Mẹo chữa hóc xương cá tại nhà nhanh chóng, an toàn
Nội Dung Bài Viết
Cá giàu giá trị dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường lo ngại nguy cơ bị hóc xương trong quá trình sử dụng. Nếu không may mắc phải tình trạng này, 16 mẹo chữa hóc xương cá tại nhà nhanh chóng, an toàn trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn xử lý đúng cách và kịp thời.
Hóc xương cá là gì?
Hóc xương là tình trạng tương đối phổ biến, xuất hiện khi xương cá vướng vào cổ họng, gây đau rát, khó chịu, trầy xước, chảy máu cổ họng. Thậm chí, khi đi vào bụng, những miếng xương sắc, dài có thể làm thủng thực quản, dạ dày và khiến bệnh nhân xuất huyết nặng. Vì xương cá khá nhỏ nên thường bị chúng ta bỏ qua khi chế biến hoặc nhai nuốt. Một số loài cá có cấu trúc xương phức tạp, gây khó khăn khi gỡ xương như: cá hồi, cá chép, cá bống, cá rô phi…
Trong đa số trường hợp hóc xương, cơ thể có thể tiêu hóa miếng xương đó và đào thải bằng cách đại tiện. Tuy nhiên, đôi khi, xương cá sẽ lưu lại trong ruột khoảng vài ngày, sau đó mới được bài tiết ra ngoài. Khi hóc xương, bạn sẽ bị ho, khó nuốt, đau khi nuốt, nhói ở cổ họng, khạc ra máu, cảm giác vướng cổ họng…
Nếu bị hóc xương nhỏ ở cổ họng, bạn có thể tự khắc phục tại nhà bằng 16 cách làm đơn giản phía dưới. Tuy nhiên, nếu mắc phải xương to, sâu trong cổ họng kèm theo các triệu chứng: tím tái, đau ngực, sưng tấy, khó ăn uống quá mức, chảy nhiều nước bọt… thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức để được xử lý triệt để.
Mẹo chữa hóc xương cá tại nhà nhanh chóng an toàn
Hiện nay, có nhiều mẹo chữa hóc xương cá tại nhà nhanh chóng, an toàn, bao gồm:
Đối với người lớn
Các thủ thuật sau chỉ nên được thực hiện với điều kiện: kích thước xương nhỏ, tình trạng hóc xương không ảnh hưởng đến đường thở và bệnh nhân không bị hẹp đường tiêu hóa. Nếu tự khắc phục không thành công, bạn hãy đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ kịp thời. Lưu ý, tuyệt đối không áp dụng 16 phương pháp này đối với trẻ nhỏ.
- Ho khạc: Nếu bệnh nhân ho khạc thì xương sẽ lắc lư và tự động rơi ra. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cố gắng ho khạc vài lần và chủ động chuyển sang cách làm khác nếu chưa thành công bởi việc ho khạc nhiều lần dễ dẫn đến tổn thương vùng họng.
- Ngậm, nuốt vỏ cam: Nguồn vitamin C dồi dào trong vỏ cam có thể khiến xương cá từ từ mềm ra. Sau một khoảng thời gian tương đối ngắn, bạn sẽ dễ dàng nuốt xương mà không hề cảm thấy vướng víu, khó chịu. Bên cạnh đó, đặc tính kháng viêm, giảm đau của vitamin C có tác dụng bảo vệ cũng như hạn chế tổn thương ở thực quản.
- Nuốt cơm: Hãy nuốt một miếng cơm lớn để xương cá dính vào cơm và trôi xuống dạ dày. Lưu ý, thủ thuật này chỉ phù hợp với xương nhỏ và mềm. Nếu bị hóc xương cá to, dài hoặc nhọn, bạn tuyệt đối không áp dụng mẹo dân gian này vì tình trạng hóc xương sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí đâm thủng mạch máu.
- Ngậm vitamin C: Xương cá (đặc biệt là xương nhỏ) sẽ phân rã nhanh chóng sau khi bạn ngậm viên uống vitamin C khoảng vài phút.
- Nhét tỏi vào mũi: Khi bị hóc xương, bạn nên chọn một tép tỏi có kích thước vừa phải, bóc vỏ, rửa sạch, nhét vào một bên mũi, sau đó bịt kín mũi bên còn lại rồi thở bằng miệng. Sau 1 – 2 phút, tính chất cay nóng của tỏi sẽ giúp bạn hắt hơi thật mạnh, nhờ đó xương cá có thể rơi ra ngoài theo đường miệng.
