Chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh và cách chữa trị
Nội Dung Bài Viết
Chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh thường không thể tự thuyên giảm mà bắt buộc phải can thiệp các biện pháp điều trị. Tùy thuộc vào từng trường hợp, điều trị có thể bao gồm điều chỉnh thói quen, áp dụng liệu pháp hormone thay thế hoặc dùng thuốc an thần.
Mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh – Do đâu?
Mất ngủ là tình trạng khó chìm vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc và dễ thức giấc giữa đêm. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ mang thai, sau khi sinh và người phải làm việc với cường độ cao. Bên cạnh đó, chứng mất ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh (từ 45 – 53 tuổi).
Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, phụ nữ không chỉ gặp phải các vấn đề về sinh lý, sức khỏe mà còn bị rối loạn giấc ngủ. Đa phần nữ giới ở trong độ tuổi này đều gặp phải các triệu chứng như khó ngủ, hay thức giấc giữa đêm, mệt mỏi sau khi thức dậy, thường xuyên nằm mơ, cơ thể bồn chồn, lo lắng,…
Theo các chuyên gia, chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
1. Rối loạn nội tiết tố
Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, tuyến nội tiết trong cơ thể (đặc biệt là buồng trứng) bị suy giảm. Buồng trứng giảm chức năng hoạt động khiến nồng độ hormone estrogen và progesterone sụt giảm nghiêm trọng. Trên thực tế, hormone nữ không chỉ tác động đến chức năng sinh lý và khả năng sinh sản mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và một số cơ quan trong cơ thể.
Cụ thể, sụt giảm estrogen làm giảm khả năng hấp thu magie – một loại khoáng chất có tác dụng thư giãn cơ. Cơ bắp căng cứng vào buổi tối cộng với hiện tượng bốc hỏa (cơ thể nóng bức, đổ nhiều mồ hôi) vào ban đêm chính là nguyên nhân gây khó ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc.
Trong khi đó, hormone progesterone tạo cảm giác ngủ ngon và ngủ sâu giấc hơn. Chính vì vậy, tình trạng sụt giảm hormone này có thể khiến phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh rơi vào trạng thái ngủ không ngon, giấc ngủ chập chờn và dễ bị đánh thức.
2. Hoạt động của não bộ – tuyến yên – buồng trứng bị suy giảm
Để đi vào giấc ngủ, não bộ và các tuyến nội tiết của cơ thể như buồng trứng, tuyến yên, tuyến tùng sẽ giải phóng các hóa chất có tác dụng an thần (phong bế thần kinh) nhằm ức chế vùng cấu trúc lưới, vùng dưới đồi và não bộ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa não bộ và tuyến nội tiết tạo ra cảm giác buồn ngủ và giúp cơ thể ngủ ngon, sâu giấc.
Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, hoạt động của não bộ – tuyến yên – buồng trứng bị suy giảm dần theo thời gian, dẫn đến rối loạn hoạt động và gây khó ngủ, ngủ chập chờn.
3. Do ảnh hưởng của các bệnh lý khác
Không giống với người trẻ tuổi, phụ nữ trung niên dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, đau nhức xương khớp, trào ngược dạ dày thực quản,… Các bệnh lý này có thể bùng phát triệu chứng vào ban đêm và gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ.
4. Tác dụng phụ của thuốc
Ngoài những nguyên nhân trên, mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu và một số loại thuốc chứa caffeine.
Các loại thuốc này gây kích thích thần kinh trung ương, làm giảm khả năng sản xuất hormone melatonin của tuyến tùng (hormone tạo cảm giác buồn ngủ) và gây ra tình trạng khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
5. Tâm lý căng thẳng kéo dài
Ở độ tuổi tứ tuần, phụ nữ phải đối mặt với một số vấn đề như áp lực từ công việc, lo lắng về cuộc sống của con cái, mâu thuẫn với bạn đời, đời sống tình dục không viên mãn,… Những vấn đề này làm tăng áp lực lên não bộ, tạo tâm lý căng thẳng và mệt mỏi.
Stress khiến hệ thần kinh trung ương rơi vào trạng thái quá tải, gây rối loạn chức năng của các noron thần kinh và làm giảm hoạt động phóng thích các hóa chất tạo cảm giác an thần vào ban đêm. Ngoài ra khi bị căng thẳng, cơ thể có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn bình thường. Tình trạng này khiến cho não bộ luôn trong trạng thái “hoạt động” và khó chìm vào giấc ngủ.
6. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh còn có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Thường xuyên sử dụng thức uống chứa chất kích thích như cà phê, trà đặc, rượu bia,…
- Ăn uống quá no vào buổi tối
- Không gian phòng ngủ nóng bực, chật chội, không thoải mái
- Có mâu thuẫn với bạn đời
- Sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ
- Có thói quen hút thuốc lá
- Thay đổi múi giờ (do chuyển chỗ ở hoặc phải di chuyển bằng máy bay liên tục trong nhiều giờ)
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do rối loạn nội tiết và suy giảm hoạt động não bộ – tuyến yên – buồng trứng. Những yếu tố khác chỉ có vai trò làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Tác hại của chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh
Ở tuổi trung niên, cơ thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Do đó, tình trạng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Cơ thể mệt mỏi, sức khỏe suy giảm, giảm khả năng lao động và chất lượng cuộc sống
- Gây suy nhược thần kinh, rối loạn cảm giác và tăng nguy cơ trầm cảm
- Thúc đẩy tốc độ lão hóa, gây bạc tóc, da nhăn nheo, sạm nám và kém đàn hồi
- Mất ngủ mãn tính còn làm tăng nguy cơ bị thiếu máu não, tiểu đường và các vấn đề về tim mạch
Giấc ngủ có vai trò phục hồi chức năng của các cơ quan trong cơ thể, giảm căng thẳng, đào thải độc tố và ngăn chặn sản xuất các gốc tự do. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc còn giải phóng các suy nghĩ tiêu cực, hạn chế trầm cảm và các vấn đề về tâm lý.
Vì vậy ngoài những ảnh hưởng nói trên, mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý và thể trạng của nữ giới. Nếu không tiến hành thăm khám và khắc phục, nữ giới phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Cách khắc phục mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ và phục hồi sức khỏe, phụ nữ tiền mãn kinh nên chủ động điều chỉnh thói quen và xây dựng lối sống lành mạnh. Trong trường hợp cần thiết, có thể tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định một số biện pháp y tế.
Các biện pháp khắc phục chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh:
1. Bổ sung nội tiết tố
Sụt giảm estrogen và progesterone là nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh. Ngoài ra, tình trạng này còn gây loãng xương, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, khô rát âm đạo và suy giảm đời sống tình dục.
Vì vậy để giảm chứng mất ngủ, bạn nên bổ sung nội tiết tố bằng một số biện pháp sau:
- Bổ sung bằng thực phẩm: Các loại thực phẩm chứa phytoestrogen và các chất chống oxy hóa có khả năng cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ tiền mãn kinh. Do đó, bạn có thể bổ sung đậu nành, các loại đậu, hạt, nấm, tỏi, nghệ, trái cây,… để điều hòa estrogen và progesterone trong cơ thể. Khi nội tiết tố ổn định, tình trạng mất ngủ sẽ được cải thiện đáng kể.
- Sử dụng TPCN: Hiện nay có khá nhiều loại TPCN chứa tinh chất mầm đậu nành, sâm tố nữ,… có khả năng cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Các sản phẩm này giúp cải thiện tình trạng bốc hỏa, khô rát âm đạo, mệt mỏi và giảm các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ chập chờn, khó ngủ,…
- Liệu pháp hormone thay thế: Nếu suy giảm nội tiết gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và cân nhắc về liệu pháp hormone thay thế. Liệu pháp này giúp bổ sung progesterone và estrogen cho cơ thể, từ đó cải thiện các triệu chứng khó chịu và tăng chất lượng – thời gian ngủ rõ rệt. Tuy nhiên, liệu pháp hormone có thể làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ác tính nên chỉ được áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
2. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên là một trong những biện pháp giúp khắc phục chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh. Hoạt động thể chất đều đặn kích thích não bộ giải phóng hormone endorphin (hormone có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi và uể oải). Vì vậy, tập thể dục đều đặn 3 – 4 buổi/ tuần có thể giảm stress và tăng chất lượng giấc ngủ đáng kể.
