Bệnh tiểu đường: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
Nội Dung Bài Viết
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý tương đối phổ biến ở Việt Nam. Bệnh khởi phát ở nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bệnh có thể nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng như khô miệng, sụt cân không rõ nguyên nhân, thường xuyên đi tiểu, khát nước, ngứa da,… Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ sớm cải thiện và nhanh chóng hồi phục lại sức khỏe. Trường hợp để bệnh kéo dài và không chữa trị, người bệnh có thể gặp những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh tiểu đường là gì? Có mấy loại?
Bệnh tiểu đường còn có tên gọi khác là bệnh đái tháo đường. Đây là một bệnh mãn tính thường gặp, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính và độ tuổi nhưng nhiều nhất vẫn là người cao tuổi và béo phì. Khi mắc phải, cơ thể người bệnh sẽ luôn trong trạng thái thiếu hụt insulin hoặc đề kháng insulin, dẫn đến tình trạng rối loạn khả năng chuyển hóa đường trong máu.
Ngoài ra, khi bị tiểu đường, cơ thể người bệnh sẽ không chuyển hóa được những chất đường có trong thực phẩm ăn hằng ngày sang năng lượng một cách hiệu quả. Từ đó, khiến cho lượng đường tích tụ ngày càng nhiều trong máu. Khi lượng đường trong máu cao quá mức cần thiết trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc những bệnh về tim mạch. Đồng thời gây tổn thương những cơ quan trong cơ thể như thần kinh, thận, mắt,… hoặc mắc phải những bệnh lý nghiêm trọng khác.
Thông thường, bệnh tiểu đường sẽ được chia ra làm 3 loại chính. Cụ thể như sau:
- Bệnh tiểu đường type 1: Những người bị tiểu đường type 1 sẽ có nguyên nhân gây bệnh do sự bất thường của các tế bào β đảo Langerhans khiến cơ thể giảm hoặc không tiết insulin. Tiểu đường type 1 khá ít gặp. Trong đó, trẻ nhỏ và người trẻ (thường dưới 20 tuổi) chiếm khoảng 5 – 10% trên tổng số ca mắc bệnh.
- Bệnh tiểu đường type 2: Những người bị tiểu đường type 2 sẽ có cơ thể đề kháng với insulin. Tức là cơ thể vẫn có khả năng sản xuất insulin nhưng lại không chuyển hóa glucose được. Theo thống kê thì trên thế giới có trên 90% số người bị tiểu đường thuộc type 2.
- Bệnh tiểu đường thai kì: Những người bị tiểu đường thai kì thường có nguyên nhân là do những bất thường trong quá trình trao đổi chất carbohydrate. Bệnh thường biến mất sau khi thai phụ sinh con nếu điều trị kịp thời và đúng cách. Nếu để kéo dài lâu, bệnh có thể khiến mẹ và bé gặp những ảnh hưởng xấu.
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường rất đa dạng, trong đó có thể kể đến yếu tố di truyền, môi trường, cân nặng, chế độ dinh dưỡng,… Tùy từng loại tiểu đường mà nguyên nhân gây bệnh sẽ không giống nhau. Cụ thể:
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 1
Hiện tại, nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 1 vẫn chưa được giới y học xác định chính xác. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu ban đầu thì có thể là do sự kết hợp giữa yếu tố môi trường và di truyền. Trong đó, các đối tượng thuộc nhóm dưới đây sẽ có nguy cơ bị tiểu đường type 1 cao nhất:
- Người tiếp xúc với một số loại virus gây bệnh
- Người có các thành viên trong gia đình như cha mẹ, anh chị em bị tiểu đường type 1
- Người có cơ thể xuất hiện các kháng thể của bệnh tiểu đường
- Trẻ dưới 4 tháng tuổi uống nhiều sữa bò hoặc thiếu vitamin D
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2
Tương tự như bệnh tiểu đường type 1, bệnh tiểu đường type 2 cũng chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh chính xác. Nhưng theo thống kê, các chuyên gia đã tìm được mối liên quan mật thiết giữa loại bệnh này và những người béo phì. Tức là nguyên nhân tiểu đường type 2 có thể xuất phát từ việc thừa cân.
Tuy nhiên, không phải ai béo phì cũng bị tiểu đường type 2 vì còn có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nhưng để phòng tránh bệnh và đảm bảo sức khỏe tốt nhất, mọi người nên cố gắng giữ cơ thể ở mức cân nặng hợp lý. Tránh để thừa cân, bởi đây còn là nguyên nhân khiến mọi người dễ mắc bệnh tim mạch, huyết áp,…
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kì
Khi mang thai, cơ thể của người mẹ có thể sẽ phải tăng cường sản xuất hormone insulin để duy trì mức đường ổn định trong máu. Nhưng trong một vài trường hợp, cơ thể thai phụ không thể tự sản xuất đủ hàm lượng insulin, làm cho lượng đường trong máu tăng và gây bệnh tiểu đường thai kì.
