Đau khớp gối ở người già: Nguyên nhân và cách chữa trị
Nội Dung Bài Viết
Đau khớp gối ở người già là một triệu chứng thường gặp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự lão hóa dần đi của các khớp xương ở đầu gối. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và tinh thần của người bệnh. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, bạn đọc có thể tham khảo một số thông tin được tổng hợp dưới đây.
Nguyên nhân đau khớp gối ở người già
Đau khớp gối ở người già là một căn bệnh khá phổ biến. Tình trạng này xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt các chức năng của cơ thể sẽ dễ bị yếu đi theo thời gian làm gia tăng cách bệnh lý khi về già. Tuổi càng cao các tổn thương về xương khớp càng nhiều. Bên cạnh đó, các chế độ sinh hoạt, thời tiết, ăn uống cũng là một trong những lý do gây bệnh.
Nhìn chung, các nguyên nhân dẫn đến chứng đau khớp gối ở người già thường được chia thành nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân cơ học.
Nguyên nhân bệnh lý
- Viêm bao hoạt dịch đầu gối: Đây là tình trạng đầu gối bị nhiễm trùng hoặc rách dẫn đến viêm khớp, bên cạnh đó là các triệu chứng đau nhức kéo dài ở đầu gối.
- Thoái hóa khớp gối: Khớp gối được xem là bộ phận dễ bị thoái hóa, nhất là ở người già. Vì đây là nơi chịu áp lực lớn từ cả cơ thể nên khi tuổi tác lớn dần sẽ dễ bị ảnh hưởng, các sụn khớp dần bị bào mòn , các dịch khớp có tác dụng bôi trơn cũng giảm đi, cấu trúc các phần xương dưới sụn bị thay đổi và xuất hiện các gai xương. Những gai xương này sẽ đè lên các đầu xương khác gây nên tình trạng đau nhức thường xuyên. Do đó, thoái hóa khớp gối cũng là nguyên nhân thường gặp khi người già bị đau khớp gối.
- Gút: Đây là một dạng bệnh đáng lo ngại của người già, khi bị gút các khớp gối, khớp bàn tay, ngón chân sẽ rất đau nhức. Nếu tình trạng này kéo dài và không có cách điều trị phù hợp sẽ có nguy cơ cao dẫn đến tàn phế.
- Viêm gân bánh chè: Nếu người già bị phải tình trạng viêm gân bánh chè thì sẽ gây ảnh hưởng đến các vùng gân quanh gối, dẫn đến các cơn đau nhức thường xuyên.
Nguyên nhân cơ học
- Do tuổi tác: Đây chính là nguyên nhân chính khiến người già bị đau khớp gối. Không chỉ là khớp gối và hầu hết các bộ phận khác của cơ thể, theo thời gian cũng sẽ bị lão hóa và tổn thương nhiều hơn. Điều này cũng khiến cho người cao tuổi hay rơi vào trạng thái đau nhức khớp gối. Cũng tùy vào cơ địa của mỗi người mà tình trạnh này xuất hiện nhanh hơn chậm.
- Đầu gối chấn thương: Khi luyện tập thể thao hoặc do tai nạn làm tổn thương các cơ, xương, sụn, dây chằng ở đầu gối cũng là nguyên nhân khiến khớp gối đau dữ dội. Ngoài ra, người già khi hoạt động đi lại, ngồi xuống đứng lên liên tục cũng sẽ làm khớp gối bị tác động không ít.
- Thừa cân: Cũng như đã nói trên, khớp gối là bộ phận chịu nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể. Kèm theo đó, xương khớp của người già sẽ dễ bị lão hóa và tổn thương. Do đó, khi áp lực trọng lượng của cơ thể quá lớn sẽ làm cho khớp gối dễ bị đau và nhức.
- Ăn uống không đủ chất: Người già hay khó ăn và hấp thụ kém. Do đó nếu không chú ý lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp có chứa nhiều canxi, omega-3 sẽ làm cho khớp gối dần bị bào mòn và yếu đi.
- Không tập luyện thể thao: Càng về già bạn càng nên thường xuyên rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập đơn giản. Nếu ít luyện tập sẽ làm cho các khớp xương thiếu sự linh hoạt và dễ bị lão hóa. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện với mức độ vừa phải, việc luyện tập quá sức cũng sẽ dẫn đến đau khớp gối.
