Tác hại của phấn rôm đối với trẻ nếu không dùng đúng cách
Nội Dung Bài Viết
Có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc có nên sử dụng phấn rôm hay không, một số người cho rằng, phấn rôm có thể gây hại cho trẻ tuyệt đối không nên sử dụng, số khác lại cho rằng loại phấn này vô hại, có thể thoải mái sử dụng. Thực tế thì, phấn rôm mặc dù giúp da bé khô thoáng, mịn màng, ngăn ngừa tình trạng hăm tã, rôm sảy nhưng nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe. Dưới đây là một số tác hại của phấn rôm đối với trẻ nếu mẹ không thận trọng khi sử dụng sản phẩm này.
Phấn rôm là gì?
Phấn rôm hay kem em bé là loại phấn thơm có tác dụng hút ẩm, làm khô thoáng bề mặt da, giúp da bé mịn màng, mềm mại. Thành phần chủ yếu trong phấn rôm là bột talc cùng một số khoáng chất như magie, silicon, oxy… có tác dụng tốt trong việc chống hăm tã, rôm sảy cho trẻ nhỏ. Phấn rôm còn được dùng để làm dầu gội khô, khử mùi, định hình lớp trang điểm, đuổi côn trùng…
Trước đây, phấn rôm là một sản phẩm chăm sóc da không thể thiếu của nhiều mẹ. Do phấn rôm có thể giữ cho da trẻ luôn khô thoáng, nhất là các vùng thường xuyên đóng bỉm và vùng nách, cổ, giúp trẻ không bị hăm, nổi rôm sảy. Nhiều mẹ còn dùng phấn rôm thoa lên mặt và cổ của bé để con trông xinh xắn hơn. Phấn rôm cũng được nhiều chị em dùng ở vùng kín để giữ cho vùng kín luôn sạch sẽ, giảm mùi khó chịu.
Thế nhưng hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ nên thận trọng khi dùng phấn rôm. Tuy chưa có nghiên cứu nào khẳng định phấn rôm có liên quan đến ung thư, nhưng đã có nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện vì bố mẹ sử dụng phấn rôm không đúng cách, khiến bé mắc các bệnh về đường hô hấp, bị viêm da, hăm tã rôm sảy nghiêm trọng do sử dụng phấn rôm.
Tác hại của phấn rôm đối với trẻ khi dùng sai cách
Có rất nhiều bậc cha mẹ sử dụng phấn rôm một cách vô tội vạ, không tìm hiểu thông tin, cách dùng về sản phẩm dẫn đến việc sử dụng sai cách gây ra các tác hại khôn lường cho con yêu của mình. Sử dụng phấn rôm sai cách là tình trạng thường gặp, xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là lơ là, chủ quan, thiếu kiến thức về sản phẩm.
Có rất nhiều trường hợp bé phải nhập viện vì sử dụng phấn rôm, do đó, nhiều bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên sử dụng sản phẩm này cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và cả người trưởng thành. Thế nhưng thực tế, nếu sử dụng đúng cách, phấn rôm sẽ phát huy được tối đa công dụng của mình. Còn ngược lại, nếu dùng sai cách, không tìm hiểu kỹ khi sử dụng dẫn đến phản tác dụng. Dưới đây là một số tác hại của phấn rôm đối với trẻ khi dùng sai cách mà bố mẹ nên biết:
1. Gây bít tắc lỗ chân lông, viêm da nặng
Công dụng của phấn rôm là hút ẩm, giúp cho da bé được khô ráo, nhất là các vùng dễ ẩm ướt, hay đổ mồ hôi như nách, cổ, ngấn tay ngấn chân và các vùng đóng bỉm thường xuyên như vùng mông để ngăn ngừa hăm, nổi mụn rôm. Phấn rôm không dùng để điều trị rôm sảy, không thích hợp sử dụng khi bé đã bị hăm tã, rôm sảy.
Việc sử dụng phấn rôm khi bé đã bị hăm nặng, sử dụng vừa lượng phấn quá nhiều không chỉ không giúp bé ngăn ngừa hăm da mà còn dẫn đến bít tắc lỗ chân lông. Đây chính là lý do mà khi sử dụng phấn rôm khi bé đã bị rôm sảy, hăm tã thì tình trạng hăm da, viêm da của bé ngày một nghiêm trọng hơn.
