Rụng tóc nhiều là dấu hiệu của bệnh gì? Làm sao ngăn ngừa?
Nội Dung Bài Viết
Rụng tóc nhiều bất thường có thể là dấu hiệu nhận biết của một số vấn đề như: thiếu máu, bệnh tự miễn, rối loạn hormon, viêm da đầu, ung thư da đầu, suy tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang… Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa tình trạng này?
Nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều bất thường
Chu kỳ tự nhiên của tóc từ lúc hình thành tới khi thoái hóa thường kéo dài từ 8 tháng đến 5 năm. Mỗi ngày, một người khỏe mạnh bị rụng trung bình 50 – 100 sợi tóc. Đây vốn là hiện tượng sinh lý hoàn toàn tự nhiên.
Thông thường, những sợi tóc rụng đi đều đã già cỗi, hư tổn, yếu ớt, không đủ sức bám trụ vào nang tóc nên được đào thải. Sau đó, một sợi tóc mới cứng cáp, khỏe mạnh hơn sẽ mọc ra từ nang tóc cũ để thay thế vị trí này.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết tình trạng rụng tóc nhiều bất thường thông qua những biểu hiện cụ thể sau đây:
- Bị rụng hơn 100 sợi tóc/ngày mà không rõ nguyên nhân
- Tóc rụng quá nhiều trong một khoảng thời gian dài
- Tóc rụng rất nhiều sau mỗi lần vuốt nhẹ, chải đầu hoặc gội đầu (có thể gom thành một nhúm tóc)
- Mái tóc ngày càng mỏng đi, tóc rụng nhiều nhưng không có dấu hiệu mọc trở lại
- Tóc có thể rụng nhiều ở một số vị trí nhất định, tạo thành từng mảng
- Không xuất hiện tóc con trên da đầu, một số mảng da đầu thưa tóc như bị hói
- Lượng tóc mới mọc không đủ bù vào lượng tóc mất đi, dẫn đến tình trạng thưa tóc, để lộ da đầu và có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường
- Sợi tóc mới mọc yếu ớt, mỏng manh, xoăn nhẹ, chẻ ngọn và rất dễ gãy rụng
- Hiện tượng rụng tóc thường đi kèm triệu chứng ngứa ngáy cùng các vết hồng ban trên da đầu
Những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng rụng tóc nhiều bao gồm:
Tác động của quá trình lão hóa
Tình trạng suy yếu và thoái hóa của nang tóc chủ yếu bắt nguồn từ quá trình lão hóa. Do đó, những người lớn tuổi có mái tóc mỏng, bạc trong khi tóc của trẻ em và người trưởng thành luôn đen dày, óng ả. Quá trình lão hóa vốn là quy luật tất yếu của tự nhiên. Vì vậy, đa số trường hợp rụng tóc nhiều do lão hóa khó được điều trị dứt điểm và triệt để.
Mất ngủ kéo dài
Giấc ngủ ngon đóng vai trò vô cùng đặc biệt với sức khỏe tổng thể của mỗi chúng ta. Thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ giúp cơ thể thải trừ độc tố, chữa lành tổn thương và đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của tất cả bộ phận.
Trái lại, tình trạng mất ngủ kéo dài dễ khiến tóc hư tổn – gãy rụng, làn da khô sạm, hình thành nếp nhăn, mất tập trung, tâm trạng cáu gắt, suy nghĩ tiêu cực.
Căng thẳng và trầm cảm
Tinh thần căng thẳng và căn bệnh trầm cảm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thần kinh trung ương, làm suy giảm sức đề kháng và kéo theo nhiều phản ứng rối loạn khác. Theo một số nghiên cứu, tình trạng áp lực kéo dài khiến cơ thể sản sinh nhiều telogen effluvium. Đây là một hoạt chất có khả năng rút ngắn chu kỳ phát triển tự nhiên của tóc.
Thiếu hụt dưỡng chất
Chế độ dinh dưỡng không đa dạng và thiếu hụt dưỡng chất chính là lý do khiến tóc bạn trở nên yếu ớt, dễ dàng hư tổn – gãy rụng. Tương tự những cơ quan khác bên trong cơ thể, mái tóc cần được cung cấp một lượng lớn protein, vitamin và khoáng chất để phục hồi tổn thương, tái tạo nang tóc và duy trì mức độ chắc khỏe.
