Nên uống sữa bầu hay sữa tươi khi mang thai tốt hơn?
Nội Dung Bài Viết
Với giá trị dinh dưỡng cao, sữa là nguồn dưỡng chất lý tưởng dành cho bà bầu. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và sự phát triển toàn diện của thai nhi, phụ nữ mang thai cần dùng sữa đúng cách và thông minh. Tuy nhiên, nên uống sữa bầu hay sữa tươi là câu hỏi khiến nhiều chị em băn khoăn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp lời giải đáp cụ thể, giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Nhu cầu canxi của mẹ bầu trong thời gian mang thai vào khoảng 1.000 – 1.300mg/ngày. Việc thai phụ bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu trong giai đoạn này có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ ở những năm tháng đầu đời. Một số lợi ích sức khỏe tuyệt vời từ việc uống sữa trong suốt thai kỳ mà bạn không thể bỏ qua bao gồm:
- Em bé của những bà mẹ uống sữa nhiều thường nặng cân, tăng trưởng nhanh và thông minh hơn so với những em bé khác.
- Khi trưởng thành, bé sẽ có lượng insulin trong máu cao hơn, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Hàm lượng vitamin D dồi dào trong sữa có tác dụng ngăn ngừa loãng xương, còi xương ở trẻ sơ sinh.
- Vì có đặc tính kháng axit nên thức uống này giúp người mẹ hạn chế tình trạng ợ nóng cùng các vấn đề về dạ dày khác trong suốt thai kỳ. Ngoài ra, sữa còn giúp bạn giữ ấm cơ thể và bù đắp lượng nước đã mất.
- Đặc biệt, thói quen uống sữa khi mang thai cũng góp phần phòng tránh chứng xơ cứng đa nang ở phụ nữ mang thai.
Giải đáp: Chị em nên uống sữa bầu hay sữa tươi?
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, trên thực tế, không có loại sữa nào thực sự vượt trội hơn loại sữa nào. Việc uống sữa tươi hay sữa bầu tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người bởi một số chị em rất sợ sữa bầu, chỉ cần ngửi mùi là họ đã cảm thấy khó chịu, buồn nôn.
Trong khi đó, một số thai phụ khác lại dị ứng với sữa tươi, khi uống loại sữa này thì họ sẽ bị tiêu chảy. Nếu đã bổ sung đầy đủ dưỡng chất thông qua chế độ ăn uống phong phú, lành mạnh thì phụ nữ mang thai không cần dùng thêm sữa bầu.
Tuy nhiên, vì sữa bầu được sản xuất dành riêng cho thai phụ nên thức uống này có thể cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu như: vitamin B12, sắt, axit folic… Sữa tươi có thể không chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất này. Do đó, những người lựa chọn uống sữa tươi cần tăng cường bổ sung những vi chất dinh dưỡng trên từ các nguồn khác, thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung.
Ngoài ra, chị em cần thường xuyên thăm khám bác sĩ để được chăm sóc chu đáo và tư vấn kịp thời các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, lối sống trong suốt thai kỳ.
Sữa tươi không đường dành cho mẹ bầu
Sữa tươi không đường thực chất là sữa bò, dê, cừu sau khi đã trải qua quá trình xử lý nghiêm ngặt (chủ yếu là pha loãng và tiệt trùng bằng tia cực tím hoặc nấu sôi), được đóng bịch, chai, hộp… Đây là loại thực phẩm chứa thành phần dưỡng chất đa dạng, phong phú từ thiên nhiên, rất tốt cho mẹ và bé. Khi được sử dụng thường xuyên như một thức uống hàng ngày, sữa tươi có thể đảm bảo cung cấp dưỡng chất dồi dào cho mẹ bầu và em bé trong suốt quá trình mang thai. Hai loại sữa tươi phổ biến nhất là:
- Sữa bò giàu axit amin, vitamin A, D, E, giúp hình thành các tế bào của thai nhi, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật. Đặc biệt, hàm lượng canxi trong sữa bò vào khoảng 285mg/ly.
