Rụng tóc khi mang thai: Nguyên nhân và cách khắc phục an toàn
Nội Dung Bài Viết
Rụng tóc khi mang thai là một sự thay đổi hoàn toàn bình thường. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố diễn ra bên trong cơ thể người mẹ.
Nguyên nhân gây rụng tóc khi mang thai
Tóc của chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian. Thông thường, chu kỳ tự nhiên của tóc từ lúc mọc lên, dài ra, già đi cho đến lúc gãy rụng kéo dài khoảng 3 – 5 năm. Mỗi người có khoảng 100.000 – 150.000 nang tóc.
Số lượng tóc rụng đi mỗi ngày vào khoảng 50 sợi. Tuy nhiên, nếu bị rụng hơn 100 sợi tóc mỗi ngày hoặc nhận thấy tóc rụng nhiều khi vuốt nhẹ, bạn có thể đang gặp phải một số vấn đề về sức khỏe.
Tất cả chúng ta đều rụng tóc sau khi tắm gội. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỗi người có gần 90% lượng tóc phát triển mỗi ngày, trong khi đó, chỉ có 10% lượng tóc còn lại đã trưởng thành và đang rụng dần để nhường chỗ cho những sợi tóc mới.
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai bắt đầu rụng tóc nhiều từ tháng thứ 5 của thai kỳ và bắt đầu giảm dần vào 3 – 4 tháng sau khi vượt cạn. Nhìn chung, rụng tóc khi mang thai là hiện tượng phổ biến và bình thường. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn sức khỏe của bản thân và thai nhi, chị em cần chủ động chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách.
Những nguyên nhân gây rụng tóc khi mang thai thường gặp nhất bao gồm:
Thay đổi nội tiết tố
Nếu bà bầu phải sống trong tâm trạng căng thẳng một khoảng thời gian dài, mái tóc sẽ bị hư tổn và gãy rụng nhiều hơn. Với tên gọi là rụng tóc theo kiểu Telogen Effluvium (TE), tình trạng này có thể ảnh hưởng một phần (nhưng không đáng kể) đến sức khỏe tổng thể của phụ nữ mang thai.
Nhìn chung, tam cá nguyệt đầu tiên thường dễ gây áp lực, căng thẳng cho mẹ bầu. Bởi lúc đó, nội tiết tố trong cơ thể sẽ thay đổi rõ rệt để hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của em bé. Hiện tượng này có thể ít nhiều ảnh hưởng đến mái tóc. Do đó, thay vì rụng trung bình 100 sợi/ngày như bình thường, mẹ bầu có thể bị mất đi khoảng 300 sợi/ngày.
Hiện tượng rụng tóc khi mang thai vì thay đổi nội tiết tố không dễ nhận biết ngay từ đầu. Đa số thai phụ chỉ phát hiện mái tóc của mình đang mỏng dần sau 2 – 4 tháng. Thông thường, vấn đề này diễn ra trong vòng dưới 6 tháng, đồng thời không gây rụng tóc vĩnh viễn.
Thiếu hụt dưỡng chất
Trong suốt 9 tháng 10 ngày, cơ thể người mẹ cần được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu. Nếu không dung nạp đầy đủ lượng protein, vitamin và khoáng chất, độc giả rất dễ bị rụng tóc. Trái lại, khi bổ sung quá nhiều vitamin A, bạn có thể gặp phải tác dụng ngược. Lúc này, mái tóc và làn da đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Di truyền
Tình trạng rụng tóc liên quan đến yếu tố di truyền. Những người có cha mẹ từng gặp phải vấn đề trên thường có nguy cơ bị rụng tóc cao hơn nhóm người bình thường. Trong trường hợp này, một số loại thuốc Tây và liệu pháp điều trị đặc biệt có thể giúp bạn kiểm soát hiện tượng rụng tóc.
Mắc một số vấn đề sức khỏe
Trong thời gian mang thai, phái đẹp có thể bị rụng tóc nếu gặp phải một số vấn đề sức khỏe sau:
- Các rối loạn tuyến giáp như suy giáp (quá ít hormon ở tuyến giáp) hay cường giáp (quá nhiều hormon ở tuyến giáp) thường khó được phát hiện khi chị em mang thai. So với tình trạng cường giáp, suy giáp xuất hiện phổ biến hơn, ảnh hưởng tới 2 hay 3 trong số 100 phụ nữ mang thai. Triệu chứng rụng tóc, táo bón, chuột rút và kiệt sức là những dấu hiệu nhận biết điển hình của chứng suy giáp mà mẹ bầu không thể bỏ qua.
