Top 19 món ăn lợi sữa mà không béo cho mẹ sau sinh
Nội Dung Bài Viết
Có nhiều cách giúp sữa mẹ về dồi dào, bé ti no nê mà không lo ít sữa, mất sữa, thiếu sữa, không đủ cho bé bú như sử dụng các sản phẩm lợi sữa, trà lợi sữa hay chế biến các món ăn ngon, đầy đủ dưỡng chất để cung cấp cho con yêu. Dưới đây là một số món ăn lợi sữa mà không béo cho mẹ vừa đáp ứng được nhu cầu dưỡng chất của bé, vừa không khiến mẹ lên cân quá mức, không ảnh hưởng đến vóc dáng.
Top 19 món ăn lợi sữa mà không béo
Những món ăn lợi sữa mà không béo là ưu tiên hàng đầu được các mẹ lựa chọn nhằm đảm bảo sữa về nhiều lại chứa nhiều dưỡng chất, giúp bé phát triển toàn diện. Nếu mẹ chẳng may thiếu sữa hoặc đang lo lắng không đủ sữa cho bé bú thì có thể tham khảo danh sách các món ăn lợi sữa sau đây:
1. Món ăn từ lá đinh lăng
Lá đinh lăng không chỉ có tác dụng bồi bổ sức khỏe, thanh nhiệt, giải độc, hồi phục sức khỏe cho sản phụ sau sinh mà còn giúp chống tắc tia sữa, lợi sữa rất tốt. Mẹ có thể dùng lá đinh lăng để nấu nước uống kết hợp với các món ăn từ dược liệu này để giúp lợi sữa. Cụ thể:
Lá đinh lăng luộc
- Dùng 200g lá đinh lăng tươi, rửa sạch
- Luộc với nước, chấm nước mắm để ăn với cơm hoặc ăn như một món ăn vặt có thể giúp kích thích sữa về nhiều và ngăn ngừa tắc tia sữa.
Cháo lá đinh lăng giò heo
- Lấy 150g lá đinh lăng rửa sạch, cho vào nồi nấu với một lượng nước vừa phải, sau 15 phút thì chắt lấy nước bỏ bã
- Giò heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, xào sơ để khử mùi
- Gạo vo sạch, nấu với nước lá đinh lăng và giò heo thành cháo, nêm nếm gia vị vừa ăn
- Đun đến khi giò heo chín nhừ thì tắt bếp, ăn khi còn nóng.
Canh lá đinh lăng thịt xay
- Nguyên liệu: 100g lá đinh lăng, một ít thịt xay
- Lá đinh lăng rửa sạch, để ráo nước, xào sơ với ít dầu và hành tỏi cho thêm
- Cho nước vào nồi thịt, đun sôi thì cho lá đinh lăng vào, nêm nếm gia vị vừa ăn.
2. Món ăn từ rau lang
Rau lang được ví như một loại sâm nam, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, làm sạch máu, loại bỏ độc tố. Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, rau lang còn tốt hơn nhiều so với củ lang. Trong rau lang chứa hàm lượng vitamin B6 cao gấp 3 lần, riboflavin cao gấp 10 lần, vitamin C cao gấp 5 lần củ khoai lang. Rau lang còn chứa một loại protein đặc biệt, có khả năng chống oxy hóa. Và hơn hết, đây là loại thực phẩm giúp lợi sữa, tốt cho các mẹ sau sinh nhất là những mẹ ít sữa hoặc thường xuyên bị tắc tia sữa.
Các món ăn từ rau lang lợi sữa có thể kể đến như:
- Rau lang xào thịt: Lấy 250g lá khoai lang tươi non xào với 200g thịt lợn thái chỉ, nêm nếm gia vị vừa ăn, xào cho chín mềm thì tắt bếp.
- Rau lang luộc: Lấy một lượng vừa đủ ngọn rau lang tươi non, luộc chín, ăn với cơm trắng sẽ giúp lợi sữa, cải thiện tiêu hóa cho cả mẹ và bé.