Muốn cải thiện tình trạng rụng tóc bất thường vì suy nhược cơ thể, độc giả cần xây dựng thực đơn cân bằng, hợp lý cũng như thường xuyên dung nạp các loại thực phẩm có lợi cho mái tóc như:
- Hải sản (hến, hàu, trai, cá hồi…)
- Trái cây (xoài, bơ, chuối…)
- Rau xanh (cải bó xôi, bông cải trắng, nấm hương…)
- Các loại hạt (mè đen, đậu nành, đậu đen, hạt lanh, quả óc chó…)
- Nhóm thực phẩm giàu biotin (ức gà, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật…)
Thiếu máu
Để tăng trưởng toàn diện, nang tóc cần được cung cấp đầy đủ lượng máu giàu oxy và chất dinh dưỡng. Do đó, nếu chúng ta thiếu máu, nang tóc không thể phát triển ổn định bình thường. Tình trạng thiếu máu diễn ra trong một khoảng thời gian dài có thể làm chân tóc thoái hóa, suy yếu dần theo thời gian, thậm chí dẫn đến rụng tóc bất thường và đột ngột.
Rối loạn hormon
Hiện tượng nồng độ hormon không ổn định thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai, sau sinh hoặc đang trong thời kỳ tiền mãn kinh. Sự thay đổi lượng hormon progesteron, estrogen, androgen thất thường bên trong cơ thể có thể khiến tóc khô xơ, gãy rụng và rút ngắn vòng đời của tóc đáng kể.
Không chỉ dừng lại ở đó, rối loạn hormon còn tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nang tóc, gây ra cảm giác mệt mỏi và làm suy giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất.
Điều trị ung thư
Phương pháp điều trị ung thư hóa – xạ trị có tác dụng thu nhỏ khối u và ức chế quá trình phân chia của tế bào ung thư. Tuy nhiên, kỹ thuật này thường đi kèm một số tác dụng không mong muốn như: khô da, phát ban, tiêu chảy, rụng tóc…
Bình thường, sau khi đợt hóa – xạ trị kết thúc, tóc sẽ bắt đầu mọc lại. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều bệnh nhân lại mọc tóc rất ít – chậm, thậm chí mất tóc vĩnh viễn.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Đây là tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ liên quan đến hiện tượng mất cân bằng hormon sinh dục bên trong cơ thể phái đẹp. Khi chị em mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang, vì bị bao bọc bởi một lớp dày bên ngoài nên các nang trứng sẽ phát triển bất thường và không rụng đều hàng tháng.
Điều này khiến chu kỳ kinh nguyệt không thể diễn ra bình thường. Đây chính là tác nhân dẫn đến căn bệnh vô sinh ở phụ nữ. Các triệu chứng điển hình của hội chứng này bao gồm:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, không có kinh hoặc nhiều tháng mới hành kinh một lần (bế kinh)
- Rụng tóc nhiều bất thường (vì nang tóc bị thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu)
- Tăng cân đột ngột
- Đầy bụng, khó chịu ở vùng lưng, vùng bụng và vùng chậu
Nếu bị rụng tóc nhiều vì mắc hội chứng buồng trứng đa nang, độc giả có thể cân nhắc sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ cân bằng lượng nội tiết tố bên trong cơ thể (chẳng hạn duphaston) theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu (nhất là protein và chất xơ) từ những loại thực phẩm có lợi, đồng thời đảm bảo duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, điều độ.
Bệnh về tuyến giáp
Tuyến giáp nằm ở phía trên của cổ với hình dáng tương tự con bướm đang xòe cánh. Phía trước tuyến giáp là da và cơ, phía sau tuyến giáp là khí quản.
Với nhiệm vụ điều khiển quá trình trao đổi chất, tuyến giáp tiết ra các hormon giáp trạng bao gồm tri-iodo-thyronin (T3) và thyroxin (T4). Những vấn đề về tuyến giáp sau có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng tóc nhiều bất thường.
