Bệnh trầm cảm có tái phát không? Nguyên nhân và cách xử lý
Nội Dung Bài Viết
Nhiều bệnh nhân thắc mắc: “Bệnh trầm cảm có tái phát không?” Theo các chuyên gia, khả năng tái phát của căn bệnh này rất cao. Đợt sau thường tồi tệ hơn đợt trước và có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề, đặc biệt là hành vi tự làm đau bản thân hoặc nảy sinh ý định tự tử.
Bệnh trầm cảm có tái phát không?
Kết quả một số thống kê cho thấy, sau khi chữa khỏi, bệnh trầm cảm vẫn có thể tái phát một lần (hoặc nhiều lần) trong cuộc đời người bệnh. Tình trạng trầm cảm tái phát xuất hiện khi những triệu chứng bắt đầu quay trở lại sau khoảng ít nhất 4 tháng điều trị thành công.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tỷ lệ tái phát phụ thuộc vào số lần bệnh nhân đối mặt với chứng trầm cảm. Cụ thể, rủi ro tái phát ở những người bị trầm cảm lần đầu là 50%. Trong khi đó, nguy cơ tái phát cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm lần 2, lần 3, với tỷ lệ lần lượt là 70% và 90%.
Trên thực tế, trầm cảm tái phát và trầm cảm tái diễn là hai tình trạng đặc biệt phổ biến. Tuy mang nhiều đặc điểm tương đồng nhưng chúng không đồng nhất với nhau.
Bệnh trầm cảm sẽ hồi phục sau khi các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất trong tối thiểu 4 tháng. Trầm cảm tái diễn được hình thành khi một đợt trầm cảm mới xuất hiện sau khi bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục. Trong khi đó, dưới góc độ lâm sàng, khái niệm trầm cảm tái phát mô tả sự quay lại của các triệu chứng sau khi chúng thuyên giảm vào thời điểm trước khi người bệnh hồi phục hoàn toàn.
Khi bệnh trầm cảm tái phát, người bệnh cần dùng lại thuốc điều trị. Để giảm thiểu tần suất tái phát về sau, căn cứ vào số lần tái phát trầm cảm trước đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định họ tuân thủ một phác đồ chữa bệnh đủ dài. Đối với những trường hợp tỷ lệ tái phát quá cao, bệnh nhân có thể buộc phải uống thuốc chống trầm cảm suốt đời.
“Bệnh trầm cảm có tái phát không?” Câu trả lời là có. Hơn nữa, có một sự thật đáng buồn là bệnh trầm cảm rất dễ tái phát ở trẻ em.
Báo cáo Sức khỏe Vị thành niên Thế giới vào năm 2014 khẳng định, trầm cảm chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật và gây ra tàn tật phổ biến nhất ở lứa tuổi vị thành niên (10 – 19 tuổi). Trong đó, hơn một nửa các dạng rối loạn tâm thần đều xuất hiện trước khi người bệnh 14 tuổi nhưng đều bị xem thường hoặc bỏ sót.
Theo các chuyên gia, bệnh trầm cảm có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Những trẻ em từng trải qua một đợt trầm cảm trước đây có nguy cơ đối mặt với đợt tiếp theo trong vòng 5 năm. Viện Hàn lâm Tâm thần Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết, khoảng 6 – 10% trẻ em mắc bệnh trầm cảm, trong đó có 2% trẻ nhỏ và 4 – 8% trẻ vị thành niên. Trung bình, cứ 10 người trẻ từ 16 tuổi trở lên thì có 1 trường hợp bị bệnh này.