Tuy nhiên, các mẹ sinh mổ nên hạn chế ăn khoai lang vì có thể khiến vết mổ thâm đen.
3. Móng giò hầm đu đủ
Món ăn lợi sữa mà hầu như mẹ nào cũng biết chính là móng giò hầm đu đủ. Món ăn này chứa nhiều dinh dưỡng gồm đạm, canxi, photpho, vitamin, chất béo… Tuy nhiên, mẹ nên vừa phải, thay đổi các món ăn giúp lợi sữa liên tục, ăn một món thường xuyên sẽ khiến mẹ dễ ngán, dễ lên cân hơn.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 2 chân giò, 1 quả đu đủ xanh, hành lá, tiêu, gia vị
- Chân giò cạo sạch, rửa sạch rồi luộc sơ lóc hết phần da cho đỡ béo
- Chặt chân giò thành khúc vừa ăn, ướp với gia vị; đu đủ nạo vỏ, cắt khúc rồi rửa với nước
- Cho chân giò vào nồi, xào sơ, sau 2 phút thì thêm nước vào đun sôi, cho đu đủ vào nấu
- Đun cho chân giò và đu đủ mềm, nêm nếm gia vị, vớt bọt rồi cho hành và rau mùi ăn.
Lưu ý: Tránh ăn móng giò thường xuyên, việc hấp thụ quá nhiều gelatin trong móng giò có thể khiến mẹ bị tắc sữa.
4. Chân dê hầm đu đủ
Thịt dê lành tính, ít bị nuôi tăng trọng, lại có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều khoáng chất như canxi, sắt, kẽm, mangan, vitamin K, vitamin E, vitamin nhóm B, các axit béo omega 3, omega 6, có tác dụng tốt với sức khỏe của mẹ và cung cấp dưỡng chất cần thiết cho bé phát triển. Chân dê hầm đu đủ là món ăn thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, mát gan tốt cho sức khỏe của mẹ mà không khiến cân nặng của mẹ tăng quá nhanh.
Cách thực hiện:
- Chân dê hơ qua lửa, cạo sạch, rửa sạch, hầm nhừ với nước, nêm nếm gia vị vừa ăn
- Đu đủ bỏ hạt bỏ vỏ, cắt miếng vừa ăn, ngâm với nước muối loãng trong 15 phút
- Khi chân dê chín mềm thì cho đu đủ vào hầm cho chín rồi thêm hành lá, rau mùi
Lưu ý: Mẹ nên ăn với một lượng vừa phải, thường xuyên đổi món để đảm bảo dinh dưỡng. Tùy vào cơ địa của mỗi người mà hiệu quả khi sử dụng món ăn này là không giống nhau, do đó, nếu đã ăn nhiều lần món ăn này nhưng vẫn không thấy nhiều sữa thì nên đổi phương pháp khác.
5. Cháo chân dê hầm ý dĩ, thông thảo
Như đã đề cập, chân dê là món ăn giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe của mẹ, giúp mẹ nhiều sữa mà không gây tăng cân. Bên cạnh món chân dê hầm đu đủ, mẹ có thể nấu cháo chân dê ý dĩ để ăn.
Cách thực hiện:
Nguyên liệu: 3 cái chân dê, ½ bát con gạo nếp, 15g thông thảo, 25g hạt sen, 25g ý dĩ, 1 củ gừng nhỏ, 2 quả chanh tươi
Sơ chế
- Chân dê thui vàng, làm sạch lông, bỏ phần móng nhọn, rửa sạch, cho vào bát với 1 thìa dầu ăn và vắt 2 quả chanh vào.
