Chữa mất ngủ theo đông y: Phương pháp điều trị bệnh từ gốc
Nội Dung Bài Viết
Chữa mất ngủ theo đông y là phương pháp điều trị từ gốc được nhiều người lựa chọn để thay thế cho các loại thuốc an thần. Mặc dù các bài thuốc Đông y mang đến hiệu quả chậm nhưng vẫn được tin dùng bởi các vị thuốc được bào chế hoàn toàn từ các loại thảo dược tự nhiên, an toàn và lành tính.
Chữa mất ngủ theo Đông y hiệu quả như thế nào?
Mất ngủ là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi và trong những năm gần đây bệnh đang có xu hướng trẻ hoá. Người bệnh thường luôn trong trạng thái khó chìm vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc, khiến cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi và uể oải sau mỗi buổi sáng thức dậy.
Tình trạng mất ngủ xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay có rất nhiều cách điều trị bệnh mất ngủ như sử dụng thuốc Tây, thuốc an thần, châm cứu, các mẹo dân gian hoặc cái bài thuốc Đông y. Trong đó, phương pháp Đông y được đánh giá là an toàn và mang lại hiệu quả.
Đa phần các loại thuốc chữa mất ngủ bằng Tây y chủ yếu quan tâm đến điều trị các triệu chứng gây ra bệnh mất ngủ như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, tâm thần mất ngủ… để kê ra các loại thuốc sử dụng phù hợp. Tuy nhiên, thuốc Tây y có thể sẽ gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng không mong muốn.
Chính vì vậy mà nhiều người thường lựa chọn phương pháp điều trị bằng các bài thuốc Đông y. Khác với Tây y, để chữa bệnh mất ngủ thì Đông y chú trọng đến căn nguyên gây bệnh để từ đó có thể điều trị tận gốc tình trạng gây mất ngủ, giúp điều hoà ngũ tạng, nâng cao sức khoẻ và mang đến hiệu quả lâu dài.
Theo Đông y, bệnh mất ngủ còn có tên gọi là thất miên (thất nghĩa là mất, miên nghĩa là ngủ) hoặc bất mị (bất nghĩa là không, mị nghĩa là ngủ). Mà nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do tâm tỳ hư, can khí uất , thận âm hư gây nên. Chính vậy các căn nguyên gây ra bệnh mất ngủ thường là:
- Căng thẳng, suy nghĩ quá độ dẫn đến hại tỳ, khi mà tỳ hư sẽ khiến cho huyết không được dưỡng và can khí uất sẽ gây ra tình trạng mất ngủ.
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, suy nhược dẫn tới hao tổn thận âm, khi tâm không được dưỡng sẽ gây ra tâm hoả và cũng dẫn tới mất ngủ.
- Tâm bị kinh động, ngủ lơ mơ, chập chờn cũng gây ra chứng mất ngủ.
- Chế độ ăn uống không khoa học cũng khiến gây ra đờm nhiệt ứ trệ dẫn tới giấc ngủ không yên.
Các bài thuốc Đông y điều trị chứng mất ngủ chủ yếu thông qua việc điều hoà khí huyết âm dương để cải thiện chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Điều này sẽ giúp khí huyết được lưu thông, tâm thần ổn định, từ đó chất lượng giấc ngủ sẽ được cải thiện đáng kể.
Mặc dù các bài thuốc Đông y thường có tác dụng chậm hơn so với các thuốc tân dược khác nhưng phương pháp này sẽ tác động toàn diện đến sức khoẻ, không gây tác dụng phụ mà còn giúp bồi bổ, tăng cường thể trạng, cải thiện được các triệu chứng của căn nguyên gây bệnh.
Bài thuốc chữa mất ngủ theo Đông y
Các bài thuốc chữa mất ngủ bằng Đông y thường sử dụng các nguyên liệu hoàn toàn là các loại thảo dược tự nhiên an toàn và lành tính cho nên bạn có thể yên tâm sử dụng. Để đạt được hiệu quả cao thì người bệnh nên tham khảo từ các lương y để lựa chọn các bài thuốc phù hợp với tình trạng mắc bệnh.