- Sử dụng các chất kích thích: Thường những người già hay uống rượu, hút thuốc,…sẽ có nguy cơ bị đau khớp gối nhiều hơn.
Triệu chứng đau khớp gối ở người già
Tình trạng đau khớp gối ở người già thường sẽ biểu hiện rõ nhất ở triệu chứng đau nhức khớp gối thường xuyên. Tuy nhiên cũng tùy vào mức độ và nguyên nhân của người bệnh mà xuất hiện các biểu hiện như:
- Khớp gối đau nhức: Đây cũng là triệu chứng điển hình của căn bệnh này. Cơn nào có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai đầu gối, dần dần sẽ lan ra các vùng lân cận khác. Biểu hiện này sẽ đau hơn khi người già đi lại, vận động mạnh, co duỗi thẳng chân, đi cầu thang…..Người lớn nên nghỉ ngơi để giúp các cơn đau giảm dần.
- Sưng đỏ: Khi tình trạng đau này diễn ra, người bệnh sẽ dễ thấy được khớp gối sưng hơn bình thường. Ngoài ra còn có dấu hiệu đỏ và khi sờ tay vào sẽ thấy đầu gối ấm hơn.
- Khớp co cứng: Trường hợp này sẽ hay xuất hiện vào buổi sáng lúc thức dậy. Người bệnh sẽ rất khó khăn trong việc co duỗi thẳng chân. Cần phải có thời gian và hỗ trợ massage nhẹ nhàng thì mới có thể hoạt động dễ dàng hơn.
- Khớp biến dạng: Tình trạng sưng đỏ của khớp gối nếu kéo dài sẽ làm biến dạng hình thù của đầu gối, có khi sẽ lệch hẳn qua một bên.
- Khớp gối phát ra tiếng kêu: Khi người già bị tổn thương khớp gối, các sụn khớp cũng bị bào mòn và mất đi chất nhờn sẽ làm cho khớp gối phát ra tiếng lục cục, rắc rắc khi di chuyển, đi bộ hoặc leo cầu thang.
- Tê bì chân: Khi dây thần kinh bị chèn ép với thời gian dài sẽ làm cho lực chân giảm dần. Điều này sẽ hạn chế khả năng vận động và đi lại của người bệnh.
- Một số triệu chứng khác: Ngoài các triệu chứng trên thì có một số trường hợp người bệnh sẽ thấy bàn chân, cẳng chân tái nhợt, xanh xao, thấy rõ các đường gân nổi lên trên và cảm giác lạnh khi sờ vào. Lúc này người bệnh sẽ dễ mệt mỏi, cơ thể bị suy nhược. Nhiều tình trạng người bệnh mất khả năng đứng dậy và khó khăn trong di chuyển.
Cách chẩn đoán đau khớp gối ở người già
Có rất nhiều cách chẩn đoán đau khớp gối, nhưng đối với người già thì thường sẽ được áp dụng 2 cách sau đây:
Chẩn đoán bằng hình ảnh: Hình thức này sẽ giúp các bác sĩ, chuyên gia dễ dàng nhận định và đưa ra kết quả một cách chính xác. Một số phương pháp chuẩn đoán bằng hình ảnh hay được áp dụng như chụp X-quang, chụp MRI, siêu âm khớp, nội soi khớp,…
Chẩn đoán khớp gối theo ACR: Đây là một hội thấp khớp Hoa Kỳ. ACR xác định bệnh nhân gặp phải đau khớp gối khi họ có các tình trạng như: thoái hóa dịch khớp, tràn dịch khớp gối, xuất hiện gai xương ở rìa khớp gối, biến dạng đầu gối, khi cử động có tiếng lạo xạo phát ra.
Cách chữa trị đau khớp gối ở người già
Hiện nay có rất nhiều cách chữa trị đau khớp gối ở người già nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người mà chúng ta nên lựa chọn phương pháp cho phù hợp. Dưới đây là một số biện pháp mà người bệnh có thể tham khảo.
1. Thuốc tây
Sau khi bệnh nhân được các bác sĩ khám và xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh và nhận thấy bệnh ở mức độ nhẹ thì người bệnh có thể được chỉ định sử dụng và điều trị thuốc tại nhà.Một số loại thuốc thường dùng để điều trị đau khớp gối như Paracetamol, các loại thuốc giảm đau thần kinh, chống viêm, ….
