Hạt tophi – Dấu hiệu nguy hiểm của bệnh gout cần cảnh giác
Nội Dung Bài Viết
Hạt tophi là một trong những dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh gout đã chuyển biến sag giai đoạn mãn tính nguy hiểm. Vậy thực chất thì hạt tophi là gì? Có chữa khỏi được không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Hạt tophi là gì?
Hạt tophi là một trong những triệu chứng nhận biết của bệnh gout ở giai đoạn nặng. Tình trạng này xuất hiện khi các tinh thể natri urat hoặc acid uric tích tụ nhiều, vượt ngưỡng cho phép quanh các khớp.
Hạt tophi thực chất nó là những khối u, cục nổi lên trên bề mặt da ngay tại vị trí khớp gout bị đau nhức, sưng viêm. Nó không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm như lở loét, bị vỡ, hoại tử…nếu không được khắc phục đúng cách và kịp thời.
Thậm chí ở giai đoạn cuối của bệnh sẽ gây ra tình trạng vòng xoắn bệnh lý vô cùng phức tạp, không chỉ gây ra các tổn thương xương khớp mà còn gây nhiều bệnh lý mạn tính khác như suy thận, sỏi thận, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp…không tốt cho sức khỏe của người bệnh.
Sự hình thành của hạt tophi
Hạt tophi xuất hiện nhanh hay chậm, sớm hay muộn phụ thuộc chủ yếu vào mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như thời gian tích tụ axit uric trong máu. Trên thực tế, sẽ không có ngưỡng axit uric chính xác để thông báo trước cho người bệnh thời điểm hạt tophi xuất hiện.
Tuy nhiên, khi hạt tophi xuất hiện cũng chính là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bước vào giai đoạn bệnh gout mạn tính. Tốt nhất người bệnh cần chủ động thông báo cho bác sĩ để có những phương pháp điều trị sớm và hiệu quả để ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra.
Axit uric vốn dĩ là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purin. Nó là một dạng axit yếu luôn tồn tại trong cơ thể trong ngưỡng cho phép dưới dạng muối Monosodium urat và được hòa tan vào trong máu.
Còn muối urat được hình thành từ sự kết hợp của ion urat mang điện tích âm và ion natri mang điện tích dương. Thông thường, muối urat sẽ tồn tại dưới dạng hòa tan và được bài tiết ra ngoài thông qua đường bài tiết và đường ruột.
2 loại này khi tồn tại trong các khớp, tích tụ ngày qua ngày sẽ hình thành nên hạt tophi nổi trên bề mặt da. Theo đó, một số yếu tố góp phần hình thành hạt tophi gồm:
Do nồng độ muối urat cao liên tục
Thông thường, giới hạn hòa tan của muối urat nằm trong khoảng 6.8mg/dl hoặc 420 μmol/L ở nhiệt độ 370C. Khi ở nồng độ cao hơn chắc chắn sẽ khiến cho các tinh thể urat bị kết tủa. Thường là trong các trường hợp tăng tổng hợp axit uric và giảm đào thải axit uric.
Do độ pH giảm mạnh trong cơ thể
Độ pH cũng là yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến khả năng kết tủa của muối urat. Khi độ pH >= 7.0 chứng tỏ độ pH khá cao và có thể gây ra kết tủa muối. Đây cũng chính là lý do lý giải tại sao những người bệnh có chỉ số axit uric cực kỳ cao nhưng lại không gây ra đau đớn.
Do nhiệt độ giảm
Khi nhiệt độ trong cơ thể càng xuống thấp sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho muối urat kết tủa và gây ra các cơn đau gout dữ dội. Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao các cơn đau gout thường hay xuất hiện vào ban đêm hoặc khi trời lạnh, bởi ban đêm là thời điểm nhiệt độ cơ thể chúng ta xuống thấp nhất.
Các vị trí thường xuất hiện hạt tophi
Bệnh gout là kết quả của quá trình tích tụ axit uric trong máu vượt ngưỡng cho phép. Thông thường thì axit uric sẽ được đào thải thông qua nước tiểu nhưng vì một số nguyên nhân như ăn uống không khoa học làm tăng tổng hợp và giảm đào thải axit uric, khiến chúng tồn tại trong cơ thể và tích tụ xung quanh các khớp.