Biểu hiện bệnh trầm cảm tái phát
Khi tái phát, các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể không giống lắm với những dấu hiệu nhận biết trong lần xuất hiện đầu tiên. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi cẩn thận mọi biểu hiện bất thường, chủ động thăm khám và tích cực điều trị càng sớm càng tốt. Nhìn chung, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy:
- Khó chịu, cáu gắt, bực bội, tức giận, nhất là đối với người thân, bạn bè
- Giảm/mất hứng thú với những sở thích, thói quen hoặc những điều mà bạn từng quan tâm/say mê
- Mất dần khoái cảm trong chuyện vợ chồng
- Khó tập trung, thiếu quyết đoán, không thể suy nghĩ rõ ràng, mạch lạc
- Mất ngủ hoặc ngủ nhiều
- Tránh né xã hội, cảm thấy lạc lõng hoặc bị cô lập giữa đám đông, không muốn tiếp xúc với người khác, chất lượng của các mối quan hệ xã hội dần đi xuống theo thời gian
- Nhạy cảm, dễ khóc, cảm giác mệt mỏi, vô vọng, nảy sinh nhiều cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực từ 2 tuần trở lên
- Cho rằng bản thân vô dụng, không có giá trị, không xứng đáng với những điều tốt lành trong cuộc sống, lòng tự trọng bị hạ thấp rõ rệt
- Chán ăn (dẫn đến tình trạng sút cân) hoặc ăn nhiều (gây ra hiện tượng tăng cân)
- Mệt mỏi, chán nản, kiệt sức
Nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm tái phát
Dù là trầm cảm tái phát hay trầm cảm tái diễn thì khoảng một nửa trường hợp từng mắc bệnh trầm cảm sẽ phải hứng chịu nhiều đợt trầm cảm sau này. Những sự kiện mới mẻ, bất định luôn khiến chúng ta lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, đó không phải là toàn bộ nguyên nhân dẫn đến sự trở lại của căn bệnh trầm cảm.
Thông thường, những yếu tố khiến bệnh trầm cảm tái phát đều mang tính cá nhân. Chẳng hạn, một yếu tố nhất định có thể quá khó khăn, áp lực với người này nhưng lại không quá phức tạp, tiêu cực đối với người khác. Bệnh trầm cảm chỉ tái phát khi yếu tố này vượt quá khả năng chịu đựng, giải quyết và đối mặt của bệnh nhân. Các tác nhân có thể giúp căn bệnh trầm cảm tái phát bao gồm:
Ngưng điều trị
Hầu hết bệnh nhân bị trầm cảm tái phát từng bỏ dở liệu trình điều trị. Khi bắt đầu cảm thấy khỏe mạnh trở lại, họ quyết định dừng uống thuốc và ngừng trị liệu tâm lý. Hậu quả là, những triệu chứng chỉ vừa thuyên giảm sẽ quay lại ngay sau đó, để rồi đẩy người bệnh vào một đợt trầm cảm mới tồi tệ hơn.
Ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc – đúng giờ, thường xuyên luyện tập thể dục – thể thao, hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia là những phương pháp hỗ trợ quá trình chữa bệnh tại nhà an toàn, hiệu quả nhất. Việc duy trì lối sống lành mạnh có thể hạn chế tối đa rủi ro trầm cảm tái phát.
Đối mặt với sự ra đi của người thân
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, trong 5 người thì có 1 người mắc bệnh trầm cảm sau khi chứng kiến một người thân yêu rời bỏ cõi đời. Khi phải đối mặt với một mất mát lớn lao, đau khổ là cảm giác hiển nhiên và tất yếu.
Tuy nhiên, sau khi tang lễ kết thúc, nếu cảm giác buồn khổ vẫn tiếp tục kéo dài dai dẳng, rất có thể, chúng sẽ biến thành nguyên nhân dẫn đến trầm cảm tái phát.
Trải qua sự kiện đau khổ
Những sự kiện đau khổ, đẫm máu, tàn bạo và khủng khiếp như: chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, tấn công khủng bố… có thể khiến bệnh trầm cảm của nhiều bệnh nhân tái diễn hoặc tái phát. Thậm chí, sau khi những sự kiện trên kết thúc, các ngày kỷ niệm sau này cũng dễ biến thành yếu tố gây ra những đợt trầm cảm trong tương lai.
Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí The British Journal of Psychiatry, các nhân chứng sống của những cuộc tấn công, chiến tranh và thảm họa có nguy cơ tái phát trầm cảm cao hơn rõ rệt so với người thường.
Ly hôn
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Clinical Psychological Science vào năm 2014 cho thấy, ly hôn là yếu tố hàng đầu khiến bệnh nhân phải chịu đựng những đợt trầm mới sau khi đã trải qua đợt trầm cảm đầu tiên. Theo đó, gần 60% những người trưởng thành từng mắc bệnh sẽ bị trầm cảm tái phát sau khi chia tay bạn đời.