Những loại thuốc có thể ở nhiều dạng khác nhau như uống, tiêm, dán, xoa bóp,…để có thể phù hợp với nhiều thể trạng bệnh khác nhau. Các loại thuốc hỗ trợ đau khớp gối ở người già thường sẽ có tác dụng giảm đau, giãn cơn, hạ sốt, giúp lưu thông khí huyết, đẩy nhanh quá trình hình thành tế bào mới,….
Ngoài các dạng thuốc đặc trị, người già cũng cần bổ sung các nhóm thuốc hỗ trợ thận, gan, an thần nhẹ, tăng cường đề kháng để đẩy nhanh các tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc tây để hỗ trợ điều trị đau khớp gối ở người già bạn cần phải tham khảo và có chỉ định cụ thể của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về sử dụng. Việc sử dụng thuốc tây có thể giúp cơn đau được giảm đi nhanh chóng, tuy nhiên lại làm ảnh hưởng nhiều đến một số chức năng của cơ thể như thận, hệ tiêu hóa,…
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cũng là một trong các phương pháp được ứng dụng nhiều để điều trị đau khớp gối ở người già. Biện pháp này sẽ giúp xương khớp dần được phục hồi lại các chức năng , bên cạnh đó còn hỗ trợ giảm đau hiệu quả.
- Bấm huyệt: Huyệt đạo được kích thích sản sinh ra các chất hỗ trợ giảm đau nhanh chóng.
- Châm cứu: Cách này giúp đả thông kinh lạc, các cơn đau được giảm đi đáng kể.
- Tắm bùn, suối khoáng: Giúp bệnh nhân được thư giãn, thoải mái hơn, giảm thiểu các áp lực lên đầu gối, giảm đi nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc viêm khớp gối.
3. Sử dụng các loại thảo dược
Trong dân gian đã đút kết ra được rất nhiều bài thuốc được chế biến từ các loại thảo dược có sẵn trong vườn nhà. Các bài thuốc này đa phần sử dụng các vị thuốc có tính chống viêm, giảm đau tự nhiên để hỗ trợ cải thiện tổn thương và ngăn chặn các cơn đau khớp.
Bài thuốc từ lá ngải cứu
Ngải cứu hay còn có tên khác là cỏ linh li, ngải diệp. Loại cây này thường xuất hiện và dễ trồng ở các mảnh đất có độ ẩm cao. Y học cổ truyền cho biết, loại cây này có tính ấm, có công dụng trừ thấp, tiêu thũng, khu phong,…Ngoài ra, một số hoạt chất có trong ngải cứu còn có khả năng chống viêm, sát trùng, giảm đau, sưng hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Sử dụng một nắm ngải cứu tươi đã rửa sạch đem đi rang với một ít muối hột. Dùng hỗn hợp nóng này bỏ vào một cái khăn rồi chườm lên vùng đầu gối bị đau.
- Mỗi ngày chườm từ 3 đến 4 lần. Mỗi lần chườm trong khoảng 15 phút.
- Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng ngải cứu để sắc nước uống vào buổi tối. Mỗi ngày sắc khoảng 100g ngải cứu là được.
Bài thuốc từ lá đu đủ
Đu đủ thường được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Có người dùng đu đủ xanh để chế biến thức ăn như một loại rau củ. Cũng có người dùng đu đủ chính như một loại trái cây. Ngoài ra, lá đu đủ còn được sử dụng như một vị thuốc để chữa các bệnh về xương khớp, giúp giảm đau hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Lá đu đủ sau khi rửa sach và để ráo nước thì đem cắt nhỏ ra thành từng miếng. Sau đó, đem lá đu đủ rang cùng với một ít muối hột. Khi hỗn hợp nóng thì cho vào một miếng vải bọc và đắp lên đầu gối.
- Kiên trì sử dụng mỗi ngày từ 2 -3 lần. Chú ý nhiệt độ trước khi chườm để không làm tổn thương bề mặt da.
Bài thuốc từ đậu đen và thài lài
Đây là một bài thuốc được sử dụng khá phổ biến và mang lại hiệu quả cao cho người già khi bị đau khớp gối kéo dài.
