Đau khớp gối: Nguyên nhân do đâu và điều trị thế nào?
Nội Dung Bài Viết
Đau khớp gối khởi phát khi một trong những bộ phận cấu tạo ổ khớp bị tổn thương và hư hại. Triệu chứng này thường xảy ra do chấn thương trong quá trình lao động, chơi thể thao, sinh hoạt và tham gia giao thông. Tuy nhiên nếu khớp gối bị đau nhức kéo dài, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các bệnh lý xương khớp.
Đau khớp gối và dấu hiệu nhận biết
Khớp gối là một trong những khớp chịu tải trọng lớn từ cân nặng của cơ thể và hầu hết các hoạt động thể chất. Chính vì vậy, khớp ở vị trí này dễ bị tổn thương và đau nhức hơn so với các khớp có kích thước nhỏ và tần suất hoạt động thấp.
Khớp gối được cấu tạo từ xương đùi, xương chày, xương bánh chè, xương mác và được cố định bằng 4 dây chằng chính. Để giảm ma sát và giúp ổ khớp vận động trơn tru, đầu xương chày và xương đùi được bao bọc bởi một lớp sụn mỏng, dẻo dai và đàn hồi. Ổ khớp được cấu tạo chặt chẽ giúp khớp gối dễ dàng vận động và chịu được áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể.
Tuy nhiên, khi một trong những bộ phận cấu thành khớp gối bị tổn thương, ổ khớp có thể bị đau nhức âm ỉ đến dữ dội. Đau khớp gối ít khi khởi phát đơn lẻ mà đa phần đi kèm với một số triệu chứng khác như:
- Mô mềm bao xung quanh khớp sưng đỏ và nóng hơn so với những vùng da khác
- Khớp tê cứng, khó khăn khi co duỗi, đi lại
- Ổ khớp phát ra âm thanh khi vận động
- Có cảm giác tê bì, dị cảm
- Một số trường hợp còn có thể gặp phải các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, sốt và ớn lạnh
Mức độ của cơn đau khớp gối và các triệu chứng đi kèm phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân. Do đó, bạn có thể gặp phải các triệu chứng có mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn so với những dấu hiệu được đề cập trong bài viết.
Nguyên nhân gây đau nhức khớp gối
Đau nhức khớp gối là tình trạng khá phổ biến và gặp nhiều ở người làm công việc chân tay, lao động nặng nhọc hoặc phải tập thể thao với cường độ mạnh. Tình trạng này có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
1. Chấn thương gây đau khớp gối
Chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau nhức khớp gối. Tác động cơ học mạnh có thể làm tổn thương bộ phận cấu thành ổ khớp hoặc khiến ổ khớp lệch ra khỏi vị trí cân bằng. Chấn thương khớp gối có thể xảy ra khi tham gia giao thông, sinh hoạt, chơi thể thao và lao động.
Các dạng chấn thương có khả năng gây đau nhức khớp gối:
- Tổn thương dây chằng: Dây chằng chéo ở khớp gối dễ bị kéo giãn và đứt do hoạt động mạnh (chủ yếu do té ngã và chơi thể thao). Đau khớp gối do tổn thương dây chằng thường đi kèm với hiện tượng phù nề, đầu gối sưng đỏ, khớp đau nhức và hầu như không thể vận động.
- Gãy xương: Khi có tác động mạnh, các xương cấu thành khớp gối có thể bị tổn thương. Dựa theo giải phẫu khớp gối, vị trí xương dễ bị gãy và nứt nhất là xương bánh chè. Khác với tổn thương dây chằng, gãy xương gây đau nhức dữ dội, khớp bầm tím, lỏng lẻo và mất khả năng cử động hoàn toàn.
- Trật khớp: Trật khớp là tình trạng ổ khớp lệch ra khỏi vị trí cân bằng. Trật khớp thường xuất hiện ở những vị trí khớp ở phần thân dưới như khớp gối và khớp cổ chân. Đối với khớp gối, xương chày đùi và xương bánh chè là 2 vị trí dễ bị lệch ra khỏi vị trí dẫn đến biến dạng ổ khớp, đau nhức và bầm tím.
- Tổn thương sụn bọc: Sụn bọc ở đầu xương có tác dụng giảm ma sát khi khớp gối cử động, đi lại. Tuy nhiên khi mang vác vật nặng hoặc đầu gối va chấn mạnh, mô sụn có thể bị nứt và rách. Trong trường hợp tổn thương nặng, mảnh sụn bị rách có thể kẹt giữa 2 đầu xương và khiến ổ khớp tê cứng, mất khả năng cử động hoàn toàn.
