Chàm khô tróc vảy – Hướng dẫn chăm sóc và điều trị
Nội Dung Bài Viết
Chàm khô tróc vảy điển hình bởi tình trạng da khô, nứt nẻ, dày sừng, bong tróc và ngứa ngáy. Mặc dù không tác động nghiêm trọng đến các cơ quan quan trọng và sức khỏe tổng thể nhưng bệnh lý này có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và chưa thể điều trị dứt điểm. Vì vậy để kiểm soát tổn thương da và ngăn ngừa biến chứng, cần kết hợp giữa các phương pháp y tế với chế độ chăm sóc và phòng ngừa khoa học.
Chàm khô tróc vảy là bệnh gì?
Chàm khô tróc vảy là một trong những dạng biểu hiện lâm sàng của bệnh chàm khô. Đây là tình trạng da khô, bong tróc, ngứa ngáy, nứt nẻ và dày sừng. Tổn thương do bệnh chàm khô tróc vảy thường không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nhưng tác động không nhỏ đến ngoại hình, tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Mặc dù chỉ gây thương tổn ngoài da nhưng bệnh lý này rất khó điều trị và hầu hết đều phát triển suốt đời. Các biện pháp điều trị được áp dụng chỉ giúp làm giảm tổn thương lâm sàng, ngăn ngừa triệu chứng lan rộng và cải thiện chức năng thẩm mỹ của da.
Chính vì vậy bên cạnh việc điều trị, cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc khoa học và chủ động phòng ngừa nhằm hạn chế tình trạng bệnh trở nặng và tái phát thường xuyên.
Nhận biết bệnh chàm khô tróc vảy
Chàm khô tróc vảy có triệu chứng tương đối điển hình và dễ nhận biết. Mức độ triệu chứng có xu hướng nặng nề vào mùa thu đông và giảm nhẹ vào mùa xuân hè.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh chàm khô tróc vảy, bao gồm:
- Nền da đỏ, viêm nhẹ và khô ráp
- Da khô và bong tróc thành từng mảng, có hiện tượng dày sừng, thâm nhiễm và nứt nẻ
- Ở các vết nứt có thể xuất hiện tình trạng rướm máu và đau rát
- Thương tổn ngoài da đi kèm với triệu chứng đau rát và ngứa ngáy kéo dài
- Triệu chứng của bệnh thường xảy ra ở những vị trí có mật độ và tần suất tiếp xúc thường xuyên như lòng bàn tay, ngón tay, ngón chân, lòng bàn chân,…
Ở một số ít trường hợp, chàm khô tróc vảy có thể ảnh hưởng đến vùng móng khiến móng giòn, đổi màu, nứt nẻ và dễ gãy.
Các nguyên nhân gây bệnh chàm khô tróc vảy thường gặp
Nguyên nhân gây bệnh chàm nói chung và chàm khô tróc vảy nói riêng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên qua các công trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bệnh lý này là hệ quả do nhiều yếu tố cộng hưởng – trong đó bao gồm cả yếu tố nội giới và ngoại giới.
Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố có vai trò trong cơ chế khởi phát bệnh chàm khô tróc vảy:
- Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh chàm eczema và chàm khô tróc vảy. Yếu tố di truyền thường bao gồm các vấn đề như bất thường ở nhiễm sắc thể, cơ địa nhạy cảm, đặc tính da khô, thiếu hụt protein ở lớp sừng, rối loạn chu chuyển tế bào thượng bì,…
- Tiếp xúc với hóa chất: Tiếp xúc với hóa chất có độ pH axit hoặc độ kiềm quá cao là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh chàm khô tróc vảy bùng phát. Các hóa chất này làm suy giảm tế bào thượng bì, phá vỡ hàng rào bảo vệ và tạo điều kiện cho các dị nguyên xâm nhập vào cấu trúc da.
- Yếu tố thời tiết: Bệnh chàm khô thường bùng phát mạnh vào mùa thu đông do nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp. Trong khi đó vào thời điểm nhiệt độ và độ ẩm cao, tổn thương da thường có xu hướng thuyên giảm và ít khi bùng phát trên phạm vi rộng.
- Các yếu tố khác: Ngoài ra mức độ của bệnh chàm khô tróc vảy có thể nghiêm trọng hơn khi có các yếu tố tác động như dị ứng phấn hoa, thức ăn, căng thẳng thần kinh, rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch, ma sát mạnh,…
Chàm khô tróc vảy có lây không? Nguy hiểm không?
Chàm khô tróc vảy là hệ quả do nhiều yếu tố cộng hưởng. Bệnh không có khả năng lây nhiễm, ngay cả khi tiếp xúc gián tiếp hoặc trực tiếp với vùng da tổn thương. Tuy nhiên tổn thương da có thể lây lan rộng khi có các yếu tố thúc đẩy như suy giảm chức năng miễn dịch, thể trạng suy yếu, dị ứng, ảnh hưởng của các loại thuốc,… Ngoài ra, chàm khô tróc vảy và hầu hết các bệnh da liễu mãn tính đều có xu hướng di truyền từ cha mẹ sang con cái.
