Có nhiều cách chữa ho bằng lá hẹ có thể bạn chưa biết
Nội Dung Bài Viết
Chữa ho bằng lá hẹ với đường phèn, mật ong và gừng tươi là một số mẹo chữa được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên ngoài những cách trên, nhân dân còn chữa chứng ho khan, ho gió và ho có đờm bằng cách dùng lá hẹ chườm nóng, nấu cháo lá hẹ với trứng gà hoặc kết hợp lá hẹ với chanh tươi và củ nghệ.
Công dụng chữa ho của lá hẹ (rau hẹ)
Lá hẹ/ rau hẹ là loại rau gia vị, thường được dùng để chế biến các món ăn giàu dinh dưỡng như cháo lá hẹ, lá hẹ tráng trứng, lá hẹ xào thịt bò,… Bên cạnh đó thảo dược này còn được nhân dân tận dụng để chữa các bệnh lý thường gặp.
Theo Đông Y, lá hẹ có vị cay, tính ấm, tác dụng hành khí, tán ứ, giải độc, giảm ho và tiêu sưng. Vì vậy thảo dược này thường được dùng trong bài thuốc chữa cảm sốt, ho, hen suyễn, đau họng và cảm cúm. Trong đó cách chữa ho bằng lá hẹ được áp dụng rộng rãi, thích hợp với cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.
Ngoài ghi chép từ y học cổ truyền, phân tích khoa học cũng cho thấy lá hẹ chứa hàm lượng vitamin C dồi dào và một số hoạt chất kháng khuẩn mạnh như odorin, saponin và sulfua. Vì vậy dùng bài thuốc từ rau hẹ có thể ức chế một số tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm giảm chứng ho khan, ho có đờm, đau cổ họng,…
Tuy nhiên do cách chữa này chỉ tận dụng tác dụng dược lý của lá hẹ nên thường không có đáp ứng tốt đối với những trường hợp ho do nhiễm trùng đường hô hấp dưới và ho do nhiễm vi khuẩn. Trong trường hợp này, bạn nên sử dụng đồng thời với thuốc uống để kiểm soát triệu chứng và điều trị bệnh dứt điểm.
Một số cách chữa ho bằng lá hẹ có thể bạn chưa biết
Lá hẹ là loại rau quen thuộc, chứa thành phần dinh dưỡng dồi dào và có nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe. Để tận dụng toàn bộ tác dụng của thảo dược này, bạn cần áp dụng mẹo chữa ho đúng cách.
Dưới đây là một số cách dùng rau hẹ để giảm ho khan, ho có đờm và các triệu chứng đi kèm như sổ mũi, buồn nôn và nghẹt mũi:
1. Lá hẹ hấp mật ong trị ho cho bé
Lá hẹ hấp mật ong là mẹo chữa ho thích hợp với trẻ nhỏ. Bên cạnh tác dụng của lá hẹ, mật ong còn có tác dụng làm dịu vùng cổ họng sưng nóng, ức chế vi khuẩn, virus và giúp long đờm. Nước hấp mật ong và lá hẹ có vị ngọt và mùi thơm dễ chịu nên có thể dùng cho trẻ mà không gây cảm giác khó chịu và buồn nôn.
Cách dùng lá hẹ hấp mật ong trị ho:
- Rửa sạch 1 nắm lá hẹ rồi cắt thành từng khúc dài khoảng 3cm
- Cho lá hẹ vào chén rồi thêm vào 2 – 3 thìa mật ong
- Đem hấp trong nồi cơm hoặc chưng cách thủy
- Sau đó để nguội bớt, chắt lấy nước cho trẻ uống
- Với trẻ lớn, bạn nên khuyến khích trẻ ăn cả cái để tăng tác dụng điều trị
2. Chữa ho có đờm bằng lá lẹ và đường phèn
Dùng lá hẹ và đường phèn có tác dụng chữa ho khan và ho có đờm. Mẹo chữa này có thể áp dụng cho cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.
Đường phèn có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm và nhuận phế. Vì vậy mẹo chữa từ lá hẹ và đường phèn có thể giúp dẫn lưu đờm ứ ở cổ họng ra bên ngoài, giảm ho và cải thiện tình trạng đau rát cổ họng. Ngoài ra với tác dụng thông họng, cách chữa này còn giúp ngăn ngừa tình trạng khàn giọng và mất tiếng do ho dai dẳng.