- Suy giáp (tuyến giáp không thể tiết ra đủ lượng hormon cần thiết để duy trì hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể)
- Cường giáp (tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormon, kéo theo tốc độ trao đổi chất tăng lên bất thường)
- Nhân giáp (tuyến giáp xuất hiện các khối u ở dạng u lành tính hoặc u ác tính (gây ung thư tuyến giáp)
Bên cạnh triệu chứng rụng tóc quá nhiều, các bệnh lý về tuyến giáp còn đi kèm một số dấu hiệu nhận biết như:
- Sút cân, mệt mỏi không rõ nguyên nhân
- Giảm ham muốn, kinh nguyệt không đều (đối với phụ nữ)
- Móng tay giòn, dễ gãy, nhức mỏi cơ bắp
- Cơ thể run rẩy
- Tim đập nhanh
Để đẩy lùi bệnh lý, bệnh nhân suy giáp có thể uống những loại thuốc hormon tuyến giáp cho tới khi hormon T3 và T4 trong máu đạt ngưỡng bình thường. Trong khi đó, người bệnh cường giáp cần dùng thuốc kháng giáp (loại thuốc có công dụng ức chế khả năng sản xuất hormon của tuyến giáp) theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu bị nhân giáp lành tính, độc giả có thể sử dụng các loại thuốc thu nhỏ kích thước khối u. Đối với trường hợp mắc ung thư tuyến giáp, bạn cần được phẫu thuật loại bỏ tuyến giáp (ở giai đoạn đầu) hoặc tiến hành hóa – xạ trị khối u ác tính.
Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn xuất hiện khi hệ miễn dịch “hiểu lầm” nang tóc bình thường là những kháng nguyên gây hại cho cơ thể. Vì vậy, hệ miễn dịch sẽ tấn công vào những nang tóc sắp mọc và cản trở chúng phát triển thành sợi tóc mới.
Bệnh lý này khiến tóc rụng nhiều và hầu như không thể mọc thêm tóc mới hoặc tóc mới có thể mọc lên nhưng rất ít, yếu ớt và dễ gãy rụng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến một số bệnh lý liên quan như bệnh rụng tóc từng mảng hoặc bệnh hói đầu toàn bộ.
Để chữa khỏi tình trạng rụng tóc nhiều vì bệnh tự miễn, bạn có thể:
- Dùng thuốc fluocinolone acetonide
- Bôi kem betamethasone dipropionate 0,05%, fluocinolone acetonide 0,2%…
- Tiêm steroid (ví dụ triamcinolone acetonide)
- Áp dụng phương pháp PUVA hoặc liệu pháp miễn dịch tiếp xúc
Viêm da đầu
Viêm da đầu (chàm da mỡ, viêm da đầu bã nhờn) là tình trạng ửng đỏ, tróc vảy hình đồng xu tại một số vị trí trên da đầu. Bệnh lý có thể bắt nguồn từ nấm malassezia ovale hay vi khuẩn P. Acne. Vấn đề này có thể gây ra hiện tượng hói đầu hoặc rụng tóc từng mảng.
Nếu bị rụng tóc nhiều vì bệnh viêm da đầu, độc giả có thể:
- Dùng một số thuốc làm bong tróc vảy da tại chỗ như: urea, axit lactic, axit salicylic, propylene glycol…
- Thoa kem steroid dạng bôi hay dạng dung dịch để giảm ngứa, ngừa viêm
- Sử dụng các loại dầu gội chứa thành phần kháng nấm, kháng khuẩn
Ung thư da đầu
Bệnh ung thư da đầu thường xuất hiện ở vùng da đầu, sau đó lây lan nhanh chóng và di căn tới não, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Một báo cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết, tuy tỷ lệ mắc thấp hơn so với các căn bệnh ung thư khác nhưng ung thư da đầu có tỷ lệ tử vong cao gấp 2 lần những loại ung thư thường gặp.
