Khám phá đồng hồ sinh học của các cơ quan nội tạng trong cơ thể
Nội Dung Bài Viết
Đồng hồ sinh học là hệ thống kiểm soát hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Hệ thống này có khả năng thay đổi để thích nghi với môi trường, thời tiết và một số yếu tố bên ngoài. Nắm bắt nhịp sinh học của cơ thể giúp bạn xây dựng thời gian biểu khoa học, đảm bảo cơ thể học tập, lao động hiệu quả và khỏe mạnh hơn.
Đồng hồ sinh học là gì?
Đồng hồ sinh học là hệ thống kiểm soát nhịp điệu thường ngày của thực vật, động vật và con người tương ứng với chu kỳ quay của trái đất (24 giờ đồng hồ). Đồng hồ sinh học quy định hoạt động của tất cả các cơ quan trong cơ thể thông qua việc sản xuất hormone, tăng tốc độ trao đổi chất và tăng hoạt động của các cơ quan vào những thời điểm cụ thể trong ngày. Đồng hồ sinh học giúp con người nhận biết chu kỳ ngày – đêm, ý thức thời điểm ăn – ngủ, điều chỉnh huyết áp, thân nhiệt và khả năng tỉnh táo trong từng thời gian.
Mỗi cá thể sẽ có đồng hồ sinh học khác biệt với nhịp điệu riêng. Đặc biệt đồng hồ sinh học có thể thay đổi để thích ứng với môi trường và những yếu tố bên ngoài. Mặc dù đồng hồ sinh học kiểm soát, chi phối hoạt động của cơ thể nhưng cơ chế hoạt động của hệ thống này vẫn chưa được nghiên cứu rõ.
Tuy nhiên, việc giữ đồng hồ sinh học ổn định là yếu tố cần thiết để duy trì sức khỏe, đảm bảo hiệu suất học tập và lao động. Hiện nay, rối loạn đồng hồ sinh học xảy ra rất phổ biến do thay đổi múi giờ liên tục, làm việc quá 8 giờ đồng hồ, thời gian ăn/ ngủ thất thường,… Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng ghi nhớ, tiếp thu, gây suy giảm sức khỏe, hệ miễn dịch và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Khám phá đồng hồ sinh học của các cơ quan trong cơ thể
Như đã đề cập, đồng hồ sinh học là hệ thống kiểm soát hoạt động của các cơ quan nội tạng. Do đó, các cơ quan này sẽ hoạt động – nghỉ ngơi vào những thời điểm cụ thể trong ngày.
Gan (1 – 3 giờ sáng)
Gan là cơ quan quan trọng có chức năng chuyển hóa thức ăn, dự trữ năng lượng và thanh thải độc tố. Cơ quan này rơi vào trạng thái ngủ sâu, phục hồi chức năng và thải độc máu vào thời điểm từ 1 – 3 giờ sáng. Đây chính là lý do vì sao người có thói quen thức khuya thường bị “nóng gan” và có nguy cơ mắc các bệnh về gan cao.
Phổi (3 – 5 giờ sáng)
Phổi giảm hoạt động và bắt đầu quá trình thải độc từ 3 – 5 giờ sáng. Chính vì vậy những người có các vấn đề về hô hấp thường ho nhiều vào sáng sớm vì lúc này phổi đang trong quá trình giải độc.
Ruột già (5 – 7 giờ sáng)
Ruột già kích hoạt mạnh mẽ vào thời điểm từ 5 – 7 giờ sáng hằng ngày. Do đó, nhiều người thường có thói quen đại tiện vào sáng sớm. Theo các chuyên gia, việc đi tiêu vào buổi sáng từ 6 – 7 giờ giúp cơ quan tiêu hóa ổn định và hấp thu tốt dinh dưỡng từ các bữa ăn trong ngày.
Dạ dày (7 – 9 giờ sáng)
7 – 9 giờ sáng là thời điểm dạ dày hấp thu tốt dinh dưỡng sau một đêm phục hồi và nghỉ ngơi. Chính vì vậy, việc “đầu tư” cho buổi sáng là lời khuyên mà các chuyên gia dành cho tất cả mọi người. Đây cũng là lý do vì sao không nên nhịn ăn sáng.
Thời điểm để cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt nhất là từ 7:30 – 8:30 sáng. Do đó, bạn nên ăn sáng trong thời điểm này để tối ưu dinh dưỡng có trong thức ăn và ổn định đồng hồ sinh học của cơ thể.
