Bệnh viêm phế quản mãn tính: Dấu hiệu nhận biết và chữa trị
Nội Dung Bài Viết
Viêm phế quản mãn tính là bệnh hô hấp khá phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng tăng tiết dịch nhầy, ho và khạc đờm dai dẳng. So với giai đoạn cấp, bệnh ở giai đoạn mãn tính có triệu chứng nhẹ hơn nhưng tiến triển dai dẳng và có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần. Do đó, điều trị phải kết hợp dùng thuốc với các biện pháp chăm sóc và loại trừ những yếu tố gây bệnh.
Viêm phế quản mãn tính là gì?
Viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm niêm mạc ống dẫn khí (phế quản) dẫn đến tăng tiết dịch nhầy, khạc đờm và ho dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần. Ngoài ra, thuật ngữ này còn được sử dụng cho các trường hợp bị ho mãn tính nhưng đã loại trừ các hết các khả năng có thể xảy ra như trào ngược dạ dày, hen phế quản, viêm phổi kẽ, giãn phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Khác với viêm phế quản cấp tính, các triệu chứng của viêm phế quản mãn tính không bùng phát đột ngột mà âm ỉ, dai dẳng và khó nhận biết. Bởi nguyên nhân chủ yếu gây bệnh không phải do virus, vi khuẩn mà bắt nguồn từ thói quen hút thuốc lá, cơ địa dị ứng và sinh sống trong điều kiện không khí ô nhiễm.
Viêm phế quản mãn tính có tiến triển dai dẳng và dễ tái phát. Đôi khi, có xuất hiện các đợt viêm cấp do bản thân phế quản đã bị phù nề và nhạy cảm hơn bình thường. Vì tính chất dai dẳng nên điều trị bệnh đòi hỏi phải kết hợp giữa phương pháp y tế, cách ly với các yếu tố nguy cơ và chăm sóc, nâng đỡ thể trạng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phế quản mãn tính
Phế quản là các ống dẫn khí ở cơ quan hô hấp dưới. Tình trạng niêm mạc phế quản bị viêm, phù nề và tăng tiết dịch có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Ho dai dẳng: Ho dai dẳng là triệu chứng điển hình của viêm phế quản mãn tính. Ho có thể bùng phát thành cơn hoặc ho húng hắng. Ho nhiều hơn khi thời tiết thay đổi, dị ứng thức ăn, tiếp xúc với khói bụi, không khí lạnh hoặc sau khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp.
- Khạc đờm: Tình trạng tăng tiết dịch hô hấp khiến bệnh nhân có xu hướng khạc đờm kéo dài, đờm thường có màu trắng, hơi nhầy. Với những trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, đờm có kết cấu đặc dính và thường có màu xanh hoặc vàng.
- Mệt mỏi: Viêm phế quản mãn tính có thể gây ra tình trạng mệt mỏi nhưng thường không gây sụt cân hay suy nhược. Tình trạng này thực chất là hệ quả do các triệu chứng của bệnh tái đi tái lại, ảnh hưởng đến giấc ngủ và đời sống sinh hoạt.
- Một số triệu chứng khác: Ngoài ra, viêm phế quản mãn tính còn có thể gây ra một số triệu chứng như sốt nhẹ hoặc không sốt, khó thở, thở khò khè,…
Các triệu chứng của viêm phế quản mãn tính không có tính điển hình cao. Vì vậy, bệnh thường bị nhầm lẫn với một số bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi và hen phế quản.
Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính có thể bùng phát các triệu chứng cấp khi nhiễm các chủng virus, vi khuẩn gây viêm nhiễm đường hô hấp (chủ yếu virus cúm, rhinovirus và RSV gây cảm lạnh,…).
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mãn tính xảy ra chủ yếu do các yếu tố từ bên ngoài. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc bệnh lý này cũng tăng lên đáng kể với những người có hệ miễn dịch kém, cơ địa nhạy cảm và có tiền sử gia đình mắc các bệnh hô hấp mãn tính.
Các nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản mãn tính thường gặp:
- Hút thuốc lá: Đa phần người bị viêm phế quản mãn tính đều có thói quen hút thuốc lá trong nhiều năm. Nguyên nhân là do khói thuốc gây viêm niêm mạc ống dẫn khí, làm giảm sự phát triển của phổi và suy giảm chức năng miễn dịch. Chính vì vậy, phế quản có thể bị viêm mãn tính, tăng tiết dịch nhầy và ho dai dẳng.
