7 cây thuốc Nam chữa rụng tóc hiệu quả theo dân gian
Nội Dung Bài Viết
Bên cạnh phương pháp điều trị bằng thuốc Tây y, mẹo chữa bệnh nhờ thảo dược tự nhiên cũng đang được nhiều bệnh nhân tin tưởng áp dụng. Dưới đây là 7 cây thuốc Nam chữa rụng tóc quen thuộc có thể giúp bạn cải thiện triệt để vấn đề phiền toái này.
7 cây thuốc Nam chữa rụng tóc hiệu quả theo dân gian
Cỏ mực, hương nhu, lá ổi, ngô đồng họ trôm, tang bạch bì, bồ kết và hà thủ ô đỏ chính là 7 loại thảo dược tự nhiên an toàn, lành tính được các thầy thuốc y học cổ truyền ứng dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc điều trị rụng tóc.
1. Cỏ mực
Là một loài thảo mộc mọc hoang, cỏ mực (nhọ nồi, hạn liên thảo) được thu hái quanh năm, chủ yếu vào mùa hè, khi lá cây đang trong thời kỳ xanh tốt nhất. Sau khi loại bỏ lá úa và tạp chất, người ta sẽ đem thuốc đi phơi khô.
Cỏ mực chứa tinh dầu, chất đắng, tanin, caroten cùng một loại alcaloid mang tên ecliptin. Vị thuốc này có công dụng chỉ huyết, lương huyết, bồi bổ can thận, chủ trị các chứng can, thận âm hư, ho ra máu, ói ra máu, huyết huyệt, đại – tiểu tiện ra máu, chảy máu dưới da, chảy máu cam, rong huyết, băng huyết, tóc bạc sớm, rụng tóc, răng lợi sưng đau…
Để chữa bệnh rụng tóc bằng cỏ mực, độc giả có thể áp dụng một trong hai bài thuốc sau:
Bài thuốc 1
- Chuẩn bị 5g hồng hoa, 10g hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi), 10g xuyên tiêu, 10g can khương, 20g cố phá chỉ và 2 con ban miêu
- Ngâm toàn bộ dược liệu trong 200ml dung dịch cồn 70% khoảng 1 tuần
- Khi sử dụng, bạn thấm thuốc bằng bông gòn rồi chấm vào vị trí cần điều trị
- Thực hiện 3 – 5 lần/ngày trong vòng 30 ngày
Lưu ý: Ban miêu rất độc. Vì vậy, bạn tuyệt đối không để nước thuốc vương lên mũi, mắt, miệng.
Bài thuốc 2
- Chuẩn bị 100g cỏ mực, 100g gừng tươi và 100g trắc bá diệp
- Rửa sạch, giã nhuyễn và ép lấy tinh chất nước cốt từ ba nguyên liệu trên
- Hòa hỗn hợp này với một chút mật ong nguyên chất
- Nhẹ nhàng bôi thuốc lên vùng da đầu đang rụng tóc
- Tiến hành 3 lần/ngày trong 10 ngày liên tục
2. Hương nhu – Cây thuốc Nam chữa rụng tóc an toàn
Với tên khoa học là Herba Ocimi Gratissimi, hương nhu thường mọc hoang ven bờ sông, sườn đồi. Đây là loài cây thân thảo với phiến lá răng cưa, có nhiều lông mịn. Khi vò nát lá cây, bạn sẽ ngửi thấy hương thơm dịu nhẹ. Cả hai loại hương nhu trắng và hương nhu tía đều có tác dụng nuôi dưỡng da đầu, kích thích mọc tóc và điều trị – ngăn ngừa bệnh rụng tóc vô cùng hiệu quả.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1kg cây hương nhu tươi
- Rửa sạch vị thuốc trong nước muối pha loãng
- Nấu sôi với 4 lít nước
- Đun cạn cho đến khi dung dịch cô đặc còn 100ml
- Lấy nước, bỏ bã
- Khi sử dụng, bạn trộn đều vài giọt mỡ heo vào một chút nước hương nhu, sau đó nhẹ nhàng bôi khắp da đầu
3. Lá ổi
Thành phần flavonoids, quercetin và axit tannic của lá ổi đều là những chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh mẽ với khả năng chống viêm, diệt khuẩn và kháng nấm vượt trội. Bên cạnh đó, nguồn vitamin B dồi dào giúp loại dược liệu này cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho mái tóc, thúc đẩy quá trình mọc tóc và giảm thiểu hiện tượng gãy rụng.
