Bị tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Nội Dung Bài Viết
Bị tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không là mối bận tâm hàng đầu của nhiều bệnh nhân. Theo các chuyên gia, tiểu đường thai kỳ là bệnh lý có mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi. Nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ gặp phải các biến chứng sản khoa, biến chứng cho thai nhi, trẻ sơ sinh,… có thể tăng lên đáng kể.
Bị tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Trong suốt thời gian mang thai, nhau tạo ra một số nội tiết tố nhằm hạn chế tình trạng sảy thai, đồng thời giúp thai nhi phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí não. Tuy nhiên, các loại hormone này có thể dẫn đến tình trạng “kháng insulin” ở mẹ bầu. Kháng insulin là tình trạng giảm đáp ứng của hormone insulin do tế bào beta của tuyến tụy sản sinh.
Như đã biết, insulin là hormone có vai trò chuyển hóa glucose vào các tế bào trong cơ thể nhằm tạo ra năng lượng để hoạt động. Hiện tượng đề kháng insulin khiến nồng độ đường trong máu tăng cao và gây ra bệnh tiểu đường (đái tháo đường). Trường hợp tiểu đường khởi phát lần đầu tiên vào giai đoạn mang thai được gọi là tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường là một dạng rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các cơ quan trong cơ thể. Khác với các bệnh lý khác, tiểu đường gần như không có biểu hiện rõ ràng và chỉ có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm đường huyết. Do đó với những trường hợp chủ quan, nồng độ đường trong máu có thể tăng dần theo thời gian và gây ra nhiều biến chứng nặng nề – đặc biệt là ở thai phụ.
Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp phải nếu không kiểm soát tiểu đường thai kỳ kịp thời:
1. Tăng nguy sảy thai, thai lưu, sinh non
Thống kê cho thấy, có khoảng 5% mẹ bầu gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Nếu được phát hiện và kiểm soát đúng cách, bệnh lý này có thể không gây ra bất cứ rủi ro hay biến chứng nào. Ngược lại tình trạng chủ quan có thể khiến nồng độ đường huyết trong máu tăng cao và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó thường gặp nhất là những biến chứng cho thai nhi như sẩy thai, sinh non và thai chết lưu không rõ nguyên do.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường thai kỳ còn có nguy cơ tử vong chu sinh cao (khoảng 2 – 5%). Tử vong chu sinh là tình trạng thai nhi hoặc trẻ sơ sinh tử vong trước, trong và sau khi sinh 7 ngày. Mặc dù tiểu đường thai kỳ không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng được xem là yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng này.
2. Dư ối thai kỳ
Dư ối thai kỳ là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường thai kỳ. Tình trạng này xảy ra khi lượng nước ối trong bào thai vượt quá ngưỡng cho phép. Nước ối là chất lỏng bao bọc xung quanh thai nhi với chức năng chính là cung cấp dinh dưỡng, giúp thai nhi dễ dàng cử động, bảo vệ thai khỏi nhiễm trùng và giảm mức độ chèn ép của các cơn gò tử cung.
Tuy nhiên, lượng nước ối tăng quá mức có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của thai và mẹ. Tương tự như tiểu đường thai kỳ, dư ối thai kỳ hầu như không có triệu chứng cụ thể mà chỉ có thể phát hiện thông qua kỹ thuật siêu âm. Có nhiều nguyên nhân gây dư ối thai kỳ, trong đó tiểu đường được xem là yếu tố thường gặp nhất. Thống kê cho thấy, có 10% thai phụ bị dư ối thai kỳ bị tiểu đường trước và trong khi mang thai.
Dư ối thai kỳ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng như thai nhi ngôi mông, vỡ ối sớm, bong nhau thai, thai chết lưu, sa dây rốn, tăng nguy cơ băng huyết và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, mẹ bầu bị tiểu đường nên thăm khám thường xuyên để được kiểm tra lượng nước ối và xử lý sớm nếu có các dấu hiệu của dư ối thai kỳ.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai do hệ miễn dịch suy giảm và tác động từ rối loạn nội tiết tố. Các yếu tố này khiến vi khuẩn ở da, trực tràng và âm đạo dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu và gây ra hiện tượng nhiễm trùng.
Nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể tăng lên đáng kể nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân là do nồng độ đường trong máu tăng làm hư tổn dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu đến bàng quang khiến bàng quang hoạt động quá mức. Ngoài ra, bệnh nhân bị tiểu đường còn có hệ miễn dịch suy yếu khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây viêm nhiễm.
4. Tăng huyết áp trong thai kỳ
Tiểu đường là yếu tố làm tăng huyết áp trong thời gian mang thai. Nguyên nhân là do nồng độ đường huyết cao làm giãn mạch máu và ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Như đã biết ngoài khả năng bài tiết, thận còn có vai trò ổn định huyết áp, đường huyết và cân bằng điện giải. Tình trạng nồng độ đường trong máu tăng cao có thể khiến thận phải hoạt động liên tục để điều tiết và kết quả là dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng. Suy giảm chức năng thận là nguyên nhân gây tăng huyết áp ở bệnh nhân tiểu đường nói chung và tiểu đường thai kỳ nói riêng.
Ngoài ra, bệnh nhân bị tiểu đường còn có nguy cơ cao bị rối loạn lipid máu khiến nồng độ cholesterol tăng, hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch và làm tăng áp lực lên mạch máu. Cao huyết áp và tiểu đường là hai bệnh lý có mối liên hệ mật thiết và tương tác lẫn nhau. Do đó nếu không kiểm soát nồng độ đường trong máu tốt, thai phụ có nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ và phải đối mặt với các biến chứng nặng nề khác.
5. Tăng nguy cơ tiền sản giật
Tiền sản giật là biến chứng sản khoa nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi và mẹ. Thống kê cho thấy, tình trạng này xảy ra ở khoảng 12 – 22% thai phụ và có tỷ lệ tử vong lên đến 17%. Tiền sản giật là một dạng rối loạn xảy ra vào tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi, đặc trưng bởi tình trạng có protein niệu và tăng huyết áp.
Không có nguyên nhân rõ ràng gây tiền sản giật ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, tình trạng tăng huyết áp và tiểu đường chính là những yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng sản khoa này. Ngoài ra, nguy cơ tiền sản giật còn có thể tăng lên nếu mang thai quá sớm hoặc quá muộn, mang thai nhiều lần, béo phì, hút thuốc lá và tiền sử gia đình bị tiền sản giật, sản giật.
Tiền sản giật là biến chứng sản khoa có thể gây tử vong ở cả mẹ và thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai bị tiểu đường cần phải kiểm soát nồng độ đường huyết để giảm thiểu nguy cơ gặp phải biến chứng này.
6. Bệnh Ketoacidosis tiểu đường
Ketoacidosis tiểu đường là tình trạng hôn mê trong một thời gian dài hoặc thậm chí là tử vong do tăng nồng độ đường máu vượt mức, kéo dài. Bệnh lý này thường không có triệu chứng quá đặc trưng mà chủ yếu gây ra các triệu chứng tương tự tiểu đường thai kỳ như đi tiểu thường xuyên, khô miệng, khát, mùi trái cây trong hơi thở, buồn nôn, nôn mửa,…
Bệnh Ketoacidosis tiểu đường là biến chứng cấp tính có mức độ nguy hiểm nhất. Nếu không kiểm soát kịp thời, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của thai phụ và thai nhi. Do đó, thai phụ cần tích cực điều trị và thay đổi chế độ dinh dưỡng để kiểm soát nồng độ đường trong máu nhằm giảm thiểu nguy cơ gặp phải biến chứng Ketoacidosis tiểu đường.
7. Tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc
Bệnh nhân bị tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh võng mạc. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực, xuất huyết dịch kính, phù hoàng điểm và xuất huyết võng mạc. Võng mạc là các lớp sợi thần kinh ở mắt có vai trò tiếp nhận và dẫn truyền tín hiệu đến não bộ và ngược lại.
