Bệnh chàm sinh dục – Dấu hiệu và cách điều trị
Nội Dung Bài Viết
Chàm sinh dục là một thể thường gặp của bệnh chàm kích hoạt ngay tại vùng kín của cả nam giới lẫn phụ nữ. Bệnh không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý. Sự e ngại khiến nhiều người chậm trễ trong việc thăm khám gây cản trở quá trình điều trị, làm cho bệnh tiến triển dai dẳng, mãn tính.
Bệnh chàm sinh dục là gì? Nguyên nhân và triệu chứng
Chàm sinh dục là một dạng tổn thương da bùng phát ngay tại bộ phận sinh dục. Tương tự như bệnh chàm thông thường, chàm sinh dục đặc trưng bởi hiện trạng da bị dày sừng, bong vảy, gây ngứa ngáy dữ dội, thường có xu hướng lichen hóa theo thời gian.
Bệnh lý da liễu này có thể xảy ra ở mọi đối tượng, bao gồm cả nam giới và phụ nữ. Số liệu thống kê ghi nhận, nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều so với phụ nữ. Và bệnh thường xuất hiện ở vùng da bìu nên còn được gọi là chàm bìu.
Vùng da ở bộ phận sinh dục thường chứa nhiều mạch máu và có cấu trúc lỏng lẻo. Thêm vào đó là dễ ẩm ướt và có ma sát thường xuyên nên triệu chứng thường dễ diễn tiến nặng. Người bệnh có thể bị sưng đỏ, phù nề, viêm nhiễm và ngứa ngáy dữ dội hơn.
Chàm sinh dục mặc dù không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa nếu không sớm thăm khám và điều trị thì các vấn đề nghiêm trọng hoàn toàn có thể phát sinh.
1. Nguyên nhân gây bệnh chàm sinh dục
Các chuyên gia Da liễu nhận định, sự bùng phát của bệnh chàm sinh dục phần nhiều do yếu tố cơ địa, tâm lý cộng hưởng với các rủi ro khác. Phải kể đến như:
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách và thường xuyên khiến cho khu vực này luôn bị ẩm ướt, không sạch sẽ.
- Mặc quần lót có kích thước không phù hợp, quá chật chội khiến vùng kín bí bách, phải ma sát nhiều và dễ đổ mồ hôi.
- Tiếp xúc với chất nhuộm có trong vải, bao cao su, gel bôi trơn hay ảnh hưởng của việc sử dụng kháng sinh.
- Nếu mắc các bệnh ngoài da như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn, vảy nến, lichen đơn mãn tính… thì nguy cơ phát triển tổn thương dạng chàm ở bộ phận sinh dục cũng rất cao.
- Ảnh hưởng của một số vấn đề nhiễm trùng như bệnh lime, nhiễm HIV, ghẻ, giang mai…
Bệnh chàm sinh dục thường có nguy cơ cao xuất hiện ở một số đối tượng như:
- Người bị suy thận mạn hay mắc bệnh tiểu đường
- Duy trì chế độ ăn uống thiếu lành mạnh
- Hoạt động tình dục quá độ và không an toàn
- Người bị bất ổn về tâm lý, thường xuyên stress, căng thẳng
- Người có cơ địa mẫn cảm
2. Các triệu chứng đặc trưng
Để có thể sớm phát hiện khi bệnh chàm sinh dục kích hoạt thì cần nắm rõ những triệu chứng đặc trưng của bệnh. Bao gồm:
- Các đốm ban có màu đỏ xuất hiện ngay vùng da bên ngoài bộ phận sinh dục.
- Ban da thường có xu hướng lan rộng rất nhanh và sậm màu lại.
- Vùng kín bị ngứa ngáy, đôi khi còn có cảm giác nóng rát rất khó chịu.
- Trên bề mặt da bị ảnh hưởng có thể xuất hiện mụn nước có chứa dịch mủ bên trong.
- Một thời gian, mụn nước sẽ tự động vỡ ra và hình thành vết loét, bốc mùi khó chịu.
- Vùng da tổn thương khô dần lại, dày sừng và bắt đầu bong tróc mạnh.
Tổn thương da thường đi kèm với tình trạng ngứa ngáy dữ hội nên sẽ phát sinh phản ứng gãi ngứa. Nếu có tác động cơ học thì sẽ rất dễ kích thích phản ứng viêm, khiến da dày sừng và có dấu hiệu lichen hóa. Tình trạng này kéo dài có thể làm giảm hàng rào bảo vệ da, tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại tấn công và làm bệnh tái phát.
Chàm sinh dục có lây không, có nguy hiểm không?