Như đã đề cập, bệnh chàm khô chỉ gây tổn thương ngoài da và hầu như không ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan quan trọng. Tuy nhiên do chưa có biện pháp điều trị dứt điểm cộng với tính chất bệnh dai dẳng và dễ tái phát, chàm khô tróc vảy có thể gây ra một số ảnh hưởng như:
- Rối loạn giấc ngủ: Triệu chứng ngứa của bệnh chàm khô kéo dài từ giai đoạn cấp tính đến mãn tính và có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thực tế cho thấy, ban đêm (nhiệt độ giảm thấp) là điều kiện thuận lợi để triệu chứng ngứa ngáy bùng phát mạnh. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ chập chờn, mất ngủ, mệt mỏi, uể oải,…
- Ảnh hưởng đến ngoại hình: Tổn thương lâm sàng do chàm khô tróc vảy gây ra có thể làm giảm chức năng thẩm mỹ của da và ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình. Trong trường hợp tổn thương kéo dài, bệnh còn tác động đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
- Viêm da bội nhiễm: Vi khuẩn, virus và nấm men có thể xâm nhập vào các vết nứt ở vùng da tổn thương và gây ra hiện tượng nhiễm trùng (chàm bội nhiễm). Tình trạng bội nhiễm có thể khiến da ngưng mủ, sưng nóng, đau nhức và đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt cao, ớn lạnh,…
Mặc dù có đặc tính dễ tái phát và dai dẳng. Tuy nhiên nếu tích cực điều trị và chủ động phòng ngừa, bạn có thể kiểm soát tổn thương da, ngăn chặn tiến triển của bệnh và phòng ngừa biến chứng.
Các phương pháp điều trị bệnh chàm khô tróc vảy
Trước khi điều trị, nên tìm gặp bác sĩ để được xác định mức độ triệu chứng, giai đoạn phát triển và chỉ định các biện pháp điều trị tương ứng.
1. Sử dụng thuốc uống + thuốc bôi
Trong trường hợp bệnh bùng phát mạnh, gây khô da, nứt nẻ, chảy máu và ngứa ngáy nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi và thuốc uống sau:
- Thuốc mỡ corticoid: Bệnh chàm khô tróc vảy đặc trưng bởi tình trạng da khô và nứt nẻ. Do đó bác sĩ thường ưu tiên chỉ định các loại thuốc được bào chế ở dạng kem hoặc dạng mỡ nhằm giữ ẩm và giảm tình trạng bong tróc. Corticoid là hoạt chất giảm viêm và kháng dị ứng thông qua hoạt động ức chế miễn dịch tại vùng da được sử dụng. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều biến chứng nên chỉ được sử dụng trên phạm vi nhỏ trong thời gian tối đa 20 ngày.
- Thuốc bôi ức chế calcineurin: Thuốc ức chế calcineurin được sử dụng xen kẽ với corticoid nhằm ngăn ngừa biến chứng và tác dụng phụ. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế các chất trung gian gây viêm, từ đó cải thiện tổn thương da và ngăn ngừa triệu chứng lan tỏa rộng.
- Thuốc kháng histamine H1: Loại thuốc này được sử dụng ở dạng uống nhằm cải thiện tình trạng ngứa ngáy và giảm nhẹ tổn thương trên da. Thuốc kháng histamine H1 có khả năng dung nạp tốt và tương đối an toàn. Tuy nhiên trong thời gian sử dụng thuốc, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn ngủ, thiếu tập trung,…
- Thuốc bôi axit salicylic: Axit salicylic là hoạt chất có tác dụng bạt sừng và giảm viêm nhẹ. Thuốc được sử dụng nhằm cải thiện tình trạng da dày sừng, nứt nẻ và thâm nhiễm do chàm khô tróc vảy.
- Thuốc kháng nấm/ kháng sinh: Trong trường hợp tổn thương da bị bội nhiễm do nấm hoặc vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng nấm/ kháng sinh. Loại thuốc này thường được sử dụng liên tục trong 7 – 10 ngày nhằm ức chế hoàn toàn hiện tượng nhiễm trùng.
2. Tận dụng nguyên liệu thiên nhiên
Chàm khô tróc vảy thường phát triển qua từng giai đoạn. Ở giai đoạn bùng phát, điều trị ưu tiên là sử dụng thuốc Tây nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên khi bệnh đã ổn định, nên tận dụng nguyên liệu tự nhiên để cải thiện tổn thương da và giảm thiểu nguy cơ lạm dụng thuốc.
Một số thảo dược có tác dụng làm giảm triệu chứng do bệnh chàm khô tróc vảy, bao gồm:
– Chữa chàm khô tróc vảy bằng dầu dừa:
Dầu dừa chứa nhiều polyphenol, axit béo và các hợp chất chống oxy hóa. Các thành phần này có tác dụng dưỡng ẩm, chống viêm và làm dịu vùng da bị kích ứng. Bên cạnh đó, axit lauric trong dầu dừa còn ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn, nấm và hỗ trợ làm giảm nguy cơ bội nhiễm da.
