Tìm hiểu phương pháp thôi miên chữa bệnh trầm cảm
Nội Dung Bài Viết
Thôi miên là một trong những phương pháp trị liệu tâm lý mới xuất hiện tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Phương pháp này thuộc nhóm các liệu pháp điều trị bệnh lý tâm thần nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng mà không cần phải sử dụng thuốc. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp này trong bài viết dưới đây.
Trầm cảm là một trong những căn bệnh tâm lý nguy hiểm, nó là sự kết hợp của những tổn thương về mặt tâm sinh lý với nhiều biểu hiện trạng thái cảm xúc bất thường như buồn bã, bất lực, mệt mỏi, bế tắc, đau đầu, đầu óc quay cuồng, suy nghĩ tiêu cực… Những triệu chứng này đều có mức độ nặng và kéo dài hơn so với những nỗi buồn bình thường trong cuộc sống.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, căn bệnh trầm cảm được ví như “sát thủ thầm lặng”. Không chỉ làm tổn thương tinh thần mà nó còn hình thành những tổn hại về sức khỏe, thể chất mặc dù không trực tiếp gây ra. Trầm cảm không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cực kỳ nguy hiểm, nó chiếm lĩnh tâm trí và cơ thể, gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Tìm hiểu sơ về phương pháp thôi miên
Thôi miên là gì?
Thôi miên hay là một loại liệu pháp trị liệu tâm lý dựa trên sự tập trung, thư giãn và tăng mức chú ý ở cường độ cao nhằm tiếp thu nhận thức dễ dàng hơn dưới sự hướng dẫn của một nhà thôi miên.
Liệu pháp này được thực hiện bằng cách đưa người bệnh vào trong trạng thái giống như hôn mê (trance). Sau đó, người thực hiện sẽ tác động vào tâm lý của người bệnh chủ yếu bằng lời nói gây cho người bệnh trạng thái ức chế không hoàn toàn của vỏ não, đây là trạng thái trung gian giữa ngủ và thức chính là thôi miên.
Khi đạt được trạng thái này sẽ giúp hỗ trợ kích thích thúc đẩy sự tập trung tối đa của một người và khi ở trong trạng thái này họ có thể dễ dàng tiếp nhận những ý kiến đề xuất hơn so với bình thường.
Mục đích của phương pháp thôi miên
Các nghiên cứu của chuyên gia cho rằng, thực hiện liệu pháp thôi miên nhằm mục đích giúp người bệnh dễ dàng kiểm soát trạng thái nhận thức của mình, cho phép họ khám phá những suy nghĩ ẩn sâu, cảm xúc hoặc nhớ lại những ký ức đau đớn bị chôn vùi trong tâm trí, từ đó tác động đến suy nghĩ và cải thiện tình trạng bệnh trong thực tế.
Theo các chuyên gia tâm lý, liệu pháp thôi miên được sử dụng theo 2 cách gồm liệu pháp gợi ý và liệu pháp phân tích tâm lý.
- Liệu pháp gợi ý: Trong trạng thái bị thôi miên, người bệnh có thể dễ dàng đáp ứng tốt những gợi ý, đề xuất do người hướng dẫn đưa ra. Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp thực hiện thôi miên thành công có thể dẫn đến việc thay đổi một số hành vi hay thói quen nhất định. Đồng thời, nó cũng giúp hỗ trợ thay đổi nhận thức về cảm giác, đặc biệt hiệu quả đối với việc làm giảm cảm giác đau đớn, quên đi những suy nghĩ âu lo quanh quẩn trong đầu.
- Liệu pháp phân tích: Cách thực hiện này được diễn ra dựa trên sự chia sẻ giữa người thực hiện và người bệnh một cách thoải mái. Thông qua những buổi trị liệu này giúp bác sĩ tâm lý khai thác được những yếu tố ẩn sâu mà người bệnh khó có thể nói ra trong trạng thái bình thường và rất có thể đây chính là mấu chốt khởi nguồn của bệnh trầm cảm hay rối loạn lo âu. Sau khi thực hiện thôi miên và các tổn thương tâm lý được sáng tỏ, người bệnh sẽ được tiến hành trị liệu tâm lý bằng các biện pháp thông thường.
Chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên hoạt động như thế nào?
Thông thường, một buổi trị liệu bằng thôi miên sẽ kéo dài trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Người trực tiếp thực hiện sẽ là bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia thôi miên có nhiều kinh nghiệm, am hiểu kỹ quá trình sử dụng các kỹ thuật thư giãn khác nhau để đưa người bệnh vào trạng thái thôi miên. Như đã nói, đây là trạng thái mà người bệnh vẫn còn ý thức, nhận thức nhưng tâm trí trở nên thoải mái hơn, xử lý vấn đề nhanh cũng như tiếp nhận các ý kiến tốt hơn.
Tùy vào tình trạng bệnh và hành vi mà bạn đang gặp phải và mong muốn điều trị. Trong quá trình thôi miên, người thực hiện sẽ đặt ra những câu hỏi mang tính chất nhắm vào hành vi, thói quen hay một vấn đề mà bạn đang vướng mắc, là nút thắt tâm lý của mọi vấn đề bệnh tật và thay thế chúng bằng những hành vi lành mạnh hơn.
Ví dụ thôi miên làm tăng khả năng kiểm soát cơn đau hoặc điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực thay thế bằng tư duy tích cực trong tiềm thức. Hỗ trợ lập ra hệ thống tư duy mới, nhanh chóng loại bỏ những nỗi sợ hãi, lo âu, cắt bỏ những cảm xúc tiêu cực có hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần đang gây cản trở các hoạt động trong cuộc sống…
Ưu điểm của phương pháp thôi miên
Theo các chuyên gia, liệu pháp thôi miên được xem là một trong những phương pháp y khoa trị liệu đem lại sức khỏe và tinh thần tốt hơn cho người bệnh mà không cần phải sử dụng thuốc hay các biện pháp trị liệu tâm lý. Vì vậy, phương pháp này được đánh giá đem lại hiệu quả cao, an toàn và ít gây ra tác dụng phụ.
Tuy nhiên, thôi miên chỉ được áp dụng như một liệu pháp điều trị bổ sung bên cạnh các biện pháp điều trị khác nhằm đem lại hiệu quả cao hơn, tăng cường cảm giác thư giãn, thoải mái, hạnh phúc, cải thiện tâm trạng và lạc quan hơn trong cuộc sống.
Còn để điều trị trực tiếp thì liệu pháp thôi miên này được sử dụng trong một số trường hợp như bị đau mãn tính, nghiến răng trong vô thức, hội chứng ruột kích thích, cải thiện sự tập trung, bỏ hút thuốc…
Nhược điểm của phương pháp thôi miên
Mặc dù được đánh giá là phương pháp hiệu quả, ít tác dụng phụ nhưng trên thực tế biện pháp này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, trong đó nguy hiểm nhất là nguy cơ tạo ra những ký ức sai lầm, khiến não bộ nhầm lẫn gây ra bối rối. Kèm theo đó là một số tác dụng phụ tiềm ẩn khác như dễ bộc phát sự lo lắng, hồi hộp, đau đầu, chóng mặt…
Vì vậy, trước khi quyết định thực hiện liệu pháp thôi miên người bệnh cần tham khảo trước ý kiến tư vấn của bác sĩ, không nên nhất quyết thực hiện trong trường hợp không phù hợp vì có thể làm nặng thêm các triệu chứng bệnh. Điển hình như những người mắc chứng bệnh hoang tưởng, kèm theo loạn thần tốt nhất không nên thực hiện thôi miên.
Phương pháp thôi miên chữa bệnh trầm cảm có hiệu quả không?
