Nguyên nhân gây đau răng hàm trên bên trái và cách điều trị
Nội Dung Bài Viết
Đau răng hàm trên bên trái luôn là một trải nghiệm bực bội và khó chịu. Ngoài cơn đau buốt hoặc âm ỉ, răng của bạn có thể nhạy cảm với nhiệt độ và đau tăng nặng khi nhai hoặc cắn. Để giải quyết tận gốc cơn đau, bạn cần phải biết được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này. Dưới đây là tóm tắt 04 nguyên nhân phổ biến nhất gây đau răng hàm trên bên trái, cách chữa đau răng cũng như cách phòng tránh tình trạng này hiệu quả nhất.
1. Nguyên nhân nào khiến răng hàm trên bên trái bị đau?
Răng hàm trên là vị trí rất dễ bị đau hay viêm nhiễm do thức ăn dễ mắc vào nhưng lại rất khó để làm sạch do không thể nhìn rõ bằng mắt thường. Cơn đau răng hàm trên khiến người bệnh vô cùng khó chịu đồng thời gây ra những ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, tinh thần, sức khỏe người bệnh nghiêm trọng. Cần tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
1.1 Bất thường về răng
Những bất thường ở răng có thể liên quan trực tiếp đến lối sống, vệ sinh răng miệng kém hoặc có các vấn đề về răng trước đó nhưng không được điều trị dứt điểm. Những tổn thương ở răng hàm trên có thể đã xuất hiện từ rất lâu nhưng do người bệnh chủ quan, không để ý đến dẫn đến những biến chứng trầm trọng hơn xuất hiện và được điển hình bởi những cơn đau.
Đau răng hàm trên bên trái liên quan đến những bất thường về răng sau đây:
- Sâu răng: chiếm đến 60% nguyên nhân gây đau răng hàm trên bên trái. Các mảng bám hình thành trên bề mặt răng trong suốt cả ngày, đó là nơi trú ngụ của vi khuẩn. Bất kỳ loại axit nào do vi khuẩn sinh ra đều tạo thành các lỗ trên răng và ăn mòn răng theo thời gian. Răng hàm trên đặc biệt dễ bị sâu vì vị trí của chúng ở phía sau miệng, lại ở trên nên khó nhìn thấy và khó làm sạch hiệu quả.
- Nứt/vỡ một phần răng: Chấn thương cấp tính, cắn thức ăn cứng hoặc tổn thương dần dần theo thời gian có thể khiến các vết nứt phát triển. Điều này dẫn đến đau vết nứt kéo dài đồng thời răng bị vỡ tạo cơ hội cho các vi khuẩn tấn công sâu vào tủy răng và gây ra các cơn đau răng hàm trên bên trái trầm trọng hơn.
- Viêm tủy răng: Răng sâu hoặc răng bị chấn thương có thể gây tổn thương và viêm tủy, phần sâu nhất của răng. Điều này dẫn đến đau khi ăn thức ăn nóng hoặc lạnh và khi nhai.
- Răng khôn mọc lệch: có đến 70% răng khôn đều bị mọc lệch do trong giai đoạn 18- 25 các răng trên cung hàm trên đã có vị trí ổn định, sắp xếp sát nhau nên không có đủ không gian để một chiếc răng khôn trồi lên hoàn toàn ra khỏi nướu. Răng khôn có thể mọc lệch 45 độ, mọc lệch 90 độ và làm hỏng các răng khác đồng thời gây ra những triệu chứng như đau nhức dai dẳng, khó mở miệng, miệng có mùi hôi do nhiễm trùng hay kéo lên đau xoang, đau đầu.
1.2 Bệnh về nướu (lợi)
Nướu là vùng bao quanh răng, giữ vị trí cố định cho răng nên cũng rất dễ gặp vấn đề như nhiễm trùng, chảy máu gây sưng viêm, ứ mủ rất khó chịu. Các bệnh lý về nướu cũng là nguyên nhân gây ra các cơn đau răng hàm trên khiến người bệnh ăn uống kém ngon, khó ngủ, hôi miệng cùng rất nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Bệnh nướu răng cũng có thể dẫn đến tổn thương và đau răng trên do:
- Viêm lợi: Vạt nướu bao phủ chiếc răng khôn cạnh răng hàm trên bên trái đang mọc thường bị viêm và đau, làm cho răng hàm và vùng lợi chân răng cũng bị ảnh hưởng. Lợi bị viêm thường có màu đỏ hơn bình thường, sưng to và rất dễ chảy máu. Đồng thời răng cũng trở nên nhạy cảm hơn bình thường nên rất dễ đau nhức.
- Tụt lợi: Đối với những người bị bệnh nghiêm trọng về lợi, lợi thường bị xói mòn khỏi răng (hay còn gọi là tụt lợi). Điều này khiến chân răng không còn chắc khỏe nữa, kéo theo đó là răng lung lay, dẫn đến đau nhức răng hàm trên bên trái khi nhai thức ăn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố vấn đề sinh lý. Bệnh thường gặp chủ yếu ở những người trên 50 tuổi.