Chuẩn bị:
- Đậu đen: 50g
- Thài lài 15g
Cách thực hiện:
- Đem hai nguyên liệu đi rửa sạch.
- Sắc cả hai cùng với 600ml nước. Đến khi lượng nước còn lại khoảng 1/3 thì tắt bếp. Lọc lấy phần nước cốt.
- Chia nước cốt ra thành 3 phần và uống trong ngày.
- Uống liên tục trong khoảng 7- 10 ngày để thấy cải thiện rõ nhất.
Bài thuốc từ cà gai leo
Đây được xem như một loại thảo dược quý mà thiên nhiên trao tặng cho con người, loại cây này thường được sử dụng để điều trị các bệnh về gan. Bên cạnh đó, người ta còn biết tới nó với công dụng hỗ trợ giảm đau xương khớp cực kì hiệu quả.
Chuẩn bị:
- Cà gai leo: 300g
- Lá lốt: 800g
- Cỏ xước 300g
- Thổ phục linh: 300g
- Thiên niên kiện: 300g
- Quế chi: 100g
- Rượu trắng: 5 lít
Cách thực hiện:
- Đem tất cả nguyên liệu này đi phơi khô
- Sau đó đem đi ngâm cùng rượu trắng trong khoảng 7 đến 10 ngày.
- Mỗi ngày người bệnh nên uống 2 lần, mỗi lần uống khoảng 30ml là được.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể sử dụng rễ cây cà gai leo phơi khô để sắc cùng với nước uống hàng ngày.
4. Áp dụng các bài tập giảm đau tại nhà cho người già
Việc thực hiện các bài tập hỗ trợ khớp gối cũng giúp cho tình trạng đau khớp dần được giảm đi đáng kể. Ngoài ra, các bài tập này còn giúp tinh thần người già được thoải mái, thư giãn hơn.
Dưới đây là một số bài tập đơn giản cho người bệnh có thể tập tại nhà:
- Bài tập 1: Bước một chân lên bậc của cầu thang. Sau đó đổi chân và thực hiện liên tục (đứng yên tại chỗ chứ không tập như leo cầu thang).
- Bài tập 2: Nằm ngửa trên giường, duỗi thẳng hai chân. Sau đó đưa chân phải lên cao rồi gập về phía ngực. Giữ tư thế này trong vài giây rồi đổi chân. Lặp lại liên tục khoảng 10 lần cho mỗi bên.
- Bài tập 3: Đứng thẳng kế bên một cái ghế. Một tay vịn vào ghế và từ từ ngồi xuống sao cho hai đầu gối gập lại. Lặp lại động tác này khoảng 10 lần cho mỗi lần tập. Chú ý lưng phải thẳng.
- Bài tập 4: Dùng một cái ghế không có chỗ dựa. Sau đó đứng lên ngồi xuống trên ghế một cách thật chậm rãi trong thời gian 1 – 2 phút. Dùng lực của chân, không vịn hay hỗ trợ bằng các dụng cụ khác.
Biện pháp phòng ngừa đau khớp gối ở người già
Đau khớp gối ở người già chủ yếu xuất phát từ độ tuổi và sự lão hóa theo thời gian, nên khó có thể phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, nếu áp dụng một số biện pháp dưới đây thường xuyên bạn cũng sẽ phần nào hạn chế được căn bệnh này:
- Bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, ăn uống điều độ, cung cấp đủ canxi cho xương khớp trong mỗi bữa ăn.
- Tránh xa các chất kích thích có hại như rượu, bia, thuốc lá,…
- Kiểm soát tốt cân nặng để tránh gây áp lực nhiều đến khớp gối.
- Hạn chế mang vát các vật nặng hoặc làm việc quá sức.
- Thường xuyên tập luyện các bài tập nâng cao sức khỏe phù hợp với thể trạng cơ thể.
- Tránh để khớp gối giữ nguyên một trạng thái quá lâu sẽ làm mất đi sự linh hoạt của các khớp.
- Khám sức khỏe định kì để đảm bảo sức khỏe cũng như phát hiện sớm các nguy cơ gây bệnh.
Trên đây là tổng hợp các thông tin và một số cách chữa trị về tình trạng đau khớp gối ở người già. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để khám và điều trị ngay khi phát hiện các triệu chứng của bệnh nhằm tránh dẫn đến các biến chứng không mong muốn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!