Không chỉ dừng lại ở đó, lá ổi rất giàu vitamin C và khoáng chất. Những dưỡng chất này góp phần kích thích quá trình sản sinh collagen bên trong tế bào, từ đó hỗ trợ nuôi dưỡng nang tóc. Ngoài ra, hoạt chất lycopence còn giúp bảo vệ mái tóc khỏi tác động tiêu cực của các tác nhân gây hại (đặc biệt là tia cực tím).
Cách thực hiện
- Chuẩn bị một lượng lá ổi tươi vừa đủ
- Rửa sạch nguyên liệu trong nước muối pha loãng
- Xay nhuyễn lá ổi để vắt lấy nước cốt
- Thoa dung dịch lên da đầu và mái tóc
- Massage nhẹ nhàng trong khoảng 20 phút
- Xả lại bằng nước sạch
- Áp dụng 2 – 3 lần/tuần
4. Ngô đồng họ trôm – Cây thuốc Nam chữa rụng tóc hiệu quả
Ngô đồng họ trôm có tên khoa học là Sterculia Platamyolia L. Đây không phải loài cây cảnh có thân to như cái bình mà là một loài cây thân gỗ lớn với những chiếc lá to bản (lá cây có thể đạt đến chiều dài 25cm).
Cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi, hạt và cây ngô đồng họ trôm có công dụng kích thích mọc tóc, điều trị rụng tóc và ngăn ngừa tóc bạc sớm rất hiệu nghiệm.
Bài thuốc 1
- Chuẩn bị một lượng vỏ cây ngô đồng tươi vừa đủ
- Rửa sạch, phơi khô, sau đó đốt tất cả thành than
- Tán phần than này thành dạng bột mịn
- Trộn bột với dầu ăn
- Thoa hỗn hợp lên da đầu mỗi lần sử dụng
- Áp dụng 1 lần/ngày
Bài thuốc 2
- Tách lấy nhân của hạt cây ngô đồng dạng trôm
- Giã nhuyễn hoặc nghiền nát hạt cây
- Bôi hỗn hợp này lên da đầu 1 lần/ngày
5. Dâu tằm
Theo kinh nghiệm dân gian, mọi bộ phận của cây dâu tằm đều có thể được dùng làm thuốc. Trong đó, tang bạch bì (vỏ rễ cây dâu tằm) chứa nhiều hợp chất flavonoid (xyclomulberrochromen, xyclomulberrin, mullberrochromen, mulberrin), tanin, β amyrin, pectin, axit hữu cơ và một ít tinh dầu. Vì vậy, vị thuốc này có thể điều trị ho ra máu, ho có đờm, bệnh rụng tóc…
Cách thực hiện
- Chuẩn bị một lượng tang bạch bì vừa đủ
- Rửa sạch, nấu kỹ với một chút nước sạch trong khoảng 30 phút
- Gội đầu bằng dung dịch này hàng ngày
6. Bồ kết
Từ ngàn xưa, bồ kết đã nổi tiếng là cây thuốc Nam chữa bệnh rụng tóc quý giá, được dân gian lưu truyền rộng rãi. Đây là nguyên liệu chăm sóc da dầu và mái tóc tuyệt vời mà bạn không thể bỏ qua. Đến tận ngày nay, gội đầu bằng nước bồ kết vẫn là mẹo trị rụng tóc an toàn, đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm được nhiều người ưa chuộng.
Cách 1
- Chuẩn bị 3 – 5 trái bồ kết
- Đốt vị thuốc thành than
- Hòa than bồ kết với một chút nước để tạo thành hỗn hợp sền sệt
- Đắp hỗn hợp lên vùng da đầu cần điều trị
Cách 2
- Rang giòn hoặc nướng chín 3 – 5 trái bồ kết
- Nấu sôi bồ kết với 1 nắm lá bưởi hoặc một ít vỏ bưởi cùng 3 lít nước sạch
- Gội đầu bằng dung dịch này
- Xả lại bằng nước mát
7. Hà thủ ô đỏ – Cây thuốc Nam chữa rụng tóc gần gũi
Là vị thuốc giúp “xanh tóc đỏ da”, hà thủ ô có công dụng nuôi dưỡng mái tóc và ngăn ngừa gãy rụng đặc biệt hiệu quả. Bạn có thể kết hợp hà thủ ô với đậu đen và mật ong nguyên chất hoặc áp dụng các bài thuốc Nam từ thành phần này theo sự hướng dẫn của thầy thuốc y học cổ truyền.
Bài viết đã giới thiệu 7 loại dược liệu quen thuộc, lành tính dành cho những người đang bị rụng tóc. Để đảm bảo an toàn, trước khi tiến hành, độc giả cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cặn kẽ và hướng dẫn chính xác.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!