Chàm môi – Bệnh lý phiền toái và cách trị dứt điểm
Nội Dung Bài Viết
Bệnh chàm môi là tình trạng da môi nổi dát đỏ, mụn nước, chảy dịch, khô, bong tróc đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy. Bệnh thường khởi phát sau phản ứng dị ứng hoặc tiếp xúc trực tiếp với yếu tố kích thích. Do tính chất tái phát nhiều lần và dai dẳng nên bệnh lý này gây không ít phiền toái trong cuộc sống, tạo tâm lý e ngại và thiếu tự tin khi giao tiếp.
Bệnh chàm môi là gì? Các loại chàm môi thường gặp
Bệnh chàm môi (viêm môi do chàm) là bệnh da liễu mãn tính, biểu hiện bởi triệu chứng ban dát đỏ, bề mặt có mụn nước nhỏ, tự vỡ, chảy dịch, đóng vảy tiết, khô và bong tróc. Bệnh lý này xảy ra do cộng hưởng giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh.
Tương tự bệnh chàm ở những vị trí khác, chàm môi khởi phát theo từng giai đoạn, xen kẽ giữa giai đoạn bùng phát và thuyên giảm. Bệnh có xu hướng dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần, gây ảnh hưởng đến ngoại hình và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Các thể chàm môi thường gặp, bao gồm:
- Viêm môi tiếp xúc kích ứng: Xảy ra khi da môi tiếp xúc với các chất kích ứng như mỹ phẩm, thời tiết thay đổi, ánh nắng,… Các yếu tố này khiến da môi mất nước, suy giảm khả năng đề kháng và bùng phát các triệu chứng lâm sàng.
- Viêm môi tiếp xúc dị ứng: Thể chàm môi này xảy ra khi da môi bị dị ứng và phát sinh triệu chứng do son môi, kem đánh răng, thuốc,…
- Viêm môi bong vảy: Viêm môi bong vảy là một trong những thể chàm môi thường gặp, đặc trưng bởi tình trạng môi bong nhiều vảy và có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần. Thể chàm môi này thường tự phát và hầu như không xác định được nguyên nhân.
Dấu hiệu nhận biết viêm môi do chàm
Chàm môi có thể gây triệu chứng ở 1 hoặc cả 2 môi, xảy ra ở bên ngoài hoặc phát sinh trực tiếp trên vùng da môi. Các triệu chứng thường gặp của bệnh, bao gồm:
- Da môi và vùng da bao xung quanh đỏ
- Xuất hiện mụn nước nhỏ, gây chảy dịch và trợt loét
- Da đóng vảy tiết và khô lại
- Tổn thương nứt và bong vảy
- Gây đau rát và ngứa ngáy dai dẳng
Các triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh và xen kẽ với các giai đoạn thuyên giảm. Chàm môi có xu hướng dai dẳng, hay tái phát và có thể phát triển trong suốt cuộc đời.
Nguyên nhân và yếu tố gây bệnh
Hiện nay, chưa thể xác định nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh chàm môi. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bệnh thường phát sinh sau khi tiếp xúc với chất kích thích hoặc bùng phát ngay khi có phản ứng dị ứng.
Theo các chuyên gia Da liễu, chàm môi có thể khởi phát do một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro như:
- Tiền sử gia đình và cá nhân: Người có tiền sử cá nhân và gia đình mắc bệnh chàm, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa,… thường có nguy cơ bị chàm môi cao.
- Căng thẳng: Căng thẳng là yếu tố tác động trực tiếp đến cơ chế hình thành và tiến triển của bệnh. Do đó chàm môi có thể bùng phát và lan tỏa rộng khi thần kinh bị căng thẳng.
- Tiếp xúc với chất kích thích/ dị ứng: Sử dụng son môi, kem đánh răng, nước súc miệng hoặc ăn thực phẩm gây dị ứng, dùng thuốc,… có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm môi do chàm.
- Thay đổi thời tiết: Thời tiết thay đổi đột ngột có thể kích thích da môi, dẫn đến hiện tượng sản sinh kháng nguyên và bùng phát triệu chứng trên da.
- Rối loạn nồng độ hormone: Nghiên cứu cho thấy, hormone bị thay đổi đột ngột có thể tạo điều kiện thuận lợi để bệnh chàm môi xuất hiện và bùng phát mạnh.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Khi mắc các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp (cảm lạnh, cảm cúm,…) hệ miễn dịch thường có xu hướng nhạy cảm hơn bình thường. Vì vậy trong thời điểm này, viêm môi do chàm có thể khởi phát.
Ngoài ra, chàm môi còn có thể xảy ra do da tiết nhiều mồ hôi, hút thuốc lá, liếm môi thường xuyên hoặc mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch như tiểu đường, nhiễm HIV,…
THAM KHẢO:
Chàm môi có lây không? Có chữa được không?
Cơ chế hình thành bệnh chàm môi có liên hệ mật thiết với yếu tố cơ địa, di truyền cộng hưởng với một số yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Do đó bệnh lý này không có khả năng lây nhiễm – ngay cả khi hôn môi hoặc sử dụng chung vật dụng với người mắc bệnh.
Tuy nhiên ở những trường hợp đặc biệt (chàm môi bội nhiễm hoặc chàm môi do nhiễm trùng đường hô hấp), vi khuẩn/ virus có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Bệnh chàm nói chung và chàm môi nói riêng đều không thể chữa trị dứt điểm. Ở một số trường hợp, chàm môi có thể bùng phát duy nhất 1 lần và không tái phát trở lại. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh có xu hướng tái phát nhiều lần, tiến triển mãn tính và gây không ít phiền toái trong cuộc sống hằng ngày.