- Sữa dê chứa nhiều protein, vitamin A, B2 và MCTs (chất béo lành mạnh) hơn sữa bò, có thể dễ dàng được cơ thể hấp thụ trực tiếp. Bên cạnh đó, hàm lượng canxi trong sữa dê cao tương đương sữa bò, vào khoảng 283mg/ly.
Hiện nay, trên thị trường có hai loại sữa tươi chính là sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng:
Sữa tươi thanh trùng
Sữa tươi thanh trùng được đun nóng đến một nhiệt độ nhất định rồi làm lạnh ở 3 – 5 độ C. Tuy sự thanh trùng có tác dụng ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn có trong sữa nhưng các làm này không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn. Vì vậy, loại sữa này có thể dẫn đến một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé.
Thêm vào đó, sữa tươi thanh trùng cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và chỉ dùng được trong vòng 2 – 3 ngày, sau đó lên men và hư hỏng. Do đó, chị em nên tránh sử dụng sữa tươi thanh trùng cũng như các sản phẩm từ loại sữa này.
Sữa tươi tiệt trùng
Sữa tươi tiệt trùng là loại sữa đã được xử lý cực nhanh bằng công nghệ tiệt khuẩn. Loại sữa này có thể dự trữ 6 – 12 tháng ở nhiệt độ thường (nếu chưa mở hộp) và hoàn toàn không cần bảo quản trong tủ lạnh. Sữa tiệt trùng rất tốt cho sức khỏe của bà bầu, đặc biệt là các trường hợp chị em đã quá ngán uống sữa bầu. Một ly sữa tươi tiệt trùng đã được hâm nóng vào mỗi bữa tối sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ dùng sữa tươi tiệt trùng, mẹ bầu sẽ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng thai kỳ. Vì vậy, bên cạnh việc uống sữa, hãy tăng cường thịt cá, trái cây, rau xanh vào thực đơn ăn uống hàng ngày. Đồng thời, bà bầu cần lựa chọn loại sữa tiệt trùng đến từ các thương hiệu uy tín nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn từ những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, chưa qua xử lý.
Thành phần của sữa tươi không đường
Sữa tươi không đường chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu như:
- Protein: Hàm lượng calo và protein (chủ yếu là đạm whey) trong sữa tươi không đường tương đối cao. Đây đều là những dưỡng chất mang giá trị sinh học cao, có khả năng tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.
- Chất béo: Những chất béo lành mạnh trong sữa tươi không đường góp phần hình thành các mô mới trong tế bào, hỗ trợ ổn định tim mạch và rất tốt cho sự phát triển não bộ của bé.
- Carbohydrate: Sữa tươi không đường chứa một lượng đường nhất định, tồn tại dưới dạng carbohydrate, đó là đường lactose. Loại đường này có khả năng hấp thụ canxi và phốt pho, tham gia vào quá trình tổng hợp vitamin B ở ruột non, đồng thời thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Vitamin: Sữa tươi không đường có thành phần dưỡng chất vô cùng phong phú, đặc biệt là các loại vitamin (vitamin A, B, B2, B12), có tác dụng phát triển thị lực, hỗ trợ não bộ phát triển toàn diện, kích thích vị giác, củng cố hệ tiêu hóa, giúp mẹ bầu ăn khỏe, ngủ ngon.
- Khoáng chất: Thành phần sắt, canxi, magie, phốt pho… vô cùng phong phú trong sữa tươi không đường có thể tăng cường sự chắc khỏe, dẻo dai của hệ thống xương khớp.
- Nước: Nước chiếm 85 – 90% khối lượng của sữa tươi không đường, giúp trung hòa các thành phần dưỡng chất của loại thức uống này. Tuy nhiên, lượng nước của sữa tươi có thể dễ dàng bị bay hơi dưới tác động trực tiếp của nhiệt độ.
Công dụng của sữa tươi không đường đối với bà bầu
Đối với sức khỏe của thai phụ, sữa tươi không đường có 3 lợi ích quan trọng sau:
- Cung cấp canxi cho cơ thể: Uống sữa là phương pháp bổ sung canxi an toàn và hiệu quả nhất. Hàm lượng canxi dồi dào trong sữa tươi có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của quá trình phục hồi – tái tạo năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể, đồng thời củng cố sự dẻo dai, linh hoạt của hệ thống cơ xương.
