5 cách chữa ho từ khế theo kinh nghiệm dân gian
Nội Dung Bài Viết
Dân gian thường áp dụng mẹo chữa ho bằng quả, bông và lá khế để cải thiện chứng ho do viêm phế quản, ho do cảm lạnh/ cảm cúm hoặc ho do dị ứng. Ngoài tác dụng làm thuyên giảm cơn ho, cách chữa này còn có khả năng giảm nhẹ một số biểu hiện đi kèm như đau cổ họng, đờm ứ và khản giọng.
Tác dụng chữa ho của cây khế
Cây khế là loại cây cho quả. Quả khế ngọt được dùng ăn như một loại trái cây còn khế chua được dùng để nấu canh và xào. Ngoài ra quả, hoa và lá khế còn được nhân dân tận dụng để chữa các chứng bệnh liên quan đến phổi và bàng quang như bí tiểu tiện, ho khan, ho có đờm, cảm sốt, ngộ độc rượu, đau cổ họng,…
Theo dân gian, quả khế có vị chua, ngọt, tính bình, tác dụng tăng tiết nước bọt, tiêu viêm, lợi tiểu và long đờm. Hoa có vị ngọt, tính bình, tác dụng trị ho có đờm, ho khan, tiêu viêm và giải độc. Lá có vị chua, tính bình, tác dụng tiêu viêm và lợi tiểu.
Do có đặc tính dược lý phong phú nên các bộ phận của cây khế đều được tận dụng để chữa bệnh. Trong đó mẹo chữa ho bằng khế được áp dụng khá phổ biến, phù hợp với cả trẻ nhỏ, người trưởng thành và phụ nữ mang thai.
Hiện nay khoa học hiện đại chỉ mới chứng minh được tác dụng chữa bệnh của quả khế. Các thành phần trong loại quả này như vitamin C, flavonoid và saponin có thể giảm viêm ở đường hô hấp và làm loãng dịch đờm. Bên cạnh đó, vitamin C và một số thành phần chống oxy hóa trong khế có thể tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ cơ thể trong hoạt động ức chế nhiễm trùng.
Hơn nữa một số nghiên cứu cũng cho thấy, hàm lượng khoáng chất, vitamin và nước trong quả khế có thể làm sạch cuống họng, loại bỏ đờm ứ và giảm nhanh triệu chứng ho. Bên cạnh đó axit trong loại quả này còn làm loãng dịch tiết hô hấp, cải thiện tình trạng thở khò khè, đau họng, khó nuốt và khản giọng do ho nhiều.
Mặc dù có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên cách chữa ho bằng khế chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị. Vì vậy nếu ho có mức độ nặng hoặc đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao, khó thở,… bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định một số loại thuốc điều trị tương ứng.
5 Cách chữa ho bằng hoa, lá và quả khế từ dân gian
Dân gian lưu truyền mẹo chữa ho bằng cách chưng bông khế với đường phèn, ép nước khế chua, giã lá khế ngậm nuốt hoặc kết hợp khế với một số thảo dược khác.
1. Cách trị ho bằng bông khế chưng đường phèn
Bông khế có vị ngọt, hơi chát, tác dụng chữa ho, tiêu đờm và nhuận phế. Trong khi đó đường phèn có tác dụng thanh nhiệt, làm thông cổ họng và giảm nóng sốt. Kết hợp 2 dược liệu này có thể cải thiện chứng ho khan, ho có đờm do cảm cúm hoặc cảm lạnh.
Hướng dẫn cách trị ho bằng bông khế chưng đường phèn:
- Chuẩn bị 1 ít đường phèn và 1 nhúm bông khế tươi
- Rửa sạch bông khế và để ráo nước
- Giã nát đường phèn rồi cho vào chén, thêm vào bông khế vào
- Đem hấp trong khoảng 10 phút rồi đem ra ngoài, chờ nguội bớt rồi chắt lấy nước uống
2. Giảm ho khan, ho có đờm với bài thuốc từ hoa khế
Ngoài ra bạn cũng có thể giảm chứng ho khan và ho có đờm bằng cách kết hợp hoa khế với một số dược liệu khác như cam thảo nam và kinh giới. Bài thuốc này đặc biệt phù hợp với những người bị ho do nhiễm phong hàn hoặc do dị ứng với thời tiết lạnh.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị hoa khế (sao với nước gừng tươi) 8 – 12g, tía tô 8 – 10g, cam thảo nam 12g và kinh giới 8 – 10g.
- Đem sắc với 750ml còn lại 300ml.
- Mỗi lần uống 150ml và dùng ngày 2 lần cho đến khi khỏi.
