Phong thấp ra mồ hôi tay chân nguyên nhân do đâu? Điều trị thế nào?

Bệnh phong thấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh phong thấp trong Đông y và các bài thuốc chữa trị từ gốc

7 Cây thuốc nam chữa bệnh phong thấp theo kinh nghiệm dân gian

Bệnh phong thấp ở trẻ em có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Cách chữa bệnh phong thấp đau nhức khớp bằng lá lốt

Mắc bệnh phong thấp nên ăn gì và kiêng gì tốt cho người bệnh?

Bệnh phong thấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh phong thấp (phong tê thấp) là tên gọi dân gian để chỉ các triệu chứng đau nhức xảy ra ở cơ bắp, gân và khớp. Theo dân gian, chứng bệnh này khởi phát do vệ khí cơ thể suy giảm, tạo điều kiện cho phong, thấp và hàn xâm nhập dẫn đến rối loạn khí huyết và gây ứ trệ kinh mạch.

Bệnh phong thấp
Bệnh phong thấp (phong tê thấp) là gì?

Bệnh phong thấp là gì?

Phong thấp (phong tê thấp) là tên gọi dân gian đề cập đến chứng đau nhức xảy ra ở xương khớp, gân, cơ và bắp thịt. Theo Tây y, tên gọi này là thuật ngữ chung của các bệnh lý có thể gây đau nhức cơ thể như thoái hóa khớp, viêm khớp, loãng xương, thấp khớp và viêm khớp dạng thấp (viêm đa khớp). Tuy nhiên hiện nay, thuật ngữ này chủ yếu đề cập đến bệnh viêm đa khớp.

Chứng phong thấp thường gặp ở người trung niên và cao tuổi – đặc biệt là người phải lao động nặng, cơ thể suy nhược và sống/ làm việc trong điều kiện không khí lạnh, ẩm. Chứng bệnh này không chỉ gây đau nhức xương khớp và ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn làm phát sinh một số biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, ăn uống kém, cơ thể suy nhược, sốt nhẹ,…

Triệu chứng của bệnh phong thấp

Chứng phong thấp có biểu hiện và mức độ tương đối đa dạng phụ thuộc vào cơ địa, sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

bệnh phong thấp là gì
Phong thấp đặc trưng bởi triệu chứng đau nhức, mỏi, tê cứng và sưng đỏ khớp

Các triệu chứng điển hình, bao gồm:

  • Xuất hiện cơn đau âm ỉ đến dữ dội ở bàn tay, bàn chân, khớp gối, cổ, vai hoặc lưng
  • Cơn đau có thể xảy ra ở một khớp hoặc cũng có thể khởi phát ở nhiều khớp cùng một lúc
  • Khớp đau, nhức mỏi kèm theo hiện tượng sưng nóng, đỏ rát, tê cứng và giảm khả năng vận động
  • Một số trường hợp có thể bị phong thấp ra mồ hôi chân tay (đau nhức khớp kèm theo chứng đổ mồ hôi bất thường ở các chi)
  • Người mệt mỏi, sốt nhẹ và khó chịu
  • Bệnh kéo dài gây suy nhược, sụt cân, ăn uống kém, mất ngủ và làm giảm khả năng vận động

Các triệu chứng của bệnh phong thấp có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian. Nếu không điều trị kịp thời, ổ khớp có thể bị tổn thương nặng dẫn đến biến dạng, giảm hoặc mất hẳn chức năng vận động. Ngoài triệu chứng tại chỗ, phong thấp còn có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan khác như da, dây thần kinh, thận, phổi, mắt,…

Nguyên nhân gây phong thấp thường gặp

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra chứng phong thấp, bao gồm nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:

1. Nguyên nhân theo Đông y

Theo Đông y, chứng phong thấp gây đau nhức xương khớp được gọi chung là chứng tý. Chứng bệnh này xảy ra khi vệ khí của cơ thể suy yếu (giảm chức năng đề kháng) khiến thấp, hàn và phong xâm nhập qua da, nang lông sau đó di chuyển vào kinh lạc và đi khắp cơ thể. Từ đó khiến khí huyết rối loạn, kinh mạch tắc nghẽn, sinh ra ứ trệ và gây ra chứng phong thấp.