- Tổn thương bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch là bộ phận tiết dịch giúp ổ khớp vận hành trơn tru và nhịp nhàng. Trong trường hợp va đập mạnh hoặc ổ khớp lặp đi lặp lại một vài cử động, màng bao hoạt dịch có thể bị viêm và tổn thương.
2. Do bệnh lý xương khớp
Ngoài chấn thương, đau khớp gối cũng có thể xảy ra do các bệnh lý xương khớp như:
- Thoái hóa khớp gối: Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp nhất ở khớp gối. Bệnh xảy ra do ảnh hưởng của quá trình lão hóa dưới tác động của các yếu tố thúc đẩy như lao động nặng, thừa cân – béo phì, chấn thương, thiếu dinh dưỡng,… Cơn đau do thoái hóa khớp có tính chất vật lý, tăng mạnh khi lao động, gắng sức và thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp mãn tính có cơ chế tự miễn. Tổn thương khớp xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể và tấn công vào mô sụn, bao hoạt dịch, xương, da,… Viêm khớp dạng thấp thường gây đau âm ỉ đến dữ dội, khớp sưng đỏ, nóng rát và dị cảm. Khác với thoái hóa khớp, bệnh lý này thường gây tổn thương có tính chất đối xứng và có thể đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng khớp do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu (không phải do lao, ký sinh trùng, virus, nấm) như lậu cầu, tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu, trực khuẩn mủ xanh, thương hàn,… Bệnh không chỉ gây đau nhức, sưng đỏ khớp, co cơ, tràn dịch khớp gối và hạn chế vận động mà còn gây ra các triệu chứng toàn thân như rét run, sốt và hơi thở hôi.
- Viêm khớp phản ứng: Viêm khớp phản ứng là tình trạng ổ khớp bị viêm không do vi khuẩn mà bị kích hoạt bởi bệnh nhiễm trùng xảy ra ở cơ quan khác của cơ thể (đường tiết niệu, sinh dục và đường ruột). Bệnh lý này thường gây sưng và đau nhức khớp. Ngoài xương khớp, phản ứng viêm cũng có thể xảy ra ở mắt, da và đường tiết niệu.
- Bệnh gout: Gout là một dạng viêm khớp mãn tính thường gặp ở nam giới trung niên. Bệnh xảy ra do quá trình sản xuất – đào thải axit uric bị rối loạn, dẫn đến tăng axit uric trong máu và làm lắng đọng monosodium tại các khớp. Bệnh gout thường gây đau khớp dữ dội, ổ khớp sưng nóng, dị cảm, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Triệu chứng của bệnh có xu hướng khởi phát đột ngột và kéo dài trong vài ngày đến vài tuần.
- Bệnh giả gout: Bệnh giả gout xảy ra khi calcium pyrophosphate tích tụ, bao xung quanh khớp và gây ra các triệu chứng tương tự bệnh gout. Ngoài triệu chứng đau nhức, bệnh giả gout còn gây sốt và thường phối hợp với một bệnh lý khác như tiểu đường, thiểu năng giáp trạng, cường cận giáp trạng, nhiễm sắc tố ochronose, bệnh Wilson hoặc bệnh gout.
Ngoài ra, nguy cơ bị đau khớp gối cũng có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi như:
- Lao động nặng nhọc
- Chơi thể thao cường độ mạnh
- Thừa cân – béo phì
- Ít vận động
- Tiền sử gia đình mắc bệnh xương khớp
- Tuổi tác cao
Đau khớp gối có nguy hiểm không?
Đau khớp gối là tình trạng thường gặp. Mức độ nguy hiểm của tình trạng này phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân cụ thể. Đối với các nguyên nhân thông thường (bong gân, chấn thương nhẹ, viêm khớp phản ứng, viêm khớp nhiễm khuẩn,…), đau nhức khớp sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khi điều trị.
Tuy nhiên nếu chủ quan với các biểu hiện của cơ thể và không điều trị kịp thời, đau khớp gối có thể tiến triển phức tạp và gây ra các biến chứng như:
- Nhiễm trùng lan rộng
- Biến dạng khớp
- Khớp mất khả năng vận động hoàn toàn
- Gây tổn thương các cơ quan khác như thận, da, mắt,…
- Giảm sức khỏe và tuổi thọ
Ngoài những biến chứng kể trên, đau nhức khớp gối kéo dài còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, hiệu suất lao động, chất lượng giấc ngủ và cuộc sống. Người bị tổn thương khớp gối nặng hầu như không thể thực hiện các hoạt động thông thường và dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu.
