Bà bầu bị nổi rôm sảy có nguy hiểm không? Chữa trị thế nào an toàn?
Nội Dung Bài Viết
Bà bầu thường bị nổi rôm sảy do thân nhiệt cao hơn người bình thường, mất cân bằng nội tiết tố và vệ sinh cơ thể không đúng cách. Các sẩn đỏ, mụn nước do rôm xuất hiện chủ yếu ở vùng bẹn, nách, cổ, ngực, lưng và đi kèm với cảm giác nóng rát, khó chịu và ngứa ngáy. Tình trạng này có thể thuyên giảm chỉ sau vài ngày và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Nhận biết rôm sảy khi mang thai
Rôm sảy là một trong những vấn đề da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ do rối loạn hoạt động bài tiết mồ hôi. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành – đặc biệt là ở phụ nữ mang thai.
Rôm sảy khi mang thai thường xuất hiện từ tháng thứ 4 trở đi, do trọng lượng cơ thể bắt đầu tăng lên nhanh chóng khiến thân nhiệt của thai phụ có xu hướng cao hơn người bình thường. Để điều hòa thân nhiệt, các lỗ chân lông trên da sẽ tiết ra nhiều bã nhờn và mồ hôi. Mồ hôi tích tụ trong nang lông dẫn đến hiện tượng viêm và khiến da nổi nhiều sẩn đỏ, mụn nước.
Dấu hiệu nhận biết rôm sảy khi mang thai:
- Rôm sảy đặc trưng bởi các sẩn có màu hồng hoặc đỏ, kích thước nhỏ
- Bề mặt sẩn có các nốt mụn nước nhỏ hoặc có thể đi kèm với mụn mủ trắng xen kẽ
- Xuất hiện thành từng đám hoặc mảng lớn ở những vùng da có hoạt động bài tiết mồ hôi mạnh như cổ, ngực, lưng, bẹn và nách
- Sau khoảng vài ngày, các mụn nước vỡ, khô lại và bong vảy trắng
- Tổn thương do rôm sảy có thể thuyên giảm sau vài ngày và hầu như không để lại sẹo
- Tổn thương da đi kèm với cảm giác nóng rát nhẹ, khó chịu và ngứa ngáy
Một số ít trường hợp có thể bị rôm sảy bội nhiễm dẫn đến các biến chứng như nhọt, chốc và viêm nang lông do tụ cầu vàng – Staphylococcus aureus. Tuy nhiên nếu chăm sóc và xử lý đúng cách, tổn thương da có thể biến mất hoàn toàn chỉ sau vài ngày.
Nguyên nhân gây nổi rôm sảy khi mang thai
Nguyên nhân trực tiếp gây nổi rôm sảy là do da bài tiết quá nhiều mồ hôi và bã nhờn. Ngoài ra, cơ chế hình thành rôm sảy còn có liên quan đến hiện tượng sừng hóa tuyến mồ hôi và có sự tham gia của vi khuẩn. Các yếu tố này khiến mồ hôi, bã nhờn không thể thoát ra bên ngoài, dẫn đến bít tắc trong nang lông và gây rôm sảy.
Các yếu tố thuận lợi gây nổi rôm sảy khi mang thai:
- Thân nhiệt cao: Thân nhiệt của thai phụ thường cao so với người bình thường. Do đó, từ tháng thứ 4 trở đi, mẹ bầu có thể bị đổ mồ hôi nhiều ở vùng da dưới cánh tay, cổ, ngực và vùng bẹn. Nếu không vệ sinh cơ thể đúng cách, mồ hôi cùng với bã nhờn và bụi bẩn có thể tích tụ trong nang lông và gây rôm sảy.
- Mất cân bằng nội tiết tố: Để giữ bào thai trong tử cung, cơ thể thai phụ có xu hướng tăng hormone HCG và progesterone đột ngột, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố. Không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và sinh sản của nữ giới, nội tiết tố còn chi phối nhiều hoạt động khác của cơ thể. Mất cân bằng hormone khiến da bài tiết nhiều mồ hôi hơn bình thường và tăng nguy cơ bị rôm sảy trong thời gian mang thai.
- Thời tiết nóng: Thời tiết nóng là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ rôm sảy ở cả người lớn và trẻ em. Nhiệt độ môi trường cao khiến thân nhiệt tăng lên đáng kể. Để điều hòa thân nhiệt, cơ thể buộc phải bài tiết lượng mồ hôi nhiều hơn bình thường.
- Mặc quần áo có chất liệu dày, cứng: Mặc các trang phục có chất liệu cứng, dày và bí có thể khiến da ẩm ướt, tích tụ mồ hôi trong nang lông và gây rôm sảy. Ngoài ra, thói quen này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm da cấp tính khác như viêm nang lông và hăm da.
