Khớp gối bị viêm có nên đi bộ hoặc đạp xe không?
Nội Dung Bài Viết
Tập thể dục đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe tổng thể và hệ thống xương khớp. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lo ngại tập luyện khi ổ khớp bị tổn thương có thể khiến cơn đau bùng phát mạnh. Vậy, người bị viêm khớp gối có nên đạp xe và đi bộ không?
Khớp gối bị viêm có nên đi bộ và đạp xe không?
Viêm khớp gối là tình trạng khớp bị viêm đỏ, tê bì và đau nhức do đi lại nhiều, chấn thương, lao động nặng hoặc do một số bệnh lý xương khớp như gout, thoái hóa khớp, tràn dịch khớp và viêm khớp dạng thấp. Thông thường, viêm đau khớp gối cấp có thể thuyên giảm nhanh chóng sau khi được điều trị và chăm sóc đúng cách. Ngược lại, viêm khớp gối mãn tính thường tiến triển dai dẳng, dễ tái phát và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.
Tập thể dục được xem là hình thức cải thiện sức khỏe xương khớp hiệu quả nhất. Hoạt động thể chất đều đặn 30 phút/ ngày giúp ổ khớp dẻo dai, vận hành trơn tru, tăng sức mạnh của từng khối cơ và làm chậm quá trình lão hóa. Tuy nhiên khi khớp gối bị viêm, nhiều bệnh nhân lo ngại khớp có thể bị sưng tấy và tổn thương nặng khi tập thể dục – đặc biệt là đạp xe và đi bộ (hai bộ môn đòi hỏi khớp gối phải vận động liên tục).
Theo các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp, đi bộ và đạp xe là hai bộ môn thể thao phổ biến và có thể điều chỉnh cường độ tùy theo thể trạng, độ tuổi. Hơn nữa, hai bộ môn này tương đối dễ thực hiện và phù hợp với mọi lứa tuổi. Do đó, người bị đau nhức khớp gối hoàn toàn có thể đi bộ, đạp xe nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe nói chung và hệ thống xương khớp nói riêng.
Tuy nhiên, chỉ nên đi bộ và đạp xe khi hiện tượng viêm ở ổ khớp đã ổn định. Không nên tập thể dục khi khớp bị bầm tím và sưng tấy nặng – đặc biệt là do gout và viêm khớp nhiễm khuẩn. Trong trường hợp này, nên nghỉ ngơi trong vài ngày và bắt đầu vận động khi tình trạng viêm đỏ, đau nhức đã thuyên giảm.
Lợi ích của đi bộ, đạp xe đối với bệnh viêm khớp gối
Khớp gối là vị trí khớp phải chịu áp lực lớn từ các hoạt động sinh hoạt, lao động và trọng lượng của cơ thể. Chính vì vậy, ổ khớp dễ bị tổn thương, đau nhức và thoái hóa. Tuy nhiên, đi bộ và đạp xe nhẹ nhàng có thể cải thiện cấu trúc ổ khớp, kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Đồng thời hỗ trợ tăng chuyển hóa dinh dưỡng, thúc đẩy tuần hoàn máu và làm chậm tiến triển của bệnh.
Các lợi ích của đi bộ và đạp xe đối với bệnh nhân bị viêm đau khớp gối:
- Hoạt động co duỗi khi đi bộ, đạp xe giúp ổ khớp trở nên linh hoạt, vận hành trơn tru, nhịp nhàng,…
- Cải thiện sức mạnh của các khối cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện độ đàn hồi, dẻo dai của mô sụn và điều hòa hoạt động sản sinh chất nhờn của màng bao hoạt dịch
- Giảm nguy cơ thừa cân – béo phì (yếu tố làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh viêm khớp gối), kiểm soát cân nặng và duy trì vóc dáng cân đối
- Tập thể dục kích thích não bộ sản sinh hormone endorphin có khả năng giảm căng thẳng, đau nhức và mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn
- Tăng khả năng chịu lực của ổ khớp, từ đó giảm nguy cơ chấn thương và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh xương khớp mãn tính
- Cải thiện sức khỏe tổng thể, điều hòa huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch, phòng ngừa thiếu máu não và các bệnh mãn tính khác
Ngoài đi bộ, bệnh nhân bị viêm đau khớp gối cũng có thể thực hiện một số bộ môn thể dục khác như yoga và bơi lội. Tuy nhiên, cần tránh các bài tập và động tác gây áp lực lớn lên khớp gối. Thực hiện những bài tập này có thể khiến ổ khớp bị tổn thương, phù nề và đau nhức nghiêm trọng.
Người bị đau khớp gối nên lưu ý gì khi đi bộ, đạp xe?
