Bị viêm da tiếp xúc nên bôi hay uống thuốc gì?
Nội Dung Bài Viết
Khi bị viêm da tiếp xúc, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc bôi và thuốc uống để sát trùng, làm dịu da, giảm viêm, ngứa ngáy và ức chế vi khuẩn gây viêm nhiễm. Tuy nhiên tùy tiện dùng thuốc hoặc sử dụng không đúng cách có thể khiến tổn thương da chậm lành, tăng nguy cơ bội nhiễm và phát sinh tác dụng phụ.
Viêm da tiếp xúc nên dùng thuốc uống hay thuốc bôi?
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc với chất dị ứng/ kích ứng. Sau khi tiếp xúc với tác nhân kích thích, da bắt đầu nổi ban đỏ, mụn nước kèm theo nóng rát, đau nhức và ngứa ngáy.
Với những trường hợp nhẹ, tổn thương da thường gây ngứa âm ỉ và có thể tự thuyên giảm sau khi vệ sinh – chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu tổn thương da có phạm rộng, gây ngứa ngáy, đau nhức và nóng rát nhiều, bạn có thể sử dụng các loại thuốc bôi hoặc thuốc uống để cải thiện.
Thuốc bôi là nhóm thuốc chính trong điều trị viêm da tiếp xúc. Nhóm thuốc này được chỉ định trong trường hợp tổn thương da có mức độ nhẹ đến nặng.
Trong khi đó, thuốc uống chỉ được dùng khi tổn thương da gây đau, ngứa nhiều hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng. So với thuốc dạng bôi, thuốc uống có nguy cơ cao nên cần phải cân nhắc trước khi sử dụng. Tùy tiện dùng thuốc dạng có thể gây ra tác dụng phụ và một số tình huống rủi ro.
Các loại thuốc bôi trị viêm da tiếp xúc
Thuốc bôi trị viêm da tiếp xúc thường có tác dụng làm sạch vùng da, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, giảm viêm sưng và ngứa ngáy. Để chỉ định loại thuốc bôi thích hợp, bác sĩ sẽ dựa vào giai đoạn tiến triển của tổn thương da, độ tuổi và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.
Dưới đây là một số loại thuốc bôi thường được dùng trong điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm:
1. Hồ nước
Hồ nước được chỉ định trong giai đoạn tổn thương da mới phát. Thuốc được bào chế ở dạng dung dịch, chứa thành phần chính là bột Talc, Glycerin và Kẽm oxyd. Hồ nước có tác dụng sát khuẩn nhẹ, làm săn da, làm dịu vùng da tổn thương và các vết lở loét.
Trước khi bôi thuốc, nên vệ sinh da bằng nước muối sinh lý để giảm nguy cơ bội nhiễm vùng da bị thuốc che phủ. Hồ nước thường được sử dụng từ 1 – 2 lần/ ngày trong giai đoạn tổn thương mới phát.
Chống chỉ định:
- Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào có trong thuốc
- Tổn thương có nhiễm khuẩn (viêm da tiếp xúc bội nhiễm)
2. Thuốc tím
Thuốc tím được dùng khi tổn thương da tiết nhiều dịch và có nhiễm khuẩn. Thuốc chứa thành phần chính là kali permanganate, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn nhờ đặc tính chống oxy hóa. Với trường hợp viêm da tiếp xúc, thuốc tím có thể được dùng bằng cách thoa trực tiếp lên da hoặc dùng pha nước tắm để sát khuẩn và làm săn da.
Chống chỉ định:
- Dị ứng với thành phần trong thuốc
- Băng kín vùng da được che phủ
Thuốc tím có màu tím than hoặc nâu đặc trưng. Vì vậy khi dùng thuốc, cần tránh để thuốc tiếp xúc với vải quần áo và giày dép.
3. Thuốc bôi chứa corticoid
Corticoid là hoạt chất tổng hợp có tác dụng tương tự hormone cortisol được tuyến thượng thận bài tiết. Hoạt chất này có tác dụng chống viêm và giảm các triệu chứng do hiện tượng viêm gây ra như đỏ da, đau nhức, nóng rát bằng cách ức chế hoạt động miễn dịch.
Thuốc bôi chứa corticoid thường được dùng khi tổn thương da khô và đóng mài. Dùng thuốc trong giai đoạn tổn thương mới phát có thể khiến vết thương chậm lành, chảy nhiều dịch và trợt loét.
Một số loại thuốc chứa corticoid thường được dùng trong điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm:
- Diprosone: Diprosone là thuốc bôi ngoài da chứa hoạt chất Betamethasone dipropionate – một dẫn xuất tổng hợp của corticoid. Dẫn xuất này có hoạt tính nhẹ nên được thường ưu tiên sử dụng trước khi chỉ định các dẫn xuất corticoid có hoạt tính mạnh.