Bên cạnh lợi ích đối với giấc ngủ, tập thể dục còn giúp cải thiện vóc dáng, hỗ trợ giảm cân, làm chậm quá trình lão hóa và phòng ngừa các bệnh lý mãn tính như tim mạch, suy giảm trí nhớ, tiểu đường,… Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, nữ giới tập thể dục thường xuyên có thể kiểm soát tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, âm đạo khô rát và tăng ham muốn tình dục đáng kể.
Do đó, phụ nữ tiền mãn kinh bị mất ngủ nên dành thời gian để tập thể dục thể thao – đặc biệt là những bộ môn giúp tăng độ dẻo dai và bền bỉ của cơ thể như bơi lội, chạy bộ và yoga.
3. Điều chỉnh thói quen
Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng các thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến giấc lượng giấc ngủ của phụ nữ tiền mãn kinh. Vì vậy bên cạnh việc tập thể dục và bổ sung nội tiết tố, bạn nên điều chỉnh một số thói quen sau:
- Tránh ăn uống quá no sau 19:00 và hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Các thói quen này có thể khiến não bộ bị kích thích, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phóng thích hormone melatonin và gây ra tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc,…
- Từ 16:00 trở đi, nên tránh sử dụng các loại thức uống chứa chất kích thích như cà phê, trà và rượu bia. Cồn và caffeine có trong các thức uống này làm gián đoạn quá trình phong bế thần kinh, dẫn đến tình trạng khó ngủ, ngủ chập chờn và dễ thức giấc giữa đêm.
- Trước khi ngủ khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ, nên đọc sách (nên lựa chọn thể loại sách nhẹ nhàng), nghe nhạc và chơi đùa cùng với thú cưng để giảm căng thẳng. Các hoạt động này giúp giảm kích thích lên não bộ và tạo cảm giác buồn ngủ vào ban đêm.
- Phụ nữ tiền mãn kinh dễ bị bốc hỏa và đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm. Vì vậy, bạn nên lựa chọn những trang phục có chất liệu cotton, thoáng và thấm hút để tránh tình trạng khó chịu. Bên cạnh đó, nên sử dụng quạt và điều hòa để làm giảm nhiệt độ trong phòng ngủ.
- Không nên làm việc sau 21:00. Thói quen này có thể gây căng thẳng thần kinh, làm rối loạn hoạt động của não bộ và các tuyến nội tiết dẫn đến tình trạng khó ngủ, đau đầu và mệt mỏi vào sáng hôm sau.
4. Kiểm soát các bệnh lý nguyên nhân
Như đã đề cập, chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh còn có thể là hệ quả do các bệnh mãn tính như hen suyễn, cao huyết áp, tiểu đường, trào ngược dạ dày thực quản,… Triệu chứng của các bệnh lý này bùng phát mạnh vào ban đêm gây thức giấc nhiều lần, khó ngủ và ngủ chập chờn.
Để cải thiện thời gian và chất lượng giấc ngủ, nên chủ động điều trị các bệnh lý nguyên nhân theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi triệu chứng của các bệnh lý này được kiểm soát, tình trạng mất ngủ và khó ngủ sẽ dần được cải thiện.
5. Sử dụng thuốc an thần
Không chỉ xảy ra do rối loạn nội tiết, chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh còn có thể là hệ quả do quá trình lão hóa. Chính vì vậy, tình trạng mất ngủ có xu hướng kéo dài dai dẳng và gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trong trường hợp cần thiết, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chỉ định loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc trị mất ngủ thường được chỉ định khi liệu pháp hormone thay thế không mang lại hiệu quả. Dựa vào tình trạng sức khỏe và triệu chứng cụ thể của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc bình thần và thuốc chống trầm cảm SSRI để cải thiện chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Mặc dù có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ rõ rệt nhưng các loại thuốc này chỉ làm giảm triệu chứng, không tác động đến nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn nên điều chỉnh các thói quen xấu và thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh triệt để.
Ngoài sử dụng thuốc an thần, phụ nữ tiền mãn kinh cũng có thể tận dụng một số loại thảo dược như hoa cúc, hoa nhài, bạc hà, lá vông nem, lạc tiên, tim sen,… để giảm tình trạng mất ngủ, khó ngủ và ngủ không sâu giấc.
Chứng mất ngủ tiền mãn kinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nữ giới. Do đó, cần thiết lập lối sống khoa học để cải thiện thời gian và chất lượng giấc ngủ. Trong trường hợp cần thiết, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị y tế.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!