Ruột non (7 – 9 sáng và 1 – 3 giờ chiều)
Tương tự như dạ dày, ruột non hấp thu dinh dưỡng tốt vào thời điểm từ 7 – 9 giờ sáng. Trong khi đó vào 1 – 3 giờ chiều, cơ quan này rơi vào trạng thái năng lượng thấp và nghỉ ngơi. Do đó, bạn không nên ăn trưa sau 1 giờ chiều và cần bắt đầu bữa xế sau 3 giờ.
Bàng quang (từ 3 – 5 giờ chiều)
3 – 5 giờ chiều là thời gian bàng quang bài tiết chất thải. Do đó, đây là thời điểm bạn nên bổ sung nước để bàng quang có thể dễ dàng thanh lọc độc tố và bài tiết ra ngoài cơ thể.
Thận (5 – 7 giờ chiều)
Thời gian từ 5 – 7 giờ chiều là thời điểm thận thai thải độc tố, dự trữ năng lượng và tạo tủy xương. Đây cũng là một trong những thời điểm lý tưởng để tập thể dục. Hoạt động thể chất trong thời điểm này giúp thận tăng thanh thải độc tố và ngăn ngừa tích tụ khoáng chất.
Màng ngoài tim (9 – 11 giờ tối)
Màng ngoài tim là cơ quan bao bọc lấy quả tim. Cơ quan này thải độc vào 9 – 11 giờ hằng ngày. Do đó trong thời điểm này, cơ thể dễ kích động và căng thẳng nếu phải làm việc hoặc suy nghĩ quá nhiều. Đây là thời điểm lý tưởng để nghỉ ngơi, đọc sách, chăm sóc bản thân và sinh hoạt vợ chồng.
Hệ nội tiết, bạch huyết/ hệ miễn dịch (9 – 11 giờ hằng ngày)
Hệ nội tiết và bạch huyết nghỉ ngơi và thanh thải độc tố từ 9 – 11 giờ hằng ngày. Trong thời gian này, bạn nên thực hiện các hoạt động thư giãn để đảm bảo tuyến nội tiết và hệ miễn dịch có thời gian phục hồi, tái tạo. Đây cũng là lý do vì sao người làm việc quá 8 giờ/ ngày, thức khuya và căng thẳng dễ bị rối loạn nội tiết tố và suy giảm sức đề kháng.
Túi mật (11 giờ đêm – 1 giờ sáng)
Túi mật tăng tiết dịch mật, phục hồi và sản sinh các tế bào máu vào 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Dịch mật được sản sinh nhằm chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể, tạo điều kiện để gan thải độc và phục hồi chức năng từ 1 – 3 giờ sáng.
Các biện pháp giúp ổn định, khôi phục đồng hồ sinh học
Đồng hồ sinh học liên quan đến hoạt động của tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất, sinh hóa và sinh lý. Tuy nhiên, hệ thống này có thể bị rối loạn do thói quen ăn uống, sinh hoạt và làm việc không khoa học. Ngoài ra, việc thay đổi múi giờ thường xuyên còn khiến đồng hồ sinh học bị xáo trộn và mất ổn định.
Để duy trì và khôi phục nhịp sinh học của cơ thể, bạn có thể thực hiện phương pháp sau:
1. Ăn đủ giờ và đủ bữa
Các cơ quan của cơ thể có thời gian hoạt động – nghỉ ngơi phù hợp với thời điểm ăn trong ngày. Chính vì vậy, điều đầu tiên cần thực hiện để khôi phục đồng hồ sinh học là ăn đúng giờ và đủ bữa.
Như đã đề cập ở trên, dạ dày và ruột non hấp thu dưỡng chất tốt từ 7 – 9 giờ sáng. Do đó, bạn nên dùng các món giàu dinh dưỡng vào buổi sáng (trứng, sữa) để tối ưu hóa dinh dưỡng có trong thực phẩm. Bên cạnh đó, cần chú ý ăn trưa trước 1 giờ chiều và ăn tối sớm hơn 7 giờ tối. Việc ăn không đúng giờ hoặc nhịn ăn có thể khiến các cơ quan nội tạng bị rối loạn và xáo trộn.
2. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch và hệ thống xương khớp mà còn đảm bảo nhịp sinh học của cơ thể. Theo các chuyên gia, bạn nên tập thể dục vào buổi sáng hoặc buổi chiều từ 5 – 7 giờ. Đây là thời điểm cơ thể có nhiều năng lượng để đảm bảo các hoạt động thể chất. Tránh tập thể dục quá khuya bởi thời điểm này là lúc màng ngoài tim thải độc. Đa phần những người tập thể dục sau 9 giờ tối có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi và mất ngủ.
3. Điều chỉnh giờ giấc làm việc
Thực tế cho thấy, tình trạng rối loạn đồng hồ sinh học phổ biến ở người làm công việc với cường độ cao và thường xuyên phải chịu áp lực. Việc tăng ca, làm việc quá 8 giờ/ ngày chính là nguyên nhân khiến nhịp sinh học bị xáo trộn.
Từ 9 giờ tối trở đi là thời điểm tim nghỉ ngơi và thải độc. Do đó, làm việc vào buổi tối có thể gây mệt mỏi, khó thở, uể oải và dễ mất ngủ. Đây là thời điểm cơ thể cần thư giãn, nghỉ ngơi và phục hồi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Do đó, bạn chỉ nên làm việc từ 7 – 8 giờ/ ngày và cần sắp xếp công việc trước 21 giờ để ổn định nhịp sinh học.
4. Tránh tiếp xúc với thiết bị điện tử
Ánh sáng là một trong những yếu tố giúp não bộ phân biệt chu kỳ ngày – đêm và điều chỉnh đồng hồ sinh học phù hợp với yếu tố môi trường. Tuy nhiên, não bộ dễ bị “đánh lừa” bởi ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử. Do đó, tiếp xúc với máy tính và điện thoại quá thường xuyên có thể gây mất ngủ, rối loạn chức năng hoạt động và giờ thải độc của các cơ quan nội tạng.
Trên thực tế, đa phần người bị rối loạn đồng hồ sinh học đều làm những công việc phải sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên. Trong khi đó, người làm công việc chân tay ít gặp phải tình trạng này.
5. Điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt khoa học
Đồng hồ sinh học là hệ thống chi phối tất cả các hoạt động của cơ thể. Việc xây dựng giờ giấc sinh hoạt, làm việc theo nhịp sinh học giúp cơ thể học tập, làm việc hiệu quả và trở nên khỏe mạnh hơn. Do đó để khôi phục lại đồng hồ sinh học, bạn nên sắp xếp lịch trình hoạt động như sau:
- Nên ăn sáng trong vòng 90 phút sau khi thức dậy để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, đồng thời giúp tinh thần thoải mái và tràn đầy hứng khởi cho một ngày mới.
- Hormone cortisol có xu hướng tăng lên vào 6 – 8 giờ sáng hằng ngày. Do đó, bạn nên tránh sử dụng các loại thức uống chứa caffeine trong thời điểm này. Theo các chuyên gia, nên sử dụng cà phê và đồ uống chứa caffeine sau 9:30 sáng.
- Như đã đề cập, ánh sáng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp sinh học. Vì vậy, nên để cơ thể tiếp xúc với ánh sáng trước 10 giờ sáng và hạn chế sử dụng thiết bị điện tử sau 10 giờ tối. Điều này giúp não bộ phân biệt chu kỳ ngày – đêm, từ đó bài tiết ra các hormone tương ứng cho từng hoạt động.
- Tập thể dục vào sáng sớm sau khi thức dậy hoặc 5 – 7 giờ chiều hàng ngày.
- Nên ăn tối trước 7 giờ tối hoặc muộn nhất là 8 giờ tối.
- Thực hiện các hoạt động thư giãn, dành thời gian nghỉ ngơi từ sau 9 giờ tối trở đi và cần ngủ đủ 7 giờ/ đêm. Ngoài ra, bạn cũng có thể chợp mắt trong 30 phút vào buổi trưa để cơ thể phục hồi và có đủ năng lượng làm việc, học tập vào buổi chiều.
Hy vọng qua bài viết, bạn có thể hiểu rõ hơn về đồng hồ sinh học của các cơ quan trong cơ thể và xây dựng thời gian biểu phù hợp. Trong trường hợp nhịp sinh học bị rối loạn do thay đổi múi giờ thường xuyên, nên cân nhắc tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng khắc phục.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!