- Gentrison: Gentrison là thuốc bôi da chứa hoạt chất corticoid – Betamethason dipropionate. Ngoài ra thuốc còn chứa Gentamicin sulfate và Clotrimazole có tác dụng kháng khuẩn và ức chế vi nấm. Thuốc có thể được dùng trong trường hợp viêm da tiếp xúc bội nhiễm hoặc tổn thương da khô ráp, dày sừng, sưng viêm,…
- Eumovate: Eumovate chứa hoạt chất Clobetasol butyrate. Clobetasol là một corticosteroid có hoạt tính chống viêm mạnh bằng cách ức chế tổng hợp các thành phần trung gian gây ra phản ứng viêm. Chính vì vậy loại thuốc bôi này chỉ được sử dụng trong trường hợp tổn thương da sưng viêm nặng hoặc không có đáp ứng với các dẫn xuất corticoid khác.
Các loại thuốc chứa chứa corticoid chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn. Lạm dụng nhóm thuốc này có thể gây teo da, mỏng da, giãn mạch, dày sừng nang lông và tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời.
4. Kem làm mềm da
Khi tổn thương da khô, nứt nẻ và bong tróc nhiều, bác sĩ có thể chỉ định một số loại kem làm mềm da như:
- Physiogel cream: Physiogel cream là kem bôi có tác dụng làm mềm và dưỡng ẩm da. Sản phẩm chứa thành phần Palmitamide MEA có tác dụng làm dày lớp màng lipid, giữ ẩm cho da, giảm khô, ngứa và đỏ rát. Ngoài ra kem Physiogel cream còn chứa Zinc oxide, Methoxycinnamate và Methylbenzylidene Camphor giúp bảo vệ da khỏi tác động của tia UVA và UVB trong ánh nắng mặt trời.
- Lactcare-HC Lotion 1%: Lactcare-HC Lotion 1% là sữa dưỡng da có tác dụng giảm khô ráp, bong tróc và làm mềm da do viêm da kích ứng hoặc dị ứng. Sản phẩm này chứa thành phần chính là Sodium pyrrolidone carboxylate 1% và Lactic acid 5%.
- Kem dưỡng chứa vitamin E: Vitamin E là thành phần dưỡng ẩm, làm mềm và làm dịu da hiệu quả. Khi tổn thương da đóng mài, gây khô ráp, bong tróc và ngứa, bạn có thể sử dụng một số kem dưỡng chứa thành phần này để cải thiện triệu chứng trên da.
5. Thuốc kháng sinh tại chỗ
Với những trường hợp có nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi chứa hoạt chất kháng sinh sau:
- Fusidicort: Fusidicort chứa thành phần kháng sinh Fusidic acid. Thành phần này có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn gây nhiễm trùng da thường gặp như tụ cầu khuẩn, vi khuẩn gram âm và cả chủng kháng penicillinase.
- Bactroban ointment: Bactroban là loại thuốc kháng sinh điều trị tại chỗ được sử dụng khá phổ biến. Thuốc chứa thành phần chính là Mupirocin acid có tác dụng đối với tụ cầu khuẩn, E. coli, Haemophilus influenzae, chủng kháng methicilline và một số vi khuẩn nhóm Streptococcus.
Khi dùng kháng sinh tại chỗ, bạn nên sử dụng thuốc theo đúng liều lượng, tần suất và thời gian được chỉ định. Dùng thuốc không đều hoặc ngưng thuốc sớm có thể khiến vi khuẩn tái phát và gây bội nhiễm trở lại.
Ngoài những loại thuốc kể trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc bôi trị viêm da tiếp xúc khác như thuốc bạt sừng (chứa Salicylic acid) hoặc nhóm thuốc ức chế calcineurin (Tacrolimus).
Bị viêm da tiếp xúc nên uống thuốc gì?
Với những trường hợp tổn thương da có mức độ nặng, phạm vi rộng và gây ngứa nhiều, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc uống sau đây:
1. Thuốc kháng histamine H1
Histamine là thành phần trung gian kích thích các triệu chứng dị ứng như buồn nôn, ho, ngứa da, nổi mề đay, phát ban, mụn nước, phù nề,… Trong trường hợp viêm da kích ứng tiếp xúc và viêm da tiếp xúc dị ứng gây ngứa nhiều và có dấu hiệu lan tỏa nhanh, bác sĩ thường chỉ định thuốc kháng histamine H1 nhằm kiểm soát triệu chứng cơ năng và giảm khả năng lan tỏa tổn thương da.
Một số thuốc kháng histamine H1 được sử dụng trong điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm Clorpheniramine, Promethazin hydroclorid, Brompheniramin maleat, Loratadin, Acrivastin, Fexofenadin, Cetirizin hydroclorid,…
Nhóm thuốc này tương đối an toàn và có thể dùng cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc kháng histamine H1 thế hệ I, bạn có thể gặp phải tác dụng an thần, gây buồn ngủ và giảm mức độ tập trung.
2. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau được sử dụng khi tổn thương da phù nề và gây đau nghiêm trọng. Ngoài ra loại thuốc này cũng được dùng khi viêm da tiếp xúc bội nhiễm gây đau nhức cơ thể và làm tăng thân nhiệt.