Người bị viêm đau khớp gối dễ bùng phát cơn đau và sưng tấy ổ khớp nếu đi bộ và đạp xe quá lâu với cường độ mạnh. Do đó khi tập các bộ môn này, bệnh nhân nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Chuẩn bị trước khi đi bộ, đạp xe
Để quá trình đi bộ và đạp xe diễn ra thuận lợi, bệnh nhân cần chuẩn bị:
- Nên đi bộ, đạp xe vào buổi tối hoặc sáng sớm sau khi thức dậy. Tập thể dục vào những thời điểm này không chỉ tốt cho xương khớp mà còn cải thiện hoạt động của não bộ, giảm căng thẳng và tăng chất lượng giấc ngủ đáng kể.
- Cần mang giày thể thao khi tập thể dục để giảm áp lực lên khớp háng, khớp gối và khớp cổ chân. Đi giày vừa kích cỡ, không nên đi giày quá chật hoặc có chất liệu bí khiến chân dễ đổ mồ hôi.
- Mặc quần áo rộng rãi khi tập thể dục để các khớp dễ dàng cử động và máu có thể lưu thông đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Tránh mặc quần jean và các trang phục có chất liệu dày cứng, không co giãn.
- Giữ tâm trạng thoải mái khi đi bộ, đạp xe. Không nên quá lo lắng về tình trạng khớp sẽ bị đau nhức trong quá trình tập. Ngoài ra, tâm lý căng thẳng còn khiến cơ thể dễ mệt và mất sức sau khi luyện tập.
- Giữ lưng thẳng, thả lỏng vai khi đạp xe và đi bộ. Tư thế đi bộ và đạp xe không đạt chuẩn có thể khiến lực phân bố không đều, làm tăng áp lực lên một vài khớp và kích thích cơn đau bùng phát.
- Bệnh nhân bị đau khớp gối nặng nên mang theo một số thiết bị hỗ trợ như gậy để phòng tránh trường hợp cơn đau bùng phát đột ngột.
2. Chú ý thời gian – cường độ luyện tập
Khác với người khỏe mạnh, người bị đau khớp gối không thể chịu áp lực lớn trong thời gian dài. Do đó khi đi bộ và đạp xe, cần chú ý cường độ và thời gian tập luyện:
- Khi bắt đầu, nên đi bộ và đạp xe chậm rãi trong 5 – 7 phút để làm nóng cơ thể và kích thích ổ khớp tiết dịch nhờn.
- Sau đó, có thể tăng dần cường độ tập luyện tùy theo tình trạng sức khỏe, tổn thương ở ổ khớp và độ tuổi. Tuy nhiên để tránh cơn đau bùng phát, nên đi bộ và đạp xe với cường độ vừa phải.
- Bệnh nhân bị viêm đau khớp gối nên điều chỉnh thời gian tập luyện tùy theo khả năng và có thể ngưng tập nếu cơn đau bùng phát. Theo các chuyên gia, nên tập từ 10 – 15 phút trong vài ngày đầu và tăng dần thời gian nhưng không được quá 30 phút/ ngày.
- Bên cạnh đó, chỉ nên đi bộ và đạp xe trong 3 – 5 lần/ tuần trong tuần đầu tiên. Sau đó có thể thực hiện mỗi ngày để cải thiện sức khỏe và phục hồi chức năng vận động của ổ khớp.
3. Một số vấn đề khác cần lưu ý
Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm đau khớp gối cần lưu ý một số vấn đề khi đi bộ, đạp xe và tập các bộ môn thể thao khác:
- Người bị tổn thương khớp nặng nên tham vấn y khoa trước khi đi bộ và đạp xe. Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân nên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu khớp đau nhức nhiều hoặc có các bệnh lý đi kèm (hen suyễn, tim mạch,…), nên đi bộ và đạp xe cùng với người thân hoặc bạn bè để được hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết.
- Ngưng tập và nghỉ ngơi nếu khớp sưng tấy, tê cứng và đau nhức nhiều.
- Không nên đi bộ, đạp xe khi vừa ăn no hoặc quá đói. Thay vào đó, nên tập thể dục sau bữa ăn khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ hoặc tập sau khi vừa ngủ dậy.
- Khi tập thể dục, nên hít thở đều và tránh suy nghĩ, lo lắng quá mức.
- Nên mang theo nước và điện thoại để dùng trong trường hợp cần thiết.
Đi bộ, đạp xe có thể cải thiện sức khỏe xương khớp, phục hồi tổn thương ở khớp gối và nâng cao thể trạng. Chính vì vậy, người bị viêm đau khớp gối nên thực hiện các bộ môn này để kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị. Tuy nhiên trong trường hợp khớp bị tổn thương nặng hoặc vừa can thiệp phẫu thuật, nên trao đổi với chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn xây dựng chế độ tập luyện phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!