Kinh nghiệm sống chung với bệnh vảy nến và ngăn ngừa bệnh trở nặng
Nội Dung Bài Viết
Vảy nến là bệnh lý mạn tính phổ biến và tái phát nhiều lần. Tình trạng này xuất hiện khi các tế bào da tái tạo quá nhanh, từ đó hình thành lớp vảy óng ánh như bạc trên bề mặt da của người bệnh. Hiện vảy nến chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Bài viết này sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm sống chung với bệnh vảy nến và ngăn ngừa bệnh trở nặng hữu ích dành cho bạn đọc.
Vảy nến là căn bệnh da liễu tự miễn, chịu ảnh hưởng của nội tiết tố và có xu hướng ăn sâu vào máu. Do đó, hiện nay, giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị. Trong khi đó, tác dụng chính của các loại thuốc điều trị vảy nến là ức chế quá trình phát triển của bệnh cũng như phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Vảy nến thường xuất hiện theo chu kỳ với các đợt bùng phát kéo dài vài tuần hay vài tháng, sau đó, bệnh sẽ thuyên giảm và tạm lắng trong một thời gian trước khi tái phát. Các phương pháp điều trị hiện tại đang tập trung vào việc kiểm soát và hạn chế triệu chứng của bệnh. Vì vậy, có thể nói, nếu mắc phải bệnh vảy nến, bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý gắn bó với bệnh suốt đời.
Dưới đây là những kinh nghiệm sống chung với bệnh vảy nến và ngăn ngừa bệnh trở nặng được các chuyên gia da liễu khuyến khích thực hiện:
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý
Một nghiên cứu của Tổ chức bệnh vảy nến Quốc gia Hoa Kỳ (National Psoriasis Foundation) cho biết tình trạng vảy nến được cải thiện đáng kể khi bệnh nhân bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Những hoạt chất này có khả năng đẩy lùi triệu chứng ở thể nhẹ.
Cụ thể, người bệnh nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm sau:
- Cá biển chứa nhiều omega-3 và axit béo như: cá hồi, cá trích, cá thu, cá basa… Các nghiên cứu chứng minh rằng nếu dùng 150g nhóm thực phẩm này mỗi ngày trong một thời gian dài, bệnh nhân vảy nến có thể giảm lượng thuốc Corticosteroid đi một nửa mà vẫn không làm giảm tác dụng của thuốc. Vì thành phần omega-3 trong cá biển có khả năng ngăn cản quá trình sinh viêm của bệnh vảy nến.
- Rau quả giàu beta-caroten như: đu đủ, bí đỏ, cà rốt, xoài, anh đào, mận, rau diếp, bắp cải, củ cải… giúp bảo vệ cấu trúc mỏng manh của làn da.
- Mè đen vừa giàu dầu béo tương tự omega-3 vừa bổ sung vitamin E cần thiết để hình thành lớp sợi liên kết (collagen) bên dưới da.
- Bông cải xanh cung cấp nhiều axit folic. Đây là hoạt chất sinh học đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể. Người bệnh vảy nến rất dễ thiếu chất này.
- Nghêu sò chứa nhiều kẽm và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cơ thể. Bệnh nhân vảy nến không nên cho rằng ăn hải sản sẽ thêm ngứa ngáy. Điều đó chỉ đúng nếu bạn bị dị ứng với loại hải sản đó mà thôi.
Một số loại thực phẩm người bệnh nên hạn chế:
- Thịt, trứng, sữa vì chúng chứa nhiều axit arachidon. Đây là chất xúc tác của quá trình viêm tấy ngoài da, trong khớp và ở thần kinh ngoại biên.
- Rượu bia là đòn bẩy của phản ứng thoái biến chất đạm, từ đó sinh ra dị ứng. Hơn nữa, ở người bệnh vảy nến, tiến trình giải độc rượu của gan sẽ bị trì trệ rất nhiều.
Không hút thuốc
Thói quen hút thuốc lá giúp bệnh vảy nến bùng phát nhanh chóng. Một nghiên cứu trên tạp chí American Journal of Epidemiology vào năm 2012 cho biết, nguy cơ phát triển bệnh ở những người hút thuốc lá cao gấp đôi người bình thường. Các chuyên gia nhận định rằng đây chính là một trong những yếu tố khởi phát khiến bệnh tình thêm trầm trọng. Ở những người nghiện thuốc lá nặng, bệnh vảy nến không chỉ ảnh hưởng tới làn da mà còn tác động đến nhiều cơ quan khác. Ngoài ra, số năm hút thuốc có liên quan mật thiết đến mức độ nặng thêm của bệnh lý này.
Chăm sóc da đúng cách
Tuy là bệnh lý da liễu mạn tính, khó điều trị dứt điểm nhưng nhìn chung, vảy nến tương đối lành tính. Nếu chăm sóc làn da đúng cách, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Dưới đây là một số biện pháp đơn giản, hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:
Tránh gãi ngứa hoặc làm xước da
Người bị vảy nến luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, nếu gãi ngứa hoặc làm xước da, bạn sẽ vô tình khiến vết thương bị nhiễm trùng, lở loét và lan sang vùng da lành lặn. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên cắt ngắn móng tay và có thể uống thuốc kháng histamine (theo chỉ định của bác sĩ) khi bị ngứa.
Giữ ẩm cho da
Giữ ẩm cho da là một trong những phương pháp chăm sóc da an toàn và dễ dàng nhất khi da bị kích ứng do vảy nến. Cách làm này giúp hồi phục tổn thương và hạn chế tình trạng khô, ngứa, đau rát trên da.
