Rối loạn nhân cách ranh giới là gì? Thông tin cần biết
Nội Dung Bài Viết
Rối loạn nhân cách ranh giới hay rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định là một dạng rối loạn cảm xúc, đặc trưng bởi những hành vi, suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc căng thẳng, bất ổn. Hội chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nhưng có thể điều trị và tìm lại cuộc sống cân bằng hạnh phúc nếu sớm phát hiện và tuân theo chỉ định, phác đồ của bác sĩ, chuyên gia tâm lý.
Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?
Rối loạn nhân cách ranh giới, tiếng anh là Borderline Personality Disorder (BPD) là một dạng rối loạn cảm xúc. Hội chứng rối loạn này được đặc trưng bởi những cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, hành vi căng thẳng, bất ổn. Người mắc hội chứng BPD thường xuyên có những thay đổi nhanh chóng trong cảm xúc khiến họ dễ bị nhầm lẫn và không rõ mình cần làm gì. Điều này khiến người bệnh cảm thấy cảm xúc của mình bị méo mó, làm bản thân họ cảm thấy mình không có giá trị. Do đó, họ cực kỳ nhạy cảm, có xu ứng phản ứng dữ dội, khó giữ bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo.
Người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới thường có những mối quan hệ bất ổn, có hành vi tự hại hay những hành động nguy hiểm. Đôi khi họ sẽ thấy bị tách rời thực tại, thấy trống rỗng và sợ bị bỏ rơi. Các triệu chứng của BPD có thể xuất hiện bởi những điều mà người khác xem là bình thường.
Theo thống kê, tỷ lệ người mắc rối loạn nhân cách ranh giới chiếm khoảng 1,7 – 3% dân số. Tuy nhiên, chiếm khoảng 15 – 20% tỷ lệ mắc BPD ở những người đang điều trị rối loạn tâm thần. Trong các cơ sở lâm sàng thì tỷ lệ mắc rối loạn chủ yếu là nữ, chiếm khoảng 75%, tuy nhiên, trong dân số chung thì tỷ lệ nam : nữ là 1:1.
Khi mắc chứng BPD, người bệnh thường có bốn đặc điểm cơ bản sau:
- Hành vi bốc đồng
- Cảm xúc bất ổn, nhạy cảm
- Có sự biến đổi hình ảnh của bản thân
- Có những mối quan hệ bất ổn.
Theo các chuyên gia tâm lý, bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới có thể đồng thời mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực. Theo thống kê, tỷ lệ người tự tử vì BPD tương đương với tỷ lệ bệnh nhân bị tâm thần phân liệt hoặc rối loạn cảm xúc. Rối loạn nhân cách ranh giới hoàn toàn có thể được kiểm soát và đẩy lùi. Sau điều trị, bệnh nhân sẽ tìm lại được cuộc sống cân bằng, thấy khoẻ khoắn và hạnh phúc hơn.
Nguyên nhân gây chứng BPD
Hiện nay, nguyên nhân gây BPD vẫn chưa được kết luận chính thức, do rất phức tạp và có sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và BPD có thể liên quan đến nhau. Một số yếu tố gây rối loạn nhân cách tâm lý có thể kể đến như:
1. Yếu tố di truyền học
Theo một nghiên cứu, mức độ di truyền của BPD là khoảng 40%. Rối loạn nhân cách ranh giới có mối quan hệ mật thiết với yếu tố gia đình. Nếu gia đình có người thân từng mắc BPD thì tỷ lệ phát triển những triệu chứng liên quan ở các thế hệ tiếp theo cũng cao hơn. Các chuyên gia nghiên cứu đã kết luận rằng: “yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng sự khác biệt về triệu chứng của những người cùng có BPD”.
2. Cấu trúc não bộ
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự thuyên giảm hoạt động của cấu trúc não bộ cũng có liên quan đến rối loạn nhân cách ranh giới. Các vị trí não phụ trách ảnh hưởng với stress, cảm xúc, ảnh hưởng tới hạch hạnh nhân, hồi hải mã, vùng vỏ não trước gần ổ mắt phụ trách cho ra quyết định. Khi não bộ luôn trong trạng thái căng thẳng, đề cao cảnh giác, họ sẽ luôn đề phòng và hoài nghi mọi thứ. Dẫn đến phản ứng mãnh liệt, dữ dội trước những vấn đề mà người khác cho là bình thường.
Bên cạnh đó, ở người rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định cũng có sự bất thường trong quá trình sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Đồng thời, sự khác biệt trong vòng hoạt động của estrogen ở nữ giới cũng có thể có liên quan tới triệu chứng BPD ở đối tượng là bệnh nhân nữ.
