Các giai đoạn của bệnh gout và cách nhận biết
Nội Dung Bài Viết
Bệnh gout là một dạng viêm khớp mãn tính phổ biến ở những người trong độ tuổi trung niên. Bệnh xảy ra do sự gia tăng nồng độ axit uric máu dẫn tới lắng đọng tinh thể urat tại các khớp. Theo các chuyên gia, hiện bệnh gout có 4 giai đoạn và dấu hiệu nhận biết sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.
Các giai đoạn của bệnh gout và cách nhận biết
Bệnh gout là một dạng viêm khớp thường gặp gây ra nhiều đau đớn và khó chịu cho người mắc bệnh. Người mắc bệnh gout thường cảm thấy sưng và đau ở các khớp chân, đặc biệt là ngón chân cái. Cơn đau có lúc đột ngột hoặc dữ dội khiến cho người bệnh có cảm giác như đang có kim châm vào các khớp.
Bệnh xảy ra phổ biến ở những người trong độ tuổi trung niên, đặc biệt là nam giới. Nguyên nhân gây bệnh trực tiếp là do sự dư thừa axit uric trong máu cùng các yếu tố nguy cơ khác là chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên sử dụng rượu bia, mắc bệnh béo phì và lười vận động.
Theo nhiều chuyên gia xương khớp nhận định rằng bệnh gout thường tiến triển qua 4 giai đoạn. Cụ thể là:
1. Nồng độ axit uric cao
Nồng độ axit uric cao còn được gọi là tăng axit uric máu nhưng vẫn chưa xuất hiện triệu chứng của cơn gout cấp. Trong giai đoạn này, tổn thương thực thể và các triệu chứng cơ năng của bệnh gout vẫn chưa xuất hiện. Do đó, yếu tố duy nhất có thể xác định bệnh là nồng độ axit uric máu tăng cao bất thường.
Nếu axit uric máu tăng sẽ được xác định khi nồng độ cao hơn 7mg/dl (đối với nam giới) và 6mg/dl (đối với nữ giới). Nhưng bệnh gout tiến triển khá chậm, do đó nếu kịp thời phát hiện, bạn có thể điều chỉnh nồng độ axit uric nhằm ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh gout có thể bộc phát.
Theo số liệu thống kê, có khoảng 20% trường hợp tăng axit uric máu phát triển thành bệnh gout. Trường hợp có đi thăm khám và kịp thời điều chỉnh thì nồng độ axit uric có thể trở về mức cân bằng và hạn chế được các cơn đau gout cấp tính.
Hầu như ở giai đoạn tăng axit uric máu thường không phát sinh bất kỳ triệu chứng cơ năng và thực thể nào. Vì vậy để có thể xác định được thì người bệnh nên đến bệnh viện để đo nồng độ axit uric trong máu.
2. Xuất hiện bệnh gout cấp tính
Các cơn đau do bệnh gout cấp tính xuất hiện khi người bệnh uống quá nhiều rượu, ăn nhiều thịt đỏ và hải sản trong thời gian ngắn. Khi đó, nồng độ axit uric dư thừa sẽ tạo thành các tinh thể urat. Các tinh thể này sẽ lắng đọng thành từng mảng và tích tụ quanh khớp.
Các cơn gout cấp luôn tấn công bất ngờ, thường xảy ra vào ban đêm. Khi nồng độ axit uric cao đến mức nhất định sẽ kéo theo cơn đau gout cấp tính sẽ bùng phát mạnh trong vòng 6 – 24 giờ.
Dấu hiệu để nhận biết có sự xuất hiện bệnh gout cấp tính:
- Những cơn đau khớp dữ dội, cơn đau do bệnh gout cấp tính thường có mức độ nặng nề hơn triệu chứng đau do thoái hóa và viêm khớp dạng thấp.
- Các khớp bị sưng đỏ và nóng.
- Các triệu chứng thường bùng phát bất ngờ, dữ dội và kéo dài trong vòng 6 – 24 giờ.
- Cơn đau có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây suy nhược cơ thể và khó khăn trong vận động.
- Các triệu chứng thường có xu hướng thuyên giảm và biến mất sau 3 – 10 ngày.
