5 Công thức chữa đau dạ dày từ tỏi bạn nên biết
Nội Dung Bài Viết
Với đặc tính sát trùng, tiêu viêm và kháng khuẩn, tỏi thường được tận dụng để chữa đau dạ dày, kích thích vị giác và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa. Tuy nhiên trên thực tế, áp dụng mẹo chữa này không đúng cách có thể gây nóng rát thượng vị, đầy hơi và khó chịu.
Tỏi có chữa đau dạ dày được không?
Tỏi là loại gia vị quen thuộc được sử dụng để kích thích vị giác và tăng hương vị của các món ăn. Ngoài ra, loại gia vị này còn được dùng để sơ chế và giảm mùi tanh của một số loại thực phẩm. Bên cạnh đó, tỏi còn được tận dụng để trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp (viêm họng, cảm cúm, cảm lạnh,…) và tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, đau dạ dày).
Theo y học cổ truyền, tỏi có vị cay, tính ấm, mùi hăng, tác dụng sát trùng, giải độc, tiêu tích và hành khí. Dùng tỏi có thể kích thích vị giác, tăng cường hoạt động tiêu hóa, giảm đầy hơi, chướng bụng và ức chế vi khuẩn gây viêm nhiễm dạ dày, ruột non và ruột già.
Ngoài ra, tác dụng dược lý của thảo dược này cũng đã được công nhận trên cơ sở khoa học. Thực nghiệm lâm sàng cho thấy, dịch ngâm, tinh dầu và nước tỏi đều có tác dụng kháng khuẩn mạnh – hiệu quả đối với cả trùng roi Trichomonas và amip (nguyên nhân gây hội chứng viêm dạ dày ruột).
Ngoài ra, các hợp chất và thành phần trong thảo dược này như Allicin, Flavonoid, vitamin C, kẽm,… còn có tác dụng chống viêm và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, dùng tỏi chữa đau dạ dày có thể hỗ trợ làm giảm hiện tượng viêm ở niêm mạc, đồng thời cải thiện sức khỏe và phòng ngừa suy nhược do loét dạ dày – tá tràng kéo dài.
Tương tự các mẹo chữa từ thảo dược tự nhiên, cách trị đau dạ dày bằng tỏi chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng. Chỉ thực hiện mẹo chữa này không thể điều trị bệnh dứt điểm. Chính vì vậy, bệnh nhân nên phối hợp các mẹo chữa tự nhiên với sử dụng thuốc, ăn uống điều độ và sinh hoạt khoa học.
5 Công thức chữa đau dạ dày bằng tỏi thực hiện ngay tại nhà
Tỏi là loại gia vị quen thuộc, không chứa độc tính, an toàn và dễ sử dụng. Tuy nhiên, loại gia vị có vị cay nồng có thể gây nóng rát dạ dày và thực quản nếu không sử dụng đúng cách.
Dưới đây là 5 công thức chữa đau dạ dày bằng tỏi được lưu truyền rộng rãi và có cách thực hiện khá đơn giản:
1. Chữa đau dạ dày bằng tỏi ngâm mật ong
Như đã đề cập, tỏi có vị cay nồng và mùi hăng khó chịu. Sử dụng tỏi sống có thể gây rát cổ họng, kích thích dạ dày tăng tiết axit và dẫn đến đau dạ dày, nóng rát thượng vị. Để cân bằng vị cay và hăng, nhân dân thường sử dụng tỏi ngâm với mật ong.
Mật ong có vị ngọt dịu, mùi thơm và giàu vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nguyên liệu này còn có tác dụng chống viêm, ức chế vi khuẩn, cải thiện hoạt động tiêu hóa và bồi bổ sức khỏe. Tương tự như tỏi, mật ong có thể nâng cao hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm.
