đay, ngứa ngáy do dị ứng thời tiết gây ra.
- Mẹ bầu cũng có thể dùng trà hoa cúc, mật ong để chống dị ứng từ bên trong. Các nghiên cứu cho thấy, mật ong và hoa cúc giúp tăng hệ miễn dịch, đồng thời chứa một số chất chống oxy hóa có hiệu quả tiêu viêm và chống ngứa.
- Trong thời gian bị dị ứng thời tiết, bà bầu nên nghỉ ngơi và ăn uống hợp để cải thiện sức đề kháng. Đề kháng tốt giúp giảm nhanh các triệu chứng do dị ứng thời tiết gây ra và hạn chế được nguy cơ tái phát.
3. Sử dụng thuốc khi cần thiết
Sử dụng thuốc thường ít được chỉ định cho bà bầu bị dị ứng thời tiết. Tuy nhiên trong trường hợp các triệu chứng kéo dài gây ngứa ngáy, khó chịu, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ để được xem xét sử dụng thuốc khi cần thiết.
Phần lớn các loại thuốc đều tiềm ẩn rủi ro, tác dụng phụ trong thai kỳ. Do đó nếu thật sự cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng histamine H1 thế hệ II (Cetirizin và Loratadine) để cải thiện các triệu chứng do dị ứng thời tiết gây ra.
Mặc dù có thể dùng cho bà bầu nhưng sử dụng các loại thuốc kể trên vẫn có thể gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, mẹ bầu chỉ nên sử dụng khi có chỉ định và cần dùng đúng liều lượng khuyến cáo. Ngoài ra, nên chú ý các biểu hiện trong thời gian dùng thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí nếu xảy ra tác dụng ngoại ý.
Phòng ngừa dị ứng thời tiết cho mẹ bầu
Dị ứng thời tiết khi mang thai không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, các triệu chứng trên da và hệ hô hấp có thể khiến thai phụ mệt mỏi, mất ngủ và ăn uống kém.
Chính vì vậy sau khi điều trị, mẹ bầu nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng/ quá lạnh, phấn hoa, gió lạnh và các yếu tố dị ứng khác. Vào thời điểm chuyển mùa, nên hạn chế di chuyển ngoài trời để phòng ngừa dị ứng tái phát.
- Hệ miễn dịch suy giảm là yếu tố làm tăng nguy cơ bị dị ứng thời tiết. Vì vậy, bà bầu nên cải thiện sức đề kháng bằng cách ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu cần thiết, có thể bổ sung vitamin C và Kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đối với phụ nữ mang thai có tiền sử viêm da cơ địa, nên sử dụng kem dưỡng ẩm hằng ngày để phòng ngừa bệnh tái phát trong thời gian bị dị ứng thời tiết.
- Tránh căng thẳng, lo âu quá mức trong thời gian mang thai. Mẹ bầu cũng nên ngủ nghỉ đúng giờ và tập thể dục thường xuyên để nâng cao thể trạng.
Bà bầu bị dị ứng thời tiết có thể gặp phải tình trạng ngứa ngáy, hắt hơi, sổ mũi, khó chịu, mệt mỏi,… Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau khi chăm sóc tại nhà, thai phụ nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp. Ngoài ra, cần gọi cấp cứu nếu nhận thấy phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!