- Hóa chất, bụi bẩn: Người làm công việc phải tiếp xúc với hóa chất, bụi vải hay sinh sống trong điều kiện không khí ô nhiễm đều có nguy cơ cao bị viêm phế quản mãn tính. Bụi bẩn và hóa chất có thể đi vào phế nang gây kích ứng và khiến niêm mạc bị sưng viêm, phù nề. Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ người mắc các bệnh đường hô hấp ở các thành phố cao hơn so với các vùng nông thôn có môi trường sống trong lành, chất lượng không khí cao.
Ngoài ra, bệnh viêm phế quản mãn tính còn có thể xảy ra khi có những yếu tố thuận lợi sau:
- Hệ miễn dịch suy giảm
- Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin (AAT) – một loại enzyme được gan sản xuất có chức năng bảo vệ các cơ quan hô hấp. Thiếu hụt AAT làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn.
- Yếu tố cơ địa – Cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng có nguy cơ cao bị viêm phế quản và các bệnh hô hấp mãn tính.
- Thường xuyên mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, tình trạng nhiễm trùng tái đi tái lại khiến bệnh phát triển sang giai đoạn viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mãn tính có nguy hiểm không?
Viêm phế quản mãn tính là một trong những vấn đề hô hấp thường gặp. Bệnh có tiến triển dai dẳng, dễ tái phát và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Hơn nữa nếu không can thiệp điều trị, viêm phế quản mãn tính có thể gây ra các biến chứng như:
- Suy hô hấp
- Hen phế quản
- Giãn phế quản
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác
Chẩn đoán viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mãn tính không có các triệu chứng điển hình. Chính vì vậy, bệnh dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh hô hấp khác như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản,… Trước khi đưa ra phương án điều trị, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và chỉ định một số xét nghiệm sau:
- X-Quang phổi: X-Quang phổi giúp bác sĩ quan sát rõ tình trạng phổi của bệnh nhân. Đối với người bị viêm phế quản mãn tính, các ống dẫn khí, mạch máu và tổ chức kẽ phế quản thường có dấu hiệu dày lên (do viêm). Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp loại trừ một số khả năng như giãn phế quản và các bệnh có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi kẽ, ung thư phổi, lao phổi).
- Đo chức năng thông khí phổi: Đo chức năng thông khí phổi là phương pháp có giá trị trong chẩn đoán bệnh viêm phế quản mãn tính. Kỹ thuật này giúp loại trừ các khả năng có thể gây ho dai dẳng và kéo dài như viêm phổi, giãn phế quản,… Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản khi không có tổn thương nhu mô phổi và đo chức năng thông khí phổi cho kết quả bình thường.
- Nội soi dạ dày, tai mũi họng: Bác sĩ có thể yêu cầu nội soi dạ dày và tai mũi họng để loại trừ một số khả năng có thể gây ho dai dẳng như trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm VA,…
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán xác định. Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm phế quản mãn tính khi có các biểu hiện sau:
- Có tình trạng khạc đờm, ho kéo dài ít nhất 3 tháng/ năm và xảy ra liên tục trong ít nhất 2 năm
- X-Quang phổi không nhận thấy tổn thương nhu mô phổi hay khối u bất thường
- Đo chức năng thông khí phổi cho kết quả bình thường
- Nội soi dạ dày, tai mũi họng không phát hiện các khả năng có thể gây ho
Thực tế, không có phương pháp chẩn đoán đặc hiệu với bệnh viêm phế quản mãn tính. Các kỹ thuật được thực hiện nhằm mục đích loại trừ tất cả các khả năng có thể gây ho mãn tính và dai dẳng. Điều này lý giải vì sao một số tài liệu định nghĩa viêm phế quản mãn tính là thuật ngữ đề cập đến tất cả các trường hợp ho dai dẳng đã loại trừ hết tất cả các nguyên nhân có thể xảy ra.
Các phương pháp điều trị viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mãn tính có tính chất dai dẳng và dễ tái phát. Do đó để điều trị bệnh dứt điểm, bệnh nhân cần sử dụng thuốc kết hợp các biện pháp chăm sóc và cách ly với những yếu tố có khả năng bùng phát bệnh.