2. Nguyên nhân theo Tây y

Theo Tây y, bệnh phong thấp có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:

bệnh phong thấp có nguy hiểm không
Tuổi tác cao là một trong những nguyên nhân gây ra chứng phong tê thấp
  • Ảnh hưởng của tuổi tác: Tuổi tác cao là điều kiện thuận lợi để các bệnh xương khớp mãn tính bùng phát. Bởi đây là thời điểm cơ thể bước vào giai đoạn thoái hóa, mô sụn, dây chằng và các cơ quan tạo thành ổ khớp có xu hướng suy yếu, dễ tổn thương và đau nhức khi có tác động.
  • Di truyền: Phong tê thấp là bệnh xương khớp có khả năng di truyền cao. Hầu hết người mắc bệnh đều có tiền sử gia đình mắc bệnh lý này hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến cơ chế tự miễn.
  • Sụt giảm estrogen: Estrogen không chỉ chi phối chức năng sinh lý và sinh sản của nữ giới mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và hệ thống xương khớp. Sụt giảm hormone này khiến xương khớp suy yếu, nhanh thoái hóa và dễ bị tổn thương. Estrogen suy giảm cộng với ảnh hưởng của quá trình thoái hóa là nguyên nhân phổ biến nhất gây phong thấp ở phụ nữ.
  • Tính chất công việc: Phong tê thấp thường xảy ra ở người phải lao động nặng nhọc hoặc người làm việc trong môi trường có độ ẩm như công nhân dệt may, nhân viên chế biến thủy, hải sản,…
  • Ảnh hưởng của nhiễm trùng: Thực tế, phong thấp cũng có thể là hệ quả do cơ thể nhiễm virus cúm, vi khuẩn, Parvo virus B19, Epsein Barr,… Các bệnh viêm nhiễm thường chỉ gây đau nhức cơ thể trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu không điều trị dứt điểm, virus và vi khuẩn có thể di chuyển đến ổ khớp gây sưng đỏ, tổn thương mô sụn và làm giảm chức năng vận động.
  • Thời tiết thay đổi: Tình trạng đau nhức do phong tê thấp thường xảy ra khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Theo lý giải từ các chuyên gia, nhiệt độ lạnh khiến mạch máu co lại, từ đó khiến khớp thiếu oxy, dưỡng chất dẫn đến giảm hoạt động sản sinh dịch nhờn. Những ảnh hưởng này chính là nguyên nhân trực tiếp khiến ổ khớp bị đau nhức, tê cứng và khó khăn khi vận động vào giai đoạn chuyển mùa.
  • Một số yếu tố thuận lợi: Nguy cơ bị phong tê thấp có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi như thừa cân – béo phì, lười vận động, mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn nghèo dinh dưỡng, thường xuyên sử dụng rượu bia, cơ thể suy nhược, khả năng miễn dịch kém,…

Bệnh phong thấp có nguy hiểm không?

Phong tê thấp là chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh có tiến triển chậm, mãn tính và dai dẳng. Bệnh lý này không chỉ gây tổn thương mô sụn và làm giảm khả năng vận động mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác như da, mạch máu, phổi, thận,…

Vì vậy nếu không điều trị kịp thời, bệnh phong thấp có thể gây ra nhiều biến chứng khôn lường như biến dạng khớp, teo cơ, mất khả năng vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

phong tê thấp
Phong thấp gây đau nhức nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và chất lượng giấc ngủ

Ngoài ra, bệnh lý này còn gây đau nhức, sưng đỏ, tê cứng khớp, dẫn đến giảm hiệu suất lao động, đồng thời tác động không nhỏ đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, cơn đau do bệnh phong tê thấp có xu hướng bùng phát mạnh về đêm (do nhiệt độ giảm và độ ẩm tăng). Tình trạng này không chỉ gây mệt mỏi, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Các phương pháp điều trị bệnh phong thấp phổ biến

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh phong thấp. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Vì vậy, bác sĩ sẽ cân nhắc về mức độ triệu chứng, giai đoạn phát triển của bệnh, tình trạng sức khỏe và độ tuổi của bệnh nhân để chỉ định phương pháp phù hợp.