Người bệnh nên chọn kem dưỡng ẩm phù hợp với đặc điểm làn da cũng như mức độ khô da hiện tại. Thuốc mỡ có khả năng giữ ẩm, ngăn ngừa sự bay hơi nước trên da vô cùng hiệu quả. Thêm vào đó, người đọc hãy sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm không mùi hương nhằm tránh gây ra kích thích. Nếu không có điều kiện hoặc không thích dùng kem dưỡng ẩm, bạn có thể thay thế bằng dầu dừa hay dầu ô liu bằng cách bôi trực tiếp lên vùng da bị bong tróc, ngứa ngáy.
Thời điểm vàng để thoa kem dưỡng ẩm là sau khi tắm. Những ngày lạnh, khô, bệnh nhân có thể bôi kem nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, dùng máy tạo độ ẩm không khí trong nhà cũng là một cách giữ ẩm làn da hiệu quả mà bạn không thể bỏ qua.
Tắm bồn bằng nước ấm
Việc tắm bồn bằng nước ấm khoảng 15 phút mỗi ngày với xà phòng dịu nhẹ có tác dụng loại bỏ tế bào da khô và làm dịu chỗ ngứa. Người bệnh có thể cho thêm tinh dầu, muối biển khô hay bột yến mạch vào bồn tắm cùng nước ấm và xà phòng trước khi ngâm mình thư giãn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ của nước sao cho phù hợp. Nếu nước quá nóng, da sẽ bị ửng đỏ, kích ứng.
Khi tắm, bạn không nên kỳ cọ, chà xát hay cố tình làm bong tróc da. Điều này sẽ khiến vết loét trở nên nghiêm trọng, đồng thời dẫn đến các tổn thương mới. Nếu không đủ thời gian tắm rửa, bệnh nhân có thể lau cơ thể nhẹ nhàng bằng một chiếc khăn ướt.
Phơi nắng thường xuyên
Đối với những người bệnh vảy nến, tắm nắng là một thói quen lành mạnh, có thể góp phần tăng cường sức đề kháng. Tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời có tác dụng làm chậm quá trình sinh trưởng của các tế bào da do bệnh vảy nến gây ra. Việc tận dụng ánh nắng với cường độ phù hợp (theo sự hướng dẫn của bác sĩ) trong một thời gian dài có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát hiệu quả.
Bệnh nhân cần tắm nắng 2 – 3 lần/tuần vào thời điểm 6 – 8 giờ sáng kết hợp thoa kem chống nắng tại những vị trí da khỏe mạnh để cảm nhận sự cải thiện của các triệu chứng. Đặc biệt, bạn không nên ra ngoài lúc 10 – 15 giờ vì ánh nắng mặt trời gay gắt trong khung giờ này có thể khiến tình trạng vảy nến thêm tồi tệ và làm tăng nguy cơ ung thư da.
Sử dụng sản phẩm chăm sóc dịu nhẹ với làn da
Người bị vảy nến nên tránh dùng kem dưỡng có cồn, xà phòng khử mùi hoặc những sản phẩm chăm sóc da chứa axit salicylic, axit glycolic, axit lactic… bởi vì các chất này sẽ gây kích ứng trên làn da nhạy cảm của bạn.
Ngoài ra, người đọc cần lựa chọn các loại trang phục rộng rãi, thoải mái, chất vải mềm mại, êm ái, tránh mặc quần áo bó chặt cùng chất liệu len, lông cừu nhằm hạn chế kích ứng.
Chú ý phòng bệnh khi chuyển mùa
Vì sức đề kháng suy yếu nên bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao hơn người khỏe mạnh gấp nhiều lần. Do đó, một trong những kinh nghiệm sống chung với bệnh vảy nến và ngăn ngừa bệnh trở nặng quan trọng nhất là duy trì sức khỏe.
Người bệnh cần chủ động giữ ấm cơ thể trong thời điểm giao mùa hay khi thời tiết diễn biến thất thường. Nếu bị cảm cúm, bệnh nhân nên hạn chế dùng thuốc kháng sinh vì cách làm này có thể gây suy giảm khả năng miễn dịch. Bên cạnh đó, hãy bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cơ thể bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Cân bằng cuộc sống, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi
Tâm lý áp lực, căng thẳng là một trong những tác nhân hàng đầu giúp bệnh vảy nến phát triển và tái phát. Mặc khác, sự phiền toái, mệt mỏi mà bệnh lý mang đến cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh cũng khiến họ cảm thấy căng thẳng. Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn, khiến các triệu chứng khó được đẩy lùi.
Tuy nhiên, nếu biết cách cân bằng cuộc sống, giải tỏa căng thẳng, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng trên. Giáo sư Francisco Tausk, người đứng đầu Trung tâm Da liễu thuộc Đại học Y khoa Rochester (Hoa Kỳ) cho biết, một số biện pháp hữu hiệu dành cho bệnh nhân vảy nến bao gồm: yoga, thiền, tập thể dục, tham gia vào các hội nhóm hỗ trợ để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bệnh vảy nến. Đây cũng là cách giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ trầm cảm do vảy nến vô cùng hiệu quả.
Vảy nến là bệnh lý mạn tính, rất khó điều trị. Do đó, bệnh nhân cần tích cực hợp tác với bác sĩ trong quá trình chăm sóc và chữa bệnh để nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng. Những kinh nghiệm trên chỉ áp dụng đối với trường hợp bệnh nhẹ. Khi bệnh tình trở nên nghiêm trọng, người bệnh cần thường xuyên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiện nay, nhiều bệnh nhân chủ quan, tự ý mua thuốc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu. Điều này có thể dẫn đến một số biến chứng toàn thân nặng nề, tác động tiêu cực đến xương khớp hoặc gây ra các bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm. Vì vậy, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!