- Dùng tay bóp trộn đều, dùng túi nilon bọc miệng bát, để trong ngăn mát tủ lạnh 3 – 4 tiếng để khử mùi hôi
- Vo sạch gạo, ngâm với nước sạch khoảng 30 phút cho gạo mềm, khi nấu sẽ nhanh nhừ hơn
Cách nấu
- Rửa lại chân dê, cho vào nồi với 500ml nước và gừng đập dập luộc trong 3 – 5 phút thì đổ nước luộc đi
- Cho nước vào nồi cho ngập chân dê, bắc lên bếp, ninh trong 60 phút cho đến khi chân dê chín mềm
- Tiếp đó, cho các nguyên liệu vào nồi, ninh đến khi chín mềm, nêm nếm gia vị vừa ăn thì tắt bếp, múc cháo ra ngoài để thưởng thức.
6. Cháo cá chép – món ăn lợi sữa không béo
Một trong những món ăn lợi sữa mà mẹ không nên bỏ qua chính là cháo cá chép. Món ăn này không chỉ giúp an thai, tốt cho thai phụ mà còn là món ăn ngon, bổ dưỡng cho mẹ sau sinh. Thịt cá chép chứa nhiều canxi, sắt, acid amin, protein, protid, vitamin nhóm B… rát tốt để hồi phục sức khỏe, kích thích khả năng tiết sữa, thanh nhiệt, giải độc cơ thể.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 1 con cá chép, một ít gạo nếp, hành, rau răm
- Rau răm, hành rửa sạch, thái nhỏ; cá chép làm sạch, đánh vẩy, luộc chín với nước rồi vớt ra
- Cho gạo và một ít muối vào nồi nước luộc cá, ninh nhừ hầm cháo
- Gỡ xương cá chép lấy phần thịt, phi thơm hành khô, cho thịt cá vào xào đều, nêm nếm gia vị vừa ăn
- Múc cháo ra tô, cho thịt cá đã xào vào, thêm rau răm, hành lá, tiêu để thưởng thức.
7. Trái vả hầm xương
Trái vả vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu đờm, làm mạnh dạ dày. Loại quả này có hình dạng gần giống quả sung, khi còn non thì có một lớp vỏ màu xanh, lông mịn, bên trong quả có một lớp cơm màu trắng. Là thực phẩm lợi sữa được biết đến từ ngàn xưa và lưu truyền cho đến ngày nay.
Cách thực hiện:
- Trái vả xanh mua về gọt vỏ, cắt làm tư; xương heo chặt khúc, rửa sạch
- Ướp xương heo với gia vị vừa ăn, cho lên bếp hầm trong 30 phút
- Đến khi trái vả và xương mềm nhừ thì tắt bếp, ăn khi còn nóng.
- Sử dụng đều đặn 2 – 3 lần/tuần sẽ giúp mẹ đáp ứng đủ yêu cầu dinh dưỡng cho việc tái tạo năng lượng, cung cấp sữa cho bé.
Ngoài ra, trái vả còn có thể chế biến chung với các món ăn khác như kho cá, om lươn, kho thịt, hầm móng heo đều rất ngon miệng, giàu dinh dưỡng và có tác dụng lợi sữa.
Lưu ý: Không dùng cho các mẹ có lượng đường trong máu thấp vì ăn nhiều trái vả sẽ gây ra tình trạng giảm đường huyết. Không dùng cho người mắc các bệnh về thận, túi mật vì chứa thành phần có thể khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
8. Món ăn từ cây thì là
Thì là là cây có mùi thơm nhẹ, thường được dùng để khử mùi tanh của cá, hải sản, ngoài việc dùng lá làm thức ăn thì hạt của loại cây này còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Thì là không chỉ có tác dụng tốt với sức khỏe, giúp kích thích kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng mà còn là thực phẩm lợi sữa đặc biệt tốt cho chị em sau sinh.
