Bài thuốc chữa bệnh viêm gan B theo Đông y bạn nên tham khảo
Nội Dung Bài Viết
Đông y lưu truyền khá nhiều bài thuốc chữa bệnh viêm gan B (chứng hoàng đản). Tuy nhiên, hầu hết các bài thuốc chỉ có tác dụng tăng cường chức năng gan, hỗ trợ cải thiện sức khỏe và hoạt động tiêu hóa. Trên thực tế, cả Tây y lẫn Đông y đều chưa có biện pháp đặc trị đối với bệnh lý này.
Có nên điều trị viêm gan B bằng Đông y?
Viêm gan B là bệnh viêm gan do siêu vi Hepatitis B virus (HBV) gây ra. Loại viêm gan này có khả năng lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HBV tấn công vào gan và gây viêm, hoại tử cơ quan này.
Ở giai đoạn cấp tính (dưới 6 tháng), bệnh có thể thuyên giảm hoàn toàn nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên khi chuyển sang giai đoạn mãn tính (phát triển hơn 6 tháng), tỷ lệ chữa khỏi bệnh lý này là rất thấp. Hiện nay, cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền đều không có biện pháp đặc hiệu đối với bệnh viêm gan siêu vi B.
Không giống với Tây y, Đông y gọi chung tất cả các chứng bệnh về gan là hoàng đản (vàng da). Chứng hoàng đản có thể xảy ra do nhiễm ngoại tà thấp nhiệt khiến tỳ vị chuyển hóa thất thường, khí uất gây trở ngại trung tiêu làm ảnh hưởng đến chức năng của can đởm. Hoặc cũng có thể xảy ra do ăn uống không điều độ, uống nhiều rượu bia và lao lực quá độ.
Hiện nay, điều trị bằng Đông y được khá nhiều bệnh nhân lựa chọn vì có chi phí thấp, tương đối an toàn và có thể sử dụng trong thời gian dài. Thực tế, việc sử dụng thuốc ức chế sao chép virus và thuốc điều hòa miễn dịch có thể gây ra tác dụng phụ khi dùng trong điều trị dài hạn. Hơn nữa, các loại thuốc này không thực sự phù hợp với người có bệnh lý nền. Chính vì vậy, thuốc Đông y là lựa chọn của nhiều bệnh nhân chống chỉ định với thuốc Tây.
Mặc dù được đánh giá có độ an toàn cao hơn so với thuốc Tây, tuy nhiên bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm gan B cho hiệu quả tương đối hạn chế và mức độ cải thiện tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Vì vậy, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ/ thầy thuốc để được đánh giá tình trạng bệnh và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.
Các bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm gan B
Mặc dù gọi chung các vấn đề về gan là chứng hoàng đản nhưng Đông y không áp dụng pháp trị chung đối với các trường hợp. Đối với mỗi thể bệnh riêng biệt, Đông y sẽ sử dụng các bài thuốc khác nhau nhằm loại trừ căn nguyên, cải thiện triệu chứng và hỗ trợ phục hồi chức năng can đởm.
1. Chữa bệnh viêm gan B thể dương hoàng theo Đông y
Viêm gan B thể dương hoàng đặc trưng bởi tình trạng da, mắt vàng, nước tiểu sẫm màu, cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải và ăn uống kém.
Những trường hợp nhiệt nặng hơn thấp có thể gặp phải một số triệu chứng khác như tiểu tiện ít, khát nước, sốt, táo bón, mạch huyền sác, bụng đầy trướng, rêu lưỡi vàng. Trường hợp thấp nặng hơn nhiệt ngoài những triệu chứng chung còn có các biểu hiện khác như mạch nhu sác, đi tiêu lòng, chán ăn, ăn uống kém, bụng ngực đầy trướng và đầu nặng.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị nhân trần 30g, chi tử 10g, ý dĩ 30g, atiso 20g, khương hoàng 20g, mạch nha 16g, vọng cách 20g, vỏ đại (sao vàng) 10g, thần khúc 10g, cuống nếp rơm 10g, mã đề 12g và cam thảo nam 8g. Cho tất cả dược liệu vào ấm và sắc với 500ml nước đến khi còn 150ml thì tắt bếp. Chắt lấy nước sắc và sắc tiếp lấy thêm 100ml. Trộn 2 lần nước sắc lại với nhau và chia đều thành nhiều lần uống, dùng hết trong ngày. Sử dụng thuốc trước bữa ăn và dùng liên tục trong 7 – 10 ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị bạch truật, phục linh và trạch tả mỗi thứ 12g, trư linh và quế chi mỗi thứ 8g, cao nhân trần 16g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Các bài thuốc này không được sử dụng cho phụ nữ mang thai. Nếu có ý định dùng, nên thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh, gia giảm dược liệu nhằm hạn chế rủi ro và tác dụng không mong muốn.