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa mất ngủ mà bạn có thể tham khảo và áp dụng tại nhà:
1. Bài thuốc chữa mất ngủ từ tâm sen
Trong Đông y, tâm sen thường được dùng để kích thích tiêu hoá, giúp thanh nhiệt, hạ huyết áp và giảm căng thẳng. Những người thường xuyên bị mất ngủ do căng thẳng, lo âu, suy nhược cơ thể thì bài thuốc từ tâm sen này sẽ giúp trấn kinh, an thần và hỗ trợ giấc ngủ rất hữu hiệu.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 5g tâm sen
- 10g hoa nhài tươi
- 10g táo nhân
- 20g lá vông
Hướng dẫn thực hiện:
- Lá vông mang đi sấy khô và tán thành bộ. Còn táo nhân thì đem sao đen rồi đập dập.
- Cho táo nhân, tâm sen và lá vông hãm cùng với 1 lít nước lọc. Sau khi sôi thì chờ cho nước ấm dần rồi cho thêm hoa nhài vào.
- Dùng để uống nhiều lần trong ngày để đạt kết quả.
Tham khảo thêm: Cách dùng tâm sen chữa mất ngủ cực hiệu quả được dân gian lưu truyền
2. Bài thuốc chữa mất ngủ từ cây lạc tiên
Bài thuốc chữa mất ngủ từ cây lạc tiên cũng được áp dụng cho người lớn tuổi, thường xuyên bị đau mỏi cơ thể.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 500g lạc tiên bao gồm cả rễ, thân, quả non
- 100g lá mướp đắng non
- 300g hoa thiên lý
Hướng dẫn thực hiện:
- Rửa sạch các nguyên liệu trên rồi đem sao khô, tán nhuyễn thành bột mịn và cho vào bình thuỷ tinh đậy nắp kín để bảo quản.
- Sau đó cho thêm 50g đậu xanh đã được rang chín và tán nhuyễn.
- Mỗi ngày lấy ra dùng chỉ cần cho 3 muỗng cà phê hỗn hợp trên hoà cùng với 100ml nước sôi để nguội rồi uống, sử dụng bài thuốc này thay trà mỗi ngày sẽ có hiệu quả tốt hơn.
3. Bài thuốc chữa mất ngủ Thiên vương Bổ tâm đan
Đây là bài thuốc nổi tiếng được ghi chép trong sử sách Trung Quốc với tác dụng chính là bổ tâm an thần, tư âm dưỡng huyết. Cho đến ngày nay bài thuốc đã được nghiên cứu và ứng dụng để điều trị các bệnh lý về tim mạch, tâm thần kinh.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 18g nhân sâm
- 15g đan sâm, huyền sâm, phục linh, cát cánh, ngũ vị tử, viễn chí (bỏ lõi).
- 60g đương quy thân, thiên môn đông, mạch môn đông, toan táo nhân, bá tử nhân.
- 120g sinh địa hoàng
Hướng dẫn thực hiện:
- Các vị thuốc trên đem tán nhuyễn thành bột mịn, luyện mật làm hoàn to bằng hạt ngô đồng.
- Mỗi lần uống 1 hoàn cùng với nước đun sôi để nguội vào lúc bụng đói, có thể dùng nước sắc long nhãn để uống cùng thì càng tốt.
- Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 1 hoàn, nên uống với nước chín nguội. Khi uống thuốc không nên dùng tỏi, củ cải, rau diếp cá, rượu cao lương.
4. Bài thuốc chữa mất ngủ Chu sa An thần hoàn
Chu sa có tác dụng an tâm thần, thanh tâm hoả. Bài thuốc này giúp chữa chứng tâm hoả vượng làm tổn thương đến tâm âm huyết kèm theo các triệu chứng như khó ngủ, tinh thần bứt rứt, khó ngủ, đầu lưỡi đỏ,…
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 2g sinh địa, 2g chích thảo, 2g quy thân
- 4g chu sa
- 6g hoàng liên
Hướng dẫn thực hiện:
- Chu sa thuỷ phi, đem tất cả các vị thuốc trên tán thành bột mịn làm hoàn.
- Mỗi lần uống chỉ cần pha từ 4 – 12g hoà cùng với nước nóng và uống trước khi đi ngủ.
- Trong trường hợp khó nguỷ nhiều thì chỉ cần thêm liên tử tâm và toan táo nhân.
