Bệnh đau nửa đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nội Dung Bài Viết
Đau nửa đầu là trạng thái đau đầu mạn tính, có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc thậm chí vài ngày. Đây là bệnh lý thần kinh lành tính thường đi kèm một số triệu chứng tương đối nghiêm trọng như đau đầu dữ dội, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn…
Bệnh đau nửa đầu là gì?
Bệnh đau nửa đầu còn có tên gọi khác là đau đầu Migraine. Đây là tình trạng đau đầu một bên một cách dữ dội và đột ngột, diễn ra đồng thời với một số triệu chứng như buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, uể oải, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn… Các cơn đau nửa đầu thường xuất hiện trong vài giờ hoặc kéo dài vài ngày.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể trải qua giai đoạn cảnh báo trước khi cơn đau nửa đầu ập đến. Khi đó, họ sẽ bị rối loạn thị giác (có điểm mù hoặc nhìn thấy các tia lóe sáng bất thường), nói chuyện khó khăn hay ngứa ran một bên mặt, tay hoặc chân.
Bệnh lý thần kinh này phổ biến ở nữ giới thuộc độ tuổi 10 – 45 tuổi, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, nguyên nhân của chứng bệnh này vẫn chưa được giải thích rõ ràng và cụ thể. Vì vậy, quá trình chữa bệnh vẫn còn gặp phải khá nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung vào việc điều trị giảm nhẹ cũng như hạn chế triệu chứng đau đầu tái phát.
Nguyên nhân của bệnh đau nửa đầu
Hiện nay, nguyên nhân của bệnh đau nửa đầu chưa được làm rõ. Theo thống kê, khoảng 60% bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu có bố mẹ từng bị bệnh này. Các nhà khoa học đã đưa ra hàng loạt giả thuyết nhằm giải thích cơ chế gây bệnh.
Trong đó, giả thuyết được công nhận nhiều nhất là sự thay đổi nào đó diễn ra trong hoạt động của dây thần kinh sinh ba của não bộ. Ngoài ra, sự rối loạn của các chất trung gian (đặc biệt là Serotonin) cũng có thể là một trong các nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số yếu tố dẫn đến các cơn đau nửa đầu:
- Thay đổi nội tiết tố ở nữ giới: Trước và trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hay mãn kinh, nồng độ Estrogen thay đổi có thể khiến phụ nữ bị đau nửa đầu.
- Thuốc chứa nội tiết tố (thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone) có thể kích thích cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, một vài phụ nữ cho biết cơn đau ít xuất hiện hơn khi họ dùng các loại thuốc này.
- Thay đổi thời tiết hoặc áp suất có thể góp phần gây ra cơn đau nửa đầu.
- Các đồ uống không tốt cho sức khỏe như rượu (đặc biệt là rượu vang), bia, cà phê, nước ngọt có ga…
- Một số thực phẩm mặn, chế biến sẵn hoặc chứa nhiều chất phụ gia (bột ngọt, chất bảo quản) cũng có khả năng kích thích cơn đau nửa đầu.
- Căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống.
- Những tác nhân kích thích giác quan như ánh sáng chói lóa, rực rỡ, âm thanh quá lớn, mùi hương quá nồng, mạnh (mùi nước sơn, nước hoa, khói thuốc lá…)
- Thay đổi giấc ngủ (ngủ quá nhiều, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ khi di chuyển qua nhiều múi giờ…).
Triệu chứng của bệnh đau nửa đầu
Các vị trí đau nửa đầu phổ biến là đau nửa đầu trước, đau nửa đầu trên, đau nửa đầu bên trái, đau nửa đầu trên đỉnh. Bệnh lý này dễ bị nhầm lẫn với những chứng bệnh liên quan. Theo các chuyên gia y tế, nếu nắm vững các dấu hiệu của cơn đau nửa đầu, người bệnh hoàn toàn có thể phát hiện bệnh sớm, từ đó cải thiện và phòng ngừa biến chứng hiệu quả.
Triệu chứng sớm của bệnh đau nửa đầu
Những triệu chứng sớm sau thường diễn ra trước cơn đau đầu vài giờ. Theo thống kê, khoảng 40 – 60% bệnh nhân từng gặp phải các trường hợp này.
- Thay đổi tâm trạng: Người bệnh đột nhiên trở nên cáu kỉnh, khó chịu với những người xung quanh, tâm trạng u uất, bứt rứt, chán nản. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải: Bệnh nhân có cảm giác buồn ngủ vì mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, vật vờ suốt ngày, thiếu năng lượng, không thể tập trung, tiểu tiện nhiều lần trong ngày dù không mắc bệnh về thận.