- Hỗ trợ phát triển chiều cao của trẻ: Nếu thai phụ uống nhiều sữa tươi trong quá trình mang thai thì sau khi sinh ra, bé sẽ tăng trưởng nhanh chóng và toàn diện về mặt thể chất, đặc biệt là chiều cao. Một ly sữa vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ sẽ cung cấp cho thai nhi khoảng 300mg canxi. Vì vậy, nếu có thể, chị em nên cố gắng duy trì thói quen lành mạnh này.
- Giúp người mẹ ngủ ngon hơn: Sữa tươi chứa nhiều tryptophan. Đây là axit amin quan trọng, có khả năng sản xuất các chất kích thích giấc ngủ như melatonin và serotonin. Nhờ đó, nếu dùng 1 ly sữa tươi nóng 2 tiếng trước khi ngủ, phụ nữ mang thai sẽ dễ ngủ và ngủ sâu hơn.
Cách dùng sữa tươi dành cho mẹ bầu
Tùy theo nhu cầu cá nhân, bà bầu có thể dùng khoảng 400 – 600ml sữa tươi một ngày. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng sữa tươi hàng ngày trong suốt thai kỳ, chị em sẽ dễ bị ngán, sợ sữa. Thay vào đó, chị em có thể uống kết hợp hoặc luân phiên thay thế một số loại sữa khác (sữa gạo, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa yến mạch).
Bên cạnh đó, bạn không nên dùng một lúc 400 – 600ml sữa tươi mà hãy chia nhỏ thành 2 – 3 lần uống để cơ thể dễ dàng hấp thụ. Ngoài ra, nhằm hạn chế cảm giác ngán khi uống, thai phụ có thể sử dụng sữa tươi thuộc nhiều thương hiệu, chủng loại và hương vị khác nhau.
Nhìn chung, sữa tươi có ưu điểm là tiện lợi (không cần pha chế, dễ sử dụng), giá thành rẻ (dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng hoặc siêu thị), dễ hấp thụ, tốt cho hệ tiêu hóa và ít gây nóng trong người. Tuy nhiên, loại sữa này có hạn sử dụng ngắn, chứa chất bảo quản và cần được cất trữ tại nơi khô thoáng (tốt nhất là ngăn mát tủ lạnh).
Sữa bầu dành cho phụ nữ mang thai
Sữa bầu là dòng sữa bột được sản xuất và đóng gói theo công nghệ hiện đại, đến từ các thương hiệu lớn. Loại sữa này có thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho mẹ và bé, bao gồm: DHA, sắt, kẽm, canxi, protein, vitamin, các loại axit béo…
Sữa bầu rất đa dạng về hương vị và chủng loại, có công thức chuyên biệt gắn với các mốc thời gian cụ thể của thai kỳ như: sữa dành cho bà bầu 3 tháng, 6 tháng và 3 tháng cuối. Người mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn được loại sữa bầu phù hợp nhất.
Thành phần của sữa bầu
Về cơ bản, thành phần dinh dưỡng của đa số sản phẩm sữa bầu trên thị trường hiện này tương đối giống nhau, đáp ứng nhu cầu dưỡng chất đa dạng và thiết yếu như:
- Protein có tác dụng hình thành hệ cơ xương của thai nhi và thúc đẩy sự sản xuất máu trong cơ thể người mẹ.
- Omega-3, omega-6 hỗ trợ sự hình thành và phát triển hệ thần kinh của bé.
- DHA giúp tăng cường thị lực, trí thông minh và hệ tim mạch của trẻ.
- Axit folic có thể ngăn ngừa dị tật ống thần kinh trong vòng 28 ngày đầu tiên khi thai vừa hình thành.
- Kẽm đảm bảo sự tăng trưởng cân bằng và hợp lý về chiều cao, cân nặng cũng như kích thước vòng đầu của bé, đồng thời làm giảm cảm giác mệt mỏi ở người mẹ.