Mặc dù có nhiều phương pháp chữa trị nhưng trên thực tế, các phương pháp này chỉ hỗ trợ giảm triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có biện pháp điều trị phong tê thấp dứt điểm.

1. Điều trị phong thấp theo Tây y

Điều trị phong tê thấp theo Tây y có ưu điểm tác dụng nhanh, tiện lợi và hiệu quả đồng nhất do ít phụ thuộc vào cơ địa. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc Tây đều gây hại lên gan, thận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu lạm dụng trong thời gian dài.

phong thấp là bệnh gì
Điều trị bằng Tây y cho tác dụng nhanh chóng và hiệu quả tương đối đồng nhất

Các phương pháp điều trị phong tê thấp theo Tây y được áp dụng phổ biến hiện nay:

  • Sử dụng thuốc: Dùng thuốc là phương pháp điều trị chính đối với bệnh phong tê thấp. Trong đó, thuốc chống thấp khớp (DMARDs) có khả năng làm chậm tiến triển của bệnh và bảo vệ mô sụn. Các loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm steroid và không steroid được sử dụng để cải thiện triệu chứng trong thời gian chờ hiệu lực của DMARDs. Đối với những trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc sinh học.
  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu là phương pháp có tác dụng chậm nhưng cho hiệu quả lâu dài. Các kỹ thuật trong phương pháp này (nhiệt trị liệu, tập vật lý trị liệu, sử dụng sóng siêu âm,…) có khả năng giảm đau, thúc đẩy tuần hoàn máu và cải thiện chức năng vận động đáng kể.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp phong tê thấp đã phát sinh biến chứng (biến dạng khớp, sụn khớp bị bào mòn hoàn toàn,…), bác sĩ có thể đề nghị can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật được thực hiện nhằm phục hồi cấu trúc ổ khớp, giảm chèn ép lên dây chằng, mô mềm bao xung quanh và cải thiện khả năng vận động.

Điều trị phong tê thấp bằng Tây y cho hiệu quả nhanh và tương đối đồng nhất. Tuy nhiên, các phương pháp từ Tây y thường có chi phí cao, gây hại lên gan thận và dễ phát sinh tác dụng ngoại ý nếu thiếu thận trọng khi áp dụng.

2. Sử dụng thuốc nam chữa phong thấp

Đối với chứng phong tê thấp có mức độ nhẹ và cơn đau không đáng kể, bệnh nhân có thể sử dụng một số cây thuốc nam có tính ấm để tán phong hàn, thúc đẩy tuần hoàn, giải phóng ứ trệ và giảm đau nhức xương khớp.

phong thấp là bệnh gì
Chữa bệnh phong thấp bằng thuốc nam thích hợp với những trường hợp có mức độ nhẹ
  • Bài thuốc từ lá chìa vôi và lá lốt: Lá chìa vôi và lá lốt đều có tác dụng giải độc, hành huyết, trừ phong hàn, tán kết và thông kinh. Nhân dân thường sử dụng 15g lá lốt và 20g lá chìa vôi rửa sạch, sắc uống hằng ngày để giảm đau nhức do phong tê thấp gây ra.
  • Chườm ngải cứu và muối hạt: Ngải cứu có tính ấm, tác dụng trấn thống (giảm đau), tiêu viêm, khứ hàn và cầm máu. Trong khi đó, muối hạt có tác dụng giảm viêm và đưa thuốc vào kinh mạch. Chườm đắp ngải cứu và muối biển lên vùng khớp đau nhức có thể giảm cơn đau, tê bì và cải thiện một số triệu chứng đi kèm. Ngoài tác dụng chữa phong tê thấp, bài thuốc này còn được áp dụng để giảm đau bụng kinh và đau do chấn thương.
  • Rượu gừng: Ngâm gừng với rượu trắng trong 30 ngày rồi dùng dịch rượu xoa bóp có thể cải thiện triệu chứng đau nhức và tê cứng ổ khớp do phong tê thấp. Cả gừng và rượu đều có tính ấm, tác dụng hành khí, tiêu viêm, sát trùng và trấn thống (kiểm soát cơn đau).