- Tình trạng thiếu sắt hình thành khi cơ thể không sản sinh đủ lượng tế bào hồng cầu cần thiết để vận chuyển oxy đến các mô khác nhau. Vấn đề này khiến mái tóc của người mẹ mỏng dần theo thời gian. Bên cạnh đó, thai phụ cũng thường cảm thấy mệt mỏi và tim đập không đều. Thông thường, phụ nữ mang thai dễ bị thiếu máu do thiếu sắt, nhất là khi mang đa thai, ốm nghén nặng hoặc khoảng cách giữa hai lần mang thai quá gần nhau. Hiện tượng rụng tóc thường kéo dài cho đến khi nồng độ chất sắt, vitamin và nội tiết tố bên trong cơ thể quay lại mức ổn định, bình thường.
- Chấn thương da đầu cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng rụng tóc khi mang thai. Những mẹ bầu thích uốn, duỗi, nhuộm tóc hoặc buộc tóc quá chặt thường bị gãy rụng nhiều hơn hẳn.
Tình trạng rụng tóc khi mang thai có nguy hiểm không?
Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Vì vậy, độc giả không cần quá lo lắng bởi tâm trạng căng thẳng, bất an có thể ảnh hưởng lớn đến cả hai mẹ con.
Lưu ý, ngay khi phát hiện tóc rụng bất thường, chị em cần chủ động tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục kịp thời. Nếu ăn uống thiếu chất, bạn cần điều chỉnh thực đơn hàng ngày, ưu tiên bổ sung trái cây, rau củ, ngũ cốc, đồng thời hạn chế dung nạp thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ. Tình trạng bà bầu bị thiếu hụt chất dinh dưỡng trong một khoảng thời gian dài có thể gây ra biến chứng:
- Thai chết lưu
- Đẻ non
- Em bé nhẹ cân, thiếu tháng, chậm phát triển trí tuệ, suy dinh dưỡng, ốm yếu, còi xương
Trong khi đó, các thai phụ bị rụng tóc do suy tuyến giáp cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chăm sóc cẩn thận và chữa bệnh càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng suy giáp trong thai kỳ có thể dẫn đến rủi ro: sảy thai, tử vong chu sinh và thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
Biện pháp khắc phục tình trạng rụng tóc khi mang thai
Tuy không tác động xấu đến sức khỏe tổng thể của hai mẹ con nhưng tình trạng rụng tóc có thể tác động tiêu cực tới tâm lý của bà bầu. Để cải thiện vấn đề này, chị em cần chủ động điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, duy trì tâm lý ổn định và kết hợp một số biện pháp chăm sóc – nuôi dưỡng mái tóc.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe của bà bầu và em bé trong suốt thai kỳ. Một thực đơn đa dạng thực phẩm với đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp mái tóc thêm đen bóng, chắc khỏe và không còn gãy rụng. Những loại thực phẩm tốt tóc mà phụ nữ mang thai cần ưu tiên bổ sung là:
- Củ tỏi: Với hàm lượng allicin dồi dào, tỏi tươi có thể kích thích mọc tóc và hạn chế hư tổn.
- Ngũ cốc: Ngũ cốc chứa nhiều dưỡng chất sở hữu khả năng nuôi dưỡng mái tóc tuyệt vời như: vitamin B, vitamin E, kẽm, photpho, magie, chất chống oxy hóa…
- Yến mạch: Thành phần melatin, sắt, kali, photpho, magie trong bột yến mạch góp phần giảm thiểu tình trạng rụng tóc và duy trì màu tóc tự nhiên.
- Cà rốt: Nguồn vitamin A từ cà rốt có tác dụng tăng cường sản xuất collagen tự nhiên, đồng thời cản trở quá trình phân hủy eslatin và collagen (nguyên nhân chính khiến mái tóc xơ rối).
