10 Loại rau tốt cho người bị tiểu đường nên bổ sung
Nội Dung Bài Viết
Không chỉ có tác dụng nhuận tràng, rau xanh còn hỗ trợ kiểm soát đường huyết bằng cách giảm hấp thu glucose từ các loại thực phẩm khác. Do đó bên cạnh sử dụng thuốc, nên tăng cường bổ sung các loại rau tốt cho người bị tiểu đường để kiểm soát triệu chứng và hạn chế ảnh hưởng của bệnh.
10 Loại rau tốt cho người bị tiểu đường giúp hạ đường huyết
Tiểu đường (đái tháo đường) là tình trạng rối loạn chuyển hóa carbohydrate do tăng dung nạp đường (glucose) hoặc do chức năng bài tiết insulin của tuyến tụy có vấn đề. Tình trạng này dẫn đến tăng nồng độ đường trong máu và gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe. Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tăng lên đáng kể và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Hiện tại, điều trị bệnh tiểu đường còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, bệnh nhân – đặc biệt là những trường hợp bị tiểu đường type 2 cần kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt để giảm hấp thu glucose và ổn định lượng đường trong máu. Thực tế cho thấy, việc kiểm soát chế độ ăn uống có thể hỗ trợ quản lý chỉ số đường huyết và giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh.
Trong đó, rau xanh được xem là loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân đái tháo đường với khả năng giảm hấp thu glucose từ các loại thực phẩm khác. Đồng thời hỗ trợ đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, kiểm soát cân nặng và nâng cao sức khỏe.
Dưới đây là một số loại rau xanh tốt cho người bị tiểu đường:
1. Bông cải xanh – Loại rau tốt cho người bị tiểu đường
Bông cải xanh là loại rau được sử dụng khá phổ biến. Bên cạnh hàm lượng chất xơ cao, bông cải xanh còn chứa sulforaphane – hợp chất chống oxy hóa có khả năng kiểm soát nồng độ đường trong máu. Bên cạnh đó, chất xơ trong loại thực phẩm này còn làm chậm quá trình hấp thu glucose, giúp tuyến tụy có thời gian sản sinh hormone insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng.
Ngoài ra, bông cải xanh còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa khác như phytochemicals, carotenoid lutein và crom. Các thành phần này giúp đảm bảo hoạt động chuyển hóa đường, đồng thời bảo vệ cơ thể khỏi tác động của gốc tự do và hỗ trợ duy trì sức khỏe tim mạch. Do đó ngoài khả năng hạ đường huyết, bông cải xanh còn giúp hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.
2. Cần tây – Loại rau có khả năng hạ đường huyết
Rau cần tây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tác dụng nhuận phổi, trừ ho và thanh nhiệt. Không chỉ được dùng để chế biến các món ăn thơm ngon, cần tây được bổ sung vào chế độ dinh dưỡng nhằm hỗ trợ điều trị một số bệnh lý thường gặp – trong đó có bệnh tiểu đường.
Cụ thể, hàm lượng vitamin K dồi dào trong cần tây có khả năng tăng chuyển hóa glucose, tăng mức độ nhạy cảm của cơ thể đối với hormone insulin và hạn chế tình trạng chảy máu kéo dài ở bệnh nhân đái tháo đường.
Bên cạnh đó, cần tây còn chứa hàm lượng vitamin C và vitamin P dồi dào có tác dụng hạ mỡ máu và ổn định nồng độ huyết áp. Như đã biết, bệnh nhân tiểu đường thường gặp phải các bệnh mãn tính khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và xơ vữa động mạch.
Ngoài ra với hàm lượng chất xơ và nước dồi dào, cần tây còn giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra thuận lợi, hạn chế tình trạng tích trữ mỡ thừa và glucose (đường) trong mạch máu. Vì vậy, bệnh nhân bị tiểu đường nên tăng cường bổ sung loại rau này vào chế độ ăn để hỗ trợ quá trình điều trị.
3. Người bị tiểu đường nên bổ sung rau dền
Rau dền là loại rau ăn quen thuộc đối với người Việt. Loại rau này thường được dùng để nấu canh cùng với tôm, thịt và cá. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, dồi dào và dễ tiêu hóa, rau dền thường được bổ sung vào chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường.
Rau dền chứa hàm lượng magie cao có tác dụng hỗ trợ ổn định đường huyết, ngăn ngừa táo bón và điều hòa huyết áp. Bên cạnh đó, chất xơ trong loại rau này còn giúp giảm hấp thu glucose ở ruột non và hạn chế tình trạng tăng nồng độ đường huyết đột ngột.