Các biện pháp điều trị bệnh chàm môi
Trước khi điều trị chàm môi, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám triệu chứng lâm sàng, tìm hiểu tiền sử gia đình, cá nhân và có thể làm patch test với một số dị nguyên nghi ngờ.
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể hướng dẫn một số biện pháp khắc phục sau:
1. Dưỡng ẩm môi thường xuyên
Chàm môi có xu hướng bùng phát mạnh khi da môi khô ráp, mất nước và suy giảm sức đề kháng. Vì vậy để giảm nhẹ thương tổn da và cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, nên tăng cường dưỡng ẩm cho môi.
Bác sĩ có thể kê toa một số loại son dưỡng môi có thành đơn giản và an toàn như Vaseline, Bioderma hoặc có thể chỉ định một số loại kem dưỡng lành tính như La Roche-Posay Vitamin B5.
Dưỡng ẩm thường xuyên giúp làm dịu hiện tượng viêm, giảm bong tróc và ngứa ngáy ở môi. Hơn nữa khi môi có đủ độ ẩm, hàng rào bảo vệ da sẽ được phục hồi và giảm nguy cơ dị ứng đáng kể.
2. Sử dụng thuốc
Với những trường hợp chàm môi gây ngứa và viêm nhiều, có thể sử dụng một số loại thuốc bôi và thuốc uống sau:
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 có tác dụng ức chế chất trung gian histamine, từ đó ngăn ngừa phản ứng dị ứng, giảm nhẹ ngứa ngáy và nóng rát ở vùng da môi.
- Corticoid dạng bôi: Thuốc bôi chứa corticoid có tác dụng chống dị ứng và chống viêm. Thuốc được sử dụng 2 lần/ ngày trong khoảng 2 tuần nhằm làm giảm hiện tượng viêm và ngứa do chàm môi. Tuy nhiên corticoid có thể gây mỏng da và giãn mao mạch, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng.
- Thuốc ức chế calcineurin: Nếu thương tổn da chưa thuyên giảm hẳn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế calcineurin để thay thế. Nhóm thuốc này có tác dụng tương tự corticoid nhưng hầu như không gây mỏng da hay giãn mao mạch.
- Thuốc kháng sinh và kháng nấm: Tổn thương do chàm môi có nguy cơ bội nhiễm cao (chủ yếu là do nấm và vi khuẩn). Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh/ kháng sinh dạng bôi kết hợp với dạng uống.
3. Tận dụng thảo dược tự nhiên
Da môi khá nhạy cảm và mỏng nên cần thận trọng khi sử dụng thuốc – đặc biệt là nhóm thuốc điều trị tại chỗ. Nếu thương tổn da có mức độ nhẹ, bạn có thể làm giảm triệu chứng bằng cách dưỡng ẩm và tận dụng một số thảo dược tự nhiên như:
- Dầu dừa: Dầu dừa chứa hàm lượng axit béo cao, có tác dụng làm dịu da, giảm bong tróc và củng cố hàng rào bảo vệ. Bên cạnh đó, axit lauric trong nguyên liệu này còn ức chế nấm Candida và tụ cầu khuẩn giúp làm giảm nguy cơ bội nhiễm.
- Nha đam: Gel nha đam có đặc tính dưỡng ẩm và làm dịu da nhanh chóng. Vì vậy bạn có thể thoa 1 ít gel nha đam lên da, để trong 15 phút và rửa lại với nước sạch để cải thiện các triệu chứng của bệnh chàm môi.
- Dùng quả bơ: Quả bơ có chứa nhiều axit amin, vitamin E và Omega 3 có tác dụng dưỡng ẩm, làm mềm da và giảm bong tróc. Để cải thiện các triệu chứng của bệnh, có thể nghiền nát 1 ít thịt quả bơ và đắp lên môi. Lưu lại trên da môi trong khoảng 10 phút và rửa lại với nước sạch.
Khi áp dụng mẹo chữa thiên nhiên, cần thận trọng khi lựa chọn nguyên liệu. Tránh sử dụng các nguyên liệu có khả năng kích ứng cao như giấm táo, chanh, bột quế và một số thảo dược từng có tiền sử dị ứng.
Biện pháp giảm nguy cơ bùng phát bệnh chàm môi
Chàm môi không chỉ gây ngứa, khó chịu và đau rát mà còn ảnh hưởng đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống. Tình trạng tái phát nhiều lần và kéo dài dai dẳng có thể tạo tâm lý thiếu tự tin, e ngại và căng thẳng.
Vì vậy song song với các biện pháp cải thiện, cần áp dụng đồng thời với cách chăm sóc và phòng ngừa khoa học như:
- Tuyệt đối không dùng tay chà xát và gãi lên da môi nhằm hạn chế tình trạng chảy máu và bội nhiễm.
- Hạn chế thói quen liếm môi.
- Trao đổi với bác sĩ da liễu để được tư vấn các sản phẩm dưỡng môi, chăm sóc da và trang điểm lành tính.
- Hạn chế ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, lúa mì, đậu nành,…
- Không hút thuốc lá và tránh hít khói thuốc lá thụ động.
- Giữ vệ sinh da mặt và vùng da môi.
- Giảm thời gian làm việc, ngủ sớm và tập thể dục thường xuyên nhằm kiểm soát căng thẳng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp nâng cao thể trạng, cải thiện khả năng miễn dịch, điều hòa nồng độ nội tiết và giảm nguy cơ tái phát bệnh.
- Điều trị triệt để và chủ động phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Chàm môi là bệnh da liễu mãn tính và có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Bệnh chỉ gây thương tổn ngoài da và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên do tính chất dai dẳng và gây ngứa nhiều, chàm môi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống. Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng của bệnh, cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và áp dụng biện pháp điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm: Chàm đồng tiền là bệnh gì? Cách nhận biết và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!