- Thèm ăn: Người bệnh liên tục cảm thấy đói bụng và muốn ăn, khiến cơ thể tăng cân nhanh chóng. Tuy nhiên, đôi khi họ lại buồn nôn khi tiếp xúc với thức ăn.
- Nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn: Bệnh đau nửa đầu liên quan đến hiện tượng hoa mắt, nhức mắt. Thêm vào đó, ánh sáng, tiếng ồn hay mùi hương khó chịu có thể khiến cơn đau thêm trầm trọng.
Trước khi cơn đau nửa đầu xảy ra
Khoảng 20 – 30% người mắc bệnh đau nửa đầu từng bị rối loạn về hình ảnh, cảm giác hay vận động. Những vấn đề về thị giác là hiện tượng thần kinh thường gặp nhất ở giai đoạn tiền triệu chứng. Người bệnh có thể bị choáng váng, nhìn thấy ánh sáng chớp tắt, nhấp nháy hoặc chuyển động theo hình ziczac.
Trong một số trường hợp, thị giác của người bệnh bị hạn chế rõ rệt như khi nhìn xuyên qua một lớp kính dày và mờ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cảm thấy tê cứng, ngứa ran hoặc cảm giác như có kim châm ở một bên của cơ thể (di chuyển từ đầu ngón tay, qua cánh tay đến gương mặt).
Khi cơn đau đầu xảy ra
Khi giai đoạn tiền triệu chứng kết thúc, các cơn đau đầu sẽ xuất hiện, gây đau nhói một hoặc cả hai bên đầu. Những cơn nhói như búa bổ thường là dấu hiệu cảnh báo điển hình của một cơn đau nửa đầu. Cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh di chuyển hay hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, các cơn đau này thường đi kèm cảm giác buồn nôn, sợ âm thanh và ánh sáng.
Khi cơn đau nửa đầu chấm dứt
Sau khi cơn đau nửa đầu qua đi, bệnh nhân sẽ cảm thấy yếu ớt, mệt mỏi, nhận thức khó khăn và cạn kiệt sinh lực. Tuy nhiên, một số ít người bệnh lại trở nên khoan khoái, dễ chịu, khỏe khoắn một cách bất thường.
Biến chứng của bệnh đau nửa đầu
Đau nửa đầu là bệnh lý mạn tính, khó điều trị dứt điểm và có thể dẫn đến những hậu quả như: suy giảm trí nhớ, trầm cảm, đột quỵ, suy thoái võng mạc, thậm chí mù lòa vĩnh viễn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp đau nửa đầu vào danh sách 20 nguyên nhân hàng đầu gây ra thương tật và là một trong những vấn nạn lớn của toàn cầu. Đặc biệt, chứng bệnh này xếp thứ 9 trong những nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu ở phụ nữ.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đau đầu Quốc tế (HIS), bệnh đau nửa đầu có một số biến chứng nguy hiểm sau:
- Đau nửa đầu kinh niên (đau nửa đầu mạn tính) là tình trạng thường gặp nhất ở những người bệnh lâu năm trên toàn thế giới.
- Hội chứng Migrainosus là một dạng suy nhược thần kinh, thường là hậu quả của những cơn đau nửa đầu kéo dài hơn 3 ngày (72 giờ). Các triệu chứng của hội chứng này tương tự triệu chứng của một cơn đau đầu điển hình: mất ngủ, khó tập trung, uể oải, hoa mắt, nôn ói…
- Hội chứng Serotonin là biến chứng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm của chứng đau nửa đầu. Hội chứng Serotonin bao gồm các triệu chứng lú lẫn, kích động, đổ nhiều mồ hôi, tiêu chảy, co giật, nhịp tim nhanh. Nếu gặp một trong các triệu chứng trên trong vòng 2 giờ sau khi dùng một loại thuốc mới hoặc một liều cao, bạn cần đi khám bác sĩ ngay lập tức. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị co giật, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
- Đột quỵ: Theo thống kê, những người mắc chứng đau nửa đầu (đặc biệt là phụ nữ) có kèm ảo giác về hào quang có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi người bình thường. Trong đó, những người phụ nữ đang hút thuốc hoặc dùng thuốc tránh thai có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn rất nhiều.
Đối tượng dễ bị bệnh đau nửa đầu
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng, nhóm người sau có nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu cao:
- Những người đang trong độ tuổi 30 (mức độ nghiêm trọng của bệnh lý giảm dần sau mỗi 10 năm).
- Người có cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình bị đau nửa đầu.
- Người thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi.
- Người ăn nhiều đồ ngọt hoặc thức ăn chứa nhiều chất phụ gia.
- Người hay uống rượu bia, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga.