- Sắt tham gia vào quá trình tạo máu, vận chuyển máu đi khắp cơ thể của bà bầu và em bé, từ đó phòng ngừa tình trạng thiếu máu (do thiếu sắt).
- Canxi đẩy mạnh phát triển hệ thống răng nướu, xương khớp của trẻ và giảm thiểu nguy cơ đau lưng, loãng xương, chuột rút thai kỳ ở thai phụ.
- I-ốt hỗ trợ phát triển và hoàn thiện bộ não của thai nhi.
Công dụng của sữa bầu đối với mẹ và bé
Với hàng loạt dưỡng chất cần thiết trên, sữa bầu có tác dụng nâng đỡ, tăng cường hệ thống cơ xương, bảo vệ tim mạch, đảm bảo thai nhi phát triển an toàn, khỏe mạnh. Bên cạnh đó, loại sữa này còn tham gia đào thải độc tố, giảm thiểu lượng cholesterol trong máu và duy trì huyết áp ở mức ổn định, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc một số bệnh lý nguy hiểm cho người mẹ như: tai biến mạch máu não, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đồng thời tạo giấc ngủ ngon và đẩy lùi quá trình lão hóa.
Cách dùng sữa bầu dành cho thai phụ
Nếu có cân nặng vừa phải và thai nhi đang phát triển bình thường thì chị em chỉ nên uống trung bình 250 – 500ml sữa bầu/ngày. Việc uống quá nhiều sữa bầu có thể khiến trẻ sơ sinh bị thừa cân, dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng như bé bị suy hô hấp, suy tim, hạ thân nhiệt.
Bà bầu có thể dùng loại sữa này vào mọi thời điểm, miễn không dùng trước bữa ăn (tránh cảm giác chán ăn) và trước giờ đi ngủ (hạn chế đầy bụng khó ngủ). Nếu đang đói, bạn cần ăn nhẹ lót dạ trước khi uống sữa bầu. Thêm vào đó, phụ nữ mang thai nên pha sữa bầu đúng theo hướng dẫn sử dụng nhằm đề phòng tình trạng tiêu chảy. Ngoài ra, mẹ bầu không nên pha sữa quá loãng hay quá đặc, nước pha sữa không được quá nguội hoặc quá nóng.
Ngoài ra, để tránh cảm giác ngán uống sữa, bạn có thể chủ động lựa chọn hương vị yêu thích và luân phiên thay đổi, không cần ép buộc bản thân trung thành với một loại sữa nhất định. Thay vì dùng hết một lần, chị em có thể chia ra thành 2 – 3 lần uống, đồng thời dùng sữa kèm ngũ cốc, bánh quy hoặc trái cây khô.
Như vậy, sữa bầu có nhiều ưu điểm như: tiện lợi (dễ pha chế, dễ tìm mua tại các cửa hàng hoặc siêu thị), cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu và có hương vị phong phú, hấp dẫn (cam, dâu, vani, sô cô la…). Tuy nhiên, nhược điểm của loại sữa này là: giá cao, dễ gây tăng cân, nóng trong, táo bón, ngán uống, chứa chất bảo quản và phải được pha chế theo đúng công thức.
4 loại sữa tốt cho bà bầu ngoài sữa bầu và sữa tươi
Đối với trường hợp không thể dung nạp sữa tươi hoặc sữa bầu, chị em có thể chủ động thay thế bằng một trong năm loại sữa thơm ngon, bổ dưỡng dưới đây:
Sữa đậu nành
Sữa đậu nành chứa hàm lượng protein, vitamin A, B12, D tương đương sữa bò. Đây là sự lựa chọn lý tưởng dành cho các bà bầu dị ứng với lactose của sữa bò. Hàm lượng canxi cao trong sữa đậu nành giúp đẩy lùi bệnh loãng xương ở phụ nữ mang thai cũng như hạn chế nguy cơ thai nhi nhẹ cân hoặc sinh non.
Bên cạnh đó, chất xơ trong loại sữa này có thể giúp mẹ bầu kiểm soát tốt lượng đường trong máu, đồng thời ngăn ngừa căn bệnh táo bón. Ngoài ra, lượng chất béo thấp trong sữa đậu nành còn giúp người mẹ phòng tránh các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng tối đa 500ml sữa đậu nành mỗi ngày để tránh đầy bụng, khó tiêu.