- Đối với trường hợp tâm hoả nặng thì chỉ cần thêm chi tử để thanh tâm hoả.
Chú ý: Thảo dược chu sa có chứa độc tính vì vậy không nên sử dụng nhiều hoặc dùng trong một thời gian dài.
5. Bài thuốc chữa mất ngủ Quy tỳ than
Bài thuốc chữa mất ngủ này dùng cho những người bị suy nhược cơ thể, tâm thần không yên, phụ nữ sau sinh, người cao tuổi khí huyết hư yếu, mất ngủ khi ốm dậy. Thường gặp phải các triệu chứng như thức giấc vào lúc nửa đêm, giấc ngủ không sâu, người mệt mỏi, cơ thể gầy còm, lưỡi nhạt, ăn uống kém,…
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 4g chích cam thảo
- 6g mộc hương
- 8g viễn chí
- 12g long nhãn nhục, đại táo, đương quy, bạch truật, sinh khương, phục thần, nhân sâm
Hướng dẫn thực hiện:
- Mỗi ngày đem các vị thuốc này sắc cùng với nước để làm thành thang thuốc.
- Mỗi ngày uống 1 thang thuốc và chia làm thành 3 lần uống. Kiên trì uống liên tục trong 15 ngày.
6. Bài thuốc chữa mất ngủ do âm hư
Bài thuốc này áp dụng cho những trường hợp gặp phải tình trạng cả đêm không ngủ được, tâm lý buồn bực bứt rứt, cơ thể khó chìm vào giấc ngủ, đau lưng mỏi gối, ù tai. Đối với nam giới thường gặp phải tình trạng di tinh, nữ giới bị bạch đới, mạch tế sác và thường đi kèm với chứng táo bón.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 12g đan sâm, hoài sâm, thăng ma, đẳng sâm
- 12 – 16g bá tử nhân, quy đầu, phục thần
- 6g viễn trí, cát cánh, ngũ vị, liên nhục
- 16g lạc tiên và sinh địa
- 12 – 20g táo nhân và phục thần
- 2g chu sa và 20g mạch môn
Hướng dẫn thực hiện:
- Đem tất cả các vị thuốc trên tán nhuyễn thành bột mịn để làm thành hoàn, còn chu sa thì dùng làm vỏ.
- Mỗi lần dùng chỉ cần cho khoảng 12g nguyên liệu và sử dụng đều đặn trong một thời gian dài. Hoặc có thể dùng để sắc uống và uống mỗi ngày 1 thang.
7. Bài thuốc chữa mất ngủ do can khí uất
Người mất ngủ do can khí uất thường gặp phải những triệu chứng như hay cáu gắt, đầu óc căng thẳng, buồn bã khiến cho tâm phiền dẫn đến mất ngủ, ngủ không sâu giấc, đau đầu và chóng mặt. Vận dụng bài thuốc này sẽ giúp can thư thái và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 12g sài hồ, phục thần, sinh địa, bán hạ, mạch môn
- 8g bạc hà, bạch truật, hàng cầm
- 6g cam thảo, trần bì
- 1g gừng nướng
Hướng dẫn thực hiện:
- Cho các vị thuốc trên sắc cùng với với 5 bát nước và sắc cho đến khi nước còn khoảng độ 3 bát.
- Mỗi ngày chia làm thành 3 lần uống.
8. Bài thuốc chữa mất ngủ do tâm thần bất giao
Đối với người thường hay mất ngủ do tâm thần bất giao gây ra tình trạng khó ngủ, mất ngủ cả đêm, người bồn chồn không yên, hay đổ mồ hôi trộm, lưng đau mỏi gối, nam giới có hiện tượng di tinh. Áp dụng bài thuốc này sẽ làm tư âm giáng hoả, thanh tâm an thần và giao thông tâm thận.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 40g nhục quế
- 320g thục địa
- 120g đan bì, hoàng liên, phục linh, trạch tả
- 160g sơn thù và hoài sơn
Hướng dẫn thực hiện:
- Đem tất cả các vị thuốc trên tán thành bột mịn rồi trộn cùng với mật ong để làm thành hoàn.
- Mỗi ngày dùng để uống từ 2 – 3 lần với nước đun sôi để nguội và mỗi lần chỉ cần dùng từ 8 – 12g để uống.
