Nguyên nhân gây đau vai gáy ở phụ nữ sau sinh mổ và cách xử lý
Nội Dung Bài Viết
Đau vai gáy sau khi sinh mổ thường xảy ra do tác dụng phụ của gây tê ngoài màng cứng, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh,… Tình trạng này có thể được cải thiện hoàn toàn bằng cách tập thể dục thường xuyên, thay đổi thói quen xấu, áp dụng một số mẹo giảm đau tại nhà và rất ít trường hợp phải can thiệp biện pháp y tế.
Nguyên nhân gây đau vai gáy sau khi sinh mổ
Đau vai gáy là hội chứng rối loạn cơ xương phổ biến ở người trưởng thành. Hội chứng này gặp nhiều ở nhân viên văn phòng, người lao động nặng nhọc, phụ nữ mang thai và sau khi sinh – đặc biệt là các trường hợp sinh mổ.
Đau vai gáy không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, hội chứng này có thể gây đau nhức cổ, vai, gáy kèm với hiện tượng tê bì, đau nhói, dị cảm và giảm khả năng vận động. Theo thời gian, mức độ và tần suất của các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, việc xác định nguyên nhân gây đau vai gáy sau sinh và chủ động thực hiện các biện pháp điều trị là vô cùng cần thiết.
Theo các chuyên gia Cơ xương khớp, tình trạng đau vai gáy ở phụ nữ sau khi sinh mổ có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
1. Do cân nặng tăng lên đột ngột
Cân nặng tăng lên đột ngột là nguyên nhân chủ yếu gây đau mỏi vai gáy khi mang thai và sau khi sinh. Tình trạng này thường khởi phát vào 3 tháng cuối thai kỳ và kéo dài từ 2 – 4 tháng sau khi sinh. Đối với phụ nữ sinh mổ, cơn đau có xu hướng kéo dài và có mức độ nghiêm trọng hơn.
Khi cân nặng tăng lên đột ngột, dây thần kinh, cơ, xương và mạch máu ở vùng cổ, vai và gáy bị chèn ép, dẫn đến rối loạn cơ xương và làm bùng phát triệu chứng lâm sàng của đau vai gáy. Cơn đau có thể kéo dài từ thời gian cuối thai kỳ đến khoảng 3 tháng sau sinh. Mức độ đau tương đối đa dạng, phụ thuộc vào cân nặng, sức khỏe và cơ địa của từng người.
2. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu phải dung nạp lượng thực phẩm lớn nhằm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi phát triển. Do đó, việc ăn uống không điều độ có thể khiến mẹ bầu bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Trên thực tế, thiếu dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn là nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau mỏi vai gáy.
Hầu hết phụ nữ sau khi sinh mổ bị đau mỏi vai gáy đều có dấu hiệu thiếu vitamin B và canxi. Trong đó, canxi là khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo xương, duy trì hệ thống xương khớp khỏe mạnh và dẻo dai. Thiếu hụt canxi khiến hệ thống xương suy yếu, dễ đau nhức và tổn thương khi có tác động.
Bên cạnh canxi, vitamin B cũng là thành phần cực kỳ quan trọng đối với cơ thể. Vitamin B tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu, tái tạo và phục hồi tế bào thần kinh bị tổn thương. Thiếu hụt vitamin B chính là nguyên nhân gây rối loạn cơ xương và làm tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh ở vùng cổ.
3. Thiếu ngủ, suy nhược
Trong thời gian đầu sau khi sinh, sản phụ phải thường xuyên thức giấc giữa đêm cho trẻ bú và thay tã. Do đó trong thời gian này, nữ giới gần như không thể ngủ đủ giấc, cơ thể mệt mỏi và suy nhược do không có thời gian nghỉ ngơi.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng đề kháng mà còn là nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy. Khi cơ thể suy nhược, khả năng tuần hoàn máu có xu hướng suy giảm. Giảm lưu lượng máu đến vùng cổ – vai – gáy có thể kích thích phản ứng co thắt quá mức của khối cơ, dẫn đến chèn ép dây thần kinh và gây ra các triệu chứng lâm sàng như đau nhức, dị cảm, tê bì, nóng rát,…
Ngoài ra, phụ nữ sau khi sinh còn có thể gặp phải các vấn đề xương khớp khác như tê bì chân tay, đau vùng thắt lưng, đau thần kinh tọa, đau dây thần kinh liên sườn,…
4. Tư thế xấu
Mang thai và sau khi sinh là 2 thời điểm khá nhạy cảm. Ở những thời điểm này, cơ thể dễ bị tổn thương khi có tác động. Do đó, tình trạng đau vai gáy sau khi sinh thường và sinh mổ có thể bắt nguồn do tư thế ngồi, nằm, cho trẻ bú,…
Tư thế xấu làm tăng áp lực lên đốt sống cổ, vùng vai, thắt lưng và khớp háng dẫn đến hiện tượng đau nhức, tê bì và giảm khả năng vận động.