Sống trong ngôi nhà u ám, lạnh lẽo
Hội chứng “ngôi nhà lạnh lẽo”/”cái tổ vắng người” không thực sự được chẩn đoán cụ thể về mặt lâm sàng. Tuy nhiên, theo Mayo Clinic, đây là tình trạng thường thấy ở những bậc phụ huynh lớn tuổi khi con cái đã trưởng thành, đi học xa, lập gia đình và chuyển ra ở riêng. Họ luôn cảm thấy buồn bã, lẻ loi và cô độc. Vì vậy, yếu tố hoàn cảnh này có thể là tác nhân gây ra chứng trầm cảm tái phát.
Thay đổi hormon
Bộ Y tế và Nhân sinh Hoa Kỳ xác nhận đây là tình trạng đặc trưng của cơ thể người phụ nữ. Sự thay đổi hormon kéo theo sự thay đổi nồng độ của hàng loạt chất hóa học có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc bên trong não bộ.
Do đó, phái đẹp chính là đối tượng rất dễ mắc bệnh trầm cảm trong độ tuổi dậy thì, trong và sau thời kỳ mang thai cũng như trong giai đoạn tiền mãn kinh. Ngoài ra, chứng trầm cảm trước khi mang thai cũng góp phần tăng cường nguy cơ trầm cảm sau sinh ở các chị em.
Nghiện thứ gì đó
Sở thích cờ bạc, rượu chè, xem ti vi quá nhiều cũng là những tác nhân điển hình gây ra căn bệnh trầm cảm. Kết quả một cuộc khảo sát được công bố trong hội thảo của Hiệp hội Y tế Công cộng Hoa Kỳ vào năm 2015 cho thấy, thói quen xem ti vi quá độ (nhất là những bộ phim dài tập hoặc các chương trình giải trí hấp dẫn) khiến những bệnh nhân trầm cảm càng thêm lo lắng, căng thẳng.
Các chuyên gia giải thích, khi một người đang nghiện một thứ gì đó nhưng bị buộc phải đột ngột ngừng tiếp xúc với chúng, sự thay đổi các chất hóa học thần kinh có thể khiến họ cảm thấy vô cùng hụt hẫng, bực bội, khó chịu và giận dữ.
Cách xử lý bệnh trầm cảm tái phát
Như vậy, chúng ta đều đã biết rằng lời giải đáp cho thắc mắc “Bệnh trầm cảm có tái phát không?” là có. Thế nhưng, làm thế nào để kiểm soát và đẩy lùi tình trạng này? Đây thực sự là một vấn đề nan giải, phức tạp và đầy thách thức. Ngay cả khi bệnh tình thuyên giảm, các triệu chứng phiền toái vẫn có thể quay trở lại và khiến người bệnh một lần nữa rơi vào trạng thái tuyệt vọng.
Đối với trẻ nhỏ
Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý rằng, nếu không được điều trị đúng hướng, bệnh lý này có thể tái phát ở giai đoạn trưởng thành với mức độ nặng nề hơn đáng kể. Vì vậy, việc phát hiện kịp thời và can thiệp tích cực ngay từ đợt trầm cảm đầu tiên chính là yếu tố có ý nghĩa then chốt.
Hiện nay, bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định kết hợp uống thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (zoloft, prozac …) với phương pháp trị liệu tâm lý (ví dụ trị liệu nhận thức hành vi) cho những trẻ em bị trầm cảm ở mức độ vừa và nặng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, trò chuyện cùng con hàng ngày. Hãy luôn sẵn sàng lắng nghe nỗi lòng, chia sẻ khó khăn và giúp đỡ bé trong mọi tình huống. Không chỉ dừng lại ở đó, bạn nên ghi nhớ:
- Không can thiệp quá sâu hoặc giành quyền quyết định của con
- Không chỉ trích gay gắt hay la mắng nặng lời khi con phạm phải lỗi lầm
- Không so sánh trẻ với “con nhà người ta”
- Không nghiêm khắc với bé đến mức cực đoan
Bằng tấm lòng yêu thương chân thành và sự bao dung, nhẫn nại, thấu hiểu, các bậc phụ huynh có thể đồng hành với con vượt qua những giai đoạn trầm cảm khó khăn, đen tối nhất, đặc biệt là trong lứa tuổi dậy thì.