Đối với đa số bệnh nhân gout, cơn gout cấp thứ hai sẽ xảy ra trong vòng 6 tháng đến 2 năm sau cơn gout cấp đầu tiên. Sau đó các cơn gout cấp xảy ra nhiều hơn về tần suất xuất hiện và số khớp bị ảnh hưởng. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, các cơn gout cấp sẽ xuất hiện với mức độ thường xuyên và nghiêm trọng hơn, khi đó thời gian cũng hồi phục lâu hơn so với các cơn gout cấp ban đầu.
Khi bị cơn gout cấp tấn công,người bệnh nên đến thăm khám và điều trị. Các bác sĩ sẽ chỉ định cho sử dụng thuốc giảm đau và sưng khớp để cải thiện các triệu chứng bệnh. Lưu ý rằng, việc điều trị chỉ mang tính thời điểm và không thể giải quyết các nguyên nhân cơ bản của bệnh gout cũng như không làm giảm axit uric máu.
Vì vậy, để kiểm soát các cơn gout cấp tính có thể tấn công, người bệnh hãy luôn giữ cho nồng đồ axit uric của mình dưới ngưỡng 6mg/dl. Đồng thời sử dụng các phương pháp giúp làm giảm axit uric để duy trì nồng độ ở ngưỡng an toàn.
3. Tổn thương khớp (giai đoạn mãn tính của bệnh gout)
Trong giai đoạn này, bệnh ít gây ra triệu chứng nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của bệnh. Nếu không sớm can thiệp điều trị thì tinh thể muối urat sẽ tích tụ dần theo thời gian và gây hủy hoại mô sụn cũng như tổn thương đầu xương.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, khi axit uric máu cao, các tinh thể axit uric (tinh thể gây ra các cơn đau cấp) vẫn hiện diện trong các khớp. Do đó, ngay cả khi không xuất hiện cơn đau thì các tinh thể muối urat vẫn tiếp tục gây tổn thương khớp.
Dấu hiệu nhận biết:
- Các cơn đau khớp có thể xuất hiện hoặc không với mức độ đau thường và không dữ dội như cơn gout cấp tính.
- Vùng khớp có dấu hiệu sưng đỏ và nóng.
- Trong một số trường hợp có thể không nhận thấy được bất cứ triệu chứng đặc trưng nào.
Ở giai đoạn này, việc điều trị đòi hỏi phải sử dụng thuốc kết hợp với lối sống lành mạnh thì mới có thể duy trì nồng độ axit uric ở mức 6 – 7mg/dl. Với trường hợp không điều trị, axit uric máu có thể sẽ tăng nhanh và khiến cho bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.
4. Giai đoạn xuất hiện hạt tophi
Xuất hiện hạt tophi là giai đoạn cuối của bệnh gout, khi đó các tinh thể urat sẽ bám chặt vào khớp và hình thành các hạt tophi. Các hạt này sẽ lắng đọng ở khớp ngón chân và ngón tay, gây ra đau nhức, làm suy giảm chức năng vận động và làm tăng nguy cơ biến dạng khớp, dẫn tới tàn phế.
Dấu hiệu nhận biết:
- Khớp có dấu hiệu sưng to, khi quan sát sẽ thấy các hạt trắng nổi rõ lên.
- Khớp bị biến dạng dẫn tới khó khăn khi vận động.
- Trong một số trường hợp, hạt tophi có thể xuất hiện ở vành tai, thận và mạch máu.
- Trong giai đoạn này, bệnh gout không chỉ gây biến chứng ở khớp mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp, đường huyết, tim mạch và tăng nguy cơ bị suy thận.
Giai đoạn xuất hiện hạt tophi là giai đoạn có mức độ nguy hiểm nhất và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Điều trị trong giai đoạn này cần phải có sự kết hợp với việc sử dụng thuốc, phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi và tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ dinh dưỡng do bác sĩ đề ra.
Bệnh gout ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có phác đồ điều trị thích hợp cho tình trạng của mỗi bệnh nhân. Đây được xem là bệnh viêm khớp có tiến triển và rất khó kiểm soát. Đối với bệnh nhân có nhiều biến chứng, để kết quả điều trị đạt hiệu quả thì người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt và kiểm soát bệnh một cách chặt chẽ từ thuốc, ăn uống, lối sống.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!