5. Tác dụng phụ của thuốc
Khi sinh mổ, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tủy sống để giảm mức độ đau trong quá trình phẫu thuật lấy thai. Tuy nhiên, thuốc gây tê có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau mỏi lưng, đau vai gáy, tê bì chân tay và giảm khả năng vận động.
Thống kê cũng cho thấy, có đến 90% phụ nữ can thiệp gây tê tủy sống gặp phải các vấn đề về xương khớp sau khi sinh khoảng 2 – 3 tháng.
6. Làm việc quá sức hoặc lười vận động
Sau khi sinh, cơ thể nữ giới cần ít nhất 1 – 2 tháng để hồi phục. Vì vậy trong thời gian này, nhiều sản phụ có xu hướng nằm nghỉ dưỡng trên giường để hạn chế đau nhức xương khớp và giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên thực tế, thói quen này không chỉ làm chậm quá trình phục hồi thể trạng mà còn gây áp lực lên hệ thống xương khớp và dẫn đến hội chứng đau mỏi vai gáy, đau thần kinh tọa, đau khớp háng,…
Ngoài ra, thói quen làm việc quá sức ngay sau khi sinh cũng có thể là nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy ở nữ giới. Lao động khi cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn làm tăng nguy cơ suy nhược cơ thể, giảm tuần hoàn máu đến cột sống và các chi, từ đó kích thích phản ứng co thắt quá mức của khối cơ ở vùng vai gáy và làm phát sinh cơn đau.
7. Nhiễm lạnh
Nhiễm lạnh là nguyên nhân gây đau vai gáy thường gặp. Khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, mạch máu có xu hướng co lại dẫn đến giảm lưu lượng máu tuần hoàn và gây co thắt cơ ở vùng cổ – vai – gáy. Hiện tượng cơ co thắt quá mức làm bùng phát cơn đau dữ dội, gây tê cứng vùng cổ và làm giảm khả năng vận động.
Ở một số ít trường hợp, đau mỏi vai gáy sau khi sinh mổ có thể là hệ quả của các bệnh cơ xương khớp như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống,… Các bệnh lý này gây chèn ép lên dây chằng, dây thần kinh, mạch máu ở vùng cổ và làm bùng phát các triệu chứng lâm sàng.
Đau vai gáy sau sinh mổ có nguy hiểm không?
Đau vai gáy sau khi sinh mổ là tình trạng khá phổ biến. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là do thói quen sinh hoạt, ảnh hưởng của quá trình sinh nở,… Vì vậy sau khoảng 2 – 4 tháng, đau mỏi vai gáy có thể thuyên giảm dần mà không cần can thiệp các biện pháp y tế.
Tuy nhiên, cơn đau và các triệu chứng đi kèm có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt và khả năng lao động của phụ nữ sau sinh. Do đó, bạn nên chủ động điều chỉnh thói quen, thiết lập lối sống lành mạnh và thực hiện một số biện pháp giảm đau an toàn để kiểm soát các triệu chứng do đau vai gáy gây ra.
Ở một số ít trường hợp, đau mỏi vai gáy sau khi sinh mổ có thể nặng dần theo thời gian và gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Thiếu máu lên não
- Rối loạn tiền đình
- Đau nhức toàn bộ chi trên, ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống
Cách xử lý đau vai gáy sau khi sinh mổ an toàn
Đau mỏi vai gáy sau khi sinh là tình trạng phổ biến và hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm, phụ nữ sau sinh có thể áp dụng một số cách xử lý đơn giản như:
1. Áp dụng mẹo giảm đau tại nhà
Sử dụng thuốc trong thời gian sau khi sinh không được khuyến khích vì có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa và gián tiếp tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Để đảm bảo an toàn, bạn nên áp dụng các mẹo giảm đau không dùng thuốc đơn giản như:
- Chườm ấm: Chườm ấm là biện pháp giảm đau an toàn và dễ thực hiện. Nhiệt độ ấm giúp giãn nở mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn và thư giãn cơ ở vùng cổ, vai và gáy. Chườm ấm trong khoảng 15 – 20 phút giúp cải thiện mức độ cơn đau và một số triệu chứng do đau vai gáy gây ra.