Cách chữa đau dạ dày bằng tỏi và mật ong:
- Chuẩn bị 150g tỏi và 200ml mật ong
- Bóc vỏ từng tép tỏi, sau đó cho vào bình thủy tinh
- Đổ mật ong vào và đậy kín nắp trong vòng 30 ngày
- Mỗi lần dùng 1 thìa mật ong ăn trực tiếp, ngày dùng 2 lần
Ngoài tác dụng hỗ trợ chữa đau dạ dày, tỏi ngâm mật ong còn giúp giảm ho, đau họng và phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên.
2. Dùng tỏi đen trị đau dạ dày
Tỏi đen là thành phẩm sau khi lên men tỏi trắng. Quá trình lên men được thực hiện nghiêm ngặt cả về nhiệt độ và độ ẩm. Chính vì vậy, tỏi đen có giá trị dinh dưỡng cao và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Tỏi đen chứa hoạt chất S-Allyl cysteine không có trong tỏi trắng và chỉ được sản sinh trong quá trình lên men. Các nghiên cứu cho thấy, S-Allyl cysteine có khả năng chống oxy hóa gấp 10 lần so với Allicin có trong tỏi tươi, đồng thời có tác dụng tăng cường sức khỏe, hỗ trợ phục hồi tế bào tổn thương, cải thiện chức năng đề kháng và giảm mệt mỏi.
Hơn nữa, tỏi đen có vị ngọt, dẻo và không có mùi hăng như tỏi tươi. Chính vì vậy, người bị đau dạ dày có thể bổ sung tỏi đen hằng ngày để hỗ trợ tái tạo ổ viêm loét, cải thiện triệu chứng đau, nóng rát thượng vị, kích thích tiêu hóa và giảm đầy hơi, chướng bụng.
Cách dùng tỏi đen trị đau dạ dày:
- Ăn trực tiếp 2 – 3 củ tỏi đen/ ngày
- Hoặc dùng tỏi đen ngâm với mật ong
3. Ngâm tỏi, gừng và mật ong chữa đau dạ dày
Gừng tươi có khả năng giảm buồn nôn, nôn mửa và chống viêm. Ngoài ra, một số hợp chất thực vật có trong thảo dược này có khả năng giảm đau, bảo vệ tế bào và kích thích tiêu hóa. Chính vì vậy, gừng thường được phối hợp với tỏi và mật ong để tăng hiệu quả chữa đau dạ dày.
Ngâm mật ong cùng với gừng và tỏi có thể làm dịu cơn đau dạ dày, hỗ trợ giảm ổ viêm, ức chế hoạt động của hại khuẩn và cải thiện chức năng đề kháng. Ngoài ra, áp dụng mẹo chữa này đều đặn còn hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, giảm chứng ăn uống kém và tăng khả năng hấp thu của cơ thể.
Tuy nhiên, cả gừng và tỏi đều có vị cay, nóng. Vì vậy, nên chỉ nên sử dụng gừng, tỏi và mật ong theo tỷ lệ 1:1:3 để tránh tình trạng nóng rát và khó chịu dạ dày.
Cách dùng gừng tươi, tỏi và mật ong trị đau dạ dày:
- Rửa sạch gừng và bóc vỏ tép tỏi
- Sau đó xếp nguyên liệu vào bình thủy tinh và đổ mật ong nguyên chất vào
- Ngâm trong khoảng 30 ngày là dùng được
- Có thể dùng trực tiếp mật ong hoặc pha với nước ấm uống khi đau dạ dày bùng phát
Cả mật ong, tỏi và gừng đều có tính ấm, tác dụng tiêu tích, trừ hàn và chống dị ứng. Vì vậy, nhân dân còn tận dụng mẹo chữa này để trị đau bụng, đầy hơi, buồn nôn,… do ăn nhiều thực phẩm có tính hàn hoặc do dị ứng thực phẩm.
4. Rượu tỏi trị đau dạ dày
Dùng rượu tỏi trị đau dạ dày là mẹo chữa được lưu truyền trong phạm vi nhân dân. Theo dân gian, ngâm rượu giúp tinh chất từ tỏi bài tiết ra bên ngoài. Từ đó giúp cơ thể hấp thu tốt dưỡng chất và giảm đau dạ dày nhanh chóng.