2. Gây hại đường hô hấp
Theo TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên khoa da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, trước đây phấn rôm được dùng để trị hăm da, làm mát dịu cho da bé. Tuy nhiên, hiện nay, các chuyên gia đều khuyến cáo các bậc phụ huynh nên thận trọng khi sử dụng vì có thể khiến bé hít phải bụi phấn, gây hại đường hô hấp.
Phấn rôm có kích thước rất nhỏ, khi sử dụng không cẩn thận sẽ khiến các hạt bụi phấn len lỏi vào phế nang của trẻ. Chúng cản trở hoạt động nhung mao hô hấp, lâu ngày sẽ gây tắc nghẽn đường thở. Nếu ở mức độ nhiều có thể làm viêm nhiễm mô kẽ đường thở, gây ra viêm tiểu phế quản rất nguy hiểm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Có rất nhiều trường hợp bé bị sưng viêm, ho hắt hơi, sổ mũi, khó thở, tím tái, thậm chí tắc nghẽn được thở do hít phải quá nhiều phấn rôm. Hơn nữa, trong phấn rôm còn chứa các thành phần như muối calci, bột talc, kẽm, chất béo, một số chất tạo mùi thơm… có thể gây hại cho bé khi hít vào.
Bên cạnh đó, việc hít phải phấn rôm bôi da lâu ngày còn có nguy cơ gây “bệnh bụi phổi” do thành phần trong phấn rôm như silica, bột talc tích tụ gây ra. Hầu như các biện pháp thải độc thông thường đều không có tác dụng nếu như ngộ độc khi hít phải phấn rôm. Những trường hợp bé bị ngộ độc phấn rôm phải được theo dõi lâu dài vì về sau sẽ thường bị di chứng tắc nghẽn.
3. Nguy cơ mắc ung thư
Talc là một trong những tác nhân gây ung thư ở người, được xếp loại bởi Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư TIARC ( The International Agency for Research on Cancer). Theo các thí nghiệm ở một số động vật, nếu tiếp xúc lâu này với phấn rôm có thể gây ra sự phát triển của các khối u. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu, xem xét và nhận thấy các hạt talc có mức độ nguy hiểm tương đương với amiăng.
Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng, có đến 2 loại bột talc khác nhau, một loại có amiăng và một loại không có amiăng. Từ những năm 1970, tại Mỹ đã ngưng sản xuất loại bột talc có chứa amiăng. Loại bột này dễ gây ung thư ngay cả khi thường xuyên hít phải hoặc chỉ thoa ngoài da tại vùng kín. Trong khi đó, việc bột talc không chứa amiăng có gây ung thư hay không thì vẫn chưa có nghiên cứu khoa học về vấn đề này.
4. Ảnh hưởng xấu đến bé gái
Một nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ đã tìm thấy mối liên quan giữa việc sử dụng bột talc với ung thư buồng trứng không xâm lấn. Trong nghiên cứu này, khi sử dụng ở vùng kín của nữ giới, bột talc sẽ di chuyển vào cơ thể qua âm đạo đến buồng trứng nếu bạn sử dụng với mức độ nhiều hàng ngày.
Các nhà khoa học cho rằng, sử dụng phấn rôm có thể gây ra các khối u ác tính ở buồng trứng, nguyên nhân là hố chậu và bộ phận sinh dục bên trong của nữ có thông với bên ngoài. Đây chính là lý do khiến các chất ô nhiễm, bụi phấn siêu nhỏ từ môi trường có thể xâm nhập vào hố chậu qua âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng gây viêm nhiễm dẫn đến sự phát triển của các tế bào ung thư.
Mặc dù chưa có kết luận chính thực về tác động của phấn rôm đến ung thư buồng trứng. Tuy nhiên các nhà khoa học khuyến cáo rằng, chị em phụ nữ không nên thoa phấn rôm vào vùng kín của bé gái. Bên cạnh đó, tất cả phụ nữ cũng nên ngừng ngay việc sử dụng, thoa phấn rôm xung quanh bộ phận sinh dục.