- Dị ứng với màu nhuộm vải: Nội tiết tố thay đổi khiến cơ thể mẹ bầu nhạy cảm hơn với các tác nhân nội sinh và ngoại sinh. Do đó, một số mẹ bầu có thể bị dị ứng với màu nhuộm vải, nước giặt hoặc một số chất kích ứng, dị ứng khác như nước hoa, nước xả vải,…
Bà bầu bị nổi rôm sảy có nguy hiểm không?
Rôm sảy là bệnh da liễu lành tính và có thể thuyên giảm nhanh chóng. Thông thường, tổn thương da chỉ tồn tại trong 3 – 5 ngày và tự biến mất khi thời tiết mát mẻ. Hơn nữa, bệnh lý này hầu như không để lại sẹo thâm, sẹo lõm và các biến chứng nguy hiểm. Do đó, mẹ bầu bị rôm sảy không nên quá lo lắng về tình trạng da. Nếu chăm sóc đúng cách, rôm sảy sẽ nhanh chóng biến mất sau vài ngày và không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi.
Tuy nhiên nếu thường xuyên cào gãi, vùng da tổn thương có thể bị bội nhiễm, dẫn đến viêm nang lông, nhọt và chốc. Nếu không can thiệp sớm, tổn thương da có thể lây lan rộng và gây ra các biến chứng nặng nề. Vì vậy khi bị rôm sảy, mẹ bầu tuyệt đối không gãi cào và nặn mụn nước. Thay vào đó, cần áp dụng các biện pháp xử lý khoa học để giảm tổn thương da, cải thiện ngứa ngáy và phòng ngừa biến chứng.
Cách xử lý rôm sảy khi mang thai an toàn
Như đã đề cập, rôm sảy là vấn đề da liễu lành tính và có thể thuyên giảm nhanh sau khoảng vài ngày. Hơn nữa, tổn thương da do bệnh lý này có thể biến mất hoàn toàn thông qua điều chỉnh thói quen và sử dụng các nguyên liệu tự nhiên. Những biện pháp này có độ an toàn cao và hoàn toàn có thể áp dụng cho phụ nữ mang thai.
Các biện pháp xử lý rôm sảy khi mang thai an toàn:
1. Thay đổi thói quen
Các thói quen xấu như vệ sinh cơ thể kém, mặc quần áo bí, chật,… là yếu tố thuận lợi gây ứ đọng mồ hôi trong lỗ chân lông và dẫn đến rôm sảy. Vì vậy mẹ bầu nên thay đổi các thói quen xấu để ngăn chặn rôm sảy lan rộng và tái phát. Hơn nữa, việc thay đổi các thói quen này còn có thể hạn chế lượng mồ hôi được bài tiết, từ đó giúp da thông thoáng và giảm ngứa ngáy.
Bà bầu bị nổi rôm sảy nên thay đổi các thói quen xấu sau:
- Tránh mặc quần áo chật và có chất liệu vải dày cứng, khó thấm hút. Thay vào đó, nên lựa chọn váy rộng có chất liệu cotton để thấm hút mồ hôi và giữ cho da thông thoáng, mát mẻ.
- Nếu thời tiết nóng ẩm, nên hạn chế di chuyển ngoài trời hoặc thực hiện các hoạt động kích thích tuyến mồ hôi hoạt động mạnh. Trong thời gian này, nên ở trong nhà và sử dụng quạt, điều hòa để hạ nhiệt độ không gian sống.
- Mẹ bầu nên tắm 2 lần/ ngày để làm sạch bụi bẩn, bã nhờn và mồ hôi tích tụ trong lỗ chân lông. Nên lựa chọn các sản phẩm sữa tắm có độ pH cân bằng, không chứa hương liệu, chất bảo quản và xà phòng.
- Sau khi tắm xong, có thể sử dụng phấn rôm vào những vùng da dễ tiết mồ hôi để giúp da khô ráo và thông thoáng. Tránh sử dụng khi da đã bài tiết mồ hôi vì có thể gây bít tắc lỗ chân và làm nghiêm trọng tình trạng rôm sảy.
- Ngoài ra, mẹ bầu cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây và sữa chua để hạ thân nhiệt, giảm bài tiết mồ hôi quá mức và kích thích da phục hồi, tái tạo. Đồng thời nên hạn chế các loại thức uống và thực phẩm dễ khiến da đổ mồ hôi như thức ăn cay nóng, thực phẩm chứa nhiều đường, gia vị,…
Đối với những trường hợp rôm sảy nhẹ, tổn thương da sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khi thay đổi thói quen xấu, vệ sinh da đúng cách và ăn uống khoa học.
2. Sử dụng thảo dược chữa rôm sảy
Rôm sảy không chỉ gây tổn thương da mà còn đi kèm với cảm giác khó chịu, nóng rát và ngứa ngáy. Các triệu chứng cơ năng của bệnh có xu hướng nặng dần hơn khi thời tiết nóng ẩm và tăng ma sát giữa da với quần áo. Để giảm ngứa ngáy và khó chịu, một số mẹ bầu có thói quen chà xát và gãi, cào lên vùng da tổn thương. Tuy nhiên, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ bội nhiễm da và gây sẹo.