Một số vị trí tích tụ axit uric và hình thành nên hạt tophi như:
- Tại các sụn quanh khớp
- Tại màng hoạt dịch lót sụn khớp
- Gân kết nối với cơ bắp và các khớp
- Tại các mô mềm trong khớp như dây chằng và lipid
- Trong các túi hoạt dịch, vị trí hàng rào đệm giữa xương và những mô mềm khác như sụn vành tai
Ngoài ra, hạt tophi cũng có thể được hình thành trong các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận, các mạch máu…
Đặc điểm của hạt tophi
Đối với bệnh gout, hạt tophi thường không phát triển ngay và đi theo từng giai đoạn, khi đến giai đoạn xuất hiện hạt tophi cũng đồng nghĩa với việc bệnh gout đã chuyển sang giai đoạn mãn tính. Chúng thường xảy ra ở giai đoạn bệnh gout cấp tính không được điều trị dứt điểm hoặc việc điều trị không hiệu quả khoảng 10 năm trở lên.
Khi mới hình thành, hạt tophi sẽ có màu trắng, kích thước nhỏ, mềm và có thể di chuyển được. Tuy nhiên, càng về sau khi nồng độ axit uric trong máu ngày càng cao thì các hạt tophi bắt đầu to dần lên thành những cục u màu trắng nhô lên khỏi da, chúng cứng và chỉ cố định ở một vị trí nhất định.
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác của hạt tophi đi cùng các cơn đau gout mà nhiều người có thể gặp phải như:
- Hạt tophi thường sẽ không gây đau nhức ở giai đoạn mới hình thành do chưa bị sưng viêm.
- Chúng tăng dần kích thước khi không được điều trị khiến da bị căng cứng, khó chịu và bị sưng viêm, gây ra các vết loét.
- Ban đầu sờ vào thì mềm, xuất hiện theo cơn và sau một thời gian có thể chuyển thành u cục khá cứng, có chứa nhân trắng và vẫn không gây đau.
- Tại vị trí xuất hiện hạt tophi thường bị sưng tấy, nóng đỏ và đau đớn khi đã bị viêm.
- Khi hạt tophi bị vỡ ra sẽ có một chất dịch màu trắng chảy ra, có màu trắng đục như sữa đậu nành hoặc bột vôi đã bị kết tủa. Những tinh thể này chính là các tinh thể urat hình thành và lắng đọng tại các khớp.
- Cơn đau rất dữ dội, gây hạn chế khả năng hoạt động của người bệnh.
Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, hạt tophi có thể làm phá vỡ các mô khớp, gây biến dạng khớp và hậu quả là làm cho khớp không thể vận động bình thường được, thậm chí là gây tàn tật vĩnh viễn.
Cách chữa trị hạt tophi hiệu quả và an toàn
Chuyện gì sẽ xảy ra khi hạt tophi to quá mức và bị vỡ ra
Khi xuất hiện các hạt tophi, chứng tỏ rằng bệnh gout đã chuyển biến đến giai đoạn nặng và nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh là rất cao. Những trường hợp bị vỡ hạt tophi và không được xử lý đúng cách có thể gây nhiễm trùng máu, hoại tử, lở loét…
Không những vậy, axit uric sẽ tiếp tục được hấp thu vào lại trong máu, khiến bệnh gout ngày càng diễn biến nghiêm trọng, tiếp tục gây ra các cơn đau gout dữ dội hơn nữa. Bên cạnh đó sẽ kéo theo hàng loạt bệnh lý như sỏi thận, suy thận, tăng huyết áp…
Các cách xử lý hạt tophi
Đối với trường hợp hạt tophi còn nhỏ
Thường những hạt tophi còn nhỏ và chưa gây đau nhức thì có thể không cần phải tiến hành các biện pháp loại bỏ, chỉ cần sử dụng thuốc Tây hoặc các biện pháp thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể làm giảm kích thước hạt tophi.
Một số loại thuốc thường được chỉ định sử dụng để hỗ trợ làm giảm sự phát triển ngày càng lớn của các hạt tophi có thể kể đến như:
- Corticoid: là loại thuốc kháng viêm, có thể sử dụng dưới dạng tiêm trực tiếp vào khớp có hạt tophi hoặc uống.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): gồm các loại thuốc như Ibuprofen, Naproxen…có tác dụng cắt nhanh các cơn đau và tình trạng viêm do những cơn gout cấp cũng như tình trạng tổn thương do tophi gây ra.
- Các loại thuốc tăng đào thải axit uric: như Probenecid…có tác dụng kích thích khả năng hoạt động của thận, đào thải axit uric và cân bằng nồng độ axit uric trong máu.