Paracetamol là loại thuốc giảm đau được sử dụng thông dụng nhất. Thuốc có tác dụng hạ sốt nhanh và cải thiện cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình.
Chống chỉ định:
- Người mắc các vấn đề về gan
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Từng có tiền sử nghiện rượu
- Thiếu hụt men G6PD
Paracetamol chuyển hóa chủ yếu qua gan. Vì vậy trong thời gian dùng thuốc, bạn nên hạn chế uống rượu bia hoặc sử dụng đồng thời với một số loại thuốc gây độc lên gan, thận.
3. Thuốc chống viêm
Trong trường hợp tổn thương da gây sưng viêm và phù nề, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống viêm non-steroid hoặc thuốc chống viêm có steroid.
– Thuốc chống viêm non-steroid:
Thuốc chống viêm non-steroid là lựa chọn ưu tiên đối với trường hợp viêm da tiếp xúc gây sưng viêm và phù nề. Nhóm thuốc này ức chế quá trình sinh tổng hợp thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm (prostaglandin) bằng cách tác động đến ezyme cylclooxygenase 1 và 2.
Chống chỉ định:
- Người bị suy giảm chức năng gan và thận nặng
- Bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển
- Tiền sử xuất huyết dạ dày
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
Một số thuốc chống viêm không steroid thường được dùng trong điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen và Meloxicam.
– Thuốc chống viêm có steroid:
Thuốc chống viêm có steroid hay còn gọi là corticosteroid đường uống. Nhóm thuốc này ức chế hoạt động của hệ miễn dịch nhằm chống viêm và chống dị ứng. Thuốc có nguy cơ cao nên chỉ được sử dụng trong trường hợp tổn thương da phù nề và sưng viêm nặng.
Chống chỉ định:
- Quá mẫn với corticoid
- Bệnh nhân vừa tiêm vaccine chứa virus sống
- Bội nhiễm vùng da tổn thương do virus
4. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh toàn thân được dùng trong điều trị viêm da tiếp xúc bội nhiễm có mức độ nặng và phạm vi rộng. Nhóm thuốc này được chỉ định khi bội nhiễm da xảy ra do các chủng vi khuẩn nhạy cảm.
Nhóm kháng sinh thường được sử dụng chủ yếu là kháng sinh nhóm penicillin và cephalosporin. Để chỉ định loại kháng sinh phù hợp, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ nhiễm trùng, chủ vi khuẩn gây bệnh và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.
Khi dùng kháng sinh đường uống, cần sử dụng đều đặn để tránh nguy cơ vi khuẩn kháng kháng sinh. Bên cạnh đó cần uống nhiều nước và bổ sung probiotic để hạn chế tình trạng viêm đại tràng giả mạc.
5. Viên uống bổ sung
Với những trường hợp viêm da tiếp xúc mãn tính, bác sĩ có thể kê toa một số viên uống bổ sung nếu không có chống chỉ định. Nhóm thuốc này có tác dụng nâng cao đề kháng và thể trạng, từ đó giảm độ nhạy cảm của hệ miễn dịch và hạn chế viêm da tiếp xúc bùng phát.
Một số viên uống bổ sung thường được dùng trong điều trị viêm da tiếp xúc, bao gồm:
- Vitamin A
- Vitamin E
- Vitamin C
- Kẽm
Những lưu ý khi dùng thuốc trị viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu thường gặp. Bệnh chủ yếu có mức độ nhẹ đến trung bình và thường thuyên giảm nhanh sau khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu thiếu thận trọng khi sử dụng, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ và tình huống rủi ro.
Vì vậy khi dùng thuốc trị viêm da tiếp xúc, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Chỉ dùng thuốc khi đã tham vấn y khoa. Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc bôi và thuốc uống. Dùng thuốc không đúng cách hoặc không phù hợp với giai đoạn tiến triển của tổn thương da có thể khiến da trợt loét, chậm lành và có nguy cơ bội nhiễm cao.
- Khi sử dụng thuốc, cần tuân thủ tần suất, liều lượng và thời gian dùng thuốc. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh các yếu tố nói trên.
- Nếu nhận thấy tác dụng phụ của thuốc, vui lòng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách khắc phục.
- Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cần xác định nguyên nhân gây bệnh nhằm phòng ngừa tái phát và hạn chế tổn thương lan tỏa rộng.
- Nên phối hợp với một số biện pháp chăm sóc như uống nhiều nước, giữ vệ sinh da, tránh chà xát lên vùng da tổn thương, bổ sung thực phẩm lành mạnh và nghỉ ngơi điều độ.
Bài viết đã giải đáp vấn đề “Bị viêm da tiếp xúc nên bôi hay uống thuốc gì?”. Tuy nhiên thông tin trên chỉ có giá trị tham khảo. Để được tư vấn về các loại thuốc phù hợp, bạn nên liên hệ và trao đổi trực tiếp với nhân viên y tế.
Tham khảo thêm: Bị viêm da tiếp xúc nên kiêng ăn gì để tránh nặng thêm ?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!