Nồng độ đường trong máu tăng cao gây tổn thương thành mạch võng mạc dẫn đến tình trạng phình các vi mạch, màng đáy dày lên, mất tế bào nội mạc dẫn đến tăng tính thấm thành mạch và gây vỡ mạch dẫn đến xuất huyết. Các cục máu đông gây tắc mạch dẫn đến thiếu máu và kích thích sự sản sinh của các mạch máu mới. Tuy nhiên, các mạch máu mới này rất mỏng, yếu và có thể gây xuất huyết võng mạc bất cứ lúc nào. Kết quả là gây giảm thị lực và thậm chí là mù lòa.
Biến chứng này thường xảy ra ở thai phụ bị tiểu đường thai kỳ nhưng không phát hiện sớm khiến nồng độ đường trong máu tăng cao liên tục. Ngoài ra, nguy cơ gặp phải các biến chứng liên quan đến võng mạc cũng có thể tăng lên nếu thai phụ đã bị tiểu đường từ trước.
8. Nguy cơ phải mổ lấy thai
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ phải mổ lấy thai sớm để phòng tránh các rủi ro lên thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, nếu kiểm soát đường huyết tốt, thai phụ có thể sinh con như bình thường mà không cần phải can thiệp phẫu thuật. Ngược lại, trong trường hợp gặp phải các ảnh hưởng của bệnh tiểu đường như thai to, đa ối thai kỳ,… bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai khi thai nhi đã phát triển đầy đủ.
9. Xuất huyết sau sinh
Xuất huyết sau sinh (băng huyết) là tình trạng tuyến sinh dục của sản phụ chảy máu liên tục trong 24 giờ sau khi sinh với lượng máu lên đến 500ml hoặc hơn. Thống kê cho thấy, có khoảng 515.000 sản phụ tử vong do băng huyết sau sinh. Nguyên nhân chính xác gây băng huyết không được xác định. Tuy nhiên, thống kê cho thấy phụ nữ mang thai muộn, béo phì và mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ băng huyết cao hơn so với bình thường.
Nguyên nhân là do nồng độ đường trong máu cao gây gián đoạn quá trình đông máu khiến máu chảy ồ ạt và kéo dài. Đây cũng là lý do vì sao người bị tiểu đường phải hạn chế tối đa các phương pháp xâm lấn do nguy cơ cao gặp phải biến chứng chảy máu kéo dài.
10. Bất thường sự tăng trưởng của thai nhi
Tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát có thể gây ra các bất thường về tăng trưởng của thai nhi. Khi nồng độ đường trong máu tăng cao không được kiểm soát, thai nhi có xu hướng phát triển và tăng cân nhanh dẫn đến tình trạng thai to.
Hơn nữa khi dung nạp một lượng đường lớn, cơ thể thai nhi sẽ sản sinh hormone insulin để chuyển hóa glucose. Trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường thai kỳ cần phải được theo dõi và giám sát nghiêm ngặt. Lo ngại lớn nhất là sau khi sinh khoảng 4 – 6 tiếng đồng hồ, trẻ dễ gặp phải tình trạng giảm đường huyết (hypoglycaemia).
Ngoài ra, tình trạng tiểu đường thai kỳ còn gây ra nhiều ảnh hưởng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, mẹ bầu mắc phải chứng bệnh này cần phải tích cực điều trị để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và con trẻ.
11. Tăng biến chứng ở trẻ sơ sinh
Ngoài những biến chứng kể trên, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ còn có thể làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng ở trẻ sơ sinh. Cụ thể, trẻ có mẹ mắc bệnh thường dễ bị hạ đường huyết, suy hô hấp, tăng hồng cầu, hạ canxi máu và tăng bilirubine máu. Các biến chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Nếu không kiểm soát kịp thời, trẻ có thể bị tử vong trong thời gian chu sinh.
Bài viết đã tổng hợp các thông tin giải đáp “Bị tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?”. Hy vọng qua bài viết, thai phụ có thể nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này và tích cực trong việc điều trị, kiểm soát nồng độ đường trong máu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!