Đặc biệt, những đối tượng thuộc nhóm dưới đây sẽ có nguy cơ vị tiểu đường thai kì cao hơn người bình thường:
- Phụ nữ mang thai sau tuổi 30
- Người có gia đình có tiền sử bị tiểu đường type 2
- Người có tiền sử bị tiểu đường trong những lần mang thai trước đó
- Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì trước và trong suốt quá trình mang thai
Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường thường không quá rõ ràng như một số loại bệnh khác. Một số người chỉ có thể phát hiện ra mắc bệnh khi làm các xét nghiệm hoặc khi bệnh chuyển biến nặng và xuất hiện các biến chứng. Dưới đây là một số dấu hiệu cơ bản và thường gặp nhất của người bị tiểu đường:
- Mệt mỏi và đói: Điều này là do cơ thể người bệnh không tạo ra đủ insulin hoặc những tế bào trong cơ thể đang đề kháng lại các insulin được tạo ra, khiến cho đường (glucose) không xâm nhập được vào chúng. Dẫn đến tình trạng cơ thể không có đủ năng lượng để hoạt động, khiến người bệnh mệt mỏi và đói hơn bình thường.
- Sụt cân: Dấu hiệu này xảy ra khá phổ biến, người bệnh dù ăn rất nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng vẫn liên tục sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Khát nước và thường xuyên đi tiểu: Khi bị tiểu đường, lượng đường huyết trong máu người bệnh sẽ tăng cao hơn bình thường, mà thận lại không thể đưa chúng trở về mức ổn định. Lúc này cơ thể sẽ tạo ra nhiều nước tiểu, khiến người bệnh mất nước, dẫn đến khát nước và thường xuyên đi tiểu.
- Khô miệng và ngứa da: Điều này là do khi bị tiểu đường, cơ thể người bệnh sẽ dùng chất lỏng để đi tiểu, khiến cơ thể bị mất nước “nghiêm trọng”. Đồng thời độ ẩm trên da và các thứ khác sẽ còn rất ít, dẫn đến tình trạng khô miệng và ngứa da.
- Thị lực suy giảm: Việc thay đổi lượng chất lỏng trong cơ thể có thể khiến tròng kính trong mắt của người bị tiểu đường sưng lên, dẫn đến tình trạng thị lực bị suy giảm, mắt mờ và không nhìn thấy rõ.
- Vết thương chậm lành: Khi bị tiểu đường, lượng đường trong máu người bệnh tăng cao, làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu. Đồng thời các dây thần kinh cũng bị gây tổn thương, khiến các vết thương chậm lành.
- Nhiễm trùng nấm men: Dấu hiệu này có thể xảy ra ở cả phụ nữ và đàn ông và thường xuất hiện ở những khu vực có nếp gấp ẩm và ấm trên da. Ví dụ như dưới ngựa, giữa ngón chân hoặc ngón tay, xung quanh hoặc bên trong cơ quan sinh dục,….
Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?
Bệnh tiểu đường có thể khiến người bệnh gặp phải những biến chứng nguy hiểm về mắt, thần kinh, tim mạch, thận,.. nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Một số trường hợp nặng có thể làm giảm tuổi thọ, khiến người bệnh dễ tử vong hơn bình thường. Cụ thể:
- Biến chứng về mắt: Khi bị tiểu đường, những mạch máu trong võng mạc của người bệnh có thể bị tổn thương, khiến người bệnh dễ mắc các bệnh như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể,… Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa.
- Biến chứng về thần kinh: Lượng đường (glucose) dư thừa trong máu trong thời gian dài có thể làm tổn thương những mạch máu nhỏ làm nhiệm vụ nuôi dưỡng các dây thần kinh, đặc biệt nhất là ở chân. Khiến người bệnh bị tê, ngứa hoặc đau ở các đầu ngón chân và ngón tay, sau đó lan rộng ra. Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể sẽ bị mất cảm giác.
- Biến chứng về tim mạch: Đây là biến chứng phổ biến nhất của người bị tiểu đường. Khi mắc phải, người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách sẽ có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch, đau tim, cao huyết áp, đột quỵ,…
- Biến chứng về thận: Bệnh tiểu đường có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng đến những tổ chức của thận. Nếu để bệnh kéo dài càng lâu, người bệnh sẽ dễ bị mắc bệnh liên quan đến thận, tiêu biểu là suy thận.
