Cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng và thông tin cần biết
Nội Dung Bài Viết
Cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng là biện pháp sử dụng chỉ catgut (chỉ tự tiêu) tạo kích thích cơ học lên huyệt vị nhằm cải thiện chức năng hô hấp và các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, sổ mũi, nặng vùng mặt, ngứa mũi và hắt hơi. Phương pháp này được cải tiến từ kỹ thuật châm cứu truyền thống nên có nhiều ưu điểm vượt trội giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian, chi phí và hỗ trợ rút ngắn quá trình điều trị.
Cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng là phương pháp gì?
Cấy chỉ là phương pháp điều trị được cải tiến từ kỹ thuật châm cứu truyền thống. Phương pháp này sử dụng kim châm đưa 1 đoạn chỉ tự tiêu (catgut) vào huyệt vị tương ứng nhằm tạo ra kích thích cơ học lên kinh huyệt từ 15 – 20 ngày.
So với châm cứu truyền thống, cấy chỉ tác động sâu đến huyệt vị trong thời gian dài nên có thể tiết kiệm thời gian điều trị, chi phí và đem lại hiệu quả tối ưu hơn. Chính vì vậy, hiện nay phương pháp này được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý mãn tính – trong đó có viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp mãn tính, có tiến triển dai dẳng và dễ tái phát. Bệnh khởi phát do cơ thể dị ứng với các dị nguyên có trong không khí (phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, hóa chất,…) nên rất khó điều trị hoàn toàn. Hầu hết các phương pháp được áp dụng chỉ giúp cải thiện chức năng hô hấp và giảm nhẹ các triệu chứng lâm sàng.
Cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng tác động lên các huyệt vị tương ứng nhằm tăng cường lưu thông mũi – xoang, thúc đẩy dẫn lưu dịch tiết hô hấp và tăng tuần hoàn máu. Biện pháp này có thể cải thiện các triệu chứng thường gặp như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, ngứa mắt, chảy nước mắt và ngứa cổ họng.
Chỉ định – Chống chỉ định
Điều trị viêm mũi dị ứng bằng phương pháp cấy chỉ có thể áp dụng cho hầu hết các trường hợp có chỉ định điều trị bảo tồn. Áp dụng biện pháp này đúng cách giúp cải thiện các triệu chứng lâm sàng, hỗ trợ chức năng hô hấp và giảm nguy cơ lạm dụng thuốc.
Tuy nhiên, không nên thực hiện cấy chỉ trong những trường hợp sau:
- Phụ nữ đang mang thai
- Người đang bị sốt
- Tiền căn dị ứng với chỉ tự tiêu (catgut)
- Người bị cao huyết áp hoặc huyết áp không ổn định
- Người bị đái tháo đường có nồng độ đường huyết không ổn định hoặc cao hơn 140mg/ dL
- Viêm mũi dị ứng có giải phẫu mũi – xoang bất thường và có chỉ định phẫu thuật
Ngoài tác dụng điều trị viêm mũi dị ứng, phương pháp cấy chỉ còn giúp cải thiện các bệnh lý hô hấp thường gặp như viêm xoang dị ứng và hen phế quản (hen suyễn).
Quy trình cấy chỉ chữa bệnh viêm mũi dị ứng
Chữa viêm mũi dị ứng bằng phương pháp cấy chỉ có quy trình khá đơn giản, thời gian thực hiện khoảng 15 – 20 phút và bệnh nhân có thể trở về nhà trong ngày. Khác với châm cứu truyền thống, biện pháp này được thực hiện 14 – 20 ngày/ lần nên rất thích hợp với bệnh nhân không có điều kiện châm cứu hàng ngày.
1. Chuẩn bị trước khi cấy chỉ
Trước khi tiến hành, thầy thuốc cần thăm khám để đánh giá tình trạng bệnh lý và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. Điều này giúp đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế các rủi ro không mong muốn.
Đối với những trường hợp có thể áp dụng cấy chỉ, cần chuẩn bị một số vấn đề trước khi thực hiện:
- Trước khi cấy chỉ khoảng 5 – 6 giờ đồng hồ, nên tắm rửa sạch sẽ, hạn chế lao động nặng nhọc và tránh các hoạt động khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, cà phê, nước ngọt, sử dụng chất kích thích và cần tránh tiếp xúc với dị nguyên, bụi bẩn.