Để giảm ngứa ngáy, mẹ bầu có thể sử dụng một số loại thảo dược tự nhiên sau:
- Dùng cây sài đất trị rôm sảy cho bà bầu: Sài đất có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng tiêu độc, tiêu viêm và thanh nhiệt. Do đó, thảo dược này thường được dùng để chữa các chứng bệnh ngoài da do nhiệt gây ra như rôm sảy, mề đay mẩn ngứa, dị ứng,… Để giảm ngứa ngáy và tổn thương do rôm, mẹ bầu có thể đun 50g sài đất để lấy nước tắm, tắm 1 lần/ ngày trong liên tục 1 tuần.
- Sử dụng rau má: Rau má có vị đắng, hơi ngọt, tác dụng giải độc và thanh nhiệt. Vì vậy, mẹ bầu có thể sử dụng khoảng 50g rau má tươi, rửa sạch, giã, vắt lấy nước và thêm 1 ít muối rồi uống trực tiếp. Tuy nhiên, không nên áp dụng cách này trong 3 tháng đầu thai kỳ vì có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy và tăng nguy cơ sảy thai. Để hạn chế tình trạng trên, mẹ bầu cũng có thể dùng rau má nấu nước tắm tương tự lá sài đất.
- Dùng lá khế trị rôm sảy: Lá khế thường được nhân dân sử dụng để trị mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa và rôm sảy. Thảo dược này không chứa độc tính và an toàn với phụ nữ mang thai. Bà bầu bị rôm sảy hoặc nổi mề đay có thể dùng lá khế nấu nước tắm hàng ngày để giảm ngứa và làm lành tổn thương trên da.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể sử dụng một số loại thảo dược có tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm và giải độc như lá dâu, lá đào, mướp đắng,… để nấu nước tắm. Tuy nhiên khi sử dụng, cần ngâm rửa sạch để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, xác động vật và ký sinh trùng.
3. Dùng thuốc khi cần thiết
Trong trường hợp rôm sảy nổi trên diện rộng và gây ngứa nhiều, mẹ bầu có thể sử dụng một số loại thuốc dùng ngoài để ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm ngứa da. Tuy nhiên trước khi sử dụng, cần tham vấn y khoa để dự phòng các rủi ro và tác dụng không mong muốn.
Các loại thuốc trị rôm sảy an toàn với phụ nữ mang thai:
- Thuốc kháng histamine H1 (có tác dụng giảm ngứa)
- Thuốc tím, Betadine (pha loãng tắm trong trường hợp nang lông bị nhiễm trùng và nổi nhiều mụn mủ trắng)
- Có thể sử dụng một số loại kem bôi có tác dụng giảm ngứa và làm dịu da chứa Menthol, Panthenol,…
Đối với những trường hợp tổn thương da nặng, da viêm đỏ nhiều, bác sĩ có thể chỉ định thuốc bôi chứa corticoid và kháng sinh có hoạt tính nhẹ. Mặc dù được sử dụng ngoài da nhưng thuốc có thể hấp thu vào cơ thể và gây ra phản ứng toàn thân. Do đó, mẹ bầu chỉ sử dụng nhóm thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Phòng ngừa rôm sảy khi mang thai
Rôm sảy là vấn đề da liễu khá phổ biến và dễ tái phát – đặc biệt là trong thời tiết nóng ẩm. Vì vậy bên cạnh các biện pháp điều trị, mẹ bầu nên chủ động phòng ngừa bệnh lý này các cách đơn giản như:
- Giữ cơ thể thông thoáng và mát mẻ bằng cách mặc trang phục rộng rãi, thấm hút tốt và sử dụng điều hòa hoặc quạt khi trong thời tiết nóng ẩm.
- Hạn chế di chuyển ngoài trời trong khung giờ từ 11:00 – 15:00 hằng ngày và cần tránh thực hiện các hoạt động gây đổ nhiều mồ hôi.
- Mẹ bầu dễ bị rôm sảy và nổi mề đay sau khi tập thể dục có thể lựa chọn các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như yoga và bơi lội.
- Tắm rửa 2 lần/ ngày với các loại sữa tắm có tác dụng làm sạch da dịu nhẹ, công thức an toàn và độ pH cân bằng.
- Thường xuyên thay quần lót và áo ngực để hạn chế da đổ nhiều mồ hôi, dẫn đến rôm sảy và hăm da.
- Uống nhiều nước, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây khi thời tiết nóng ẩm. Hạn chế dùng nước ngọt có gas, thức ăn cay nóng và chứa nhiều gia vị.
Bà bầu bị nổi rôm sảy có thể áp dụng một số biện pháp được tổng hợp trong bài viết để giảm ngứa ngáy, ngăn ngừa bội nhiễm và làm giảm tổn thương da. Trong trường hợp rôm sảy xảy ra trên diện rộng và xuất hiện các dấu hiệu bội nhiễm (nổi mụn mủ, da sưng đau nhiều), nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!