Khi bị ho do thời tiết chuyển lạnh hoặc do nhiễm phong hàn, bạn nên giữ ấm cơ thể – đặc biệt là vùng cổ và ngực. Đồng thời hạn chế di chuyển nhiều ngoài trời và tránh ăn đồ lạnh trong thời gian điều trị.
3. Trị ho do cảm cúm bằng khế chua chưng đường phèn
Ngoài mẹo chữa ho bằng bông khế chưng đường phèn, bạn cũng có thể kết hợp khế chua và đường phèn. Mẹo chữa này có tác dụng giảm nhẹ cơn ho và một số biểu hiện kèm theo như nóng sốt, người mệt mỏi, mình mẩy đau nhức và miệng khô khát.
Hướng dẫn cách trị ho bằng khế chua chưng đường phèn:
- Ngâm rửa khoảng 2 quả khế chua, sau đó cắt bỏ cuống và rìa
- Cắt thành lát dày khoảng 0.3cm và cho vào chén
- Giã nhỏ đường phèn rồi rắc vào và đem hấp trong nồi cơm
- Sau khoảng 10 phút thì đem ra để nguội
- Nên chắt lấy nước uống và ăn cả cái để làm thông cổ họng
4. Chữa ho và đau họng bằng quả khế
Nếu ho đi kèm với đau họng, bạn có thể dùng dịch quả khế tươi uống trực tiếp. Axit từ loại quả này có tác dụng giảm sưng đau cổ họng, làm loãng dịch đờm và cải thiện cơn ho rõ rệt. Tuy nhiên do khế chứa nhiều axit nên cần tránh áp dụng bài thuốc này khi bụng quá đói hoặc quá no, đồng thời không nên dùng cho người đang bị viêm loét dạ dày tiến triển.
Cách trị ho kèm đau họng bằng quả khế tươi:
- Rửa sạch 1 quả khế tươi, sau đó đem ép lấy nước
- Có thể uống trực tiếp hoặc hòa thêm 2 thìa nước đun sôi để nguội vào nhằm giảm vị chua
- Uống sau khi ăn khoảng 20 phút để tránh cảm giác xót bụng
5. Chữa ho do viêm phế quản bằng lá khế tươi
Ngoài các chữa ho bằng quả và bông khế, nhân dân còn dùng lá khế tươi để trị chứng ho do viêm phế quản. Lá khế không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế mà còn lợi tiểu tiện và tán nhiệt độc uất kết ở phế (phổi).
Cách chữa ho do viêm phế quản bằng lá khế tươi:
- Chuẩn bị lá khế tươi 60g
- Sau đó rửa sạch và để ráo nước
- Giã nát rồi thêm vào ít muối, ngậm nuốt
- Dùng liên tục cho đến khi khỏi bệnh
Những lưu ý khi dùng khế chữa ho
Cách chữa ho bằng quả, bông và lá khế là mẹo chữa bệnh được dân gian lưu truyền, có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ điều trị viêm nhiễm đường hô hấp. Mặc dù là thảo dược tự nhiên nhưng nếu áp dụng không đúng cách, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như ho kéo dài, đau bụng, tiêu chảy, đau dạ dày,…
Vì vậy khi dùng khế chữa chứng ho, bạn cần lưu ý những thông tin sau:
- Hiện nay cách chữa ho bằng bông khế và lá khế chưa được chứng minh trên phương diện khoa học. Vì vậy bạn nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng các mẹo chữa này.
- Với những trường hợp ho dai dẳng và nặng nề (ho ra máu, ho gây khó thở,…) bạn nên thăm khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
- Quả khế chứa nhiều axit có thể gây tăng dịch tiết hô hấp và kích thích cơn đau dạ dày. Vì vậy nên tránh dùng bài thuốc từ quả khế vào lúc bụng đói hoặc quá no.
- Khi áp dụng mẹo chữa ho từ khế, nên xác định nguyên nhân gây bệnh và loại trừ các yếu tố thuận lợi khiến ho kéo dài như dị ứng phấn hoa, do thời tiết lạnh, nói quá nhiều, thường xuyên ăn đồ cay nóng,…
- Nếu áp dụng cho trẻ nhỏ, nên phối hợp với một số biện pháp chăm sóc như rửa mũi, tai và súc miệng với nước muối thường xuyên để giảm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng.
Bài viết đã tổng hợp 5 mẹo chữa ho bằng khế được lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên bài viết trên chỉ có giá trị tham khảo. Để dự phòng các tình huống rủi ro, bạn nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng những cách chữa này.
Tham khảo thêm: Có nhiều cách chữa ho bằng lá hẹ có thể bạn chưa biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!