- Chất ức chế enzyme xanthine oxidase: có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp axit uric trong cơ thể, từ đó làm giảm sự phát triển của hạt tophi. Một số loại thuốc trong nhóm này như Allopurinol, Febuxostat…
Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc Tây trong thời gian dài có thể gây ra một số các tác dụng phụ như ảnh hưởng xấu đến gan, thận, viêm loét dạ dày, tiêu chảy…Do đó hãy tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, tránh tự ý lạm dụng và mua thuốc về uống để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Đối với trường hợp hạt tophi lớn
Những trường hợp hạt tophi quá lớn và bắt đầu gây ra các biến chứng thì cần phải tiến hành loại bỏ tophi ra khỏi cơ thể ngay. Thực hiện càng sớm sẽ giúp người bệnh phục hồi được các chức năng và vận động như bình thường, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Trong trường hợp hạt tophi quá lớn và có dấu hiệu sắp vỡ, gây viêm nhiễm, lở loét thì bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành phẫu thuật loại bỏ hạt tophi càng sớm càng tốt. Còn khi hạt tophi đã vỡ và gây biến dạng khớp, hạn chế vận động thì bắt buộc phải tiến hành thay khớp khi tổn thương quá lớn, khó có thể hồi phục như bình thường.
Tuy nhiên, mặc dù là phương pháp hiện đại và loại bỏ hạt tophi nhanh chóng nhưng phương pháp phẫu thuật cũng gây ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn như vết thương lâu lành, đau đớn kéo dài, nếu không kiêng cử và chăm sóc sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, sưng viêm…
Ngoài ra, đối với những người có quá nhiều hạt tophi ở nhiều vị trí khác nhau thì sẽ mất rất nhiều thời gian để phẫu thuật. Việc thực hiện nhiều phẫu thuật trong thời gian ngắn dễ khiến người bệnh bị đuối sức, vết thương lâu lành hơn. Đồng thời, chi phí thực hiện các cuộc phẫu thuật cũng khá cao nên không phải bất kỳ ai cũng có đủ điều kiện để áp dụng.
Cách xử lý nhanh khi hạt tophi bị vỡ ra
Khi hạt tophi bị vỡ ra, người bệnh cần phải nắm rõ cách xử lý để tránh tình trạng nhiễm trùng. Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Sử dụng dung dịch vệ sinh vết thương như nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng để làm sạch hạt tophi đã bị vỡ ra.
- Bước 2: Sát trùng vết thương bằng oxy già.
- Bước 3: Dùng băng gạc y tế để bịt kín vết thương lại, không thể vết thương hở ra tiếp xúc với không khí vì rất dễ gây nhiễm khuẩn.
- Bước 4: Đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.
Các biện pháp giúp hỗ trợ điều trị các hạt tophi tự nhiên, an toàn
Ngoài những cách y khoa thì bệnh gout hoàn toàn có thể được khắc phục bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống sao cho khoa học, lành mạnh ngay cả trước và sau khi phẫu thuật loại bỏ hạt tophi.
Không nên
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều đạm, chứa nhiều nhân purin như các loại thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật…
- Tránh xa các món ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia hay các loại thức uống có cồn.
Nên
- Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi giàu vitamin C, đặc biệt là quả cherry vì loại quả này được các chuyên gia khẳng định giúp giảm các cơn đau gout hiệu quả.
- Nên uống sữa và các chế phẩm từ sữa: theo các nghiên cứu khoa học cho thấy hàm lượng protein trong sữa có khả năng hỗ trợ giảm nồng độ axit uric trong máu.
- Uống café: Mỗi ngày uống một chút café cũng đem lại tác dụng ức chế sự phát triển của bệnh gout.
- Uống nhiều nước từ 2 – 3 lít mỗi ngày để kích thích khả năng đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.
- Tập luyện thể thao, vận động vừa sức để tăng cường sức khỏe và khôi phục các khớp.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý chăm sóc hạt tophi tại nhà đúng cách:
- Luôn giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ
- Tránh các hoạt động va chạm mạnh hay vận động quá mạnh tạo nguy cơ làm vỡ hạt tophi
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng kim hoặc các vật sắc nhọn chọc vỡ hạt tophi.
- Nếu thấy hạt tophi bị vỡ thì hãy nhanh chóng vệ sinh sát trùng bằng nước muối sinh lý và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời tránh gây nhiễm trùng.
Hạt tophi chính là một trong những dấu hiệu cho thấy bệnh gout đang trong giai đoạn mãn tính. Có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào cho sức khỏe của người bệnh nếu không được xử lý đúng cách. Hãy thăm khám thường xuyên và thông báo cho bác sĩ về tình trạng xuất hiện hạt tophi để được điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!