Ngoài ra, rau dền còn bổ sung cho cơ thể phốt pho, kali, sắt, vitamin B2, vitamin A, vitamin C, canxi và vitamin B1. Với thành phần dinh dưỡng phong phú, rau dền giúp bệnh nhân tiểu đường có đầy đủ vitamin và khoáng chất để thực hiện các hoạt động sống của cơ thể. Đồng thời hỗ trợ kiểm soát đường huyết và giảm các ảnh hưởng của bệnh như táo bón, cao huyết áp, rối loạn lipid máu,…
4. Cải bó xôi – Loại rau tốt cho người đái tháo đường
Cải bó xôi là một trong những loại rau tốt cho người bị tiểu đường. Loại rau này chứa nhiều chất xơ, nước và kali giúp hạn chế tình trạng táo bón, chán ăn và tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường. Hơn nữa, cải bó xôi còn cung cấp cho cơ thể hàm lượng sắt, vitamin K, A, C, D, B1 dồi dào.
Ngoài ra, cải bó xôi còn chứa chất chống oxy hóa – axit alpha lipoic. Axit alpha lipoic có tác dụng chống oxy hóa tương tự như vitamin E và C nhưng hiệu lực mạnh hơn rất nhiều lần. Thành phần này cũng đã được chứng minh có tác dụng làm bền mạch máu, hạn chế tình trạng xơ cứng mạch và tai biến.
Theo công bố của tạp chí Diabetes Research and Clinical Practice (12/2004), chất axit alpha lipoic trong cải bó xôi và các loại rau xanh có thể giảm 40% nồng độ cholesterol trong cơ thể và ngăn ngừa – cải thiện biến chứng thần kinh ở người bị tiểu đường type 2. Chính vì vậy, nên bổ sung cải bó xôi vào thực đơn ăn uống hằng ngày để hỗ trợ kiểm soát nồng độ đường huyết và hạn chế các biến chứng lên mạch máu, thần kinh.
5. Người bị tiểu đường nên bổ sung hành tây
Hành tây là loại thực phẩm lành mạnh mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe – đặc biệt là với người bị đái tháo đường. Loại củ chứa nhiều chromium – hoạt chất có khả năng điều hòa đường huyết và chuyển hóa lipid thành năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, hành tây còn cung cấp cho cơ thể hàm lượng nước, chất xơ và khoáng chất dồi dào.
Trung bình nửa bát hành tây chỉ chứa khoảng 5.9g đường và 26 calo. Do đó, bệnh nhân bị tiểu đường có thể bổ sung loại thực phẩm này vào bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, bổ sung hành tây vào chế độ dinh dưỡng còn cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa thiết yếu nhằm bảo vệ tế bào và giảm thiểu thiệt hại của gốc tự do.
6. Bắp cải – Loại rau tốt cho người bị tiểu đường
Bắp cải là một trong những loại rau tốt cho bệnh nhân bị đái tháo đường, cao huyết áp và rối loạn lipid máu. Theo quan niệm Đông y, bắp cải có vị ngọt, mát, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc và lợi tiểu. Từ lâu, nhân dân đã sử dụng loại rau này để phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường và suy nhược thần kinh.
Hiện nay, tác dụng hỗ trợ kiểm soát đường huyết của bắp cải cũng đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lâm sàng. Các nghiên cứu khoa học được thực hiện cho thấy, chất chống oxy hóa antihyperglyceminc trong loại rau này có khả năng tăng độ nhạy của insulin đối với quá trình chuyển hóa glucose, đồng thời làm chậm khả năng hấp thu đường ở ruột non.
Ngoài ra, bắp cải còn chứa nhiều chất xơ, nước và vitamin giúp thanh lọc cơ thể, phòng ngừa xơ vữa động mạch và hạn chế chứng táo bón ở bệnh nhân tiểu đường. Do đó, bệnh nhân nên bổ sung các món ăn từ bắp cải (đặc biệt là món bắp cải luộc) thường xuyên để hỗ trợ kiểm soát nồng độ đường trong máu.
7. Măng tây hỗ trợ hạ đường huyết
Măng tây là loại rau xanh chứa hàm lượng dinh dưỡng cao với vô số khoáng chất và vitamin thiết yếu. Loại rau này cũng được khuyến khích bổ sung vào thực đơn ăn uống của bệnh nhân tiểu đường để hỗ trợ kiểm soát đường huyết và giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh.
Măng tây rất giàu kali (potassium) – nguyên tố vi lượng có tác dụng giãn mao mạch và điều hòa huyết áp. Như đã biết, nồng độ đường huyết tăng cao trong thời gian dài có thể gây tăng huyết áp và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Do đó, bổ sung măng tây thường xuyên có thể hỗ trợ điều hòa huyết áp và duy trì sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, măng tây còn chứa nhiều inulin – một loại chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa. Inulin kích thích sự phát triển của các vi khuẩn có lợi như Bifidobacteria và Lactobacilli, đồng thời tăng nhu động ruột và phòng ngừa táo bón (một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường).
8. Rau hẹ tốt cho bệnh nhân bị tiểu đường
Theo y học cổ truyền, hẹ không chỉ là loại rau ăn thông thường mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lý. Do đó, nhân dân thường sử dụng loại rau này để cải thiện chứng suy nhược thần kinh ở bệnh nhân bị tiểu đường lâu ngày.