Sữa gạo
Được làm từ nước và gạo, sữa gạo chứa nhiều vitamin nhóm B, canxi, chất chống oxy hóa và ít chất béo. Một ly sữa gạo có thể cung cấp khoảng 20mg canxi. Do đó, loại sữa này rất tốt cho các thai phụ bị thừa cân. Tuy nhiên, vì hàm lượng carbohydrate của sữa gạo cao gấp 4 lần sữa bò nên sữa gạo không tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Sữa hạnh nhân
Sữa hạnh nhân là thức uống giàu vitamin E, protein, sắt, chất xơ, axit folic và không chứa chất béo. Vì vậy, đây là loại sữa vô cùng thích hợp với những người ăn chay hoặc bị dị ứng với sữa đậu nành và sữa bò. Hàm lượng chất chống oxy hóa cao và calo thấp của sữa hạnh nhân giúp nâng cao sức đề kháng của mẹ và bé. Một ly sữa hạnh nhân có thể bổ sung 7,5mg canxi.
Sữa yến mạch
Thành phần dinh dưỡng của sữa yến mạch rất phong phú, bao gồm: kali, phốt pho, canxi, mangan… Hàm lượng protein của thức uống này cao hơn sữa hạnh nhân. Với nguồn chất xơ dồi dào, sữa yến mạch có khả năng ngăn ngừa tình trạng táo bón ở phụ nữ mang thai. Thêm vào đó, thức uống này còn góp phần kiểm soát cơn thèm ăn, thúc đẩy quá trình vận chuyển oxy đi khắp cơ thể và ổn định lượng đường trong máu.
Một số lưu ý khi uống sữa dành cho bà bầu
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo những mẹ bầu ăn uống kém rất cần uống thêm sữa tươi hoặc sữa bầu. Tuy nhiên, đối với những người ăn uống bình thường thì điều này không cần thiết. Bạn hoàn toàn có thể bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu trong suốt thai kỳ thông qua việc tăng cường trái cây, thịt cá, ngũ cốc, dầu thực vật, sữa và các chế phẩm từ sữa (váng sữa, phô mai, sữa chua…) và rau màu xanh đậm (bắp cải, cải bó xôi, bông cải xanh…).
Để tìm ra loại sữa phù hợp nhất với sở thích bản thân và sự phát triển của thai nhi, chị em cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Lựa chọn hương vị yêu thích nhằm kích thích vị giác, tăng cường khả năng dung nạp cũng như hạn chế cảm giác sợ sữa.
- Xem kỹ hạn sử dụng trước khi mua. Mẹ bầu tuyệt đối không dùng sữa hết hạn hay sắp hết hạn vì lúc này, các dưỡng chất có thể bị biến chất hoặc sữa đã bị vi khuẩn xâm nhập.
- Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và thành phần dinh dưỡng của sữa trước khi sử dụng, cần hết sức cảnh giác với những sản phẩm đạo nhái, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
- Các mẹ bầu thừa cân nên dùng loại sữa ít đường và chất béo.
- Nếu tự chế biến sữa tại nhà, thai phụ cần sử dụng nguyên liệu hữu cơ tươi sạch và đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, khi xuất hiện một trong những triệu chứng bất thường dưới đây, bà bầu cần đi khám bác sĩ ngay để được chăm sóc và điều trị kịp thời:
- Đau bụng âm ỉ.
- Mệt mỏi, chóng mặt, bủn rủn tay chân.
- Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Đầy bụng, khó tiêu và khó chịu ở bụng dưới.
Tóm lại, câu trả lời cho thắc mắc bà bầu nên uống sữa bầu hay sữa tươi khi mang thai tùy thuộc vào trường hợp cụ thể của mỗi người. Điều quan trọng là bên cạnh việc uống sữa, chị em nên kết hợp bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Đồng thời, thai phụ cần thường xuyên đi khám bác sĩ để được chăm sóc chu đáo, tận tình trong suốt thai kỳ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!