Mẹo xoa bóp bấm huyệt chữa đau mỏi vai gáy tại nhà
Nội Dung Bài Viết
Xoa bóp bấm huyệt chữa đau vai gáy là liệu pháp điều trị có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Liệu pháp này có tác dụng tăng tuần hoàn, giải phóng các mô bị chèn ép và cải thiện phạm vi chuyển động. Nếu thực hiện đều đặn, xoa bóp bấm huyệt có thể làm giảm cơn đau, tiêu viêm và hỗ trợ kiểm soát một số triệu chứng đi kèm.
Xoa bóp bấm huyệt chữa đau vai gáy có hiệu quả không?
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp trị bệnh có nguồn gốc từ Đông y. Phương pháp này sử dụng lực từ bàn tay, ngón tay tác động trực tiếp lên cơ quan đau nhức và các huyệt vị có mối liên hệ mật thiết nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn cơ và giải phóng khí huyết ứ trệ.
Xoa bóp bấm huyệt có thể giảm đau, tiêu sưng và tăng chuyển hóa dinh dưỡng tại cơ quan bị tổn thương. Do đó hiện nay, liệu pháp này được áp dụng để điều trị nhiều bệnh lý – đặc biệt là các chứng bệnh về cơ xương khớp. Trong đó, cách xoa bóp bấm huyệt chữa đau mỏi vai gáy được nhiều bệnh nhân thực hiện.
Đau vai gáy (chứng kiên tý) là chứng bệnh thường gặp ở người trưởng thành. Chứng bệnh này có thể khởi phát do ảnh hưởng của các bệnh xương khớp như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, loãng xương,… hoặc có thể là hệ quả do thói quen sinh hoạt, lao động thiếu khoa học.
Khác với y học hiện đại, y học cổ truyền cho rằng chứng kiến tý hình thành khi thấp, phong và hàn xâm nhập do tấu lý sơ hở. Theo thời gian, khí huyết bị ứ trệ gây tổn thương kinh lạc ở vùng cổ – vai – gáy và gây ra đau nhức, tê bì, ê mỏi,…
Song song với việc sử dụng thuốc, bệnh nhân bị đau mỏi vai gáy có thể can thiệp xoa bóp bấm huyệt để hỗ trợ giảm đau, tiêu sưng, thư giãn cơ và phục hồi chức năng vận động. Ngoài ra, biện pháp này còn thúc đẩy tuần hoàn máu lên não, cải thiện tình trạng tê cứng cổ, thiếu máu não và phòng ngừa các biến chứng do đau mỏi vai gáy mãn tính.
Có thể thấy, xoa bóp bấm huyệt mang lại nhiều lợi ích đối với hội chứng đau mỏi vai gáy. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hỗ trợ cải thiện cơn đau, phục hồi chức năng vận động và giảm nhẹ một số triệu chứng đi kèm. Để điều trị bệnh dứt điểm, nên kết hợp với sử dụng thuốc, tập thể dục thường xuyên và tổ chức lại lối sống.
Hướng dẫn cách xoa bóp bấm huyệt giảm đau vai gáy tại nhà
Xoa bóp bấm huyệt là liệu pháp điều trị tương đối đơn giản và dễ thực hiện. Vì vậy, bệnh nhân có thể thực hiện một số kỹ thuật xoa bóp và tác động vào các huyệt vị quan trọng để hỗ trợ giảm đau và giải phóng chèn ép ở vùng cổ – vai – gáy.
1. Cách xoa bóp trị đau mỏi vai gáy
Xoa bóp trị đau mỏi vai gáy bao gồm các kỹ thuật thụ động (xoa, xắt, day, lăn, đấm, nhào cơ vai) và chủ động (vận động khớp cổ).
Các kỹ thuật xoa bóp giảm đau mỏi vai gáy:
Xoa vuốt:
Xoa vuốt là kỹ thuật kích thích nhẹ lên da và tổ chức dưới da. Do có tác động nhẹ nên kỹ thuật này thường được thực hiện đầu tiên. Xoa vuốt có tác dụng tăng tuần hoàn, giãn mạch, kích thích thụ cảm thần kinh tại chỗ và hỗ trợ giảm đau, phù nề.
Để thực hiện xoa vuốt, dùng gốc gan bàn tay xoa tròn ở vùng da cổ, vai và gáy nhẹ nhàng để giảm sưng đau. Sau đó dùng gốc bàn tay vuốt lên da theo hướng thẳng (nên sử dụng bột talc) để giảm ma sát.
Day miết:
Day miết là kỹ thuật kích thích sâu đến mạch máu, dây chằng, gân xơ và đám rối thần kinh ở vùng cổ và vai. Kỹ thuật này có tác dụng tăng trương lực cơ, thúc đẩy chuyển hóa dinh dưỡng, tăng tuần hoàn máu và chống teo cơ. Day miết thích hợp với người bị đau mỏi vai gáy mãn tính (thường do thoái hóa đốt sống cổ).