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng một số cây thuốc nam khác như thiên niên kiện, lá trầu không, dây đau xương, vòi voi, rễ bưởi bung, cỏ xước,… để giảm đau nhức, cứng khớp và tê bì do chứng phong tê thấp gây ra.

Mặc dù có độ an toàn cao nhưng các bài thuốc nam chữa phong thấp chỉ có hiệu quả đối với trường hợp bệnh nhẹ. Vì vậy nếu cơn đau có mức độ nặng, ổ khớp bị tổn thương và sưng đỏ nhiều, nên phối hợp với các phương pháp từ Tây y để kịp thời kiểm soát và ngăn chặn tiến triển của bệnh.

3. Đông y điều trị bệnh phong thấp

Khác với Tây y, Đông y chia chứng phong tê thấp thành nhiều thể bệnh tùy thuộc căn nguyên và biểu hiện lâm sàng. Sau đó, sử dụng bài thuốc có tác dụng tương ứng nhằm cải thiện căn nguyên, điều hòa khí huyết và làm giảm đau nhức, tê bì,…

phong thấp là bệnh gì
Bài thuốc Đông y trị phong tê thấp có tác dụng giảm đau, bồi bổ khí huyết và nâng cao vệ khí

Một số bài thuốc Đông y điều trị phong thấp được áp dụng phổ biến:

  • Bài thuốc Đông y trị phong thấp thể hành tý (phong tý): Chuẩn bị ý dĩ, uy linh tiên, đương quy, khương hoạt, tỳ giải và phòng phong mỗi thứ 12g, tần giao, bạch chỉ, ma hoàng, quế chi và bạch linh mỗi thứ 8g, thổ phục linh, thương nhĩ tử và hy thiêm mỗi thứ 16g. Đem dược liệu sắc uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi. Bài thuốc này thích hợp với người bị đau nhiều khớp, rêu lưỡi trắng, mạch phù và sợ gió.
  • Bài thuốc Đông y chữa phong tê thấp thể thống tý (hàn tý): Dùng bạch linh, xương truật, ma hoàng, can khương, hoàng kỳ, ngưu tất, quế chi, thiên niên kiện, uy linh tiên, xuyên khung và bạch thược mỗi thứ 8g, thương nghĩ tử và ý dĩ mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang. Bài thuốc thể hàn tý thích hợp với người bị đau dữ dội tại một khớp cố định, tay chân lạnh, người sợ lạnh, mức độ đau tăng lên khi trời lạnh và giảm đáng kể khi chườm ấm.
  • Bài thuốc Đông y trị phong thấp thể thấp tý (trước tý): Thể thấp tý đặc trưng bởi triệu chứng đau mỏi cơ bắp và khớp (thường là một khớp) đi kèm với hiện tượng tê bì và khó khăn khi vạn động, mạch nhu hoãn và miệng nhạt. Với thể bệnh này, dùng xương truật, bạch chỉ, đẳng sâm, đan sâm, hoàng kỳ và ngũ gia bì mỗi thứ 12g, phòng phong, ma hoàng, ngưu tất, độc hoạt, khương hoạt, xuyên khung, quế chi và ô dược mỗi thứ 8g, ý dĩ 16g, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

Các bài thuốc Đông y điều trị phong tê thấp không chỉ cải thiện triệu chứng tại chỗ mà còn hỗ trợ nâng cao vệ khí, bồi bổ khí huyết và giảm mệt mỏi. Để tăng hiệu quả, có thể kết hợp các bài thuốc này cùng với bài thuốc chườm đắp từ các cây thuốc nam. Hoặc phối hợp với xoa bóp bấm huyệt, châm cứu để giảm đau nhức và cải thiện chức năng vận động.