Cách thực hiện:
- Làm sạch vùng da cần điều trị và lau khô
- Sau đó sử dụng 1 ít dầu dừa thoa lên da
- Massage nhẹ nhàng để tinh dầu thẩm thấu vào bên trong cấu trúc da
- Để dầu dừa qua đêm và rửa lại với nước ấm vào sáng hôm sau
- Khi rửa, nên xoa bóp nhẹ để hỗ trợ làm sạch mảng da bong tróc
– Dùng mật ong trị bệnh chàm khô:
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, vô hiệu hóa virus và ức chế vi nấm. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong nguyên liệu này còn thúc đẩy tốc độ hồi phục tổn thương da, ngăn ngừa thâm sẹo hình thành và bảo vệ da khỏi các yếu tố kích thích.
Hướng dẫn thực hiện:
- Thoa 1 ít mật ong trực tiếp lên vùng da cần điều trị
- Lưu lại trên trong khoảng 20 phút và rửa lại với nước sạch
- Áp dụng 1 lần/ ngày trước khi thoa kem dưỡng ẩm
- Ngoài ra có thể kết hợp mật ong với dầu dừa hoặc dầu ô liu để tăng tác dụng dưỡng ẩm da
– Ngâm rửa với bột yến mạch
Đối với những trường hợp chàm khô gây ngứa nhiều, nên ngâm rửa bột yến mạch để dứt cơn ngứa, giảm viêm và làm dịu da. Yến mạch chứa axit ferulic và anvenanthramides có tác dụng ức chế tổng hợp các chất gây viêm, tăng sức đề kháng và cải thiện độ săn chắc cho cấu trúc da.
Hướng dẫn thực hiện:
- Đun sôi 1 lít nước và cho vào 3 thìa bột yến mạch
- Sau đó khuấy đều và thêm 1 ít nước mát vào
- Ngâm rửa chân tay với bột yến mạch đến khi nước nguội hẳn
- Có thể dùng bột yến mạch chà xát lên da để làm mềm da và loại bỏ mảng da bong tróc
Ngoài các nguyên liệu tự nhiên trên, bạn cũng có thể kiểm soát triệu chứng của bệnh chàm khô với một số thảo dược khác như dầu ô liu, lá trầu không, chè xanh, sài đất, củ nghệ,… Mặc dù có đặc tính dược lý đa dạng nhưng hầu hết các mẹo chữa từ thảo dược đều có tác dụng chậm. Vì vậy bạn chỉ nên áp dụng các mẹo chữa này trong giai đoạn bệnh ổn định và thuyên giảm.
Hướng dẫn chăm sóc và phòng ngừa chàm khô tróc vảy tái phát
Bệnh chàm khô tróc vảy chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Do đó bệnh có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần – ngay cả khi tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vì vậy ngoài các phương pháp y tế, bạn nên phối hợp với chế độ chăm sóc và các biện pháp phòng ngừa nhằm kiểm soát tiến triển của bệnh, cải thiện mức độ tổn thương da và giảm tần suất bệnh tái phát.
Các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa chàm khô tróc vảy tái phát, bao gồm:
- Giữ vệ sinh da và dưỡng ẩm thường xuyên (2 – 4 lần/ ngày). Nên lựa chọn các sản phẩm có kết cấu đặc, thành phần lành tính và nhẹ dịu để tránh kích ứng da.
- Khi thời tiết chuyển lạnh, nên sử dụng máy tạo độ ẩm, mang vớ và đeo bao tay nhằm hạn chế tình trạng thoát hơi nước.
- Tuyệt đối không chà xát hay gãi cào lên da. Các tác động cơ học này có thể khiến da tổn thương sâu, chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây và bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh nhằm tác động tích cực đến thể trạng, chức năng miễn dịch và sức khỏe làn da.
- Hạn chế đeo trang sức kim loại, sơn móng tay và tiếp xúc với các yếu tố có khả năng dị ứng cao như côn trùng, lông thú cưng, nấm mốc, xà phòng, bột giặt, hóa mỹ phẩm và dung môi công nghiệp.
- Kiểm soát các yếu tố thúc đẩy bệnh tiến triển nặng như hút thuốc lá, căng thẳng thần kinh, mất ngủ và rối loạn nội tiết.
- Cân nhắc thay đổi công việc nếu tình trạng bệnh tái phát có liên quan đến tính chất nghề nghiệp.
Bệnh chàm khô tróc vảy có thể ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ, gây rối loạn giấc ngủ, tâm lý và làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy khi nhận thấy da xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần tiến hành thăm khám, can thiệp điều trị và chủ động phòng ngừa nhằm giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh.
Tham khảo thêm: Mẹo chữa bệnh chàm khô hiệu quả, dân gian thường dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!