Tuy nhiên trên thực tế, rượu tỏi có thể gây kích thích niêm mạc, tăng tiết axit và gây nóng rát dạ dày. Ngoài ra, ethanol (cồn) trong rượu còn thúc đẩy hiện tượng ăn mòn, xâm lấn thành niêm mạc và tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày. Vì vậy, mặc dù được lưu truyền rộng rãi nhưng cách chữa đau dạ dày từ tỏi chưa được công nhận trên cơ sở khoa học.
Hướng dẫn cách ngâm rượu tỏi trị đau dạ dày theo dân gian:
- Chuẩn bị 100g tỏi tươi, bóc vỏ, rửa sạch và để ráo
- Xếp tỏi vào bình thủy tinh, đổ rượu vào đầy bình (sử dụng rượu từ 40 – 45 độ)
- Ngâm trong 30 ngày khi rượu chuyển sang màu vàng là dùng được
- Mỗi lần uống 1 thìa rượu tỏi, dùng 2 lần/ ngày
Nếu có ý định áp dụng mẹo chữa này, bệnh nhân nên tham vấn y khoa để được tư vấn cụ thể. Tự ý dùng rượu tỏi có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị hoặc thậm chí làm bùng phát các tác dụng không mong muốn.
5. Bổ sung các món ăn từ tỏi
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bổ sung các món ăn từ tỏi để hỗ trợ quá trình điều trị. Không chỉ có tác dụng giảm viêm và ức chế hại khuẩn, tỏi còn giúp tăng hương vị món ăn, kích thích vị giác và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa.
Tuy nhiên khi chế biến món ăn từ tỏi, nên hạn chế sử dụng quá nhiều dầu mỡ và gia vị, đồng thời cần gia giảm lượng tỏi phù hợp để tránh gây khó chịu bụng và nóng rát dạ dày. Một số món ăn từ tỏi tốt cho người bị đau dạ dày bao gồm tôm tươi hấp tỏi và gừng, gà nấu tỏi, rau muống xào tỏi, cháo tỏi tươi,…
Lưu ý khi dùng tỏi chữa đau dạ dày
Mẹo chữa đau dạ dày bằng tỏi được đánh giá có độ an toàn khá cao và hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, áp dụng mẹo chữa này không đúng cách có thể làm giảm hiệu quả hoặc thậm chí gây ra một số tình huống rủi ro.
Vì vậy khi dùng tỏi trị đau dạ dày, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Người bị nhiệt ở miệng, răng, nướu, viêm tấy ở mắt và âm hư hỏa vượng nên thận trọng khi dùng mẹo chữa đau dạ dày từ tỏi.
- Mẹo chữa từ tỏi chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy, nên kết hợp với các biện pháp y tế và thiết lập chế độ ăn uống khoa học để kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn tiến triển của bệnh.
- Phụ nữ mang thai, người đang bị sốt cao, tiêu chảy và cao huyết áp không nên dùng bài thuốc chữa đau dạ dày từ tỏi.
- Tỏi có đặc tính chống đông máu. Do đó, cần tránh dùng đồng thời với Aspirin và thuốc chống đông.
- Chỉ sử dụng một lượng tỏi vừa đủ/ ngày. Dùng quá nhiều tỏi có thể gây nóng rát dạ dày, đau cổ họng, đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu.
- Bên cạnh mẹo chữa đau dạ dày từ tỏi, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số cách chữa tự nhiên khác như trị đau dạ dày bằng nghệ vàng, mật ong, lá khôi, lá mơ lông,…
Cách chữa đau dạ dày bằng tỏi có thể giảm cảm giác buồn nôn, nôn mửa, kích thích vị giác, giảm đau dạ dày và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa. Tuy nhiên để điều trị bệnh dứt điểm, cần kết hợp với chế độ ăn khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!