- Phụ nữ đang mang thai hay đang sử dụng thuốc ngừa thai.
- Phụ nữ trước hoặc ngay sau ngày hành kinh.
- Phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh.
Khi nào nên đi gặp bác sĩ?
Nếu có tiền sử đau đầu, ngay khi phát hiện diễn biến cơn đau thay đổi hoặc cảm thấy cơn đau trở nên khác biệt so với những lần trước thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng hướng.
Khi nhận thấy một trong các dấu hiệu bất thường dưới đây, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời:
- Đau đầu kèm sốt cao, co giật, cứng cổ, song thị (nhìn đôi), tê yếu, khó nói, rối loạn tâm thần…
- Đau đầu sau khi bị chấn thương ở đầu.
- Đau đầu mạn tính, đau hơn khi ho, thở mạnh, căng thẳng hay cử động đột ngột.
- Cơn đau đầu mới xuất hiện sau tuổi 50.
- Cơn đau đầu diễn ra một cách đột ngột, dữ dội như búa bổ.
Phương pháp chẩn đoán bệnh đau nửa đầu
Bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra chẩn đoán cho bệnh lý này nhờ vào việc kiểm tra sức khỏe thần kinh lẫn thể chất, lắng nghe bệnh nhân mô tả triệu chứng cũng như xem xét tiền sử bệnh của họ và gia đình.
Nếu cơn đau đầu của người bệnh đột ngột trở nên nghiêm trọng và phức tạp, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành một số xét nghiệm loại trừ nguyên nhân, bao gồm:
- Công thức máu: Tìm kiếm dấu hiệu về sự viêm nhiễm ở tủy sống hoặc não bộ.
- Chụp MRI: Đây là phương pháp sử dụng từ trường và sóng vô tuyến nhằm tạo ra hình ảnh chi tiết của bộ não và các mạch máu. Nhờ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán những tác nhân gây đau đầu như khối u, nhiễm trùng, xuất huyết não, đột quỵ cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến não bộ và hệ thần kinh.
- Chụp CT: Kỹ thuật này sử dụng tia X để tạo ra các hình ảnh chi tiết cắt ngang bộ não. Với hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ xác định liệu bệnh nhân có khối u, nhiễm trùng, chảy máu trong não, tổn thương não hay các vấn đề liên quan khác hay không.
- Cấy dịch não tủy: Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng máu hay chảy máu trong hệ thần kinh, bác sĩ sẽ tiến hành chọc dò dịch não tủy để làm xét nghiệm cũng như cấy dịch não tủy.
Hướng điều trị bệnh đau nửa đầu
Mục tiêu của quá trình điều trị bệnh đau nửa đầu là giải quyết triệt để triệu chứng, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ tái phát của bệnh lý. Bệnh nhân có thể tham khảo những cách điều trị phổ biến dưới đây:
Phương pháp dùng thuốc Tây y
Hiện nay, trên thị trường bày bán nhiều loại thuốc có tác dụng đẩy lùi tình trạng này, chủ yếu thuộc 2 nhóm chính sau:
- Thuốc giảm đau giúp hạn chế triệu chứng cũng như hỗ trợ chữa bệnh, ví dụ thuốc chống nôn, thuốc giảm đau Opioid, thuốc kháng viêm giảm đau Dihydroergotamine, NSAIDs, Lasmitidan, Sumatriptan…
- Thuốc phòng ngừa có thể được sử dụng thường xuyên để giảm nhẹ tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau nửa đầu như: thuốc làm hạ huyết áp, thuốc ức chế beta, thuốc ức chế canxi, thuốc chống động kinh (Topiramate, Valproate…), thuốc chống trầm cảm ba vòng…
Phương pháp điều trị không dùng thuốc
Bên cạnh việc dùng thuốc Tây y, bệnh đau nửa đầu cũng có thể được đẩy lùi bằng 4 kỹ thuật sau:
Châm cứu
Châm cứu là phương pháp dùng kim nhỏ châm vào các điểm thần kinh trên mặt và đầu nhằm kích thích cơ thể phóng thích Endorphin, từ đó đẩy lùi cơn đau nửa đầu. Một nghiên cứu vào năm 2003 cho biết, khi cơn đau nửa đầu khởi phát, phương pháp châm cứu có thể mang lại hiệu quả tương đương một số loại thuốc Tây y (ví dụ thuốc Imitrex).
Xoa bóp
Đây là kỹ thuật kích thích nhẹ vùng da, tác động đến các thụ cảm thần kinh nhằm giảm căng thẳng, thư giãn thần kinh, tạo ra cảm giác hưng phấn, đồng thời xoa dịu cơn đau. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu tác động của phương pháp xoa bóp đối với chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, theo nhiều bệnh nhân, tần suất đau nửa đầu giảm rõ rệt khi họ áp dụng liệu pháp xoa bóp.