Mẹ có thể dùng rau thì là luộc lên chấm mắm để ăn với cơm hoặc nấu canh cà chua trứng thì là. Loại rau thơm này là gia vị, ăn cùng các thực phẩm khác thì thơm ngon, nhưng với những người không quen ăn, nếu sử nhiều sẽ rất khó ăn. Do đó, mẹ có thể nấu canh thì là với trứng và cà chua như sau:
- Nguyên liệu: Trứng, cà chua, hành tươi, rau thì là, gia vị
- Hành tươi rửa sạch, thái miếng nhỏ; cà chua thái miếng vừa ăn; rau thì là cắt dài, rửa sạch
- Xào sơ cà chua với dầu và gia vị, đổ nước vào đun sôi, sau đó bỏ hành, rau thì là và đập trứng vào
- Đun sôi, tắt bếp, thưởng thức khi còn nóng sẽ giúp mẹ cảm thấy ngon miệng hơn.
9. Đậu phộng hầm bí đỏ
Bí đỏ là thực phẩm thơm ngon, chứa các thành phần dinh dưỡng như tinh bột, protein, vitamin B, vitamin C, vitamin K, vitamin T, canxi, photpho và đặc biệt còn chứa các axit béo quý như linoleic, L-tryptophan (là chất giúp tăng cảm giác hạnh phúc). Bí đỏ giúp bổ sắt, ngừa thiếu máu, tránh mệt mỏi, căng thẳng, giảm trầm cảm sau sinh và còn giúp mẹ mau có được nguồn sữa dồi dào cho bé.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 1 quả bí đỏ, 100g đậu phộng
- Bí đỏ gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch, cắt khúc dày khoảng 3cm; đậu phộng rửa sạch, ngâm trong 30 phút
- Cho đậu phộng hầm với một tô nước, đến khi chín mềm thì cho bí đỏ vào hầm chung
- Khi bí chín, thêm vào nửa muỗng nước mắm và gia vị, rắc ít hành ngò rồi tắt bếp
- Thưởng thức khi còn nóng để ngon hơn.
10. Giá xào tôm – món ăn lợi sữa mà không sợ béo
Giá cũng là một thực phẩm lợi sữa giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe của sản phụ. Theo kinh nghiệm Đông y, món ăn này có thể dùng trước ngày và sau khi sinh nở sẽ rất có lợi cho việc tăng tiết sữa.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 200g giá đỗ, 100g tôm
- Tôm bóc vỏ, bỏ đường chỉ trên lưng, rửa sạch, ướp với nước mắm, hạt nêm, hành tím băm nhuyễn trong 15 phút
- Phi thơm hành khô với dầu, cho tôm đã ướp vào xào, khi tôm chín thì múc ra chén
- Giá đỗ rửa sạch, để ráo nước, cho vào xào nhanh rồi bỏ tôm vào trộn đều
- Tắt bếp, thêm chút hành ngò, thưởng thức khi còn nóng.
11. Quả sung nấu chân giò heo
Cây sung thuộc họ dâu tằm, ở nước ta,có nhiều loại sung nhưng sung xanh, sung nòi, sung vè… Theo Đông y, quả sung vị ngọt hơi chát, tính bình có tác dụng kiện tỳ, thanh tràng tức tăng cường tiêu hóa, làm sạch ruột, tiêu thũng, giải độc… Thường được sử dụng để chữa viêm ruột, viêm khớp, mụn nhọt và đặc biệt, do có tác dụng bồi bổ tỳ vị nên thực phẩm này phát huy công dụng rất tốt trong việc thông sữa, tăng tiết sữa ở các mẹ sau sinh.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 10 quả sung, 200g chân giò heo
- Sung bỏ cuống, rửa sạch, bổ đôi; giò heo rửa sạch, ướp gia vị
- Cho giò heo vào nồi, hầm với 1 lít nước, khi sôi thì vớt bọt, tiếp tục hầm cho mềm
- Khi giò heo đã mềm, cho quả sung vào, hầm cho sung mềm rồi tắt bếp
- Nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm hành ngò và thưởng thức khi còn nóng.