- Một số biến chứng khác: Ngoài những biến chứng trên thì người bị tiểu đường còn có thể gặp các biến chứng khác như: Hạ đường huyết, nhiễm trùng ở nhiều vùng trên cơ thể, hôn mê, mắc bệnh Alzheimer,…
Riêng đối với phụ nữ mang thai đang mắc tiểu đường thai kì sẽ không quá nguy hiểm nếu được điều trị sớm và đúng phương pháp. Trường hợp chủ quan, để bệnh kéo dài và không chữa trị thì mẹ bầu và thai nhi sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Đối với thai nhi: Kích thước đứa bé trong bụng sẽ lớn hơn so nhiều so với tuổi thai, mẹ bầu bắt buộc không được sinh thường mà phải sinh mổ. Đứa bé sau khi sinh ra có thể gặp tình trạng lượng đường (glucose) trong máu thấp, khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và béo phì tăng cao. Trong một số trường hợp, đứa bé còn có thể tử vong trước hoặc sau khi sinh.
- Đối với mẹ bầu: Dễ mắc phải chứng tiền sản giật, khiến mẹ bầu và thai nhi đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, trường hợp nặng có thể đe dọa đến tính mạng. Về sau, mẹ bầu sẽ dễ mắc lại bệnh tiểu đường thai kì trong lần mang thai kế tiếp hoặc khi già đi sẽ bị tiểu đường type 2.
Phương pháp chuẩn đoán bệnh tiểu đường
Khi nghi ngờ bị tiểu đường, người bệnh nên đến các bệnh viện uy tín thăm khám để biết kết quả chính xác nhất. Tại đây, các bác sĩ sẽ cho người bệnh làm xét nghiệm A1C hoặc xét nghiệm glucose huyết tương khi đói (FPG). Mỗi xét nghiệm sẽ có những ưu điểm và mức chi phí khác nhau. Người bệnh có thể nhờ bác sĩ tư vấn rõ trước khi tiến hành. Cụ thể:
- Xét nghiệm A1C: Đưa ra được phác đồ lượng đường trong máu của người bệnh trong khoảng 3 tháng gần nhất.
- Xét nghiệm glucose huyết tương khi đói (FPG): Đo được lượng đường trong máu người bệnh sau khi nhịn ăn trong khoảng 8 giờ.
Ngoài ra, đối với thai phụ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lượng đường huyết trong cơ thể vào khoảng tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ bằng cách làm một trong hai xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm dung nạp glucose 3 giờ: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lượng đường huyết sau khi thai phụ nhịn ăn qua đêm (được uống nước đường).
- Xét nghiệm dung nạp glucose: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lượng đường huyết sau khi thai phụ uống nước đường khoảng 1 giờ.
Cách điều trị bệnh tiểu đường
Hiện nay có rất nhiều cách để điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, chỉ có thể làm giảm tình trạng bệnh và cải thiện sức khỏe bằng việc kiểm soát triệu chứng bệnh và hạn chế tối đa khả năng cơ thể gặp các biến chứng nguy hiểm. Hoàn toàn không thể điều trị dứt điểm 100%.
Tùy thuộc vào cơ địa, mức độ bệnh và loại tiểu đường mắc phải mà người bệnh sẽ chọn cách điều trị phù hợp nhất. Đối với các trường hợp nhẹ hoặc mới khởi khởi phát, người bệnh có thể dùng các bài thuốc nam để chữa trị tại nhà. Các trường hợp khác (tốt nhất là mọi trường hợp) nên sử dụng thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ.
Dùng các bài thuốc nam
Dùng các bài thuốc nam để chữa bệnh tiểu đường đã được khá nhiều người áp dụng (trừ phụ nữ mang thai) vì đơn giản, dễ thực hiện tại nhà, lại khá an toàn và có mức chi phí hợp lý. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị thường đến chậm, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì thực hiện và làm đúng hướng dẫn. Tuyệt đối không nôn nóng mà sử dụng quá liều, dễ khiến cơ thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
Khổ qua rừng: Tác dụng chính là giảm lượng đường (glucose) trong máu, tăng khả năng tự sản xuất insulin ở tuyến tụy (đối với người bị tiểu đường type 1), cải thiện sự dung nạp đường (glucose) ở người bị tiểu đường type 2, chống oxy hóa,…
Cách thực hiện: Khổ qua rừng sau khi mua về thì rửa sạch, loại bỏ hạt và dùng dao cắt thành từng lát nhỏ. Sau đó ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 5 phút rồi vớt ra, để ráo nước và cho vào máy xay sinh tố cùng một chút nước lọc để xay nhuyễn. Cuối cùng, lọc lấy nước cốt và bỏ đi phần bả, cho thêm một vài giọt chanh để tăng thêm hương vị. Mỗi ngày uống một ly vào buổi sáng khi bụng đói để đạt kết quả điều trị bệnh tốt nhất.