1. Sử dụng thuốc tây
Viêm phế quản mãn tính đặc trưng bởi tình trạng ho dai dẳng, khạc đờm,… Vì vậy, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc để làm giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra ở một số thời điểm, bệnh có thể bùng phát các triệu chứng cấp tính. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cân nhắc dùng kháng sinh nếu xảy ra do vi khuẩn.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm phế quản mãn tính:
- Thuốc long đờm: Thuốc long đờm là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất đối với bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính. Bởi dịch đờm tiết ra quá nhiều có thể gây ho dai dẳng, khó thở và mệt mỏi. Thuốc long đờm có tác dụng giảm độ đặc của dịch tiết hô hấp, từ đó giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ đờm ứ và giúp thông thoáng đường thở. Tuy nhiên khi sử dụng, cần bổ sung nhiều nước để đảm bảo hiệu quả của thuốc.
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 có tác dụng kháng histamine ở thụ thể H1 ngoại biên. Thuốc được sử dụng trong trường hợp viêm phế quản mãn tính có liên quan đến cơ địa nhạy cảm. Loại thuốc này có thể cải thiện một số triệu chứng như hắt hơi, ho, sổ mũi,…
- Kháng sinh: Kháng sinh được dùng cho bệnh nhân viêm phế quản mãn tính trong các đợt cấp bùng phát do vi khuẩn (đờm mủ, đờm có màu vàng hoặc xanh). Thuốc được sử dụng trong 7 – 10 ngày hoặc hơn tùy theo mức độ đáp ứng.
- Các loại thuốc khác: Ngoài ra trong giai đoạn cấp, bệnh nhân cũng có thể sử dụng thêm một số loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giãn phế quản ở dạng khí dung, thuốc kháng virus (trong trường hợp do virus cúm), thuốc hạ sốt,…
Trên thực tế, sử dụng thuốc chỉ có hiệu quả tốt đối với viêm phế quản cấp. Ở bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính, biện pháp này chỉ đem lại lợi ích ngắn hạn. Sau một thời gian, bệnh có thể tái phát trở lại và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Chính vì vậy song song với việc dùng thuốc, bệnh nhân cần kết hợp cùng với các biện pháp điều trị khác.
2. Dùng thảo dược trị viêm phế quản mãn tính
Như đã đề cập, viêm phế quản mãn tính có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần. Do đó, việc sử dụng thuốc chỉ được khuyến khích trong các đợt cấp của bệnh. Nếu không thực sự cần thiết, bệnh nhân nên điều trị bệnh bằng thảo dược tự nhiên thay vì sử dụng tân dược.
Các nguyên liệu tự nhiên có tác dụng trị viêm phế quản mãn tính:
- Mật ong trị viêm phế quản mãn tính: Từ lâu, mật ong đã được sử dụng để điều trị các chứng bệnh hô hấp. Nguyên liệu này có thể giảm cơn ho, tiêu đờm và bồi bổ sức khỏe. Hơn nữa một số nghiên cứu cũng cho thấy, mật ong chứa defensing-1 có khả năng chống viêm và diệt khuẩn mạnh. Để giảm các triệu chứng do viêm phế quản mãn tính, bệnh nhân nên uống nước mật ong ấm hoặc trà gừng mật ong 2 lần/ ngày.
- Chữa viêm phế quản mãn tính bằng gừng: Hoạt chất Gingerol trong gừng được chứng minh có tác dụng chống viêm, giảm đau và kháng khuẩn. Bệnh nhân có thể ngậm vài lát gừng tươi hoặc dùng trà gừng mật ong để cải thiện các triệu chứng do viêm phế quản mãn tính gây ra.