12. Canh rau đay
Theo y học cổ truyền, rau đay vị ngọt, tính hàn, có tác dụng kháng viêm, giải nhiệt, nhuận tràng, lợi tiêu hóa, an thai, lợi sữa… Trên lý thuyết, rau đay chứa 92% là nước, có thể làm tăng thể tích sữa, đồng thời còn chứa nhiều nhầy nên giúp sữa mẹ về nhiều hơn. Trên thực tế, ở tuần thứ 3, 4 sau sinh nếu ăn rau đay liên tục thì lượng sữa tiết ra nhiều hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, theo phân tích, người ta nhận thấy rằng, ở các mẹ ăn rau đay, hàm lượng chất béo trong sữa mẹ cao hơn nhiều so với những mẹ không ăn.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: Rau đay, tôm
- Tôm bóc vỏ, bỏ đường chỉ trên lưng, rửa sạch, sau đó quết nhuyễn và ướp nước mắm, bột nêm, hành tím băm nhuyễn trong 5 phút
- Đun sôi 1 lít nước, nấu tôm trong 5 phút rồi cho rau đay đã được rửa sạch, thái nhỏ vào
- Nấu thêm 2 – 3 phút, nêm nếm lại gia vị sao cho vừa ăn, thưởng thức khi còn nóng.
13. Món ăn lợi sữa không béo từ mít non
Mít mùi thơm, vị ngọt, có tác dụng ích khí, giải khát, giải rượu, khỏi phiền, bổ tỳ, làm đẹp da. Không chỉ có tác dụng tiêu sưng, giải độc, chữa phong tê thấp, các món ăn từ quả mít non còn có tác dụng rất tốt trong việc chữa tắc tia sữa, giúp cải thiện tình trạng thiếu sữa ở các mẹ sau sinh.
Các món ăn lợi sữa từ quả mít có thể kể đến như:
Canh mít non thịt lợn
- Nguyên liệu: 1 quả mít non 50g, 200g thịt nạc băm nhỏ, 100g gạo nếp, 100 hạt sen
- Làm sạch nguyên liệu, cho vào nồi nấu nhừ với nước (trừ thịt lợn nạc)
- Thịt lợn băm nhỏ, cho vào nồi quấy đều, đun đến khi sôi lại thì nêm nếm gia vị vừa ăn
- Thưởng thức khi còn nóng, ngày 2 – 3 lần, liên tục trong vài ngày.
Mít non hầm giò lợn
- Nguyên liệu: 1 cái móng giò lợn, 100g bì lợn, 1 trái mít non 50g, 1 quả đu đủ non 50g, 100g ngô non, 100g gạo nếp
- Làm sạch móng giò, bì lợn, cho vào nồi ninh nhừ với nước .tiếp đó cho các nguyên liệu khác vào nấu cho nhừ
- Nêm nếm gia vị vừa ăn, sử dụng 2 – 3 lần/ngày.
Mít non xào thịt
- Nguyên liệu: 200g mít non bỏ vỏ, 100g thịt nạc
- Mít non rửa sạch, thái nhỏ; thịt nạc rửa sạch
- Xào thịt tới khi chín thì cho mít vào, nêm nếm gia vị vừa ăn
- Thưởng thức khi còn nóng, dùng với cơm trong vài ngày.
14. Canh mướp lợi sữa mà không béo
Theo Đông y, mướp vị ngọt, tính bình, mùi thơm nhẹ, có tác dụng giải nhiệt, giải độc rất tốt. Một quả mướp nhỏ có thể mang đến cho mẹ nhiều dưỡng chất như vitamin B, vitamin C, sắt, xenluloza, lipid, glucid, betacaroten… Quả mướp có thể giúp tăng cường sự tuần hoàn, kích thích sự tiết sữa ở các mẹ đang nuôi con nhỏ… Ngoài ra, xơ mướp còn có tác dụng chữa đau nhức xương khớp, viêm tuyến sữa, sữa chảy không thông.
