Cảnh giác với chứng đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi
Nội Dung Bài Viết
Đau thần kinh tọa không chỉ là bệnh thường gặp ở người già mà còn xuất hiện và đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi có thể kể đến như đặc thù nghề nghiệp, nhiễm trùng cột sống, mắc các bệnh lý về xương khớp, chấn thương…
Nguyên nhân đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi
Dây thần kinh tọa hay dây thần kinh là dây thần kinh dài và lớn nhất ở người, chạy dọc từ chậu hông đến giữa đùi sau, đến khoeo chân và chạy xuống bàn chân. Đau thần kinh tọa hay đau dây thần kinh hông to là tình trạng chèn ép dây thần kinh khiến vùng thắt lưng trở nên đau nhức khó chịu. Nếu không sớm phát hiện và điều trị, cơn đau sẽ lan dần xuống khắp đường đi của dây thần kinh tọa kèm theo các biến chứng như tê bì, rối loạn cảm giác, teo cơ…
Một số nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi có thể kể đến như:
- Đặc thù công việc: Ngày nay, do tính chất công việc mà người trẻ dễ mắc đau dây thần kinh tọa. Các đối tượng này bao gồm nhân viên văn phòng, người làm công việc lao động tay chân nặng nhọc, vận động viên cử tạ, diễn viên múa… Đặc biệt, nhân viên văn phòng là nhóm đối tượng phải ngồi máy tính trong thời gian dài, cộng thêm việc ngồi làm việc sai tư thế dẫn đến thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống khiến dây thần kinh bị chèn ép gây ra đau dây thần kinh tọa trong thời gian dài.
- Người có chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý về xương khớp, dạ dày thường gặp hiện nay chính là do chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối. Việc ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, sử dụng thức uống có cồn, có gas, chứa chất kích thích… Các thực phẩm này gây kích thích dây thần kinh tọa, thiếu hụt dưỡng chất nuôi dưỡng xương khớp và gây ra các triệu chứng đau.
- Chấn thương: Đây là nguyên nhân không thường gặp, có thể xuất hiện ở người trẻ lẫn người già. Một số chấn thương ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh tọa, gãy xương cột sống thắt lưng, gãy xương chậu, phẫu thuật áp xe mông, tiêm trực tiếp vào dây thần kinh tọa… có thể gây đau thần kinh tọa.
- Bệnh lý về xương khớp: Các bệnh lý về xương khớp như viêm cột sống dính khớp, nhiễm trùng cột sống, thoát vị đĩa đệm, trượt cột sống, viêm cột sống do tụ cầu khuẩn, viêm màng nhện dày dính vùng thắt lưng – cùng, phì đại diện khớp, hẹp cột sống thắt lưng… cũng gây đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi.
- Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân khác gây đau thần kinh tọa ở người trẻ là học sinh sinh viên ngồi học sai tư thế trong thời gian dài, phụ nữ mang thai…
Triệu chứng đau thần kinh tọa ở người trẻ
Đau thần kinh tọa ở người trẻ nhìn chung cũng có các triệu chứng giống với ở người già. Các triệu chứng này bao gồm:
- Phổ biến nhất là tình trạng đau nhói từng cơn ở vùng sống lưng kéo dài đến đầu gối, ban đầu thường ảnh hưởng tới một bên cơ thể
- Khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, các triệu chứng cũng trở nên rõ ràng hơn, người bệnh sẽ thấy khó chịu mỗi khi ho, hắt hơi, vận động, ngồi xổm, cúi người, tê buốt, nóng rát khó chịu khi đi lại…
- Nếu không sớm thăm khám và điều trị, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng đi lại khó khăn, không thể cử động bàn chân ngón tay theo ý muốn, đại tiện tiểu tiện không tự chủ hoặc gặp khó khăn
- Đặc biệt, khi bệnh chuyển biến nghiêm trọng, người bệnh có thể bị đau ở cả 2 bên chân
Riêng ở người già, đau thần kinh tọa thường gây ra các triệu chứng như:
- Nhói buốt, đau nhức, nóng rát khó chịu từ vùng thắt lưng tới đầu gối, các triệu chứng này thường tăng lên khi người bệnh cúi người, di chuyển, ho, hắt hơi
- Hạn chế khả năng vận động.
