Cảnh giác! Tác dụng phụ của phương pháp cấy chỉ
Nội Dung Bài Viết
Nhiễm trùng, vựng châm, chảy máu huyệt vị, dị ứng chỉ tự tiêu,… là một số tác dụng phụ thường gặp của phương pháp cấy chỉ. Tình trạng này thường xảy ra do chăm sóc không đúng cách, không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ/ thầy thuốc hoặc do thực hiện tại các cơ sở y tế nhỏ lẻ, không đảm bảo vô trùng thiết bị y tế.
Cấy chỉ là phương pháp điều trị được cải tiến từ kỹ thuật châm cứu. Phương pháp này sử dụng kim châm cùng với chỉ tự tiêu (catgut) nhằm tác động cơ học lên huyệt vị trong thời gian dài (khoảng 14 – 20 ngày).
Tác động từ phương pháp này giúp giảm đau, thúc đẩy tuần hoàn máu, chống viêm, điều hòa thần kinh thực vật, kích thích cân bằng nội tiết, an thần, thay đổi đáp ứng miễn dịch,… Ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tiến hành cấy chỉ vào các huyệt vị tương ứng để cải thiện triệu chứng lâm sàng và hỗ trợ phục hồi cơ quan tổn thương.
Với những ưu điểm vượt trội so với châm cứu, cấy chỉ được ứng dụng trong quá trình điều trị nhiều bệnh lý mãn tính như xương khớp, hô hấp, thần kinh,… Ngoài ra phương pháp này còn được sử dụng để giảm béo và cải thiện sức khỏe làn da.
Tác dụng phụ của phương pháp cấy chỉ & Cách xử trí
Cấy chỉ là biện pháp xâm lấn tối thiểu, sử dụng kim châm luồn qua da và cố định chỉ tự tiêu tại huyệt vị cần tác động. Phương pháp này ít gây đau, chảy máu và có thời gian hồi phục nhanh. Hơn nữa, cấy chỉ được thực hiện 14 – 20 ngày/ lần nên có thể tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị hơn so với châm cứu.
Bên cạnh các ưu điểm kể trên, phương pháp này vẫn có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý khi áp dụng. Dưới đây là các tác dụng phụ thường gặp của phương pháp cấy chỉ, bao gồm:
1. Vựng châm
Vựng châm là tình trạng thường gặp trong quá trình châm cứu và cấy chỉ. Tình trạng này đặc trưng bởi các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, mặt tái mét, hoa mắt, bất tỉnh, đổ mồ hôi, người lạnh, tụt huyết áp và mạch nhanh.
Vựng châm thường xảy ra do bệnh nhân bị suy nhược nặng, tâm lý sợ hãi, bất ổn, tinh thần bị kích động hoặc do bụng quá đói/ quá no. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do bác sĩ/ thầy thuốc kích thích quá mạnh lên các huyệt vị nhạy cảm.
Cách xử trí:
- Bác sĩ sẽ tiến hành rút kim ra khỏi huyệt vị và đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, cho uống nước đường ấm và nằm nghỉ ngơi.
- Đối với trường hợp bất tỉnh, thầy thuốc cần tiến hành châm huyệt Nhân trung, châm nặn máu huyệt Thập tuyên, cứu các huyệt Khí hải, Quan nguyên, Tam âm giao và Túc tam lý. Bên cạnh đó cần đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, ủ ấm và theo dõi mạch, huyết áp 10 – 15 phút/ lần.
- Trong trường hợp mạch nhanh, huyết áp tụt nhanh chóng, bác sĩ có thể tiêm Adrenalin để tránh suy hô hấp và tử vong.
2. Chảy máu huyệt vị
Chảy máu huyệt vị là tình trạng thường gặp khi châm cứu và cấy chỉ. Tình trạng này thường không quá nguy hiểm và có thể thuyên giảm ngay sau khi sử dụng băng gạc.
Tuy nhiên nếu chảy máu huyệt vị kéo dài trong nhiều giờ, lượng máu thất thoát quá nhiều gây choáng đầu và hạ huyết áp, cần đến bệnh viện/ phòng khám để được xử lý kịp thời. Chảy máu huyệt vị kéo dài thường do bác sĩ/ thầy thuốc cấy chỉ không đúng huyệt vị gây tổn thương tĩnh mạch và động mạch.
3. Dị ứng chỉ tự tiêu (catgut)
Chỉ tự tiêu (catgut) được sử dụng trong phương pháp cấy chỉ nhằm tạo ra kích thích cơ học lên huyệt vị trong 14 – 20 ngày. Tác động từ chỉ tự tiêu đem lại nhiều lợi ích đối với cơ thể và cơ quan bị tổn thương. Tuy nhiên một số trường hợp có thể bị dị ứng chỉ catgut (nổi mề đay, ngứa, sưng đau huyệt vị, khó chịu,…).