Mẹ có thể làm nước mướp uống lợi sữa bằng cách lấy một quả mướp đun sôi với một lít nước, thêm ít muối, uống đến khi sữa về. Mẹ cũng có thể dùng mướp nấu canh với ít thịt nạc hoặc nấu canh cùng móng giò cho lợi sữa. Tuy nhiên, nếu sợ béo thì mẹ chỉ cần dùng canh mướp là sẽ giúp sữa về nhanh mà không sợ tăng cân.
Cách nấu canh mướp chân giò heo:
- Nguyên liệu: 200g chân giò heo, 200g mướp
- Mướp gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành khúc; chân giò heo rửa sạch, chặt khúc, ướp gia vị
- Cho chân giò vào nồi hầm nhừ, khi sôi thì vớt bọt, đun đến khi mềm thì cho mướp vào
- Nếm nếm gia vị vừa ăn, nấu khoảng 2 – 3 phút rồi tắt bếp, rắc hành ngò cho thơm.
15. Thịt bò hầm cà chua
Thịt bò hầm cà chua là món ăn cung cấp đạm, vitamin B12, vitamin C giúp cơ thể mẹ nhanh chóng phục hồi, cải thiện hệ miễn dịch, bổ máu, bồi bổ sức khỏe, làm tăng tiết sữa. Món ăn này cũng rất tốt trong việc cung cấp dưỡng chất để bé phát triển tốt hơn trong những tháng đầu đời.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 200g thịt bò tươi, 2 quả cà chua, hành tây, gia vị
- Thịt bò rửa sạch, thái lát; cà chua rửa sạch, bổ cau
- Xào cà chua, hành tây, thịt bò rồi thêm ít nước, đun ở lửa vừa
- Khi thịt gần chín thì nêm nếm gia vị vừa ăn, tắt bếp.
- Thưởng thức khi còn nóng sẽ ngon miệng hơn.
16. Canh rong biển đậu hũ
Rong biển là thực phẩm giàu dưỡng chất, có tác dụng tăng cường lưu thông máu, tốt cho hệ bài tiết, hệ tuần hoàn, hỗ trợ tăng tiết sữa, giải độc cơ thể. Là thực phẩm được khuyến khích sử dụng trong giai đoạn mang thai và cho con bú. Mẹ có thể dùng rong biển chế biến các món ăn như cơm cuộn rong biển, salad rong biển, đậu phụ nhồi thịt rong biển hay canh rong biển đậu hũ… Sau đây là cách làm món canh rong biển đậu hũ lợi sữa mà mẹ có thể tham khảo.
- Nguyên liệu: 30g rong biển khô dạng sợi, 100g đậu phụ non, 100g nấm kim châm, gừng tươi, cà rốt, nước tương, xì dầu
- Rong biển ngâm trong nước lạnh 30 phút cho nở, rửa sạch, thái nhỏ; đậu hũ xắt miếng vừa ăn; cà rốt rửa sạch, bỏ vỏ, thái miếng mỏng; gừng tươi thái sợi; nấm rửa sạch
- Đun sôi nước, cho rong biển vào khuấy đều, đun sôi lại, sau 5 phút thì thêm nấm, cà rốt, đậu hũ, gừng vào đun
- Nêm nếm gia vị vừa ăn, đến khi sôi lại thì tắt bếp, ăn khi còn nóng.
17. Cháo đậu xanh thịt lợn nạc
Cháo đậu xanh thịt lợn vừa có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cung cấp đạm, protein, tốt cho quá trình tạo sữa, cung cấp dưỡng chất cho bé phát triển qua sữa mẹ. Đậu xanh giúp bổ sung phytoestrogen, có thể giúp tăng cường sự phát triển của tuyến vú từ đó giúp kích thích tiết sữa.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 100g gạo nếp, 30g gạo tẻ, 50g đậu xanh, 200g sườn non hoặc xương ống, 100g thịt lợn nạc, hành lá, giá đỗ, tía tô, hành khô
- Gạo tẻ, gạo nếp trộn đều, cho vào rổ, để ráo nước, ngâm gạo trong 30 phút cho nở; đậu xanh ngâm trong 1 tiếng rồi đãi sạch, để ráo nước; thịt heo rửa sạch, băm nhuyễn, ướp với mắm, hạt nêm
- Xương rửa sạch, luộc sơ, rửa lại lần nữa rồi chặt khúc vừa ăn, xào sơ với dầu; lá tía tô, hành lá rửa sạch băm nhỏ
- Cho sườn hoặc xương vào nồi đun sôi, sau khi sôi thì cho đậu xanh, gạo vào đun ở lửa nhỏ
- Sau khi cháo chín, xào thịt băm với hành khô và dầu cho săn lại, thêm ít tiêu rồi tắt bếp
- Nêm nếm cháo, múc ra tô, cho thịt, hành lá, tía tô lên trên rồi thưởng thức.