- Uống nước cốt nha đam: Bên cạnh công dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể, nước cốt nha đam còn có thể chữa hóc xương cá tại nhà nhanh chóng và an toàn. Độ nhớt của tinh chất này sẽ dễ dàng cuốn trôi xương cá vướng mắc nơi cổ họng.
- Uống giấm ăn: Dung dịch giấm ăn có khả năng làm mềm xương cá một cách hiệu quả. Với cách làm này, bạn chỉ cần pha loãng 2 muỗng cà phê giấm ăn trong 1 ly nước lọc hoặc uống trực tiếp 1 muỗng cà phê giấm ăn.
- Uống soda: Soda ở đây có thể là cola hoặc những thức uống có ga khác. Khi vào trong dạ dày, soda sẽ tiết ra khí ga gây phân rã xương, đồng thời hình thành áp lực để đẩy xương ra ngoài.
- Uống dầu ô liu: Việc uống 1 muỗng cà phê dầu ô liu có tác dụng bôi trơn niêm mạc họng, làm mềm xương, giúp xương dễ thoát ra ngoài.
- Nhai kẹo mềm marshmallow: Khi bệnh nhân nhai và nuốt 1 miếng kẹo mềm lớn, chúng sẽ bám vào miếng xương cá rồi lôi thẳng xuống dạ dày.
- Nuốt xác rau má: Khi nhai và nuốt rau má, xác của loại rau này sẽ kéo theo mảnh xương đang vướng ở họng.
- Uống nước quả trám: Dân gian tin rằng, nếu người bệnh uống 1 ly nước quả trám, xương cá sẽ tự tiêu biến. Bạn sắc lấy nước 5 quả trám rồi ngậm và nuốt dần hoặc giã nát thịt quả, xay nhuyễn, sau đó ép lấy nước và dùng dần.
- Ăn chuối: Một miếng chuối lớn có thể dính vào xương cá và kéo nó trôi tuột xuống dạ dày. Người bệnh nên cắn 1 miếng chuối lớn, ngậm chuối trong vòng 1 phút để nước bọt thấm đều cho chuối mềm ra rồi nuốt thật chậm rãi.
- Ăn bánh mì nhúng nước: Bệnh nhân nhúng bánh mì vào nước cho mềm ra rồi cắn một miếng lớn để xương cá theo bánh mì trôi xuống dạ dày.
- Đẩy bụng: Khi vô tình nuốt phải xương cá, bạn có thể nhờ người khác ngồi/đứng phía sau lưng mình, vòng tay ôm chặt quanh eo, đặt một bàn tay lên bụng (tại vùng thượng vị) trong khi bàn tay còn lại bọc lấy bàn tay đặt trên bụng bạn, sau đó để họ đẩy – kéo bụng vào trong và lên trên khoảng 5 lần. Đây là cách sơ cứu vô cùng hiệu quả trong trường hợp thức ăn bịt kín đường thở.
- Vỗ lưng: Bệnh nhân có thể nhờ người thân dùng mu bàn tay vỗ vào lưng mình nhiều lần, tại khu vực giữa hai vai cho đến khi tình trạng thuyên giảm.
Đối với trẻ nhỏ
Nếu bé vô tình bị hóc xương khi đang ăn, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý tình huống theo các bước sau:
- Cho trẻ ngừng ăn và nhẹ nhàng trấn an, không để con sợ hãi, quấy khóc vì điều này sẽ làm xương cá mắc kẹt sâu hơn trong cổ họng.
- Dùng đèn pin soi vào họng con để kiểm tra tình trạng hóc xương. Khi phát hiện vị trí của xương, phụ huynh cần gắp xương ra bằng kẹp y tế thật bình tĩnh và cẩn thận. Trong quá trình thực hiện, hãy luôn nhẹ nhàng dỗ dành để bé không quấy khóc, ngọ nguậy.
- Sau khi lấy xương xong, hãy cho trẻ uống nước vài lần. Nếu họng bé không còn khó chịu nghĩa là bạn đã gắp hết xương. Nếu con vẫn tiếp tục quấy khóc và đau đớn, phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để phòng tránh hóc xương cá, tốt nhất bạn nên ăn chậm, nhai kỹ trong mỗi bữa ăn. Nếu không may mắc phải tình trạng này, bệnh nhân cần bình tĩnh xử lý theo 16 gợi ý đơn giản được đề cập trong bài viết. Tuy nhiên, những cách khắc phục trên chỉ phù hợp với trường hợp hóc xương mềm, nhỏ. Vì vậy, nếu bị hóc xương lớn, cứng và sắc nhọn, bạn cần chủ động đi khám bác sĩ để được hỗ trợ toàn diện.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!