Chàm sinh dục có cơ chế phát sinh liên quan tới yếu tố cơ địa, tâm lý cùng một số tác nhân khác cộng hưởng. Do đó, bệnh hầu như không lây nhiễm cho người khác khi tiếp xúc vật lý thông thường hay khi quan hệ tình dục.
Đa phần các trường hợp bị chàm sinh dục đều chỉ kích hoạt ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Triệu chứng thường đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị nếu sớm can thiệp.
Tuy nhiên bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là làm giảm ham muốn tình dục, tạo tâm lý tự ti. Hơn nữa nếu không sớm thăm khám và điều trị thì tổn thương da có thể lan rộng. Đồng thời việc cào gãi để giải tỏa cơn ngứa còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng.
Cách điều trị bệnh chàm sinh dục hiệu quả
Các triệu chứng của bệnh chàm sinh dục thường đáp ứng rất tốt với các biện pháp điều trị. Càng phát hiện bệnh sớm thì việc kiểm soát sẽ càng trở nên dễ dàng và hiệu quả.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị có thể đáp ứng khi bị chàm sinh dục:
1. Sử dụng thuốc Tây y
Muốn điều trị bằng thuốc Tây trước hết bạn cần chủ động thăm khám để bác sĩ nhận định mức độ bệnh cùng các yếu tố liên quan. Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh cùng các biểu hiện lâm sàng, những loại thuốc phù hợp sẽ được kê toa.
Thuốc được dùng phổ biến bao gồm:
– Thuốc bôi chứa stetoid:
Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm và chống dị ứng rất nhanh. Tuy nhiên vùng da ở bộ phận dục thường mỏng và dễ bị giãn mao mạch. Chính vì thế cần ưu tiên loại có hoạt lực nhẹ. Bao gồm Eumovate, Sylana, Fucicort, Elomest…
– Thuốc bôi ức chế calcineurin:
Đây cũng là nhóm thuốc có khả năng kháng viêm và giảm dị ứng tốt nhưng không gây chứng giãn mao mạch, teo da như stetoid. Pimecrolimus và Tacrolimus là 2 loại thuốc ức chế calcineurin được dùng phổ biến nhất.
– Thuốc kháng Histamine:
Các thuốc nhóm này có tác dụng giảm ngứa và hạn chế tổn thương da nhờ cơ chế làm giảm phóng thích chất trung gian hóa học – Histamine. Một số loại thuốc Histamine thế hệ 2 như Loratidin, Terfenadin, Acrivastin, Fexofenadin, Astemizol, Cetirizin… thường được chỉ định trong trị chàm sinh dục. Bởi chúng ít gây tác dụng phụ nhưng người bệnh vẫn có thể bị buồn ngủ và thiếu tập trung.
– Thuốc kháng sinh:
Thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp vùng da bị bệnh có bội nhiễm. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn mà có thể dùng kháng sinh dạng bôi hay dạng uống kết hợp.
– Sử dụng kem dưỡng ẩm:
Bệnh chàm nói chung và chàm sinh dục nói riêng thường khiến cho hàng rào bảo vệ da suy giảm. Vì vậy bác sĩ luôn khuyến khích sử dụng các loại kem dưỡng ẩm lành tính để hạn chế mất nước và tăng đề kháng tự nhiên cho da.
– Thuốc tiêm:
Mặc dù rất hiếm khi phải dùng đến nhưng đối với bệnh chàm sinh dục, tính chất thường nghiêm trọng hơn các thể chàm khác nên thuốc tiêm cũng có thể được chỉ định. Nhất là khi người bệnh phản ứng với thuốc uống hay điều trị bằng thuốc tại chỗ và thuốc uống không đáp ứng, bệnh diễn tiến xấu. Dupixent hiện đang là loại thuốc tiêm được dùng tương đối phổ biến.
2. Dùng thuốc Đông y chữa bệnh chàm sinh dục
Trong trường hợp không may gặp phải các tác dụng ngoại ý khi sử dụng thuốc Tây, người bệnh nên tìm gặp các bác sĩ Đông y để được tư vấn về các bài thuốc chữa bệnh chàm sinh dục.
Đông y xếp chàm sinh dục vào nhóm các bệnh viêm da. Căn nguyên chính của bệnh là do tình trạng huyết nhiệt khiến cho phong hàn xâm nhập. Cùng với đó, bệnh dễ bùng phát ở những đối tượng có chức năng thải độc cơ thể kém. Hoạt động của các tạng gan thận thiếu ổn định cũng dễ khiến cho các yếu tố ngoại tà tấn công và gây bệnh.
Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh mà có thể dùng các bài thuốc khác nhau:
– Bài thuốc chữa chàm sinh dục ở thể cấp tính:
- Chuẩn bị: 8g sơn chi, 8g long đởm thảo, 12g khổ sâm, 12g trạch tả, 12g mộc thông, 12g xa tiền tử, 12g sinh địa và 12g hoàng cầm.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm, sắc lấy nước bỏ bã. Chia làm nhiều lần uống, dùng 1 thang/ngày.
– Bài thuốc chữa chàm sinh dục ở thể mãn tính:
- Chuẩn bị: Các vị thuốc tương tự như ở thể cấp.
- Thực hiện: Đem trộn đều các vị thuốc lại với nhau và tán thành bột mịn. Sau đó làm thành viên hoàn. Mỗi ngày uống 20g hoàn cùng nước sôi ấm cho tới khi khỏi bệnh.
3. Các giải pháp khác
Bên cạnh những biện pháp điều trị bằng thuốc Tây y và Đông y thì vẫn còn các giải pháp khác có thể đáp ứng với triệu chứng chàm sinh dục. Bao gồm:
- Giải pháp quang trị liệu: Cách này sử dụng nguồn sáng từ tia UVB dải hẹp với bước sóng khoảng 311nm để chiếu trực tiếp lên tổn thương da. Từ đó có thể làm sạch da, giảm ngứa ngáy, đồng thời ức chế sự tăng sinh các tế bào sừng.
- Loại bỏ tác nhân gây kích thích: Dùng bao cao su hay gel bôi trơn… có thể khiến cho tổn thương thêm nặng nề nên bạn cần chú ý cách ly với các tác nhân này. Bên cạnh đó, cần điều trị triệt để các bệnh lý ảnh hưởng đến chàm sinh dục.
- Điều trị tâm lý: Tâm lý được cho là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho bệnh chàm sinh dục bùng phát. Chính vì thế khi bệnh kéo dài cần chú ý điều trị tâm lý để kiểm soát tổn thương và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
- Kiểm soát tác động cơ học: Việc chà xát, cào gãi hay kỳ cọ mạnh sẽ khiến cho bệnh tiến triển mãn tính và thường xuyên tái phát. Do đó cần hạn chế các tác động cơ học này để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình kiểm soát bệnh.
Chăm sóc và dự phòng bệnh chàm sinh dục tái phát
Bệnh chàm sinh dục không chỉ tiến triển dai dẳng mà còn có nguy cơ tái phát rất cao sau điều trị. Chính vì vậy, song song với việc điều trị cần thực hiện tốt các giải pháp chăm sóc và dự phòng.
Dưới đây là những khuyến nghị từ các chuyên gia Da liễu:
- Thực hiện các hoạt động tình dục lành mạnh. Thận trọng khi chọn lựa và sử dụng các sản phẩm bao cao su hay gel bôi trơn. Tốt nhất nên kiêng cữ việc quan hệ tình dục khi đang trong quá trình điều trị bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh vùng kín đúng cách – nhất là sau khi quan hệ tình dục để giữ cho vùng da này luôn ở trong trạng thái sạch sẽ và thông thoáng. Cần cẩn trọng khi chọn các loại sữa tắm và sản phẩm vệ sinh da. Tuyệt đối không dùng sản phẩm có chứa chất tẩy mạnh.
- Không nên dùng nước nóng để tắm và vệ sinh vùng kín. Chú ý điều chỉnh nước tắm có độ ấm vừa phải.
- Mặc quần lót có kích cỡ phù hợp, chất liệu mềm và thấm hút mồ hôi tốt. Thường xuyên giặt giũ quần lót và chọn nơi có ánh nắng mạnh để phơi.
- Kiểm soát tốt căng thẳng, mệt mỏi bằng cách giảm thời gian làm việc, ngủ đúng giờ, đủ giấc.
- Dành mỗi ngày khoảng 30 – 45 phút cho các hoạt động thể chất. Tuy nhiên nên ưu tiên những bộ môn ít đổ mồ hôi như yoga hay bơi lội.
- Uống nhiều nước và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn. Điều này sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch, giữ độ ẩm tự nhiên cho da và tăng cường hàng rào bảo vệ da.
Chàm sinh dục là bệnh ngoài da rất dễ gặp nhưng không quá nguy hiểm. Cần chú ý can thiệp điều trị càng sớm càng tốt để kiểm soát tốt triệu chứng của bệnh, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ kết hợp chăm sóc tốt tại nhà chính là giải pháp hữu hiệu với bệnh lý này.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!