- Massage: Massage vùng cổ có thể giảm đau nhức, tê bì và cải thiện chức năng vận động của vùng cổ rõ rệt. Tác động từ biện pháp này giúp giải phóng chèn ép lên dây thần kinh, khối cơ và giảm nhẹ cơn đau, triệu chứng tê bì, nóng rát,… Để tăng hiệu quả, bạn có thể kết hợp massage với tinh dầu bạc hà, quế hoặc dầu gừng.
- Tắm nước ấm: Nếu bị đau mỏi vai gáy do nhiễm lạnh, bạn có thể ngâm mình trong nước ấm để thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn cơ và kiểm soát cơn đau ở vùng vai gáy. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp giải tỏa căng thẳng, thư giãn toàn bộ cơ thể và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho phụ nữ sau sinh đáng kể.
- Dùng thảo dược: Trong trường hợp đau mỏi vai gáy không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp trên, bạn có thể tận dụng một số loại thảo dược có tính ấm như gừng, sả, ngải cứu, lá lốt,… sao nóng và chườm đắp lên vùng vai gáy. Với tính ấm, tác dụng chỉ thống và cường kiện gân cốt, bài thuốc chườm đắp từ các loại thảo dược này có thể kiểm soát cơn đau và các triệu chứng do đau vai gáy hiệu quả.
Các biện pháp giảm đau tại nhà có thể giảm nhẹ mức độ cơn đau và hỗ trợ cải thiện một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy, bạn nên áp dụng đều đặn mỗi ngày và cần kết hợp với việc điều chỉnh thói quen xấu, thiết lập lối sống khoa học và lành mạnh.
2. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên là cách kiểm soát đau mỏi vai gáy sau khi sinh hiệu quả nhất. Với những trường hợp sinh mổ, nên tập thể dục nhẹ nhàng bắt đầu từ tuần thứ 4 – 6 sau khi sinh. Vận động không chỉ giúp ổn định cơ – xương ở vùng vai gáy, giải phóng chèn ép dây thần kinh và thúc đẩy tuần hoàn máu mà còn tăng tốc độ phục hồi thể trạng và hỗ trợ đào thải sản dịch tích tụ trong buồng tử cung.
Theo các chuyên gia, phụ nữ sau khi mổ nên thực hiện các bài tập yoga tại nhà để cải thiện cột sống, vai gáy và khớp háng. Các động tác nhẹ nhàng giúp giảm cơn đau, tăng cường chức năng vận động và thúc đẩy máu tuần hoàn đến các chi.
Tránh bơi lội trong thời gian này vì nước hồ bơi có thể gây viêm nhiễm vết mổ. Bên cạnh đó, phụ nữ sau khi sinh mổ cũng cần hạn chế tập các bộ môn có cường độ mạnh như chạy bộ, gym, tennis,…
3. Thay đổi thói quen xấu
Bên cạnh việc áp dụng mẹo giảm đau tại nhà và tập thể dục thường xuyên, phụ nữ sau sinh cần chủ động thay đổi thói quen xấu để cải thiện tình trạng đau mỏi vai gáy. Không chỉ kiểm soát cơn đau ở vùng cổ, biện pháp này còn giúp giảm áp lực lên thắt lưng, khớp háng và phòng ngừa các vấn đề xương khớp thường gặp sau khi sinh.
Phụ nữ sau sinh nên thay đổi các thói quen xấu như:
- Nên thay đổi tư thế ngồi cho trẻ bú, tư thế nằm và đứng để ổn định hệ thống xương khớp, giảm áp lực và giải phóng chèn ép lên dây thần kinh, khối cơ.
- Chia sẻ việc chăm sóc con cái và việc nhà cùng với người thân, bạn đời để dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
- Giữ ấm cơ thể – đặc biệt là vùng cổ khi thời tiết chuyển lạnh.
- Tránh lao động quá sức sau khi sinh – đặc biệt là sinh mổ. Bạn nên dành ít nhất 2 tháng để nghỉ ngơi và phục hồi cơ thể sau khi sinh nở. Khi quay lại với công việc, chỉ làm việc trong 5 – 7 giờ để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hệ thống xương khớp.
- Không nên nằm quá lâu trên giường. Trong vài ngày đầu, bạn nên đi lại nhẹ nhàng để loại bỏ sản dịch, ngăn ngừa dính ruột (đối với phụ nữ sinh mổ) và tăng cường độ dẻo dai của xương khớp. Sau khoảng 4 – 6 tuần, nên bắt đầu luyện tập với các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng.