- Trứng: Canxi và protein của trứng rất cần thiết cho một mái tóc óng ả, đen mượt. Loại thực phẩm này là nguồn cung cấp lưu huỳnh chính cho sự phát triển toàn diện của nang tóc. Bên cạnh đó, lưu huỳnh còn giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu đến da đầu, hạn chế rụng tóc và phòng ngừa viêm nhiễm.
Duy trì tâm lý ổn định
Tâm trạng lo lắng, áp lực trong thời gian mang thai có thể khiến mẹ bầu bị stress nặng. Điều này không chỉ khiến tóc dễ gãy rụng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của cả mẹ và bé. Vì vậy, việc duy trì tâm lý ổn định là vấn đề vô cùng quan trọng. Trong giai đoạn nhạy cảm này, người mẹ cần:
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
- Chủ động tâm sự với bạn đời, gia đình, bạn bè
- Thư giãn tinh thần bằng cách nghe nhạc, đọc sách, nấu nướng, trồng cây…
- Suy nghĩ lạc quan, tích cực
- Thăm khám bác sĩ chuyên khoa nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường
Chăm sóc mái tóc
Mẹ bầu có thể chăm sóc da đầu bằng cách massage da đầu với dầu dừa, dầu ô liu, tinh dầu bưởi… bởi thói quen này giúp nuôi dưỡng tế bào và kích thích mọc tóc. Cụ thể, bạn hãy:
- Dùng 10 đầu ngón tay xoay theo hướng vòng tròn lên khắp da đầu
- Thoa thêm một chút tinh dầu yêu thích lên tóc, kết hợp vừa xoa bóp vừa thư giãn
- Thực hiện đều đặn sau khi gội đầu
Trong thời gian mang thai, chị em cần chú ý gội đầu đúng cách cũng như lựa chọn loại dầu gội phù hợp với bản thân. Nếu tóc bị gãy rụng quá nhiều, chị em nên cân nhắc sử dụng một số sản phẩm chăm sóc tóc và kích thích mọc tóc dịu nhẹ, đồng thời hạn chế sử dụng dầu gội chứa thành phần tẩy rửa mạnh (chẳng hạn natri lauryl sulfat).
Chị em hãy gội đầu bằng nước ấm hoặc nước mát, dùng lực nhẹ nhàng, tránh gãi mạnh hay chà xát khiến da đầu vô tình bị tổn thương. Thêm vào đó, độc giả cũng có thể tận dụng một số loại thảo dược tự nhiên an toàn, lành tính như: sả, cỏ mực, cỏ mần trầu, bồ kết, bạc hà, trà xanh, kim ngân… để gội đầu hay ủ tóc.
Khi mang thai, phái đẹp chú ý hạn chế uốn – ép – duỗi – nhuộm tóc bởi các hóa chất này có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng da đầu, gây ra tình trạng gãy rụng và tác động bất lợi đến thai nhi. Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế sấy tóc và tránh buộc tóc quá chặt.
Áp dụng mẹo dân gian
Tỏi, gừng, hành tây, mật ong, trà xanh, nha đam, vỏ bưởi, bồ kết… là những loại thảo dược tự nhiên an toàn, lành tính có thể giúp bạn đánh bay nỗi lo rụng tóc khi mang thai.
Bí quyết trị rụng tóc từ củ tỏi và mật ong
Với nguồn vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa phong phú, tỏi tươi có thể nuôi dưỡng mái tóc, kích thích mọc tóc và ngăn ngừa gãy rụng vô cùng hiệu quả. Hỗn hợp củ tỏi và mật ong nguyên chất mang đặc tính kháng khuẩn, cung cấp dưỡng chất thiết yếu và thúc đẩy quá trình phục hồi hư tổn.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị một lượng tỏi tươi và mật ong nguyên chất vừa đủ
- Bóc vỏ củ tỏi, xay nhuyễn và trộn với mật ong
- Làm ướt và thoa đều hỗn hợp lên mái tóc
- Ủ tóc khoảng 15 phút
- Gội sạch bằng nước ấm
- Thực hiện 2 – 3 lần/tuần
Cách trị rụng tóc khi mang thai bằng hành tây
Hành tây giàu kali, vitamin và lưu huỳnh. Với đặc tính kháng khuẩn cao, thực phẩm này có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gây hại trên mái tóc. Không chỉ dừng lại ở đó, những chất chống oxy hóa từ hành tây còn kích thích quá trình tuần hoàn máu và hỗ trợ mọc tóc vô cùng hiệu quả.