Chẩn đoán đau đầu gối bằng cách nào?
Chẩn đoán đau đầu gối được thực hiện nhằm xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ tổn thương khớp gối. Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh lý. Sau đó, người bệnh cần thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng như:
- X-Quang: X-Quang là một trong những kỹ thuật có giá trị nhất trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Qua hình ảnh từ X-Quang, bác sĩ có thể phát hiện một số dấu hiệu bất thường như mọc gai xương, hẹp khe khớp, xuất hiện vết nứt, gãy và đặc xương dưới sụn. Các dấu hiệu này giúp chẩn đoán nguyên nhân và đánh giá mức độ thương tổn của khớp gối.
- Siêu âm khớp: Siêu âm khớp được thực hiện để phát hiện gai xương và tràn dịch khớp. Kỹ thuật này thường được thực hiện sau khi chụp X-Quang ở một số trường hợp nghi ngờ thoái hóa khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc viêm khớp dạng thấp.
- Nội soi khớp: Nội soi khớp thường được chỉ định trong trường hợp kẹt sụn ở hai đầu xương khớp gối. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng giúp bác sĩ xác định và đánh giá tổn thương ở khớp gối.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm đánh giá số lượng bạch cầu, tốc độ lắng máu,… Các kết quả này giúp bác sĩ phân biệt giữa các bệnh xương khớp do thoái hóa với gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng và viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Xét nghiệm dịch khớp: Dịch khớp là một trong những yếu tố phản ánh khách quan tình trạng khớp gối. Dựa vào màu sắc và công thức dịch khớp, bác sĩ có thể đưa ra đánh giá và chẩn đoán cuối cùng.
Các phương pháp điều trị đau đầu gối
Điều trị đau khớp gối phụ thuộc vào mức độ tổn thương và nguyên nhân cụ thể. Nếu đau do chơi thể thao cường độ mạnh, lao động nặng hoặc đi lại nhiều, tình trạng có thể tự thuyên giảm sau vài ngày nghỉ ngơi mà không cần can thiệp biện pháp y tế. Ngược lại, đau nhức khớp gối do chấn thương và các bệnh xương khớp đều phải được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
1. Sử dụng thuốc
Thuốc được dùng trong điều trị đau khớp gối được chia thành 2 nhóm là thuốc điều trị triệu chứng và thuốc đặc trị.
Các loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Nhóm thuốc giảm đau được sử dụng trong hầu hết các trường hợp bị đau khớp gối do chấn thương và các bệnh xương khớp. Tùy vào mức độ cơn đau, bác sĩ có thể chỉ định Paracetamol hoặc thuốc giảm đau gây nghiệm opioids.
- Thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm được sử dụng trong điều trị đau khớp gối chủ yếu là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), corticosteroid (dạng uống hoặc tiêm), Colchicin (thường được sử dụng trong điều trị bệnh gout),…
- Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Bao gồm Glucosamine, Chondroitin, MSM,… Các hoạt chất này thường được bổ sung cùng với vitamin D, canxi và một số khoáng chất tốt cho xương khớp. Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm được sử dụng để điều trị đau khớp gối do thoái hóa hoặc có thể dùng để phòng ngừa thoái hóa khớp ở người cao tuổi.
- Kháng sinh: Kháng sinh được dùng trong điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn. Tùy theo nguyên nhân gây nhiễm trùng, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị tương ứng. Để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, cần dùng kháng sinh đều đặn trong thời gian được chỉ định và hạn chế tối đa tình trạng quên liều.
- Thuốc chống thấp khớp: Thuốc chống thấp khớp (Methotrexate, Cyclosporin,…) được sử dụng trong điều trị đau khớp gối do viêm khớp dạng thấp và một số rối loạn tự miễn khác như viêm khớp vảy nến. Thuốc có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, từ đó ngăn chặn quá trình tấn công mô sụn, màng bao hoạt dịch,… của kháng thể.
- Thuốc hạ axit uric: Thuốc hạ axit uric trong máu được sử dụng để điều trị bệnh gout. Nhóm thuốc này gồm có 3 loại chính, bao gồm thuốc ức chế sản xuất axit uric, thuốc tăng thải axit uric và thuốc làm tiêu axit uric.