3. Tuổi thơ bất hạnh
Có nhiều giả thiết cho rằng giữa BPD và bạo hành trẻ em, nhất là xâm hại tình dục có một mối quan hệ rõ ràng. Những bệnh nhân mắc BPD cũng công nhận rằng mình thường bị bỏ mặc, bạo hành khi còn nhỏ. Ngoài ra, những người mắc BPD thường chỉ ra rằng, thường xuyên bị những người bảo hộ, người thân bỏ suy nghĩ và cảm nhận của họ. Có nhiều trường hợp người mắc rối loạn nhân cách ranh giới bị lạm dụng thể chất, bị bỏ rơi, sống xa cha mẹ, thiếu tình yêu thương, sự quan tâm săn sóc của những người thân yêu.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự với các dạng rối loạn tâm thần khác. Các dấu hiệu điển hình để nhận biết BPD có thể kể đến như:
- Sự bị bỏ rơi: Khi người mắc BPD cho rằng họ đang bị bỏ mặc hoặc bỏ rơi, họ sẽ cảm thấy sợ hãi hoặc tức giận cực độ. Chẳng hạn, họ có thể giận dữ hoặc hoảng sợ khi ai đó huỷ cam kết, đến muốn, một phần do họ không muốn bị cô đơn, một phần họ cho rằng đối phương là người xấu.
- Có xu hướng thay đổi quan điểm đột ngột: Người mắc BPD có xu hướng thay đổi quan điểm cách nhìn nhận của họ về người khác một cách tức thời và đột ngột. Họ có thể lý tưởng hoá người yêu trong giai đoạn đầu hoặc một người chăm sóc tiềm năng, đòi hỏi đối phương dành nhiều thời gian và chia sẻ mọi thứ với họ. Đột nhiên sau đó họ cảm thấy vỡ mộng, thấy đối phương không đủ quan tâm, nên trở nên coi thường hoặc tức giận với đối phương.
- Khó kiểm soát cảm xúc: Người mắc chứng BPD thường khó kiểm soát sự tức giận của họ, họ thường biểu lộ sự tức giận một cách cay nghiệt, mỉa mai, đả kích với những người họ yêu thương hoặc người chăm sóc họ. Sau đó thì cảm thấy có lỗi, xấu hổ và củng cố cảm giác xấu xa của họ.
- Thay đổi hình ảnh đột ngột: Người mắc rối loạn nhân cách ranh giới cũng thường thay đổi hình ảnh một cách đột ngột, thể hiện qua việc họ thay đổi sự nghiệp, ý kiến, giá trị, mục tiêu hoặc bạn bè.
- Thay đổi về tâm trạng: Những thay đổi như lo lắng, khó chịu, kích thích thường kéo dài vài giờ và hiếm khi kéo dài vài ngày.
- Có xu hướng huỷ hoại bản thân: Họ thường huỷ hoại bản thân khi sắp đạt được mục đích chẳng hạn như làm hỏng một mối quan hệ đầy hứa hẹn, bỏ học trước khi tốt nghiệp. Ngoài ra, họ cũng có thể có cử chỉ hoặc đe doạ tự sát, lạm dụng chất kích thích, lái xe thiếu thận trọng, đáng bạc, tiêu xài quá mức…
- Các mối quan hệ không ổn định: Người bệnh thường xây dựng các mối quan hệ chớp nhoáng, các mối quan hệ của họ rất dễ dàng từ trạng thái hoàn hảo, lý tưởng sang tồi tệ, khủng khiếp. Do đó, người thân của bệnh nhân thường cảm thấy ngơ ngác, hụt hẫng, sốc khi mọi chuyện xảy ra.
- Thay đổi ý thức về bản thân liên tục: Người bệnh có thể cảm thấy bản thân vô dụng, tệ hại, thất bại, tội lỗi. Tuy nhiên, ngay sau đó họ lại thấy hào hứng, tự tin, vô cùng phấn khích và yêu thương, trân trọng chính mình. Người rối loạn nhân cách ranh giới thường không có khái niệm rõ ràng về bản thân, họ không thể xác định được điều mà mình thực sự mong muốn là gì.
- Cảm thấy trống rỗng kéo dài: Hay cảm thấy cô độc, lẻ loi, nhỏ bé, trống rỗng và không thể lấp đầy là những vấn đề thường gặp ở người mắc BPD. Đây là lý do họ thường tìm đến rượu bia, thuốc lá, đồ ăn, thức uống thậm chí là tình dục, chất kích thích…
Chẩn đoán BPD
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), tiêu chuẩn lâm sàng để chẩn đoán rối loạn nhân cách, bệnh nhân phải có tình trạng các mối quan hệ không ổn định, cảm xúc không ổn định và xung động, thay đổi hình ảnh về bản thân đột ngột. Các xung động được biểu hiện từ 5 trong số những điều sau:
- Có những mối quan hệ không ổn định, thay đổi giữa lý tưởng hoá và coi thường, căm ghét, coi khinh người khác
- Xung động trên 2 tình huống có thể gây hại cho bản thân như ăn uống vô độ, lái xe thiếu thận trọng, tiêu xài quá mức, tình dục không an toàn
- Thay đổi hình ảnh bản thân hoặc thay đổi tâm trạng đột ngột, không ổn định
- Có hành vi cử chỉ đe doạ tự sát lặp đi lặp lại nhiều lần, tự làm tổn thương bản thân
- Cảm giác trống rỗng dai dẳng, kéo dài
- Đột nhiên cảm thấy tức giận dữ dội, gặp các vấn đề trong việc kiểm soát cảm xúc của bản thân
- Có các triệu chứng phân ly nghiêm trọng xuất phát từ việc stress hoặc có ý tưởng paranoid tạm thời (hoang tưởng ảo giác).