1.3 Nhiễm trùng
Các bệnh lý về răng hay lợi nếu không nhanh chóng can thiệp điều trị sớm rất dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, thậm chí có thể lan sang các vùng lân cận khiến cơn đau nhân lên gấp bội.
Đau răng hàm trên bên trái cũng có thể do nhiễm trùng:
- Nhiễm trùng tại chỗ: Viêm nướu trên răng khôn (cạnh răng hàm trên bên trái) hoặc tủy răng có thể tiến triển thành nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Nhiễm trùng lan rộng: Nếu không được điều trị đúng cách, nhiễm trùng tại chỗ có thể lan rộng, gây sưng và đau trên diện rộng. Nhiễm trùng ở răng hàm trên bên trái đặc biệt có thể khả năng gây nhiễm trùng nặng vì nó nằm ở phía sau miệng gần đường thở và các cấu trúc quan trọng khác.
- Viêm xoang: Nhiễm trùng xoang có thể gây đau răng hàm trên bên trái do hai cơ quan này có vị trí khá gần nhau nên dịch chứa các vi khuẩn từ xoang có thể tiếp xúc với răng hàm bên trái và gây viêm nhiễm tại đây.
1.4 Rối loạn chức năng khớp hàm
Rối loạn chức năng khớp hàm do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm thói quen hàng ngày, sự sắp xếp của răng (răng mọc lệch) hoặc do căng thẳng lo âu. Nó thường ảnh hưởng đến răng hàm trên bên trái, nhưng ở một số người, nó có thể ảnh hưởng đến cả 2 bên. Cơn đau thường nặng hơn khi nhai, ngáp, há miệng hoặc các cử động khác của hàm.
2. Cách điều trị đau răng hàm trên bên trái tại nhà
Hầu hết các nguyên nhân gây đau răng hàm trên bên trái không phải là trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nhiễm trùng bắt đầu từ một chiếc răng và lan sang các khu vực khác có thể gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Do vậy, đau răng nói chung và đau răng hàm trên bên trái nói riêng cần phải được điều trị kịp thời.
Trong trường hợp cơn đau xuất hiện đột ngột, người bệnh có thể tham khảo các cách giảm đau tức thời sau đây
- Sử dụng kem đánh răng trị ê buốt: Nếu bạn cảm thấy đau răng hàm khi đánh răng, nhai thức ăn hoặc khi uống nóng hay lạnh thì hãy sử dụng kem đánh răng có công thức dành cho răng ê buốt.
- Chườm đá: Hãy thử đặt một miếng gạc lạnh lên má, tại khu vực chiếc răng bị đau trong khoảng 3 – 5 phút, bạn sẽ thấy tình trạng đau nhức răng thuyên giảm nhưng chắc chắn không triệt để.
- Súc miệng bằng nước ấm: Nước ấm cũng rất hữu hiệu trong việc giảm đau răng. Bạn có thể pha nước ấm với một chút muối, ngậm trong 5- 10 phút rồi nhổ ra và thực hiện thêm vài lần. Cách này cũng giúp loại bỏ các vi khuẩn trong khoang miệng nhưng không đáng kể.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: đây là biện pháp chỉ nên sử dụng trong các cơn đau khẩn cấp, người bệnh đau răng, đau đầu, sốt cao, không ăn uống được. Phương pháp này có thể giúp giảm đau tức thời nhưng nó sẽ không tốt cho dạ dày của bạn và dễ gây ra nhiều tác dụng phụ. Hơn nữa việc dùng thuốc nên cần có sự chỉ định của bác sĩ, dược sĩ, không nên tự ý sử dụng.
3. Khi nào đau răng hàm trên bên trái cần đến gặp bác sĩ
Như đã nói các biện pháp trên chỉ giảm đau tạm thời, trong thể loại bỏ các vấn đề răng miệng một cách triệt để. Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn gặp phải các trường hợp sau:
- Đau răng liên tục kéo dài hơn 2 ngày
- Răng bị lung lay
- Khó thở khi nói hoặc há miệng
- Sưng lệch mặt
- Sốt
- Hơi thở có mùi hôi
- Một mảnh răng bị vỡ
- Sưng lợi, lợi có mủ
- Chảy máu chân răng
Tốt nhất với tình trạng đau răng hàm trên kéo dài, khó mở miệng, nhai khó, có mùi hôi miệng khó chịu người bệnh nên tiến hành thăm khám bác sĩ sớm để giải quyết các vấn đề một cách triệt để, tránh để xuất hiện các biến chứng nguy hiểm khác.
4. Lời kết
Chìa khóa để không bị đau răng hàm trên bên trái và có sức khỏe răng miệng tốt là phải chăm sóc răng đúng chuẩn mỗi ngày. Mỗi người nên sử dụng các loại bàn chải đánh răng lông mềm, sử dụng kem đánh răng phù hợp, có thể dùng tăm nước, bàn chải điện, dùng chỉ nha khoa hàng ngày; đánh răng ngày 2- 3 lần; súc miệng bằng nước súc miệng chứa chất fluoride; có chế độ ăn uống khoa học,…để đảm bảo răng miệng luôn sạch sẽ. Cuối cùng đừng quên lấy cao răng thường xuyên để luôn có một nụ cười tươi trắng sáng bạn nhé.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!