Lối sống dành cho người bị phong thấp

Phong tê thấp là chứng bệnh mãn tính, tiến triển dai dẳng và chưa thể điều trị hoàn toàn. Vì vậy bên cạnh các phương pháp chữa trị, bệnh nhân nên phối hợp với lối sống khoa học để kiểm soát triệu chứng, bảo tồn chức năng khớp và hỗ trợ phòng ngừa biến chứng.

phong thấp là bệnh gì
Nên tập luyện đều đặn để cải thiện triệu chứng, ngăn chặn tiến triển và bảo tồn chức năng vận động

Lối sống khoa học dành cho bệnh nhân phong tê thấp:

  • Chủ động thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần tham vấn y khoa trước khi áp dụng các biện pháp từ thảo dược tự nhiên để đảm bảo hiệu quả và dự phòng các tình huống rủi ro.
  • Tránh các hoạt động làm tăng mức độ cơn đau và kích thích bệnh tiến triển nhanh như lao động quá mức, tư thế sai lệch, mang vác vật nặng, cồng kềnh,… Ngoài ra, cần cân nhắc thay đổi công việc nếu chứng phong thấp có liên quan đến tính chất nghề nghiệp.
  • Kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân – béo phì. Cân nặng vượt mức có thể làm tăng áp lực lên ổ khớp khiến khớp đau nhức, sưng đỏ và nóng rát dữ dội. Tình trạng này kéo dài còn tăng nguy cơ biến dạng khớp và giảm khả năng vận động.
  • Nên bổ sung các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, sữa chua, trái cây, thực phẩm chứa vitamin D, canxi, khoáng chất, đạm, vitamin,… để tái tạo, phục hồi sụn và cải thiện độ chắc khỏe của xương khớp. Hạn chế sử dụng rượu bia, thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, gia vị, chất bảo quản và tránh hút thuốc lá.
  • Dành 20 – 30 phút/ ngày để tập thể dục. Người bị phong thấp nên thực hiện các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, yoga, thái cực quyền,… Hoặc tập các động tác vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Giữ ấm cơ thể và hạn chế di chuyển ngoài trời trong giai đoạn thời tiết chuyển lạnh đột ngột, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao.

Bệnh phong thấp có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động, sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và điều trị sớm để kiểm soát triệu chứng, bảo tồn ổ khớp và duy trì chức năng vận động. Tình trạng chủ quan có thể khiến khớp bị tổn thương nặng, biến dạng và có nguy cơ tàn phế cao.

Cùng chuyên mục

Bệnh phong thấp trong Đông y và các bài thuốc chữa trị từ gốc

Các bài thuốc Đông y chữa bệnh phong thấp có tác dụng chính là trừ thấp, khu phong, tán hàn, bồi bổ khí huyết và hành khí. Áp dụng các...

Bệnh phong thấp ở trẻ em có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Bệnh phong thấp ở trẻ em là tình trạng khớp xương của trẻ bị viêm nhiễm dẫn đến tổn thương. Đây không phải là bệnh lý xảy ra phổ biến,...

Cách chữa bệnh phong thấp đau nhức khớp bằng lá lốt

Áp dụng cách chữa bệnh phong thấp đau nhức khớp bằng lá lốt, người bệnh sẽ sớm cải thiện được các triệu chứng đau nhức, sưng tấy, ửng đỏ khớp...

Phong thấp ra mồ hôi tay chân

Phong thấp ra mồ hôi tay chân nguyên nhân do đâu? Điều trị thế nào?

Bệnh phong thấp ra mồ hôi tay chân là bệnh lý xảy ra hầu hết ở mọi lứa tuổi, mặc dù bệnh không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Ẩn