Dung dịch nước ép hành tây có thể loại bỏ vảy sừng, mảng bám trên da đầu, làm thông thoáng lỗ chân lông, giúp da đầu thêm mềm mại và tạo cảm giác thư thái, dễ chịu.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 2 củ hành tây
- Lột vỏ, rửa sạch, xay nhuyễn và ép lấy nước cốt
- Làm ướt tóc và thoa đều dung dịch lên da đầu
- Nhẹ nhàng massage trong vòng 20 phút để tinh chất thẩm thấu hoàn toàn
- Gội sạch bằng nước mát
Mẹo trị rụng tóc bằng củ gừng
Y học cổ truyền quan niệm, gừng tươi là dược liệu vị cay, tính nóng, có công dụng bổ phế – tỳ – vị, tán phong hàn và kích thích tiêu hóa. Với thành phần chavicol, citral, zingiberene, zingiberol phong phú, tinh dầu gừng có khả năng khử trùng, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, củng cố chức năng tuần hoàn máu, kích thích mọc tóc và phòng ngừa gãy rụng.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 nhánh gừng tươi
- Rửa sạch, cắt lát
- Nhẹ nhàng chà từng lát gừng lên da đầu và chân tóc trong khoảng 3 phút
- Có thể kết hợp massage tóc với tinh dầu gừng
- Gội sạch bằng nước lạnh
Bí quyết trị rụng tóc khi mang thai bằng nha đam
Bên cạnh khả năng chăm sóc làn da, nha đam còn có công dụng điều trị rụng tóc vô cùng hiệu quả. Thành phần chất khoáng, vitamin, axit amino của nguyên liệu đặc biệt này đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích nang tóc phát triển, hồi phục hư tổn, giảm thiểu gãy rụng và nuôi dưỡng mái tóc óng mượt, chắc khỏe.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 nhánh nha đam tươi
- Rửa sạch nha đam, trích lấy phần gel trong, sau đó xay nhuyễn
- Thoa hỗn hợp vừa làm lên chân tóc và massage nhẹ nhàng khoảng 5 phút
- Quấn khăn ủ kỹ trong vòng 20 – 30 phút
- Xả lại với nước mát
- Áp dụng 2 lần/tuần trong 1 tháng
Cách trị rụng tóc bằng bồ kết
Hoạt chất saponaretin và flavonozit của bồ kết mang đặc tính kháng siêu vi trùng. Thành phần saponin có thể thúc đẩy quá trình mọc tóc và ngăn ngừa gãy rụng. Nước bồ kết có khả năng nhẹ nhàng làm sạch da đầu, cuốn trôi gàu, làm dày – mượt tóc, kích thích quá trình tuần hoàn máu và thống khiếu mao mạch.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 500g bồ kết khô
- Nướng toàn bộ bồ kết trên bếp than cho đến khi nguyên liệu giòn thơm
- Giã nhỏ bồ kết và nấu sôi trong một lượng nước vừa đủ
- Lọc lấy nước, vớt bỏ xác
- Làm ướt chân tóc
- Bôi nước bồ kết lên mái tóc
- Giữ nguyên khoảng 5 phút
- Xả lại với nước sạch
- Thực hiện đều đặn hàng ngày
Mẹo trị rụng tóc khi mang thai bằng vỏ bưởi
Vỏ bưởi chứa nhiều naringin, pectin, amylaza, vitamin A, vitamin C và men tiêu hoá peroxydaza. Do đó, tinh dầu vỏ bưởi giúp chống viêm, kháng khuẩn, làm sạch da đầu, kích thích mọc tóc và ngăn ngừa một số bệnh lý về da đầu.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 300g vỏ bưởi
- Rửa sạch vỏ bưởi
- Nấu sôi với một lượng nước vừa đủ trong khoảng 5 phút
- Gội đầu với dầu gội rồi lau khô tóc
- Gội lại bằng nước vỏ bưởi khi dung dịch nguội đi
- Áp dụng 1 – 2 lần/tuần
Bí quyết trị rụng tóc bằng dầu dừa