Trong rất nhiều các phương pháp điều trị trầm cảm, nhiều người bệnh tự hỏi rằng liệu pháp thôi miên có thực sự đem lại hiệu quả hay không? Có nên thực hiện hay không? Và câu trả lời là có.
Thôi miên được xem là một trong những biện pháp chữa bệnh trầm cảm hiệu quả thông qua việc sử dụng các kỹ thuật để xác định và giải quyết những vấn đề gốc rễ bằng cách đưa ra những đề xuất tích cực để phá vỡ các suy nghĩ tiêu cực. Ưu điểm của cách điều trị này là tác động đến tận gốc và xử lý nguyên nhân gây bệnh thay vì chỉ điều trị triệu chứng như việc sử dụng thuốc chống trầm cảm, từ đó giúp người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường.
Khi nguồn căn gốc rễ gây ra bệnh trầm cảm đã được giải quyết thì việc chữa trị, cải thiện tư duy, thay đổi lối suy nghĩ tích cực sẽ dễ dàng hơn. Trong vài trường hợp, các chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng kết hợp thôi miên song song với trị liệu tâm lý để quá trình điều trị bệnh diễn ra nhanh hơn.
Ngày càng nhiều những nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp thôi miên trong chữa bệnh trầm cảm. Cụ thể, áp dụng thôi miên chữa bệnh trầm cảm giúp đem lại một số hiệu quả như:
- Cắt đứt các điều kiện cơ bản gây ra trầm cảm như chứng mất ngủ, rối loạn lo âu…
- Thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và bi quan, góp phần ức chế sự khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh trầm cảm.
- Tăng khả năng tập trung và khả năng chịu đựng trong một số điều kiện.
- Giảm thiểu cảm giác mệt mỏi, chán nản hoặc dễ đánh mất sự tự chủ của bản thân.
- Cải thiện suy nghĩ theo hướng tích cực và nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực.
- Một số nghiên cứu khoa học cũng cho thấy thôi miên cũng góp phần không nhỏ trong việc điều trị chứng mất ngủ, nghiện ma túy, tăng động lực giảm cân…
Hướng dẫn tự thôi miên tại nhà
Thôi miên là phương pháp trị liệu tâm lý hiệu quả và bạn hoàn toàn có thể học cách tự thôi miên chính mình để cải thiện tình trạng bệnh. Theo các chuyên gia, người bệnh hiện tại có thể tự thôi miên tại nhà, thực hiện nó bất kỳ khi nào bạn có thời gian rảnh hoặc sau khi trải qua sự kiện kích thích, tác động lớn
Để tự thôi miên bản thân tại nhà, bạn cần đảm bảo ở trong một không gian yên tĩnh trong nhà và ngồi trên một chiếc ghế ngồi thoải mái. Sau đó, bạn đọc một kịch bản thôi miên đã chuẩn bị sẵn do chuyên gia đưa ra. Đây là điều kiện cơ bản để bạn thực hiện tự thôi miên tại nhà.
Ngoài sử dụng những kịch bản thôi miên cơ bản, người bệnh cũng có thể chọn lựa cách ghi âm thôi miên: Đây chính là bản ghi âm thôi miên do chuyên gia ghi lại và đưa cho bạn. Cách này cũng không khác gì so với thôi miên, chỉ là bạn không trực tiếp được bác sĩ tâm lý trị liệu mà thay vào đó là nghe bản ghi âm tại nhà.
Để thực hiện nhuần nhuyễn liệu pháp thôi miên này, người bệnh cần kiên trì tập luyện đều đặn trong vòng 3 – 4 tháng. Lưu ý tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn thực hiện của bác sĩ tâm lý để đạt được kết quả cao nhất, tránh gây ra phản ứng phụ.
Tóm lại, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm người bệnh nên tiến hành thăm khám, chẩn đoán và tuân thủ theo các hướng dẫn điều trị. Lúc này, tùy vào tình trạng bệnh của từng người, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về phương pháp trị bệnh phù hợp và liệu có nên thực hiện thôi miên hay không.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!