- Với mẹ bỉm có cân nặng tăng lên đột ngột, nên xây dựng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên để kiểm soát cân nặng, tránh gây áp lực lên cột sống và các khớp xương.
4. Bổ sung vi chất dinh dưỡng
Thiếu hụt vitamin B và canxi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau mỏi vai gáy ở phụ nữ sau sinh. Vì vậy để cải thiện tình trạng này, bạn nên bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bằng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh.
Chế độ ăn uống giúp kiểm soát đau mỏi vai gáy ở phụ nữ sau khi sinh:
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D để cải thiện độ chắc khỏe của xương khớp như sữa, trứng, phô mai, sữa chua, súp lơ, bắp cải, cá, tôm, cua,…
- Phục hồi tổn thương ở dây thần kinh bằng cách bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B như bằng dâu tây, yến mạch, ngô, hạt óc chó, thịt bò, hải sản, râu dền, chuối, hạnh nhân, thịt gà,…
- Bên cạnh đó, nên cung cấp cho cơ thể vitamin, khoáng chất và các thành phần dinh dưỡng thiết yếu để phục hồi thể trạng, sức đề kháng và đảm bảo nguồn sữa giàu dinh dưỡng.
- Ăn uống đúng giờ, đủ bữa, tránh ăn uống quá mức hoặc bỏ bữa.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm và thức uống có thể làm nghiêm trọng tình trạng đau vai gáy như rượu bia, cà phê, trà đặc, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn,…
5. Dùng thuốc khi cần thiết
Ở một số trường hợp, đau vai gáy sau khi sinh mổ có thể gây ra cơn đau có mức độ nặng khiến mẹ bỉm không thể ngủ và gặp nhiều khó khăn khi sinh hoạt. Lúc này, phụ nữ sau sinh có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê toa theo hướng dẫn của dược sĩ.
Một số loại thuốc giảm đau an toàn cho phụ nữ sau khi sinh:
- Paracetamol: Paracetamol là lựa chọn ưu tiên để giảm đau ở phụ nữ sau khi sinh. Vì vậy, bạn có thể dùng loại thuốc này để cải thiện triệu chứng do đau mỏi vai gáy gây ra. Tuy nhiên, cần thông báo với dược sĩ tình trạng đang cho con bú để được cân chỉnh liều lượng phù hợp.
- NSAID dạng bôi: Voltaren gel (chứa dẫn xuất Diclofenac thuộc nhóm NSAID) là loại thuốc giảm đau tương đối an toàn với phụ nữ sau khi sinh. Thuốc được dùng trực tiếp lên vùng cổ vai gáy và chỉ cho tác dụng tại chỗ. Tuy nhiên, cần rửa sạch tay sau khi sử dụng và tránh để trẻ tiếp xúc với vùng da dùng thuốc. Ngoài ra, không sử dụng Voltaren gel nếu da xuất hiện vết thương hở hoặc đang bị lở loét.
- Miếng dán Salonpas: Phụ nữ sau sinh bị đau vai gáy cũng có thể sử dụng Salonpas để giảm đau vai gáy. Thuốc chứa L-menthol và Methyl salicylate có khả năng gây tê và giảm đau, kháng viêm tại chỗ. Khi sử dụng Salonpas, cần tránh để da của bé tiếp xúc với vùng da sử dụng thuốc và chỉ dùng tối đa trong 2 – 3 ngày.
Để đảm bảo an toàn, chỉ sử dụng thuốc giảm đau không kê toa trong tối đa 3 – 5 ngày kết hợp với các biện pháp cải thiện tại nhà, tập thể dục và điều chỉnh lối sống. Trong trường hợp tình trạng không có cải thiện hoặc diễn tiến nặng hơn, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Đau vai gáy sau sinh mổ – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đau vai gáy sau sinh mổ là tình trạng khá phổ biến và hầu hết có thể thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên ở một số trường hợp, tình trạng này có thể nghiêm trọng dần theo thời gian và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của phụ nữ sau sinh.
Vì vậy, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng sau:
- Đau vai gáy không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà
- Cơn đau và các triệu chứng đi kèm có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian
- Đau vai gáy ảnh hưởng trầm trọng đến giấc ngủ và khả năng vận động
Đau vai gáy ở phụ nữ sau khi sinh mổ có thể được cải thiện bằng các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài hơn 5 – 7 ngày, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị. Tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển nặng nề và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nữ giới.
Trong trường hợp đau vai gáy kéo dài gây ảnh hưởng đến khả năng cử động, dẫn tới các bệnh lý về xương khớp, hãy nhanh chóng áp dụng biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!