Áp dụng cách trị ho bằng lá trầu không theo kinh nghiệm dân gian
Nội Dung Bài Viết
Trị ho bằng lá trầu không là một kinh nghiệm chữa bệnh ho của dân gian. Theo y học hiện đại, lá trầu không có tính ấm, kháng khuẩn tốt, mang lại hiệu quả khi dùng để chữa bệnh ho. Bài viết giới thiệu một số bài thuốc từ lá trầu không để chữa bệnh ho.
Tác dụng chữa bệnh ho của lá trầu không
Ho là một phản xạ có điều kiện của cơ thể, có tác dụng loại bỏ những vật thể lạ (bụi, đờm, vi khuẩn,…) đang cản trở đường hô hấp. Ho giúp đẩy các vật thể lạ ra khỏi cổ họng, giúp cổ họng cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
Tuy nhiên, ho liên tục, ho nhiều lần trong ngày lại là một dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như: viêm họng, viêm amidan, ho gà, cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi,…
Khi bị ho, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai – mũi – họng để được kiểm tra, chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, bên cạnh phương pháp điều trị bệnh ho bằng Tây y, nhiều người lại tìm đến Đông y (y học cổ truyền) và các bài thuốc dân gian để điều trị. Điều trị bệnh ho bằng lá trầu không là một trong những cách điều trị bệnh của người xưa, được ghi nhận trong sách Đông y.
Cây trầu không (tên khoa học: Piper betle) là một loài thực vật thân thảo, dây leo. Trầu không có lá hình trái tim, màu xanh lục. Cây cho hoa màu trắng. Loài trầu không này có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, phân bố ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và có cả ở Ấn Độ.
Cây trầu không ở Việt Nam được chia thành 2 loại: trầu mỡ và trầu quế.
Cây trầu là một trong những vị thuốc Nam (dễ dàng tìm kiếm quanh vườn nhà) chữa được nhiều chứng bệnh. Theo Đông y, trầu không có vị cay, tính ấm nóng, không độc. Trầu không được quy vào một số kinh thư như: kinh tỳ, kinh vị, kinh phế.
Lá trầu có một số dược tính như: tiêu viêm, sát trùng, hạ khí, kích thích tiêu hóa, trừ phong thấp,…
Qua những nghiên cứu khoa học, các bác sĩ y học cổ truyền đã khẳng định rằng, lá trầu không có tác dụng chữa bệnh ho rất tốt và được ứng dụng trong một số bài thuốc trị bệnh ho.
Hướng dẫn cách dùng lá trầu không chữa chứng ho
1. Uống nước lá trầu đun nóng
Người dùng chuẩn bị khoảng 6 – 7 lá trầu tươi, rửa sạch. Sau đó, đun sôi lá trầu với 200ml nước. Người bệnh uống nước lá trầu đun trong ngày, không nên để qua đêm. Bài thuốc này giúp sát trùng cổ họng, làm giảm triệu chứng ho nhanh chóng.
Bài thuốc chữa ho bằng nước lá trầu thích hợp dùng để điều trị ở cả trẻ em lẫn người lớn. Khi trẻ nhỏ bị ho do viêm phế quản, ho do trời trở lạnh, bậc cha mẹ có thể cho trẻ uống nước lá trầu đun sôi để cải thiện.
2. Công thức lá trầu kết hợp với mật ong
Mật ong là một trong những loại dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mật ong chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và có khả năng điều trị chứng ho, ngứa cổ họng. Do đó, kết hợp mật ong với lá trầu không là một công thức chữa bệnh ho hiệu quả.
Người dùng đun nhỏ lửa lá trầu không với khoảng 200ml nước trong vòng 5 phút cho sôi. Sau khi tắt lửa, người dùng nên cho thêm 1 – 2 thìa cà phê mật ong vào nước trầu không, khuấy đều.
Người bệnh uống nước trầu không mật ong khi nước còn ấm nóng. Lưu ý, không nên để thuốc qua đêm.
3. Bài thuốc lá trầu, gừng tươi
Gừng cũng là một trong những loại dược liệu trong Đông y. Gừng có vị cay nồng, tính ấm, mùi thơm. Gừng tươi có tác dụng sát khuẩn, giải độc, làm ấm cơ thể, kích thích tiêu hóa,… Có thể kết hợp gừng với lá trầu không để tạo ra bài thuốc chữa bệnh ho hiệu quả.
Để thực hiện bài thuốc này, bạn cần chuẩn bị:
- 7 lá trầu không;
- 1 củ gừng nhỏ;
- Một ít đường hoặc vài thìa mật ong.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch lá trầu không, để ráo nước. Cạo sạch vỏ gừng tươi, thái nhuyễn;
- Bước 2: Đun lá trầu không với khoảng 200ml nước;
- Bước 3: Khi nước đã sôi, để lửa nhỏ, cho gừng tươi vào nấu cùng. Nấu thêm khoảng 2 phút nữa thì tắt bếp;
- Bước 4: Sau khi tắt lửa, cho một ít đường hoặc mật ong vào nước trầu không, khuấy đều cho tan.
Người bệnh dùng bài thuốc này để chữa chứng ho. Gừng và trầu không có tính kháng khuẩn, giúp làm sạch cổ họng. Mật ong có nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng làm lành tổn thương nhanh chóng.
4. Bài thuốc từ nước cốt lá trầu
Lá trầu tươi vốn không có tính độc và chứa rất nhiều dược chất. Người bệnh có thể nhai trực tiếp lá trầu tươi, nuốt nước, sau đó bỏ bã trầu để chữa bệnh ho. Những dược chất trong lá trầu sẽ đi trực tiếp qua cổ họng, sát khuẩn, làm ấm cổ họng, làm dịu cơn đau hiệu quả. Lưu ý, người bệnh chỉ nên ngậm nhai 1 – 2 lá trầu/lần.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể giã nát khoảng 7 – 8 lá trầu, chắt lấy nước cốt để uống.
Hiện nay có một số người áp dụng mẹo dân gian sử dụng lá trầu hơ nóng với lửa, sau đó đắp lên ngực để chữa bệnh ho. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là một phương pháp chữa bệnh ho phản khoa học hoàn toàn không mang lại tác dụng điều trị. Mẹo chữa bệnh này còn có thể gây bỏng da, nhiễm trùng da.
Một số lưu ý khi dùng lá trầu không chữa bệnh ho
Không thể phủ nhận tác dụng dược lý lá trầu không trong điều trị chứng ho. Tuy nhiên, khi dùng các bài thuốc từ lá trầu không, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:
- Lá trầu có tính ấm nóng, do đó cần dùng có liều lượng, chừng mực. Dùng quá liều sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu, táo bón,…;
- Người bị ho cảm sốt không nên dùng bài thuốc từ lá trầu không;
- Trước khi dùng những bài thuốc từ lá trầu không, bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn, chỉ định liều dùng;
- Cần thận trọng khi cho trẻ dùng các bài thuốc từ lá trầu không nói riêng và các bài thuốc Nam nói chung;
- Hiệu quả của các bài thuốc từ lá trầu không còn tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng bệnh và chế độ ăn uống của mỗi bệnh nhân;
- Người bệnh cần chăm sóc sức khỏe đúng cách để bệnh tình mau chóng thuyên giảm, sức khỏe nhanh hồi phục. Bệnh nhân nên ăn uống đầy đủ chất (ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, thịt nạc), uống đủ nước, nên uống nước ấm, giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với khói bụi, kiêng dùng thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng và thức ăn khô cứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!