Thực hiện cách chữa ho bằng lá hẹ và đường phèn:
- Rửa sạch 1 nắm lá hẹ, sau đó cắt khúc vừa phải
- Cho lá hẹ vào chén nhỏ rồi thêm 1 ít đường phèn và hấp trong nồi cơm
- Sau đó lấy ra để nguội
- Cho trẻ nhỏ uống nước, người lớn và trẻ lớn nên ăn cả nước lẫn cái
Mẹo dùng lá hẹ và đường phèn thích hợp với người bị ho do nóng trong người và phế nhiệt. Vì vậy khi áp dụng cách chữa này bạn nên tránh ăn thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, gia vị, đồng thời tránh hút thuốc lá và sử dụng rượu bia.
3. Chữa ho bằng lá hẹ và gừng tươi cho bà bầu
Cách chữa ho bằng lá hẹ và gừng tươi thường được áp dụng cho bà bầu – đặc biệt là sản phụ trong 3 tháng đầu thai kỳ. Bởi cách chữa này không chỉ có tác dụng giảm ho, long đờm, làm ấm phổi mà còn giúp chứng buồn nôn do ốm nghén và cải thiện tình trạng đau bụng, rối loạn tiêu hóa do nồng độ hormone thay đổi đột ngột.
Ngoài ra, mẹo dùng gừng tươi và lá hẹ còn thích hợp với người bị ho do cảm lạnh, viêm họng hoặc do khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
Cách thực hiện mẹo chữa ho bằng lá hẹ và gừng tươi cho bà bầu:
- Dùng gừng tươi 25g và rau hẹ 250g, có thể thêm 1 ít mật ong hoặc đường phèn
- Đem gừng tươi xắt sợi, rau hẹ cắt thành khúc vừa ăn rồi cho vào chén
- Thêm mật ong và đường phèn vào rồi hấp cách thủy
- Nên ăn cái và uống nước, dùng liên tục trong vòng 5 – 7 ngày để trị ho dứt điểm
4. Cách chữa ho cho bé bằng cách chườm lá hẹ
Chườm lá hẹ là cách chữa ho có thể dùng cho trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ hay bị nôn ói sau khi dùng bài thuốc uống. Mẹo chữa này tận dụng tính ấm của lá hẹ kết hợp nhiệt độ cao để trừ khí lạnh xâm nhập vào phổi.
Tuy nhiên khi chườm lá hẹ, bạn nên để bọc lại bằng túi vải và đợi lá hẹ nguội bớt trước khi chườm lên cổ họng và ngực của trẻ. Chườm trực tiếp lá hẹ có thể khiến trẻ bị bỏng và kích ứng da.
Hướng dẫn cách chườm lá hẹ trị ho cho bé:
- Rửa sạch 1 nắm lá hẹ rồi đem rang trên chảo nóng
- Đến khi lá hẹ vàng và tỏa mùi thơm thì tắt bếp
- Lấy túi vải/ khăn bọc lá hẹ lại rồi đợi nguội bớt
- Chườm lên vùng ngực cho trẻ rồi di chuyển lên vùng cổ
5. Chữa ho sổ mũi bằng lá hẹ, nghệ và chanh
Dùng lá hẹ, nghệ và chanh không chỉ giúp giảm ho mà còn cải thiện sổ mũi và một số triệu chứng đi kèm như nghẹt mũi, đau cổ họng. Chanh và nghệ đều có tác dụng long đờm, giảm rát cổ họng và ho. Ngoài ra, nghệ còn chứa hoạt chất Curcumin có tác dụng sát trùng và ức chế một số vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Cách chữa ho sổ mũi bằng lá hẹ kết hợp với chanh tươi và nghệ:
- Dùng 1 củ nghệ nướng chín, lột bỏ vỏ ngoài rồi giã nát
- Lá hẹ đem rửa sạch và cắt thành khúc vừa phải, chanh cắt thành từng lát mỏng
- Cho tất cả nguyên liệu vào chén rồi thêm 1 ít đường phèn
- Hấp cách thủy sau đó chắt lấy nước uống
- Nếu có thể, bạn nên ăn cả cái để tăng tác dụng chữa bệnh
6. Trị ho cho trẻ dưới 1 tuổi bằng nước lá hẹ hấp
Trẻ nhỏ từ 6 tháng – 1 tuổi thường dễ bị ho, sổ mũi và các bệnh đường hô hấp khác. Bởi đây là thời điểm kháng thể trong sữa mẹ giảm dần và hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Để làm giảm chứng ho cho trẻ trong độ tuổi này, bạn có thể dùng nước lá hẹ hấp để long đờm, làm thông cổ họng và giảm ho.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá hẹ rồi cắt khúc dài 3cm
- Cho lá hẹ vào chén rồi hấp trong nồi cơm
- Khi chín, đem chắt lấy nước và để nguội rồi cho trẻ uống
Rau hẹ có chứa chất kháng sinh tự nhiên, có thể giảm ho và ức chế virus gây nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ. Hơn nữa cách chữa này có độ an toàn cao nên hiếm khi gây kích ứng và làm phát sinh tác dụng phụ.