9. Một số bài thuốc chữa mất ngủ dùng ngoài
Bên cạnh sử dụng thuốc để uống thì người bệnh cũng có thể áp dụng một số bài thuốc chữa mất ngủ dùng ngoài để cải thiện được các triệu chứng gây mất ngủ, hỗ trợ làm giảm tình trạng khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc khiến cho cơ thể cảm thấy uể oải, mệt mỏi sau khi thức dậy.
- Bài thuốc 1: Đầu tiên cần chuẩn bị 10g hoàng cầm, cúc hoa, 30g dạ giao đằng và 20g từ thạch. Đem rửa sạch các nguyên liệu trên và sắc lấy nước. Sau đó ngâm chân trong nước thuốc này khoảng 20 phút trước khi ngủ.
- Bài thuốc số 2: Chuẩn bị 3g hổ phách, 30g chu sa và từ thạch. Đem các nguyên liệu này tán thành bột mịn. Sau đó cho bột thuốc này cột bọc và để trong túi vải rồi đội lên đầu (nên đội nón để cố định). Sáng hôm sau thức dậy thì tháo ra.
- Bài thuốc số 3: Chuẩn bị 250g cúc hoa và cỏ bấc đèn thay thế bằng ruột gối để cải thiện giấc ngủ và làm giảm tình trạng mệt mỏi và thức gia61dc giữa đêm.
- Bài thuốc số 4: Chuẩn bị trân châu, lưu huỳnh, đơn sâm mỗi thứ với lượng bằng nhau. Tán mịn các nguyên liệu này và dùng dầu mè để trộn đều. Sau đó đắp vào trán rồi dùng băng keo có xạ hương để dán kín, từ 3 – 5 ngày thì thay thuốc 1 lần.
Những lưu ý khi chữa mất ngủ theo Đông y
Các bài thuốc Đông y không những có công dụng trong việc điều hoà khí huyết, bồi bổ chức năng ngũ tạng mà còn giúp an thần, cải thiện tình trạng mất ngủ. Tuy nhiên để đảm bảo được tính hiệu quả khi áp dụng thì người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Các bài thuốc chia sẻ trên chỉ mang tính chất tham khảo, vì vậy người bệnh nên đến tìm gặp lương y để được thăm khám và chỉ định cho sử dụng bài thuốc phù hợp. Tuỳ vào tình trạng sức khoẻ của từng đối tượng mà có thể gia giảm liều lượng.
- Các bài thuốc Đông y chữa mất ngủ thường có hiệu quả chậm hơn so với thuốc Tây y và đòi hỏi người bệnh cần phải kiên trì thực hiện. Đối với những trường hợp thường hay lo âu dẫn đến căng thẳng quá mức thì nên tìm đến bác sĩ để được kê đơn thuốc an thần để đảm bảo.
- Không nên kết hợp một lúc giữa thuốc Tây y và Đông y vì có thể làm tăng tác dụng an thần và dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn.
- Trong một số trường hợp cần thiết thì có thể kết hợp sử dụng các bài thuốc với châm cứu hoặc bấm huyệt để làm tăng hiệu quả điều trị.
- Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cũng cần phải kết hợp với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi lành mạnh và khoa học. Đối với người cao tuổi cần nên bổ sung các loại thực phẩm bổi bổ cho sức khoẻ, giúp an thần và cải thiện được tình trạng khó ngủ,…
- Luôn giữ cho mình một tâm lý ổn định, suy nghĩ đến những điều tích cực hơn giúp bạn cải thiện được chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Tránh gây căng thẳng, tạo áp lực khiến suy nhược thần kinh.
- Mỗi ngày dành ra từ 15 – 20 phút để ngồi thiền hoặc tập yoga trước khi ngủ (không nên vận động mạnh). Điều này sẽ giúp cho khí huyết được lưu thông tốt hơn, tăng cường máu lên não nhờ đó giúp mang đến cho bạn giấc ngủ sâu và ngon hơn.
Trên đây là phương pháp chữa mất ngủ theo Đông y theo hướng điều trị từ gốc được đánh giá là mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, vì vậy trước khi áp dụng người bệnh nên được tham vấn y khoa để được chỉ định sử dụng bài thuốc điều trị phù hợp với triệu chứng mà bản thân đang mắc phải.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!