- Xông mũi với lá trầu không: Tinh dầu từ lá trầu không có khả năng ức chế virus, nấm và các chủng vi khuẩn thường gây bệnh ở người. Hơn nữa, thảo dược này còn chứa Eugenol có tác dụng chống viêm và giảm đau tại chỗ. Xông mũi họng với lá trầu không giúp làm loãng dịch tiết hô hấp, phòng ngừa bội nhiễm và cải thiện tình trạng ho dai dẳng, khạc đờm,…
- Dùng hành tây trị viêm phế quản mãn tính: Hành tây có khả năng long đờm, giảm ho và chống viêm hiệu quả. Ngoài ra, một số hợp chất thực vật trong thảo dược này còn có tác dụng kháng virus và vi khuẩn. Để giảm ho do viêm phế quản mãn tính, bệnh nhân có thể cách thủy hành tây cùng mật ong hoặc đường phèn. Sau đó, ăn cả cái và uống hết nước, thực hiện đều đặn 1 lần/ ngày.
Các mẹo chữa từ nguyên liệu tự nhiên có thể giảm nhẹ tình trạng ho dai dẳng, thở khò khè và khạc đờm do bệnh viêm phế quản mãn tính gây ra. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy nếu cần thiết, bệnh nhân nên dùng kèm với thuốc để giảm nhanh triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị.
3. Cách ly với các yếu tố gây bệnh
Viêm phế quản mãn tính chủ yếu khởi phát do hút thuốc lá và tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất, chất dị ứng,… Do đó để điều trị bệnh dứt điểm, bệnh nhân cần kết hợp phương pháp điều trị cùng với việc cách ly với các yếu tố bùng phát bệnh.
- Nên cai thuốc lá để điều trị dứt điểm viêm phế quản mãn tính. Với những người hút thuốc lá lâu năm, cần tìm gặp bác sĩ để được tư vấn về liệu trình cai thuốc khoa học, phù hợp.
- Tránh hít khói thuốc lá thụ động.
- Cân nhắc thay đổi công việc nếu viêm phế quản mãn tính có liên quan đến tính chất nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, người làm công việc may mặc, giày da, sơn dầu, thợ mỏ,… có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mãn tính cao.
- Tránh tiếp xúc với các chất dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi, nấm mốc,… Các yếu tố này có thể gây viêm niêm mạc đường hô hấp và kích thích các triệu chứng của bệnh viêm phế quản bùng phát.
- Vào giai đoạn chuyển mùa, nên hạn chế di chuyển ngoài trời nếu không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, cần đeo khẩu trang và giữ ấm cơ thể để phòng ngừa viêm phế quản tái phát.
- Nếu sinh sống trong môi trường ô nhiễm, có chỉ số bụi mịn cao, nên dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, trồng thêm cây xanh và cân nhắc sử dụng máy lọc không khí.
- Các đợt cấp của bệnh có thể bùng phát nếu bị viêm nhiễm đường hô hấp trên. Do đó, nên tiêm vaccine cúm A hằng năm để giảm tần suất bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, nên tránh tiếp xúc với những người mắc các bệnh lý hô hấp để hạn chế lây nhiễm.
Cách ly với các yếu tố kích thích có thể giảm tần suất bệnh tái phát và góp phần không nhỏ trong quá trình điều trị bệnh dứt điểm. Viêm phế quản mãn tính là bệnh hô hấp có tính chất dai dẳng và rất khó chữa trị hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và kiên trì thực hiện trong thời gian dài để đạt được kết quả như mong đợi.
Phòng ngừa viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mãn tính là bệnh hô hấp có tiến triển dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần. Do đó để bảo vệ sức khỏe, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lý này như:
- Không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với bụi bẩn và hóa chất.
- Thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách bao gồm chải răng 2 lần/ ngày, súc miệng với nước muối và dùng chỉ nha khoa. Làm sạch răng miệng không chỉ giúp phòng ngừa các vấn đề nha khoa mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp.
- Tích cực điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Tránh để tình trạng tái phát nhiều lần dẫn đến viêm phế quản mãn tính.
- Hạn chế tiếp xúc thân mật với người bị viêm đường hô hấp.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh và đeo khẩu trang khi ra ngoài trời.
- Nếu làm việc trong điều kiện nhiều hóa chất và bụi bẩn, nên sử dụng khẩu trang chuyên dụng để bảo phổi và các cơ quan hô hấp khác.
Viêm phế quản mãn tính có đặc tính dai dẳng và dễ tái đi tái lại. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh có thể tiến triển nặng và tăng nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp khác. Vì vậy, bệnh nhân nên tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với các biện pháp chăm sóc và cách ly với yếu tố gây bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!