Lá ổi: Theo các nghiên cứu mới nhất thì trong lá ổi chứa rất nhiều hoạt chất có lợi cho người bị tiểu đường. Người bệnh chỉ cần bổ sung vào cơ thể đúng cách sẽ giảm được lượng đường (glucose) trong máu. Đồng thời làm chậm sự hấp thu đường sucrose và maltose – một trong những nguyên nhân có thể sinh ra bệnh tiểu đường.
Cách thực hiện: Rửa sạch lá ổi với nước muối pha loãng. Sau đó cho vào nồi đun sôi cùng một lượng nước vừa đủ. Khi các hoạt chất trong lá ổi ra hết thì tắt bếp. Cuối cùng chờ cho nước lá ổi bớt nóng thì tiến hành uống và bỏ đi phần bã. Thực hiện đều đặn mỗi ngày và không ngắt quãng thì sau một khoảng thời gian ngắn bệnh sẽ thuyên giảm.
Dây thìa canh: Thành phần Acid Gymnemic trong dây thìa canh có tác dụng kích thích sản sinh ra một loại hormone làm nhiệm vụ chuyển hóa glucose ở tuyến tụy, giúp cải thiện tốt bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, dây thìa canh còn có tác dụng chống khuẩn, kháng viêm, tăng khả năng tiết hormone insulin ở tuyến tụy và giúp ổn định lượng đường huyết trong máu.
Cách thực hiện: Cho 50 gram dây thìa canh khô vào nồi nấu với 1 lít nước lọc. Đun sôi hỗn hợp trong khoảng 10 phút thì tắt bếp. Sau đó rót lấy nước uống sau bữa ăn khoảng 30 phút. Thực hiện liên tục trong khoảng 7 – 15 ngày sẽ thấy bệnh cải thiện dần.
Sử dụng thuốc tây
Sử dụng thuốc tây là một trong những cách điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả nhất hiện nay. Tùy từng loại bệnh, mức độ bệnh và cơ địa mà bác sĩ sẽ tiến hành kê cho người bệnh những loại thuốc khác nhau. Người bệnh chỉ cần tuân theo chỉ dẫn thì bệnh tình sẽ thuyên giảm nhanh chóng và sức khỏe sớm ổn định trở lại. Cụ thể:
- Người bị tiểu đường type 1: Thường được chỉ định sử dụng insulin nhân tạo để điều trị bệnh. Mục đích là thay thế cho những hormone insulin mà cơ thể bị thiếu hụt hoặc không tự sản xuất được. Tiêu biểu là insulin tác dụng ngắn, insulin tác dụng trung bình, insulin tác dụng nhanh, insulin tác dụng dài,…
- Người bị tiểu đường type 2: Thường bác sĩ kê các loại thuốc có tác dụng giảm lượng đường huyết trong cơ thể. Ví dụ như Meglitinide, Sulfonylureas, Alpha-glucosidase, Thiazolidinedione, nhóm thuốc Biguanide, chất ức chế SGLT2, nhóm thuốc ức chế men DPP 4,…
Lưu ý: Những loại thuốc tây trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh chỉ được sử dụng khi được sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua về sử dụng tại nhà để tránh gặp phải những tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Biện pháp phòng tránh bệnh tiểu đường
Thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh tiểu đường tại nhà giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất và hạn chế khả năng mắc một số bệnh lý nguy hiểm khác. Cụ thể là:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý để kiểm soát tốt cân nặng, tránh được tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
- Dành đủ thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Theo một số nghiên cứu, người thiếu ngủ sẽ có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn người ngủ đủ giấc (khoảng 8 tiếng/ngày).
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Việc này sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng được sức đề kháng và phòng tránh được một số bệnh lý, trong đó có tiểu đường.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh để stress và căng thẳng kéo dài bằng cách thực hiện những bài tập thở hoặc ngồi thiền mỗi ngày. Việc này sẽ góp phần hạn chế tối đa khả năng bị tiểu đường.
- Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Mỗi ngày, một người trưởng thành cần khoảng 2 – 3 lít nước để đủ độ ẩm và thanh lọc cơ thể. Đồng thời hạn chế việc thèm ăn các thực phẩm nhiều đường.
- Ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh. Hạn chế ăn đường, bánh kẹo hoặc uống nước ngọt. Ngoài ra nên thêm quế vào thực đơn hằng ngày để ổn định lượng đường huyết trong cơ thể.
Bệnh tiểu đường tuy là một bệnh mãn tính, không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn nhưng nếu người bệnh có phương pháp chữa trị phù hợp sẽ cải thiện tốt tình trạng sức khỏe. Bên cạnh đó, khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra để có phác đồ điều trị thích hợp nhất, giúp bệnh tình sớm thuyên giảm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!