Đối với người lớn
Tiến sĩ Jonathan Alpert (Trưởng khoa Tâm thần Lâm sàng của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston) cho biết, khoảng 30% người bệnh uống thuốc chống trầm cảm sẽ bị trầm cảm tái phát một năm sau đó. Theo vị bác sĩ này, để chủ động ngăn ngừa tái phát, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
Dùng thuốc đúng chỉ định
Bệnh nhân phải uống thuốc đúng thời gian, liều lượng và thăm khám định kỳ một cách nghiêm túc. Lưu ý này nghe có vẻ cứng nhắc và thụ động. Thế nhưng, trên thực tế, đây là một trong những lời khuyên quan trọng hàng đầu.
Theo tiến sĩ Kay Redfield Jamison (giáo sự Đại học Y Johns Hopkins), khoảng 40 – 50% người bệnh trầm cảm (nhất là rối loạn lưỡng cực) không điều trị nội khoa theo đúng quy định. Bạn không chỉ cần uống thuốc đầy đủ hàng ngày mà còn phải dùng thuốc vào đúng một thời điểm nhất định trong ngày. Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong công tác chữa bệnh.
Kiểm tra các chứng bệnh kèm theo
Một tình trạng bệnh lý nào khác có thể tác động tiêu cực đến khả năng đáp ứng của cơ thể đối với thuốc điều trị trầm cảm hoặc làm tâm trạng người bệnh càng thêm tồi tệ. Do đó, ngay khi các cơn trầm cảm quay trở lại quấy nhiễu cuộc sống, hãy kiểm tra xem bạn có đang mắc phải một số vấn đề sau đây không:
- Suy giáp
- Thiếu hụt vitamin D
- Mất nước
- Đường huyết thấp
- Giảm caffein
- Không dung nạp thức ăn
- Mất trí nhớ
- Tăng huyết áp
- Lượng testosterone thấp
- Bệnh tiểu đường
- Viêm khớp
- Hen suyễn
- Ngưng thở khi ngủ
- Bệnh tim
- Bệnh parkinson
- Bệnh đa xơ cứng
- Bệnh đột quỵ
Nếu thuốc chống trầm cảm không phát huy hiệu quả, bệnh nhân cần chủ động đi gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra công thức máu, từ đó loại trừ một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Tăng liều, đổi thuốc hoặc kết hợp các loại thuốc khác
Trong một số trường hợp, người bệnh cần được tăng liều thuốc để cải thiện những biểu hiện tái phát. Thậm chí, nếu các loại thuốc hiện tại không phát huy công dụng như dự kiến, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn đổi sang một số loại thuốc khác và đảm bảo giám sát cẩn thận, chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể cân nhắc kết hợp một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát triệu chứng trầm cảm.
Sau một khoảng thời gian dài chữa bệnh bằng thuốc Tây y, nhiều người bệnh đã bị kháng thuốc hoặc lệ thuộc thuốc. Đây chính là nguồn gốc của nhiều hậu quả khó lường về mặt sức khỏe sau này.
Áp dụng liệu pháp tâm lý
Sau khi tiến hành hàng trăm nghiên cứu bao gồm thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng và những nghiên cứu kiểm tra hiệu quả của nhiều phương pháp trị liệu tâm lý, các nhà khoa học đến từ Đại học Ottawa (Canada) đã báo cáo kết quả với Hiệp hội Tâm lý học nước này. Theo đó, liệu pháp tâm lý có thể phát huy công dụng tương tự thuốc điều trị trầm cảm, thậm chí còn ngăn ngừa tái phát hiệu quả hơn cả thuốc Tây.
Đối với một số người bệnh, việc kết hợp chữa bệnh bằng hai phương pháp này đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực hơn hẳn so với hướng điều trị riêng biệt như: kiểm soát tốt triệu chứng, phòng tránh tái phát, cải thiện gánh nặng bệnh tật và giảm thiểu tỷ lệ tự tử…
Hạn chế căng thẳng
Rối loạn lo âu và trầm cảm trở nên trầm trọng hơn khi chúng ta cảm thấy áp lực liên tục và căng thẳng thường xuyên trong một khoảng thời gian dài. Do đó, để kiểm soát bệnh tình, người bệnh nên cân nhắc về các biện pháp xoa dịu căng thẳng như: thực hiện thiền định và luyện tập thể dục.