- Giữ tâm trạng thoải mái và thể trạng ổn định. Những trường hợp quá lo lắng, căng thẳng, sức khỏe suy nhược nghiêm trọng, bụng quá đói hoặc quá no không được thực hiện cấy chỉ vì có thể gây ra hiện tượng vựng châm (tụt huyết áp, đổ mồ hôi, chóng mặt, tay chân lạnh,…)
- Mặc quần áo rộng rãi và thoải mái để tiện cho việc điều trị.
- Thông thường, cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng được thực hiện trong 15 – 20 phút và bệnh nhân có thể trở về nhà trong ngày. Tuy nhiên sau khi cấy chỉ, một số bệnh có thể bị choáng đầu và mệt mỏi. Vì vậy nên nhờ bạn bè hoặc người thân đi cùng hạn chế rủi ro khi sử dụng phương tiện giao thông.
Ngoài ra, người bệnh nên thông báo với thầy thuốc lịch sử dùng thuốc trước khi tiến hành điều trị. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu ngưng một số loại thuốc để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện.
2. Tiến hành cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng
Mục tiêu chính của phương pháp chữa viêm mũi dị ứng bằng cấy chỉ là khu phong tán hàn và bổ khí cố biểu. Mỗi liệu trình bao gồm khoảng 4 – 6 lần cấy chỉ, mỗi lần cách nhau từ 15 – 20 ngày.
Quy trình cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng:
- Vô khuẩn huyệt vị trước khi tiến hành
- Đưa kim châm có luồn chỉ tự tiêu vào lần lượt các huyệt vị Tứ thần thông, Phế du, Ấn đường, Bách hội, Hợp Cốc, Khúc trì và Nghinh hương
- Sau khi cấy chỉ, thầy thuốc sẽ sử dụng băng dán cố định huyệt vị để cầm máu và ngăn ngừa viêm nhiễm
Trong trường hợp viêm mũi dị ứng có kèm viêm xoang, thầy thuốc sẽ tiến hành cấy chỉ vào một số huyệt vị khác như Khổng tối và Thiên lịch.
Thời gian cấy chỉ kéo dài khoảng 15 – 20 phút tùy vào số lượng huyệt vị. Sau khi thực hiện, bệnh nhân cần ở lại phòng khám/ bệnh viện 15 – 30 phút để theo dõi trước khi trở về nhà.
3. Chăm sóc sau khi cấy chỉ
Cấy chỉ là phương pháp có mức độ xâm lấn thấp nên ít gây chảy máu, đau đớn và có thời gian phục hồi khá nhanh. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế rủi ro phát sinh, cần thực hiện các biện pháp chăm sóc như:
- Nên nằm nghỉ ngơi sau 4 – 6 giờ cấy chỉ. Sau thời gian này, có thể tắm rửa và sinh hoạt như bình thường.
- Cần hạn chế vận động mạnh, lao động nặng nhọc và tránh các hoạt động khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
- Không sử dụng món ăn từ gạo nếp và các loại thực phẩm tanh, lạnh như cua, cá, tôm, mực, nghêu, sò, bạch tuộc,…
- Tránh gãi cào hoặc tác động mạnh lên các huyệt vị được cấy chỉ.
- Hạn chế dùng chất kích thích, rượu bia và thuốc lá.
- Để đảm bảo hiệu quả của phương pháp cấy chỉ, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với dị nguyên, giữ ấm cơ thể, tập thể dục thường xuyên và ăn uống điều độ.
- Nên phối hợp biện pháp này với một số mẹo chữa tại nhà như xông mũi, rửa mũi với nước muối sinh lý để cải thiện các triệu chứng khó chịu và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.
Sau 15 – 20 ngày, nên đến bệnh viện/ phòng khám để được cấy chỉ lần 2. Hoặc có thể tìm gặp thầy thuốc nếu phát sinh các triệu chứng bất thường.
Cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng có hiệu quả không?
Cấy chỉ là hình thức kích thích cơ học lên huyệt vị tương tự bấm huyệt và châm cứu. Tuy nhiên phương pháp này có tác động sâu và lâu dài hơn so với các kỹ thuật truyền thống. Điều này giúp bệnh nhân giảm thiểu thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và thích hợp với những trường hợp không có điều kiện châm cứu hàng ngày.