Dầu dừa nguyên chất rất giàu vitamin và axit lauric. Vitamin có khả năng thúc đẩy quá trình mọc tóc và nuôi dưỡng mái tóc óng mượt. Trong khi đó, axit lauric mang đặc tính kháng nấm, chống khuẩn vô cùng mạnh mẽ.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị tăm bông một lượng dầu dừa vừa đủ
- Gội đầu sạch sẽ bằng dầu gội, lau tóc (nhưng vẫn còn hơi ẩm)
- Thấm tăm bông vào dầu dừa rồi thoa đều lên da đầu và chân tóc
- Massage nhẹ nhàng để tinh chất thấm đều
- Ủ tóc trong khăn ẩm khoảng 30 phút
- Dùng lược chải dầu dừa xuống ngọn tóc nhằm hạn chế tình trạng chẻ ngọn
- Xả tóc với nước sạch
Cách trị rụng tóc bằng dầu ô liu
Bên cạnh tác dụng xoa dịu căng thẳng và chữa bệnh tim mạch, dầu ô liu còn giúp ngăn ngừa vấn đề rụng tóc vô cùng hiệu quả. Với nhiều hoạt chất chống oxy hóa, nguyên liệu dưỡng tóc này có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, từ đó tăng cường sức khỏe của da đầu.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 5 muỗng cà phê dầu ô liu và 2 lít nước sạch
- Hòa dầu ô liu vào nước
- Gội đầu bằng dung dịch này, kết hợp massage nhẹ nhàng
- Ủ tóc khoảng 30 phút
- Gội lại với nước sạch
- Áp dụng 3 – 4 lần/tuần trong vòng 2 tháng
Mẹo trị rụng tóc khi mang thai bằng trà xanh
Trà xanh mang đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa vô cùng mạnh mẽ. Vì vậy, nguyên liệu làm đẹp quen thuộc này có thể tiêu diệt vi khuẩn gây hại, kích thích mọc tóc và nuôi dưỡng da đầu. Ngoài ra, lá trà xanh cũng góp phần giải tỏa căng thẳng (một trong những tác nhân gây rụng tóc hàng đầu ở người trẻ tuổi).
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 50g lá trà xanh và 1/2 trái chanh tươi
- Rửa sạch trà xanh, nấu sôi cùng 1 lít nước
- Đổ nước lá trà xanh ra thau cho nguội bớt, vắt lấy nước cốt chanh, khuấy đều
- Gội đầu bằng dung dịch này 2 lần/tuần
Bí quyết trị rụng tóc bằng giấm táo
Axit axetic (thành phần chính của giấm táo) có thể nuôi dưỡng mái tóc và ngăn ngừa gãy rụng. Bên cạnh đó, các loại axit alpha hydroxy giúp trị gàu, triệt tiêu vi khuẩn, làm sạch da đầu, cân bằng độ pH, thúc đẩy mọc tóc và hạn chế gãy rụng.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị một lượng giấm táo vừa đủ
- Gội đầu với dầu gội, sau đó lau khô
- Pha giấm táo với một lượng nước vừa đủ, khuấy đều
- Lấy bông tăm thấm ướt dung dịch rồi thoa lên da đầu
- Massage nhẹ nhàng để tinh chất thấm đều
- Ủ tóc trong vòng 1 tiếng
- Xả lại bằng nước sạch
Cách trị rụng tóc bằng trứng gà
Trứng gà chứa nhiều vitamin B, protein và khoáng chất. Những dưỡng chất này góp phần nuôi dưỡng tế bào và kích thích mọc tóc.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 2 quả trứng gà và 1 muỗng cà phê dầu ô liu
- Tách lấy lòng trắng trứng
- Thêm dầu ô liu vào, đánh đều
- Thoa hỗn hợp lên da đầu và chân tóc
- Ủ tóc bằng khăn tắm khoảng 20 phút
- Gội đầu bằng dầu gội
- Thực hiện 2 lần/tuần
Rụng tóc khi mang thai là hiện tượng phổ biến và bình thường. Do đó, độc giả không cần lo lắng khi gặp phải tình trạng này. Bạn có thể dễ dàng khắc phục vấn đề bằng cách áp dụng 10 mẹo dân gian an toàn, lành tính trên. Bên cạnh đó, hãy chủ động điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt cũng như duy trì tinh thần tích cực, lạc quan nhé!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!