Các chuyên gia cho biết, liệu pháp nhận thức dựa trên cơ sở chánh niệm (Mindfulness Based Cognitive Therapy – MBCT) có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm lâm sàng ở những bệnh nhân từng bị tái phát nhiều lần. Trên thực tế, các bài tập chánh niệm giúp chúng ta bình tĩnh đối phó và vượt qua căng thẳng tốt hơn.
Trong khi đó, những động tác thể dục vừa sức có khả năng kích thích các hóa chất bên trong não bộ nuôi dưỡng tế bào thần kinh, tăng cường hoạt động của norepinephrin, serotonin và góp phần giảm stress hiệu quả theo nhiều cách khác nhau. Ngoài ra, tập thể dục cũng thúc đẩy tăng nhịp tim và giải phóng nhiều endorphin (một loại hormon có vai trò giảm đau, sản sinh cảm giác hưng phấn và kiểm soát phản ứng của não bộ trước lo âu, căng thẳng).
Ngưng uống rượu bia ngay lập tức
Một nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, khoảng 29% trường hợp bị rối loạn tâm thần vì nghiện rượu bia. Trong đó, khoảng 37% bệnh nhân bị rối loạn tâm thần mạn tính. Theo tài liệu tổng quan về mối liên hệ giữa rối loạn tâm thần và tình trạng nghiện rượu do Viện Quốc gia về Lạm dụng rượu và nghiện rượu công bố, rượu bia là một tác nhân gây ra căn bệnh trầm cảm.
Thông thường, những người lạm dụng rượu thường biểu hiện các rối loạn tâm thần nhưng không cố gắng cai rượu và điều trị bệnh tình dứt điểm. Ngay cả khi dùng rượu bia với một lượng rất nhỏ, tình trạng trầm cảm cũng có thể trở nên tồi tệ hơn, từ đó khiến thuốc điều trị mất đi hiệu quả vốn có và kéo theo nhiều tác dụng phụ.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, những loại thực phẩm giàu vitamin B12, omega-3, axit amin có khả năng tạo nên những thay đổi tích cực đối với các chất béo bên trong màng não, nhờ đó cải thiện triệu chứng trầm cảm vô cùng nhanh chóng và hiệu quả.
Điều chỉnh tư duy và thái độ sống
Như bài viết đã đề cập, một số tác nhân dẫn đến chứng trầm cảm tái phát hoàn toàn có thể được ngăn chặn và đẩy lùi. Để học cách bình tâm đối mặt với những sự kiện đau buồn hay các trải nghiệm khó khăn cũng như loại bỏ cảm giác quá tải, ngột ngạt, căng thẳng trong cuộc sống, bạn cần:
- Suy nghĩ tích cực, lạc quan bằng cách luôn động viên bản thân rằng bạn chắc chắn sẽ ổn, khoảng thời gian ảm đạm hiện tại rồi sẽ lùi vào quá khứ, cuộc sống của bạn vẫn chưa bế tắc hoàn toàn đâu.
- Nuôi dưỡng cảm xúc và chăm sóc bản thân trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi các cảm giác tiêu cực đang hình thành trong tâm trí. Hãy nghe nhạc, đọc sách, xông tinh dầu, uống cà phê, thưởng thức trà hoa, nhảy múa, hát hò, ngâm mình trong nước nóng, ra ngoài đi dạo… để xoa dịu tâm trạng u ám của chính mình.
- Trò chuyện với mọi người là ý tưởng tuyệt vời nếu bạn đang chìm đắm trong đại dương sầu não. Chúng ta cần sống chan hòa, nhiệt tình, tử tế và chia sẻ cởi mở với những người xung quanh về vấn đề mà bản thân gặp phải. Việc tham gia tích cực vào một nhóm hỗ trợ nào đó nơi mình sinh sống có thể khiến bạn thêm tự tin, hăng hái và vui vẻ đấy!
“Bệnh trầm cảm có tái phát không?” Câu trả lời là có. Quá trình điều trị căn bệnh này thường được ví von là một cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ và không rõ hồi kết. Vì vậy, trong thời gian chữa bệnh, độc giả cùng gia đình cần cố gắng nhẫn nại, bình tâm và đảm bảo tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!