Trong trường hợp này, nên thông báo với bác sĩ để được thăm khám và xác định nguyên nhân. Nếu do dị ứng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng histamine H1 để cải thiện các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên đối với những trường hợp có tiền căn dị ứng chỉ tự tiêu, tuyệt đối không tiếp tục áp dụng phương pháp cấy chỉ để giảm béo, cải thiện da mặt và chữa bệnh.
4. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là tình trạng huyệt vị bị viêm nhiễm do nấm, virus hoặc vi khuẩn (chủ yếu là do tụ cầu vàng). Tình trạng này thường xảy ra do thực hiện cấy chỉ ở những cơ sở y tế nhỏ, không đảm bảo vô trùng thiết bị y tế. Hoặc có thể là hệ quả do chăm sóc không đúng cách.
Nhiễm trùng biểu hiện qua triệu chứng sưng nóng, đau và ứ mủ tại huyệt vị. Khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định kháng sinh phù hợp. Để kiểm soát nhiễm trùng hoàn toàn và hạn chế nguy cơ tái nhiễm, cần dùng kháng sinh liên tục trong thời gian được chỉ định, tránh tình trạng quên dùng thuốc hoặc tự ý ngưng thuốc.
5. Lây nhiễm chéo
Cấy chỉ cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm do thiết bị y tế và kim châm không được vô trùng hoàn toàn. Tình trạng này chủ yếu xảy ra do thực hiện cấy chỉ tại các phòng khám nhỏ, không đảm bảo vô trùng thiết bị và thầy thuốc có chuyên môn, tay nghề kém.
Giảm thiểu tác dụng phụ của cấy chỉ bằng cách nào?
Thực tế cho thấy, tác dụng phụ của phương pháp cấy chỉ thường bắt nguồn từ việc lựa chọn phòng khám không uy tín và không tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ.
Vì vậy để giảm thiểu tác dụng ngoại ý khi thực hiện, bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp sau:
1. Lựa chọn cơ sở y tế uy tín
Cấy chỉ tại các phòng khám/ cơ sở y tế không uy tín có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu huyệt vị, lây nhiễm chéo các bệnh viêm nhiễm và làm giảm hiệu quả điều trị.
Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn các bệnh viện uy tín, có thiết bị hiện đại và thầy thuốc/ bác sĩ có tay nghề cao để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu các tác dụng không mong muốn.
2. Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trước khi cấy chỉ
Trước khi cấy chỉ, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ:
- Trước khi cấy chỉ khoảng 5 – 6 giờ đồng hồ, nên tắm rửa sạch sẽ, tránh tiếp xúc với hóa chất và hạn chế các hoạt động khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
- Không sử dụng cà phê, nước ngọt có gas, rượu bia, không để bụng quá đói hoặc quá no trước khi cấy chỉ.
- Nên mặc quần áo rộng rãi để tiện cho việc cấy chỉ.
- Thể trạng quá mệt có thể gây ra tình trạng vựng châm trong quá trình thực hiện. Vì vậy, bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và hạn chế lao động nặng trước khi tiến hành cấy chỉ.
- Thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng và các loại thuốc đã sử dụng trong vòng 14 ngày. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu ngưng một số loại thuốc để dự phòng tác dụng phụ và rủi ro trong quá trình thực hiện.
- Không tiến hành cấy chỉ nếu đang mang thai, sốt cao, có tiền căn dị ứng với chỉ catgut, huyết áp cao hoặc bệnh nhân chống chỉ định với châm cứu.
Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trước khi cấy chỉ có thể giúp hạn chế các rủi ro phát sinh trong và sau khi thực hiện.
3. Chăm sóc đúng cách sau khi cấy chỉ
Cấy chỉ là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nên ít gây đau, chảy máu và có thời gian phục hồi nhanh. Sau 15 – 30 phút, bệnh nhân có thể trở về nhà và sinh hoạt như bình thường.
Tuy nhiên để dự phòng rủi ro và biến chứng, cần thực hiện các biện pháp chăm sóc như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh kích động và lao động nặng sau khi cấy chỉ.
- Sau 4 – 6 giờ, có thể tắm rửa với nước ấm. Tuy nhiên không nên chà xát mạnh lên các huyệt vị được cấy chỉ.
- Không sử dụng các món ăn làm từ nếp (chè, bánh chưng, xôi,…) và tránh dùng các loại thực phẩm tanh, tính hàn như cua, tôm, mực, cá, nghêu, sò,…
- Kiêng hút thuốc lá, thuốc lào, rượu bia và chất kích thích.
- Nếu có triệu chứng bất thường, nên thông báo với bác sĩ để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
- Trong trường hợp cấy chỉ để chữa bệnh, cần phối hợp với các biện pháp y tế và thay đổi lối sống nhằm tăng hiệu quả và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.
Cấy chỉ được cải thiện từ kỹ thuật châm cứu truyền thống. Mặc dù có những ưu điểm vượt trội nhưng trên thực tế, phương pháp này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vì vậy, bệnh nhân nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện.
Tham khảo thêm: Cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng và thông tin cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!