Hơn nữa so với châm cứu truyền thống, cấy chỉ đem lại nhiều công dụng vượt trội nhờ vào vai trò của chỉ tự tiêu (chỉ catgut). Ngoài lợi ích thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau và giải phóng kinh lạc ứ trệ, cấy chỉ còn giúp tăng sinh dinh dưỡng tại huyệt vị, điều hòa quá trình chuyển hóa đường đạm và thúc đẩy dẫn lưu dịch tiết hô hấp.
Do đó, điều trị viêm mũi dị ứng bằng cấy chỉ có thể cải thiện chức năng hô hấp và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu như hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt,… Hơn nữa, phương pháp này không gây ra tình trạng phụ thuộc như sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, viêm mũi dị ứng là bệnh lý có liên quan đến yếu tố cơ địa nên rất khó điều trị hoàn toàn. Các phương pháp được áp dụng chỉ có hiệu quả giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng trên thực tế, cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng có thể gây ra một số tác dụng phụ như chảy máu, đau nhức huyệt vị, vựng châm, nhiễm trùng, dị ứng chỉ tự tiêu và lây nhiễm chéo (thường xảy ra do cấy chỉ ở những cơ sở y tế nhỏ, không đảm bảo vô trùng thiết bị y tế).
Ưu điểm – Hạn chế khi điều trị viêm mũi dị ứng bằng cấy chỉ
Trước khi điều trị viêm mũi dị ứng bằng phương pháp cấy chỉ, bệnh nhân nên cân nhắc giữa ưu điểm và mặt hạn chế của phương pháp này.
– Ưu điểm:
- Tiết kiệm thời gian và chi phí hơn so với châm cứu
- Ít gây đau và có thời gian phục hồi nhanh
- Có thể cải thiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng và hỗ trợ chức năng hô hấp
- Không xảy ra hiện tượng phụ thuộc như sử dụng thuốc
– Nhược điểm:
- Không có tác dụng điều trị bệnh hoàn toàn
- Có thể gây ra một số tác dụng phụ trong và sau khi thực hiện
- Không thích hợp với người bị dị ứng chỉ tự tiêu (catgut), bệnh nhân có giải phẫu mũi bất thường, phụ nữ mang thai, người bị cao huyết áp, tiểu đường,…
Trên thực tế, mỗi phương pháp điều trị đều có những ưu điểm và mặt hạn chế nhất định. Vì vậy, bệnh nhân nên cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn được phương pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe, độ tuổi và khả năng tài chính.
Cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng ở đâu?
Để giảm thiểu tác dụng phụ khi cấy chỉ, bệnh nhân nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín và thầy thuốc có tay nghề cao. Dưới đây là một số bệnh viện lớn có thực hiện điều trị viêm mũi dị ứng bằng phương pháp cấy chỉ tại Hà Nội và TP HCM:
- Bệnh viện Châm cứu Trung Ương: Địa chỉ số 49 Thái Thịnh, Quận Đống Đa, Hà Nội. SĐT (024) 3562 7451. Thời gian làm việc 8:00 – 17:00 từ Thứ 2 – Thứ 6, không làm việc Thứ 7 và Chủ nhật.
- Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương: Địa chỉ số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. SĐT (024) 3826 3616. Thời gian làm việc 7:00 – 17:00 từ Thứ 2 – Thứ 6.
- Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Bạch Mai: Vị trí tầng 2, Khu nhà A6, A8 tại số 78 Giải Phóng, phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội. SĐT (024) 3869 3731. Bệnh viện làm việc 24/ 24 các ngày trong tuần.
- Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM: Địa chỉ số 179 Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP HCM. SĐT (028) 3932 6579 – (028) 3932 6004. Thời gian làm việc 6:30 – 11:30 và 13:00 – 16:30 từ Thứ 2 – Thứ 7.
- Viện Y dược học dân tộc TP HCM: Địa chỉ 273 – 275 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP HCM. SĐT (028) 3844 3047 – 094 157 3926. Thời gian làm việc 6:30 – 19:00 các ngày trong tuần.
Trên đây là những thông tin cần biết về phương pháp cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng. Để được tư vấn cụ thể hơn về liệu trình và chi phí điều trị, bệnh nhân nên liên hệ trực tiếp với thầy thuốc hoặc bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!