Bấm huyệt
Bấm huyệt là phương pháp sử dụng các đầu ngón tay hoặc gốc bàn tay để ấn, day vào thái dương, quế phong, phong trì và các huyệt ấn đường ở vùng đầu mặt. Kỹ thuật này giúp thư giãn thần kinh, thoải mái tinh thần và tăng cường tuần hoàn máu.
Phản hồi sinh học
Phản hồi sinh học là kỹ thuật giúp bệnh nhân có thêm nhiều quyền kiểm soát các yếu tố như nhịp tim, nhiệt độ, huyết áp… của cơ thể, từ đó điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng đau nhức mạn tính, đau nửa đầu, cao huyết áp và vệ sinh không tự chủ. Khi thực hiện kỹ thuật này, người bệnh sẽ được gắn các điện cực vào da hoặc dùng cảm biến ngón tay. Các thiết bị này sẽ gửi tín hiệu đến màn hình bằng cách hiển thị âm thanh, ánh sáng nhấp nháy cũng như hình ảnh đại diện cho nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, lượng mồ hôi, hoạt động cơ bắp hoặc nhiệt độ da.
Điều trị bằng thảo dược
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng một số loại dược liệu có khả năng chữa trị bệnh đau nửa đầu vô cùng hiệu nghiệm, trong đó, tiêu biểu nhất là Butterbur và hoa cúc trắng.
Butterbur (gai lông)
Đây là loài cây bụi lâu năm, đã được phát hiện và sử dụng từ hơn 2000 năm trước. Thảo dược này có tác dụng giảm đau bụng, đau nửa đầu (cũng như các chứng đau đầu khác), viêm loét dạ dày, ho gà, hen suyễn, sốt rét và co thắt đường tiết niệu).
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Butterbur có khả năng cải thiện hiệu quả chứng đau nửa đầu: giúp giảm nhẹ cơn đau, hạn chế tái phát, giảm số lần xuất hiện cơn đau trong tháng. Nhiều người tin rằng 2 hoạt chất Petasin và Isopetasin trong rễ cây có đặc tính hoạt mạch (tác động đến mạch máu) và kháng viêm. Bạn có thể bổ sung dược tính của vị thuốc này thông qua các loại thực phẩm chức năng với liều lượng 50 – 70mg Butterbur/lần, 2 lần/ngày.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai hay đang cho con bú, người dị ứng với cỏ dại hoặc người đang dùng các loại thuốc khác cần cẩn trọng với dược tính của Butterbur. Nếu muốn sử dụng các loại thực phẩm chức năng chiết xuất từ loài cây này, bạn phải trao đổi thật kỹ với bác sĩ chuyên khoa.
Hoa cúc trắng
Theo nghiê cứu của ngành y học cổ truyền tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoa cúc trắng là loài thảo mộc có thể kiểm soát các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng… Với khả năng an thần, thanh lọc, giải độc, chống mất ngủ, chữa hoa mắt, chóng mặt, hoa cúc trắng là vị thuốc cực kỳ tốt cho sức khỏe của những người mắc chứng bệnh này.
Biện pháp xử lý và phòng ngừa bệnh đau nửa đầu
Hiện nay, không có biện pháp nào đảm bảo phòng ngừa bệnh đau nửa đầu một cách chắc chắn và triệt để. Tuy nhiên, một số thói quen lành mạnh dưới đây có thể góp phần giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của bệnh như:
- Đặt túi đá hoặc miếng vải lạnh lên đầu hay mặt khi cơn đau xuất hiện.
- Nghỉ ngơi thoải mái trong phòng tối, yên tĩnh, ngủ đúng giờ, đủ giấc.
- Tránh xa tiếng ồn chói tai, ánh sáng mạnh cũng như các mùi hương nồng nặc, khó chịu.
- Đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng dưỡng chất, hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, nhiều gia vị, không dùng thức uống có cồn hay sử dụng chất kích thích.
- Bổ sung nhiều nước lọc, nước ép trái cây hoặc trà thảo mộc.
- Suy nghĩ tích cực, lạc quan, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tâm lý căng thẳng, áp lực.
- Tập thể dục thường xuyên, đi bộ thư giãn, tập yoga hoặc thiền định để nâng cao sức đề kháng, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần.
Hy vọng bài viết này đã mang đến cho độc giả những thông tin tổng quan hữu ích về bệnh đau nửa đầu. Để bảo vệ sức bản thân, người bệnh nên thường xuyên thăm khám bác sĩ để được theo dõi, chăm sóc và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!