Kỹ thuật day được thực hiện bằng cách dùng gốc bàn tay hơi ấn nhẹ xuống da và di chuyển theo đường tròn với tốc độ chậm. Khi thực hiện, có thể điều chỉnh lực mạnh hoặc nhẹ tùy theo mức độ cơn đau. Kỹ thuật này giúp thư giãn cơ và giảm sưng đau rõ rệt.
Sau đó, tiến hành thực hiện kỹ thuật miết bằng cách dùng ngón tay cái miết trực tiếp lên vùng vai gáy, miết theo đường thẳng sao cho kéo căng da ở vùng tổn thương.
Nhào cơ vai:
Nhào cơ vai là kỹ thuật tác động sâu đến khối cơ, mạch máu và gân ở vùng cổ – vai – gáy. Tác động từ kỹ thuật này giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn cơ và giảm đau nhức hiệu quả.
Để thực hiện kỹ thuật này, dùng cả 2 tay véo vùng cơ lớn (cơ ức đòn chũm, cơ dental và cơ thang). Nên véo cơ liên tục để thúc đẩy tuần hoàn máu và cải thiện tình trạng cơ co thắt quá mức.
Đấm chặt vùng vai gáy:
Đối với vùng vai gáy, bệnh nhân nên thực hiện thêm kỹ thuật đấm chặt để tác động sâu đến hệ thống xương khớp. Kỹ thuật này gây ức chế thần kinh trung ương, hỗ trợ làm giảm cơn đau và mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu.
Kỹ thuật đấm được thực hiện bằng cách nắm bàn tay, sau đó dùng mô ngón út đấm nhẹ nhàng vào vùng đâu nhức. Sau đó, duỗi thẳng bàn tay và tiếp tục dùng mô ngón út tác động trực tiếp vào cổ, vai và gáy.
Vận động khớp cổ:
Ngoài các kỹ thuật thụ động, bệnh nhân cần kết hợp với vận động khớp cổ để cải thiện tuần hoàn máu, giảm đau nhức và phục hồi chức năng vận động. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp giải phóng các mô bị chèn ép và mở rộng phạm vi vận động.
Khi thực hiện các kỹ thuật vận động cổ, nên dùng tay cố định kéo cổ nhẹ nhàng để làm giãn cơ, giải phóng dây thần kinh bị chèn ép và hỗ trợ tăng phạm vi chuyển động. Để cải thiện chứng đau vai gáy, bệnh nhân cần thực hiện các kỹ thuật vận động khớp cổ như:
- Kéo khớp cổ
- Ngửa cổ ra trước, ra sau
- Xoay cổ sang 2 bên
2. Bấm huyệt chữa đau mỏi vai gáy
Sau khi xoa bóp, bệnh nhân nên thực hiện bấm huyệt. Kỹ thuật này sử dụng tay tác động lên các huyệt vị có mối liên hệ mật thiết với cơ quan bị tổn thương. Đây là thủ thuật tác động sâu, mạnh nên có thể đem lại hiệu quả cao và rõ rệt.
Bệnh nhân đau mỏi vai gáy nên tác động vào các huyệt vị sau:
Huyệt Phong trì: Huyệt Phong trì nằm ở chỗ lõm sau tai (ngay xương chũm). Tác động vào huyệt vị này có tác dụng giảm đau, cứng cổ gáy và hỗ trợ làm giảm một số triệu chứng đi kèm như đau vai, ù tai, hoa mắt, đau nửa đầu,… Vì huyệt nằm ở đầu nên khi bấm cần dùng lực vừa phải, tránh sử dụng lực quá mạnh.
Huyệt Phong phủ: Huyệt Phong phủ nằm ở chỗ lõm giữa gáy, đo lên từ chân tóc gáy khoảng 1 thốn. Huyệt có tác dụng thanh thần chí, khu phong tà, tiết khí hỏa và được áp dụng để điều trị đau vai gáy, trúng phong, đau đầu,…
Huyệt Thiên trụ: Huyệt Thiên trụ nằm ở vùng gáy và nằm dưới u lồi chẩm phía ngoài. Da ở vùng huyệt chi phối dây thần kinh C3 nên tác động vào huyệt vị này có thể chữa chứng mất ngủ, vẹo cổ, đau đầu và đau mỏi vai gáy.
Huyệt Giáp tích C4-C7: Cơ thể có 17 huyệt Giáp tích được xác định gọi tên theo vị trí của đốt sống. Đối với bấm huyệt trị đau mỏi vai gáy, nên tác động vào huyệt C4-C7. Huyệt ở vị trí này có tác dụng điều trị các bệnh lý ở vùng đầu, giảm đau vai gáy và thúc đẩy tuần hoàn máu.