5. Đe dọa sức khỏe
Một trong những tác hại của phấn rôm đối với trẻ sơ sinh chính là có nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng nếu chọn những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Nếu sử dụng không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, sức khỏe làn da mà còn có nguy cơ gây tử vong. Vào năm 1981, tại TP.HCM đã có gần 200 trẻ tử vong chỉ trong vòng 3 tháng mà không xác định được nguyên nhân. Dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, ngành y tế TP đã xác định được thủ phạm là một loại phấn rôm có chứa warfarin, một loại chất độc dùng trong thuốc diệt chuột.
Lời khuyên khi sử dụng phấn rôm đối với trẻ sơ sinh
Phấn rôm sẽ gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ sơ sinh nếu không được sử dụng đúng cách. Do đó, nếu phải sử dụng đúng cách thì phấn rôm sẽ không gây tác hại ngược lại còn phát huy được tối đa hiệu quả của mình. Khi sử dụng phấn rôm, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Khi dùng phấn rôm cho bé, bạn nên chọn các sản phẩm được sản xuất bởi thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chứa thành phần tự nhiên càng tốt và đặc biệt phải còn hạn sử dụng, không chứa hóa chất độc hại.
- Trước khi dùng cho con yêu, nên thử phản ứng bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa một lớp mỏng lên da rồi theo dõi trong vòng 24 giờ.
- Phấn rôm chứa các phân tử rất nhỏ, do đó khi sử dụng bạn phải đảm bảo rằng không làm cho bột phát tán khắp nơi trước khi thoa lên da. Hãy thoa bột lên tay bạn trước, lúc này cần đứng cách xa trẻ, ở nơi khuất gió rồi mới thoa bột từ tay lên da bé
- Tuyệt đối không rắc bột trực tiếp lên da con, không thoa lên mặt, mắt và vùng hội âm (bụng dưới, mặt trong đùi, quanh âm hộ) của bé gái để tránh nguy cơ gây ung thư
- Không thoa phấn cho trẻ khi đứng trước quạt, ở nơi có nhiều gió, vùng da đang bị hăm, bị rôm, viêm nhiễm
- Nên để xa tầm tay trẻ, không cho bé cầm lọ phấn rôm để chơi, nhớ đậy nắp cẩn thận sau khi sử dụng
- Không mua các sản phẩm kém chất lượng, giá thành rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của con yêu.
- Không dùng phấn rôm để làm sáng da cho bé, không dùng bông trang điểm để thoa bột vì sẽ làm phát tán hạt phấn ảnh hưởng đến sức khỏe của bé
- Không dùng phấn rôm làm từ bột ngô hoặc sử dụng bột ngô để thay thế vì các phân tử bột ngô còn có kích thước lớn hơn bột talc.
Cách xử lý và phòng ngừa rôm sảy cho bé
Để phòng ngừa rôm sảy, hăm tã cho bé, bên cạnh việc sử dụng phấn rôm, mẹ có thể:
- Sử dụng quần áo, tã lót được làm từ vải sợi, cotton mỏng, rộng, thoáng mát, thấm hút mồ hôi cho bé
- Khi thời tiết lạnh, phải thường xuyên mặc bỉm thì trước khi thay bỉm, mẹ nên lau sạch, giữ khô vùng mặc tã cho bé
- Nếu thời tiết nóng nực, trẻ tiết nhiều mồ hôi thì nên thường xuyên thay quần áo cho con, tắm rửa thường xuyên, giữ cho các lỗ chân lông không bị bít tắc, làm sạch làn da
- Nên dùng các loại sữa tắm trị rôm sảy để phòng ngừa rôm sảy cho bé, trường hợp bé bị rôm sảy, hăm tã thì nên dùng các loại kem dạng gel đặc trị.
- Cho trẻ ở nơi thoáng mát, thông gió, tránh cho trẻ ra ngoài chơi vào những giờ nắng gắt.
- Mẹ có thể dùng nước đun sôi để nguội rồi tắm cho bé nhằm diệt khuẩn, ngoài ra có thể dùng dầu dừa để thoa lên vùng hăm, massage nhẹ nhàng và lau sạch với khăn
Như vậy, tác hại của phấn rôm đối với trẻ sơ sinh là rất nhiều, mẹ nên tìm hiểu kỹ để thận trọng hơn khi sử dụng sản phẩm này. Tốt nhất mẹ nên chọn các sản phẩm an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và sử dụng đúng cách để giúp da bé mềm mịn, khô thoáng, ngăn ngừa tốt tình trạng hăm tã, rôm sảy.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!