2. Bài thuốc Đông y điều trị bệnh viêm gan B thể âm hoàng
Chứng hoàng đản thể âm hoàng được chia thành nhiều thể nhỏ theo biểu hiện lâm sàng và căn nguyên cụ thể. Mỗi thể bệnh sẽ có đặc điểm và pháp trị riêng biệt.
– Can uất tỳ hư:
Can uất tỳ hư đặc trưng bởi triệu chứng người mệt mỏi không có sức lực, mắt không vàng, da tối màu, sạm nám, đại tiện nhão, bụng đầy trướng, ăn uống kém, khó tiểu, vùng hạ sườn phải đau âm ỉ, nước tiểu bình thường, hầu như không sốt và mạch huyền tế. Với thể bệnh này, Đông y sử dụng các bài thuốc có tác dụng kiện tỳ sơ can.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị sài hồ, bạch truật, đương quy và phục linh mỗi thứ 12g, cam thảo 6g, bạc hà diệp 2g, can sinh khương 3g, thược dược 16g. Sắc uống ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng xích thược, bạch hoa xà, đảng sâm, nhân trần, bạch thược và bạch truật mỗi thứ 15g, kê nội kim, chỉ xác, đan sâm, thổ phục linh, trần bì (vỏ quýt), thanh bì, hậu phác và bán liên chi mỗi thứ 10g, nhân trần 15g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang. Sắc 2 lần đến khi còn 1 bát thì tắt bếp và uống sau khi ăn khoảng 1 giờ đồng hồ.
– Âm hư thấp nhiệt:
Chứng hoàng đản do âm hư thấp nhiệt biểu hiện qua triệu chứng sắc mặt vàng sạm, cổ trướng, chân phù, chảy máu chân răng, hay chảy máu cao, người phiền táo, ngủ ít, hồi hộp, sốt cao hoặc sốt hâm hấp, táo bón, tiểu tiện vàng sẻn, miệng khô, lòng bàn tay nóng, mạch trầm tế sắc, chất lưỡi đỏ và rêu lưỡi vàng dày.
Với thể âm hư thấp nhiệt, cần dùng bài thuốc có tác dụng thoái hoàng, thanh nhiệt hóa thấp và tư âm bổ thận để điều trị.
- Chuẩn bị: Sơn thù và hoài sơn mỗi thứ 10 – 16g, đơn bì, phục linh và trạch tả mỗi thứ 8 – 12g, thục địa 20 – 32g, gia thêm bạch mao căn, địa cốt bì, sơn thù và sơn dược.
- Thực hiện: Đem các dược liệu tán bột, luyện với mật ong làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 8 – 12g uống với nước sôi nguội, ngày dùng 2 – 3 lần. Hoặc cũng có thể sắc uống, ngày dùng 1 thang.
– Thấp thịnh dương suy:
Thấp thịnh dương suy là chứng hoảng đàn do hàn thấp gây ra. Chứng bệnh này đặc trưng bởi triệu chứng tiểu vàng, da vàng, sạm nám, cơ thể mệt mỏi, bụng đầy trướng, ăn uống kém, đại tiện bất thường, đau ở vùng thượng/ trung và hạ vị. Ngoài ra, bệnh nhân hầu như không sốt, mạch nhu hoãn, chất lưỡi nhợt nhạt, rêu lưỡi hơi vàng hoặc trắng mỏng.