Huyệt Kiên trung du: Kiên trung du là huyệt vị nằm ngang với đốt sống cổ thứ 7. Huyệt nằm ở vị trí giao giữa đường nối huyệt Kiên tỉnh và Đại chùy. Tác động vào huyệt vị này giúp điều trị chứng đau vai gáy, đau vùng lưng trên và một số bệnh hô hấp.
Huyệt Đại chùy: Huyệt Đại chùy (Đại trùy) nằm dưới xương to ở cổ. Để xác định huyệt, cần ngồi thẳng lưng, đầu hơi cúi nhẹ sẽ thấy vùng dưới cổ nổi lên 3 u xương tròn. U xương nào động đậy nhiều nhất chính là đốt sống thứ cổ thứ 7. Nằm dưới đốt sống chính là huyệt Đại chùy. Huyệt có tác dụng định thần, thanh não, thông dương và giải biểu. Bệnh nhân có thể ấn huyệt Đại chùy để giảm tình trạng tê cứng và đau nhức cổ, gáy.
Trên đây là những huyệt vị cơ bản bệnh nhân có thể áp dụng để giảm đau nhức, tê bì và cứng cổ vai gáy. Bên cạnh đó nếu có thời gian, bệnh nhân nên kết hợp thêm một số huyệt vị khác như:
- A thị huyệt
- Huyệt Kiên trinh
- Huyệt Kiên ngung
- Huyệt Kiên tỉnh
- Huyệt Tiểu hải
- Huyệt Khúc trì
- Huyệt Hợp cốc
- Huyệt Ngoại quan
- Huyệt Hợp cốc
Để đem lại hiệu quả như mong đợi, cần thực hiện xoa bóp bấm huyệt từ 15 – 30 phút mỗi ngày. Nên áp dụng đều đặn trong thời gian dài, kết hợp với điều trị nguyên nhân và tổ chức lại lối sống để kiểm soát bệnh tình hoàn toàn.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa đau mỏi vai gáy
Bấm huyệt chữa đau mỏi vai gáy là biện pháp giảm đau, cải thiện tê bì, dị cảm, hỗ trợ thúc đẩy tuần hoàn máu và thư giãn cơ. Biện pháp này tương đối an toàn, phù hợp với nhiều đối tượng và hầu như không gây ra tình trạng lạm dụng như sử dụng thuốc.
Tuy nhiên trước khi thực hiện xoa bóp bấm huyệt chữa đau mỏi vai gáy, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Chống chỉ định xoa bóp bấm huyệt cho trường hợp đau vai gáy do các bệnh chèn ép tủy sống ở vùng cổ như thoát vị đĩa đệm thể trung tâm, viêm tủy, rỗng tủy, u tủy,… Thực hiện bấm huyệt trong những trường hợp này có thể khiến cơn đau và các triệu chứng đi kèm trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tránh bấm huyệt khi vùng da ở cổ, vai, gáy và vùng da xung quanh huyệt vị đang bị viêm nhiễm, có vết thương hở và lở loét. Day ấn huyệt trong trường hợp này có thể gây tổn thương và nhiễm trùng da.
- Trước khi xoa bóp bấm huyệt, cần cắt ngắn móng, làm sạch tay bằng xà phòng và tắm rửa sạch sẽ.
- Phụ nữ mang thai và người có các bệnh lý nội khoa nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bấm huyệt chữa đau mỏi vai gáy tại nhà.
- Xoa bóp bấm huyệt có thể kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này tương đối hạn chế và chỉ thích hợp với trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình. Trong trường hợp cần thiết, nên kết hợp với thuốc điều trị đau vai gáy để kiểm soát triệu chứng hoàn toàn.
- Khi bấm huyệt, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp (mạch nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, hoa mắt,…). Nếu gặp phải tình trạng này, nên dừng thực hiện, nằm nghỉ ngơi tại chỗ và uống nước chè đường nóng để điều hòa huyết áp. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm, nên gọi cấp cứu để được xử lý kịp thời.
- Đau mỏi vai gáy có thể tiến triển dai dẳng nếu không khắc phục căn nguyên. Do đó bên cạnh liệu pháp xoa bóp bấm huyệt, bệnh nhân nên tổ chức lại lối sống, thay đổi thói quen xấu và tích cực điều trị các bệnh lý nguyên nhân.
Xoa bóp bấm huyệt chữa đau mỏi vai gáy là phương pháp tương đối dễ thực hiện, an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên bên cạnh phương pháp này, bệnh nhân nên kết hợp với các biện pháp y tế và thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh hoàn toàn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!