Phương pháp chữa bệnh ung thư da đầu phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính. Với kỹ thuật này, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành loại bỏ toàn bộ khối u nhằm phòng ngừa di căn. Đối với những trường hợp nặng, người bệnh sẽ được vét hạch một cách có hệ thống để cản trở quá trình tế bào ung thư tiến sâu vào hộp sọ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị rụng tóc nhiều bất thường nếu bị nấm da đầu, xơ cứng bì, lichen phẳng, lupus ban đỏ…
Hướng dẫn xử lý khi bị rụng tóc nhiều
Nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ hói đầu và khó phục hồi toàn diện. Do đó, ngay khi phát hiện biểu hiện rụng tóc bất thường, độc giả cần chủ động:
Thăm khám bác sĩ chuyên khoa
Để xác định chính xác nguyên nhân và mức độ rụng tóc, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, sinh thiết da đầu… Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc phải những bệnh lý tiềm ẩn, bác sĩ sẽ yêu cầu họ thực hiện xét nghiệm chuyên sâu ở từng chuyên khoa cụ thể (khoa sản, khoa thần kinh…).
Dùng thuốc hỗ trợ
Một số loại thuốc tái tạo nang tóc và kích thích mọc tóc phổ biến hiện nay là:
- Viên uống bổ sung estrogen có công dụng điều trị tình trạng rụng tóc do rối loạn hormon.
- Viên uống chứa kẽm, vitamin E, biotin, omega-3 giúp cung cấp dưỡng chất và cải thiện tình trạng thiếu hụt năng lượng.
- Viên uống bổ sung sắt có khả năng tăng thể tích máu và tái tạo hồng cầu.
- Minoxidil có thể điều trị tại chỗ, đẩy lùi tình trạng rụng tóc nhiều ở cả nam giới lẫn nữ giới. Người bệnh hãy kiên trì dùng thuốc tối thiểu 6 tháng. Lưu ý, loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ kích ứng da đầu hoặc tăng nhịp tim…
Cấy tóc
Đối với trường hợp mất tóc vĩnh viễn, bạn cần tiến hành cấy tóc để cải thiện tình hình. Với kỹ thuật này, bác sĩ chuyên khoa sẽ di chuyển những nang tóc tại vùng sau gáy đến những mảng da đầu bị hói. Nhược điểm của phương pháp cấy tóc là chi phí thực hiện cao, gây ra đau đớn và tiềm ẩn một số rủi ro như: để lại sẹo, làm chảy máu, gây mất nang tóc…
Áp dụng liệu pháp laser
Kỹ thuật này được ứng dụng rộng rãi trong công tác điều trị rụng tóc do di truyền ở cả hai giới. Tuy có thể mang đến kết quả khả quan nhưng hướng điều trị bằng laser chưa thể chứng minh hiệu quả lâu dài.
Biện pháp phòng ngừa rụng tóc nhiều
Những thói quen lành mạnh dưới đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa tình trạng rụng tóc nhiều một cách hiệu quả:
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho quá trình hồi phục – tái tạo nang tóc, tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu chất sắt, canxi, protein, vitamin và khoáng chất
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ
- Sử dụng dầu gội dịu nhẹ với độ pH trung tính
- Tránh chải tóc khi ướt
- Không sấy tóc và tạo kiểu (uốn, duỗi, ép, nhuộm)
- Hạn chế sử dụng hóa chất cho tóc
- Nuôi dưỡng mái tóc bằng một số mặt nạ ủ tóc từ nguyên liệu thiên nhiên như: trái bơ, dầu dừa, nha đam, lòng đỏ trứng gà, mật ong nguyên chất…
- Không để tóc tiếp xúc trực tiếp với môi trường ô nhiễm hoặc ánh nắng mặt trời
- Trang bị dù, nón, sử dụng kem chống nắng dạng xịt dành riêng cho tóc và che chắn cẩn thận trước khi ra ngoài
- Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, đọc sách, luyện tập thể dục – thể thao điều độ
- Kiêng cữ thuốc lá, rượu bia, cà phê và các chất kích thích
Tình trạng tóc rụng nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm. Do đó, ngay khi phát hiện vấn đề này, bạn hãy thăm khám chuyên khoa và chủ động điều trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!