Phân biệt rối loạn nhân cách ranh giới với các hội chứng rối loạn khác
Rối loạn nhân cách ranh giới có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh. Hội chứng này thường đi kèm với các rối loạn sức khoẻ như rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích… Người bệnh dễ làm ra các hành động tổn hại bản thân, cố gắng tự tử hoặc hủy hoại các mối quan hệ đầy hứa hẹn. Họ cũng có thể thực hiện những hành động bốc đồng, hậu quả là gây tai nạn giao thông, mang thai ngoài ý muốn, bị lây bệnh tình dục, bị lạm dụng, ngược đãi…
BPD cũng thường bị chẩn đoán nhầm với rối loạn lưỡng cực. Do có sự biến động lớn về hành vi, tâm trạng và giấc ngủ. thế nhưng, rối loạn nhân cách ranh giới thì tâm trạng và hành vi của người bệnh thay đổi nhanh chóng, có liên quan đến căng thẳng và các mối quan hệ của họ. Trong khi đó, ở rối loạn lưỡng cực, tâm trạng của người bệnh thường ít thay đổi đột ngột và ít phản ứng hơn.
BPD cũng có cùng biểu hiện với rối loạn nhân cách ái kỷ và rối loạn nhân cách kịch tính. Sự tương đồng ở đây là bệnh nhân có xu hướng tìm kiếm sự lôi cuốn và sự chú ý. Tuy nhiên, những người mắc rối loạn nhân cách ranh giới thường sau đó sẽ cảm thấy trống rỗng, thấy mình xấu xa và tồi tệ.
Rối loạn nhân cách ranh giới có thể phân biệt với rối loạn cảm xúc hoặc rối loạn lo âu dựa vào những hình ảnh tiêu cực về bản thân, nhạy cảm với sự từ chối và không gắn bó chắc chắn. Những đặc điểm này chỉ có ở người mắc BPD và không xuất hiện ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc hoặc rối loạn lo âu.
Phương pháp điều trị rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định hay rối loạn nhân cách ranh giới thường được điều trị bằng trị liệu tâm lý và điều trị nội khoa. Mục đích là để người bệnh thay đổi hành vi, khắc phục triệu chứng và cải thiện các mối quan hệ. Trong quá trình điều trị, không áp dụng hoá trị liệu khi các triệu chứng xuất hiện đơn lẻ. Các phương pháp điều trị cụ thể như sau:
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa bằng thuốc tâm thần (thường là thuốc chống trầm cảm và chống rối loạn tâm thần) đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Các thuốc này là:
- Thuốc chống rối loạn tâm thần: có công dụng tốt với nhiều triệu chứng rối loạn nhân cách ranh giới, có thể cải thiện rối loạn nhận thức, điều hoà khí sắc, hạn chế hành động bốc đồng. Các loại thuốc thường dùng có thể kể đến như Olanzapine, Clozapine…
- Thuốc chống trầm cảm: Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc chất dẫn truyền thần kinh serotonin (SSRI) có khả năng hạn chế triệu chứng bốc đồng và gây hấn. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để ủng hộ sử dụng nhóm thuốc này vào việc điều trị.
- Nhóm thuốc ổn định khí sắc: Theo thống kê, khoảng 505 bệnh nhân BPD mắc các triệu chứng rối loạn lưỡng cực. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc ổn định khí sắc để giải toả căng thẳng, giảm bốc đồng, giận dữ.
Trị liệu bằng thuốc cần được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ vì dễ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc, ngưng hoặc tăng liều lượng của thuốc.
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp được khuyến khích sử dụng cho bệnh nhân mắc rối loạn nhân cách ranh giới. Những biện pháp phổ biến thường là:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi: Tập trung vào điều chỉnh cảm xúc và kỹ năng xã hội, trị liệu hành vi biện chứng, dự đoán cảm xúc và giải quyết vấn đề.
- Can thiệp vào rối loạn trong nhân cách bệnh nhân: Bằng phương pháp trị liệu dựa trên tâm thần hoá, trị liệu tập trung vào sự chuyển di, liệu pháp tập trung vào giản đồ.
Rối loạn nhân cách ranh giới là một hội chứng rối loạn cảm xúc gây ra nhiều vấn đề cho người bệnh. Tình trạng này có thể điều trị được và tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Để điều trị, người bệnh cần tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý và tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định và phác đồ điều trị của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!