18. Thịt dê hầm đương quy món ăn lợi sữa ít béo cho mẹ
Thịt dê giàu đạm, ít chất béo, là món ăn cung cấp sắt và dưỡng chất giúp cơ thể mẹ nhanh chóng phục hồi. Không chỉ vậy, đây còn là món ăn tăng tiết sữa, kích thích sản sinh sữa nổi tiếng mà mẹ nên thêm vào thực đơn của mình.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 200g thịt dê, 100g đương quy, 5 lát gừng tươi, 3 nhánh hoa hành
- Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi, thêm nước, ninh ở lửa nhỏ
- Đun cho đến khi thịt dê chín nhừ thì nêm nếm gia vị vừa ăn
- Sử dụng 4 – 5 lần/ngày, kết hợp uống nước hầm và các thực phẩm khác để tăng sữa.
19. Các món ăn lợi sữa không béo khác
Bên cạnh các món ăn đã kể trên, mẹ có thể tham khảo thêm các món ăn lợi sữa không béo để làm phong phú thực đơn của mình như sau:
- Canh đu đủ nấu sườn non
- Rau má nấu canh thịt bò, thịt nạc thăn
- Cháo yến mạch
- Cháo chân giò heo thông thảo
- Các món ăn từ hải sản
- Chuối sứ hấp
Một số lưu ý khi sử dụng các món ăn lợi sữa cho mẹ
Có thể thấy, có rất nhiều món ăn lợi sữa giúp sữa về nhiều nhưng không khiến mẹ lên cân nhanh, tuy nhiên, khi sử dụng mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên đa dạng các thực phẩm, không nên chỉ dùng một loại thực phẩm nhất định mà phải bổ sung một cách đầy đủ và hợp lý
- Các món ăn lợi sữa khác mà mẹ có thể thêm vào thực đơn mình như gà hầm thuốc bắc, canh cá chép đậu đỏ, xôi đậu, bánh chưng, cơm nếp, bồ câu hầm…
- Bên cạnh việc sử dụng các món ăn lợi sữa không béo, mẹ nên ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, uống thêm sữa nóng, hạn chế căng thẳng mệt mỏi. Mẹ nên thư giãn tinh thần, tranh thủ nghỉ ngơi, nhờ người thân chăm con hộ nếu quá mệt mỏi để tránh tình trạng sữa ngày một ít đi.
- Mẹ có thể áp dụng biện pháp kích sữa kết hợp với cho con bú, kích sữa theo cữ cũng là cách giúp sữa mẹ về nhiều để tha hồ nuôi con bằng sữa mẹ.
- Tránh các thực phẩm dễ gây mất sữa như lá lốt, mướp đắng, măng, dưa cà muối xổi, bạc hà, các thực phẩm chứa cafein…
Tóm lại, có rất nhiều món ăn lợi sữa không béo cho mẹ sau sinh giúp sữa mẹ sớm về, về nhiều lại đầy đủ dưỡng chất cho bé bú. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa của mỗi người mà hiệu quả các món ăn này mang lại là không giống nhau, do đó, tốt nhất là mẹ nên đa dạng thực phẩm, giữ cho tâm trạng thoải mái nhất để tránh ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!