Với chứng hoàng đản do hàn thấp, Đông y dùng bài thuốc có tác dụng ôn hóa hàn thấp để đuổi hàn và cải thiện chức năng can đởm.
- Chuẩn bị: Bạch truật 8g, nhân trần và cam thảo (nướng) mỗi thứ 4g, nhục quế (bỏ vỏ) 1.2g, phụ tử và can khương mỗi thứ 2g, gia thêm đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật và phục linh tùy theo chứng bệnh.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc này chứa phụ tử – dược liệu có độc tố (thuốc độc bảng A). Vì vậy, cần sử dụng dược liệu đã được bào chế kỹ càng, đúng cách và không dùng cho phụ nữ mang thai.
– Tỳ vị hư nhược:
Chứng hoàng đản do tỳ vị hư nhược đặc trưng bởi triệu chứng đi phân lỏng, da vàng, chân tay yếu, vô lực, ngủ ít, đánh trống ngực, rêu lưỡi mỏng nhạt và mạch nhu sác. Với thể bệnh này, nên dùng bài thuốc có tác dụng bổ dưỡng khí huyết và kiện tỳ ôn trung.
- Chuẩn bị: Sinh khương 8 – 12g, đường phèn 20 – 40g, bạch thược 12 – 16g, đại táo 4 quả, quế chi 6 – 8g và chích cam thảo 3 – 6g, gia thêm di đường.
- Thực hiện: Sắc các dược liệu lấy nước, sau đó thêm đường phèn vào, khuấy đều và uống khi còn nóng.
Một số lưu ý khi chữa bệnh viêm gan B theo Đông y
Đông y lưu truyền nhiều bài thuốc chữa bệnh viêm gan B và các vấn đề về gan khác. Mặc dù được đánh giá có độ an toàn cao nhưng trên thực tế, thuốc Đông y vẫn có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách.
Vì vậy khi điều trị viêm gan B bằng Đông y, nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Thuốc Đông y chữa viêm gan B không thể điều trị bệnh lý này dứt điểm. Các bài thuốc này chỉ hỗ trợ tăng cường chức năng gan, giải phóng ứ trệ, tăng cường sức khỏe và bồi bổ khí huyết.
- Hiệu quả của thuốc Đông y tương đối hạn chế. Vì vậy, nên phối hợp với thuốc Tây theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát hoạt động của virus và bảo tồn nhu mô gan.
- Phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị tiểu đường, cao huyết áp,… nên tham khảo ý kiến bác sĩ/ thầy thuốc trước khi sử dụng bài thuốc Đông y, thuốc Tây và thuốc nam.
- Không tự ý điều trị bằng các thảo dược tự nhiên. Thực tế cho thấy, quá phụ thuộc vào các bài thuốc nam và thuốc Đông y có thể khiến làm gián đoạn quá trình điều trị hoặc thậm chí khiến gan bị tổn thương nặng nề.
- Nên bổ sung các món ăn tốt cho gan thận để hỗ trợ hiệu quả của các bài thuốc và bồi bổ khí huyết.
- Bệnh nhân cần thận trọng khi châm cứu, cấy chỉ, truyền dịch, truyền máu,… để tránh lây nhiễm cho người khác. Bên cạnh đó, không sử dụng chung các vật dụng có khả năng dính máu như kim tiêm, bàn chải đánh răng và khăn mặt.
- Song song với các phương pháp điều trị, bệnh nhân viêm gan B nên ăn uống điều độ, tránh lao động nặng và thức khuya. Đồng thời không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas và thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
- Để quá trình điều trị viêm gan B đạt hiệu quả cao, nên lựa chọn bệnh viện/ phòng khám Đông y chất lượng, uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm và trình độ cao. Khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế không đảm bảo có thể gây hao tốn tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị.
Bài viết đã tổng hợp một số bài thuốc Đông y chữa viêm gan B được lưu truyền rộng rãi. Tuy nhiên trước khi áp dụng, bệnh nhân nên trao đổi với thầy thuốc để được tư vấn bài thuốc và gia giảm dược liệu phù hợp. Bên cạnh đó, nên phối hợp với chế độ chăm sóc khoa học để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!