Ngoài những loại thuốc trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc hỗ trợ và viên uống bổ sung nhằm thúc đẩy tốc độ hồi phục tế bào sụn, xương bị tổn thương. Đối với đau khớp gối do chấn thương nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc bôi, xịt hoặc dán để giảm thiểu tác dụng không mong muốn.
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là kỹ thuật sử dụng các tác động vật lý lên khớp gối nhằm giảm đau nhức, thúc đẩy tuần hoàn máu, phục hồi chức năng vận động,… Phương pháp này được áp dụng đồng thời với sử dụng thuốc để bảo tồn chức năng vận động và làm chậm tiến triển của bệnh.
Ngoài ra, vật lý trị liệu sau chấn thương còn giúp ổ khớp nhanh hồi phục và giảm thiểu tình trạng teo cơ, cứng khớp do bất động trong một thời gian dài.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân bị đau khớp gối:
- Chiếu sóng ngắn: Kỹ thuật này sử dụng máy bức xạ với bước sóng 11.2m để giảm đau nhức, chống viêm và giảm sự co thắt quá mức của các khối cơ. Ngoài ra, chiếu sóng ngắn còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và hạn chế tình trạng cứng khớp.
- Chiếu đèn hồng ngoại: Tia hồng ngoại có tác dụng đưa nhiệt đi sâu vào bên trong ổ khớp, thúc đẩy tuần hoàn máu và hỗ trợ chuyển hóa dinh dưỡng. Kỹ thuật này có thể làm giảm triệu chứng đau nhức, tê cứng khớp, khớp co thắt và giảm khả năng vận động do thoái hóa.
- Nhiệt trị liệu: Nhiệt trị liệu là kỹ thuật sử dụng nhiệt để giảm sưng, phù nề, đau nhức và phục hồi chức năng vận động của ổ khớp. Các kỹ thuật nhiệt trị liệu có thể được áp dụng như chườm ấm, chườm muối nóng, đắp paraffin, chườm ngải cứu,…
- Tập vật lý trị liệu: Sau khi cơn đau và các triệu chứng được kiểm soát, bệnh nhân cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động và cải thiện sức mạnh của khối cơ. Các bài tập này sẽ được bác sĩ xây dựng cụ thể tùy theo tình trạng sức khỏe và độ tuổi của từng bệnh nhân.
- Các phương pháp khác: Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số kỹ thuật vật lý trị liệu khác như châm cứu, cấy chỉ, sử dụng sóng xung kích, dùng điện trị liệu,… để giảm đau, tăng chuyển hóa dinh dưỡng và cải thiện chức năng vận động của ổ khớp.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật trị đau khớp gối được chỉ định trong trường hợp chấn thương nặng, khớp gối bị tổn thương, xơ hóa không có khả năng hồi phục, điều trị bảo tồn thất bại và các triệu chứng của bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Dựa vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi hoặc thực hiện mổ mở.
Phẫu thuật đem lại hiệu quả nhanh hơn so với các biện pháp bảo tồn. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Hơn nữa, đa phần bệnh nhân sau khi phẫu thuật đều phải tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng vận động.
Phòng ngừa đau khớp gối
Đau nhức khớp gối là tình trạng khá phổ biến. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:
- Thận trọng khi tham gia giao thông, sinh hoạt, làm việc trên cao, chơi thể thao,… để giảm thiểu nguy cơ té ngã, chấn thương.
- Người cao tuổi nên ăn uống điều độ, chủ động bổ sung Glucosamine, Collagen, Chondroitin, canxi, kẽm, vitamin D,… để phòng ngừa các bệnh xương khớp như thoái hóa, loãng xương.
- Thừa cân – béo phì là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp mãn tính. Do đó, nên kiểm soát cân nặng để làm giảm áp lực lên khớp gối và hỗ trợ phòng ngừa các vấn đề liên quan đến xương khớp.
- Điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng trong cơ thể nhằm hạn chế bị viêm khớp nhiễm khuẩn và viêm khớp phản ứng.
- Tránh ngồi nhiều, lao động quá mức, tập thể dục cường độ cao,… Thay vào đó, chỉ nên tập khoảng 30 phút/ ngày với các bộ môn có cường độ phù hợp với độ tuổi và thể trạng.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và sinh hoạt điều độ để tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ bị gout, bệnh giả gout và một số bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa.
Đau khớp gối là triệu chứng khá phổ biến có thể xảy ra do chấn thương, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh hoặc các bệnh xương khớp. Trong trường hợp triệu chứng có mức độ nặng và đi kèm với các dấu hiệu bất thường, cần chủ động thăm khám để kịp thời phát hiện và điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!