Chẩn đoán đau thần kinh tọa ở người trẻ
Về cơ bản, chẩn đoán và điều trị đau thần kinh tọa ở người trẻ và người già đều giống nhau. Trước tiên, trong lúc thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra phản xạ và sức mạnh cơ bắp của bạn. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng thường yêu cầu bạn thực hiện các động tác như đứng dậy từ từ khi đang ngồi xổm, đi nhón chân, nhấc hai chân lên cùng lúc khi đang nằm ngửa. Thông thường, các cơn đau sẽ nặng hơn, rõ ràng hơn khi người bệnh thực hiện các trên.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khi đau thần kinh tọa không gây triệu chứng rõ rệt ở người bệnh. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cũng được chỉ định khi cơn đau ngày một nghiêm trọng, không có dấu hiệu cải thiện trong vài tuần. Bao gồm:
- Chụp MRI: Kỹ thuật tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô mềm và xương giúp thấy được vị trí thoát vị đĩa đệm
- Chụp X-quang: Chụp x-quang có thể cho thấy các gai xương ở cột sống phát triển và ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa như thế nào.
- Điện cơ ký (EMG): Là kỹ thuật để thử phản ứng điện của cơ và thần kinh hoặc được dùng để đánh giá sự mất phân bố thần kinh của cơ, giúp xác định dây thần kinh có đang bị chèn ép do hẹp ống sống hay chèn ép do thoát vị đĩa đệm không.
- Chụp CT: Với một số trường hợp, người bệnh sẽ được tiêm thuốc cản quản vào ống sống để hình ảnh cho ra được rõ ràng hơn trước khi chụp.
Điều trị đau thần kinh tọa ở người trẻ
Đau thần kinh tọa ở người trẻ có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy vào nguyên nhân mà có biện pháp điều trị phù hợp. Cụ thể:
1. Dùng thuốc điều trị
Thuốc điều trị đau thần kinh tọa có nhiều loại, tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng loại thuốc phù hợp. Các thuốc này là:
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc kháng viêm
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Thuốc giảm đau
- Thuốc làm mềm giãn cơ ở dạng thoa, đặt, uống hoặc chích
2. Tiêm corticosteroid
Ở một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể tiêm corticosteroid vào vị trí tổn thương của dây thần kinh tọa. Đây là biện pháp có tác dụng ức chế phản ứng viêm quanh dây thần kinh và hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, sau vài tháng thì thuốc sẽ hết tác dụng, đặc biệt, bạn không nên dùng corticosteroid đường tiêm quá liều vì có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
3. Vật lý trị liệu
Các biện pháp vật lý trị liệu tác động cơ học lên vùng bị đau thần kinh tọa giúp giảm đau, hỗ trợ cơ thể hồi phục tự nhiên mà không gây tác dụng phụ như:
- Nắn cột sống
- Kéo giãn cột sống
- Châm cứu bằng tia hồng ngoại
- Thể dục trị liệu
- Bấm huyệt
- Đắp sáp nến
Phương pháp vật lý trị liệu được khuyến khích áp dụng khi người trẻ mắc đau thần kinh tọa, có tác dụng phục hồi chức năng của xương khớp, hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tổn thương tái phát trong tương lai. Bên cạnh đó, các bài tập này cũng giúp bạn điều chỉnh tư thế cột sống, cải thiện tính linh hoạt của cơ, đồng thời tăng cường sức mạnh các cơ bắp nhất là vùng cơ bắp hỗ trợ lưng.
4. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa hay phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng dành cho người bị đau thần kinh tọa. Được áp dụng cho trường hợp dây thần kinh tọa chèn ép nhiều gây ra tình trạng suy yếu các cơ, cơn đau ngày một nghiêm trọng, xuất hiện tình trạng mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang. Đặc biệt, điều kiện khi áp dụng phương pháp này là khi người bệnh không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác. Bác sĩ sẽ loại bỏ nguyên nhân chính gây đau thần kinh tọa như gai xương, một phần đĩa đệm bị thoát vị.
5. Biện pháp giảm đau tại nhà
Song song với việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà như:
- Thay đổi chế độ sinh hoạt: Khi cơn đau xuất hiện, bạn nên nghỉ ngơi tuyệt đối; không nên nằm võng hoặc ngồi ghế xích đu, chỉ nên nằm trên giường cứng; tránh các động tác mạnh lên vùng thắt lưng, tránh vận động mạnh, tránh chạy nhảy, cúi gập người hoặc xoay người đột ngột.
- Chườm lạnh: Khi cơn đau xuất hiện đột ngột khiến bạn khó chịu, có thể thử dùng một túi lạnh chườm lên vị trí đau để xoa dịu triệu chứng trong thời gian đầu, thời gian chườm khoảng 20 phút ở mỗi lần, thực hiện 2 – 3 lần/ngày để giúp giảm đau.
- Chườm nóng: Bên cạnh chườm lạnh, bạn có thể áp dụng biện pháp chườm nóng để tăng cường lưu thông máu và giảm đau, trong trường hợp cơn đau kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy thử xen kẽ giữa chườm nóng và lạnh.
- Bài tập giãn cơ: Các bài tập có tác dụng hỗ trợ làm giãn cơ lưng dưới để giúp giảm bớt áp lực cho dây thần kinh tọa. Khi thực hiện các bài tập này, bạn nên cố gắng kéo giãn người, giữ nguyên tư thế này trong 30 giây hoặc hơn, tránh gập, xoay vặn người hay thay đổi tư thế đột ngột.
Biện pháp phòng ngừa đau thần kinh tọa ở người trẻ
Với người trẻ tuổi, để phòng ngừa đau thần kinh tọa, bạn nên:
- Tránh ngồi cong lưng trong thời gian dài, nếu ngồi hoặc đứng quá lâu, hãy đi lại thư giãn 5 – 10 phút để giảm áp lực cho xương khớp. Khi cần đứng lên hoặc thay đổi tư thế hãy thực hiện một cách từ từ, tránh thay đổi tư thế một cách đột ngột để ngăn ngừa đau thần kinh tọa và các bệnh lý về xương khớp
- Ở văn phòng làm việc, bạn nên thỉnh thoảng đi lại, đứng lên đổi tư thế, đổi vị trị, chống 2 tay lên mép bàn và nâng người khoảng 2 – 3 phút sẽ giúp tăng sức dẻo dai của cơ thể
- Tránh mang vác vật nặng quá sức, thường xuyên vận động, rèn luyện thể dục thể thao, học các khóa học bơi lội, yoga để giúp xương khớp chắc khỏe, dẻo dai nhất là những người có đặc thù công việc lao động nặng nhọc hoặc phải ngồi nhiều như may, văn phòng…
- Cải thiện sức khỏe cột sống bằng bài tập bám chặt tay vào thanh xà ngang rồi giữ cho chân không chạm đất, thả lỏng người trong 3 phút rồi hạ người xuống
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, mì ăn liền, gà rán…
- Tăng cường ăn nhiều rau quả thực phẩm tươi sống, uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây tươi mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, thanh lọc cơ thể
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya, tránh làm việc căng thẳng mệt mỏi trong thời gian dài.
Trên đây là một số thông tin về chứng đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi. Trong trường hợp có các dấu hiệu bất thường như nhói lưng khi ho, khi cười, khi hắt xì; đau lưng giữa hay lệch một bên, đau khi cúi người hoặc bị xóc, cột sống cứng đờ, đau lan xuống dưới, lệch sang một bên mông, đùi… thì tốt nhất bạn nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hoặc khoa nội thần kinh để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!