7. Cháo lá hẹ trứng gà giảm ho có đờm
Ngoài ra, bạn có thể giảm ho và ho có đờm bằng cách dùng cháo lá hẹ hàng ngày. Bên cạnh tác dụng chữa ho, cháo lá hẹ còn làm giảm tình trạng chán ăn, kích thích vị giác, nâng cao thể trạng và giảm hiện tượng đau rát khi nuốt.
Khi chế biến cháo lá hẹ, bạn có thể linh động phối hợp với một số thực phẩm giàu dinh dưỡng hoặc có tác dụng giảm ho như gừng, trứng gà, cá chép, hành tây,…
Cách nấu cháo lẹ chữa ho có đờm:
- Chuẩn bị 100g gạo tẻ, 1 nắm lá hẹ, 1 ít gừng và trứng gà
- Cho gạo vào nấu cháo, lá hẹ đem cắt thành miếng vừa ăn còn gừng đem xắt sợi
- Khi cháo nhừ, đập trứng gà vào và khuấy đều
- Sau đó cho lá hẹ và gừng vào, nêm nếm vừa ăn và dùng khi cháo còn nóng
Có nên chữa ho cho trẻ 3 tháng và trẻ sơ sinh bằng lá hẹ?
Hiện nay có nhiều bậc phụ huynh trị ho bằng lá hẹ cho trẻ sơ sinh và trẻ 3 tháng tuổi. Mặc dù lá hẹ là thảo dược tự nhiên, có độ an toàn và ít gây kích ứng, tuy nhiên áp dụng mẹo chữa này cho trẻ sơ sinh và trẻ 3 tháng tuổi có thể khiến trẻ bị tiêu chảy và đau bụng.
Khác với trẻ lớn và người trưởng thành, trẻ trong độ tuổi này thường có hệ tiêu hóa kém và chỉ chuyển hóa được thành phần dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Chính vì vậy bạn không nên áp dụng mẹo chữa ho bằng lá hẹ cho trẻ trong độ tuổi nói trên.
Nếu nhận thấy trẻ bị ho, sổ mũi, nghẹt mũi, phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chỉ định các loại thuốc thích hợp. Tuyệt đối không tự áp dụng mẹo chữa dân gian và tùy tiện cho trẻ dùng thuốc.
Một số điều cần lưu ý khi chữa ho bằng lá hẹ
Chữa ho bằng lá hẹ có thể giảm nhẹ chứng ho khan, ho có đờm và một số triệu chứng đi kèm. Ngoài ra áp dụng cách chữa này còn giảm thiểu nguy cơ lạm dụng kháng sinh và một số siro trị ho.
Tuy nhiên khi dùng lá hẹ chữa ho, bạn nên lưu ý một số thông tin quan trọng sau:
- Mẹo chữa ho bằng lá hẹ chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng. Vì vậy bạn nên thăm khám để xác định nguyên nhân gây ho và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Khi dùng lá hẹ chữa ho, nên ngâm rửa sạch với nước muối và hấp chín hoàn toàn để giảm thiểu nguy cơ đau bụng, tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.
- Ngoài ra, bạn có thể hỗ trợ làm giảm chứng ho bằng một số biện pháp tại nhà như uống nhiều nước, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, súc miệng với nước muối loãng, ăn uống điều độ và dành thời gian nghỉ ngơi.
- Nếu ho xảy ra do nhiễm lạnh, bạn nên giữ ấm cơ thể và hạn chế ăn các thực phẩm có tính hàn.
- Tác dụng chữa bệnh của lá hẹ phụ thuộc nhiều vào cơ địa và mức độ bệnh. Nếu không nhận thấy tác dụng khi thực hiện, bạn nên tham vấn y khoa để được hướng dẫn một số mẹo chữa khác.
Chữa ho bằng lá hẹ có thể giảm nhẹ chứng ho khan, ho có đờm và một số triệu chứng đi kèm như sổ mũi, nghẹt mũi và đau cổ họng. Mặc dù cách chữa này có độ an toàn cao và ít gây kích ứng, tuy nhiên bạn không nên áp dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ 3 tháng tuổi. Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm: Mẹo chữa ho bằng quả lê cực đơn giản nhưng hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!