Thực tế, rau hẹ thực sự chứa nhiều thành phần tốt cho bệnh nhân bị đái tháo đường. Với hàm lượng chất xơ dồi dào, rau hẹ có khả năng tăng độ nhạy cảm với insulin từ tuyến tụy, từ đó hỗ trợ kiểm soát nồng độ đường huyết và phòng ngừa chứng rối loạn lipid máu. Bên cạnh đó, các chất loại vitamin như vtamin C và vitamin PP trong loại rau này cũng góp phần không nhỏ vào hoạt động hấp thu và chuyển hóa đường của cơ thể.
9. Rong biển tốt cho người bị bệnh tiểu đường
Rong biển là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng với hàm lượng chất xơ dồi dào, vitamin, khoáng chất, axit béo và chất chống oxy hóa. So với các loại rau thông thường, hàm lượng dinh dưỡng trong loại thực phẩm cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, rong biển không chứa quá nhiều calo và đường. Do đó bệnh nhân bị đái tháo đường có thể bổ sung để cải thiện và bồi bổ sức khỏe.
Chất xơ thực vật có trong rong biển giúp tạo cảm giác no, tránh tình trạng ăn uống quá mức và kiểm soát cân nặng hiệu quả. Hơn nữa, chất xơ còn làm chậm tốc độ hấp thu đường ở ruột non và tạo điều kiện để tuyến tụy sản sinh đủ insulin cần thiết nhằm ổn định, kiểm soát nồng độ đường trong máu.
Ngoài ra, chất Alginate và fuxoxanthin trong rong biển còn có thể hạn chế gia tăng nồng độ đường trong máu một cách đột ngột. Với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và khả năng kiểm soát đường huyết hiệu quả, rong biển được các chuyên gia khuyến khích bổ sung trong thời gian mang thai để giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
10. Diếp cá – Loại rau tốt cho người bị tiểu đường
Rau diếp cá (dấp cá) là loại rau có tính mát, nhuận tràng thường được sử dụng để điều trị bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn và táo bón. Mặc dù có mùi tanh và khó ăn nhưng loại rau mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Trong dân gian, rau diếp cá còn được sử dụng để điều trị chứng tiêu khát (bệnh tiểu đường).
Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2014 cho thấy, chuột thực nghiệm uống liên tục ethanol được chiết xuất từ dấp cá trong vòng 21 ngày có nồng độ FPG giảm mạnh (nồng độ glucose trong máu khi đói). Ngoài ra, diếp cá còn có tác dụng kích thích sản sinh tế bào bạch huyết (tế bào miễn dịch) giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và hạn chế viêm nhiễm. Như đã biết, nồng độ đường huyết quá cao khiến hệ miễn dịch suy giảm và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm da, hô hấp.
Hiện nay, cây diếp cá bắt đầu được sử dụng để bào chế insulin dưới dạng bột để hỗ trợ kiểm soát nồng độ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Nghiên cứu này được thực nghiệm trong 8 tuần ở chuột và hiện tại sẽ được tiếp tục phát triển trước khi thử nghiệm trên người. Việc tạo ra insulin ở cây trồng, cụ thể là rau diếp cá đóng góp không nhỏ vào việc kiểm soát tiến triển của bệnh tiểu đường type 1 (bệnh nhân phải sử dụng insulin liên tục trong suốt cả cuộc đời).
Người bị tiểu đường kiêng ăn rau gì?
Đa phần các loại rau xanh đều tốt cho sức khỏe và tiến triển của bệnh tiểu đường. Do đó, bệnh nhân gần như không phải kiêng cử bất cứ loại rau nào. Tuy nhiên bên cạnh bổ sung các loại rau xanh, cần hạn chế một số loại củ, trái cây có hàm lượng đường cao như:
- Khoai tây
- Khoai lang
- Bắp (ngô)
- Xoài chín
- Vải, nhãn
- Mít, sầu riêng
- Chuối
- Mãng cầu
Rau xanh được xem là nhóm thực phẩm lành mạnh, mang đến cho bệnh nhân tiểu đường nhiều công dụng hữu ích. Không chỉ hỗ trợ kiểm soát đường huyết, nhóm thực phẩm này còn cải thiện một số triệu chứng và biến chứng của bệnh như táo bón, suy nhược, suy giảm miễn dịch, biến chứng lên tim mạch,…
Tuy nhiên bệnh nhân không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các loại rau xanh vì nhóm thực phẩm này không cung cấp đủ protein và các axit béo thiết yếu. Do đó, nên đa dạng thực đơn ăn uống với các loại thực phẩm lành mạnh khác như cá béo, các loại hạt, củ, trái cây, thịt trắng, nấm,…
Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về các loại rau tốt cho bệnh tiểu đường và dễ dàng xây dựng chế độ ăn uống phù hợp. Bên cạnh đó, nên kết hợp chế độ dinh dưỡng cùng với lối sống khoa học để kiểm soát hoàn toàn triệu chứng và tiến triển của bệnh.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!