Dấu hiệu thiếu canxi ở bà bầu và cách bổ sung an toàn hiệu quả
Nội Dung Bài Viết
Thiếu canxi ở bà bầu biểu hiện qua một số dấu hiệu như đau nhức lưng, cơ bắp, thường xuyên bị chuột rút và móng tay giòn, dễ gãy. Nếu không khắc phục sớm, mẹ bầu có thể bị loãng xương, hạ canxi huyết và dễ gặp phải các biến chứng thai kỳ.
Vai trò của canxi với bà bầu? Nhu cầu mỗi ngày
Canxi là loại khoáng chất thiết yếu đối với cơ thể – đặc biệt là trong thời gian mang thai. Tác dụng chính của canxi là hình thành xương, răng và tóc cho thai nhi, đồng thời duy trì hệ thống xương khớp chắc khỏe cho mẹ bầu. Bên cạnh đó, loại khoáng chất này còn chi phối hoạt động co giãn tế bào cơ và tham gia vào quá trình đông máu.
Canxi giữ nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe nên nhu cầu cao hơn so với các khoáng chất thông thường như kẽm, đồng và sắt. Trong thời gian mang thai, nhu cầu canxi có xu hướng tăng lên đột ngột vì lúc này, cả mẹ và thai nhi đều cần canxi để hình thành – phát triển xương, tóc, móng, răng,… Ngoài ra, cung cấp đủ canxi còn giúp mẹ bầu ngăn ngừa cao huyết áp, giảm nguy cơ tiền sản giật và phòng ngừa chứng loãng xương sau sinh.
Nhu cầu canxi cho mẹ bầu theo từng giai đoạn:
- Trong 3 tháng đầu, nhu cầu canxi dao động khoảng 800mg/ ngày
- Vào 3 tháng giữa thai kỳ, nhu cầu canxi ở bà bầu rơi vào khoảng 1000mg
- Đặc biệt trong 3 tháng cuối và sau khi sinh, nhu cầu tăng lên khoảng 1500mg vì thai nhi và trẻ sơ sinh cần lượng canxi lớn để phát triển xương, răng và tóc
Canxi là khoáng chất thiết yếu đối với phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Thiếu hụt khoáng chất này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
Các dấu hiệu nhận biết thiếu canxi ở bà bầu
Như đã đề cập, canxi là khoáng chất cần thiết đối với sức khỏe của bà bầu. So với người bình thường, nhu cầu canxi ở thai phụ có thể tăng lên từ 1.5 – 3 lần tùy theo từng giai đoạn của thai kỳ. Vì vậy nếu không tăng cường bổ sung, mẹ bầu có thể bị thiếu canxi.
Thiếu canxi ở phụ nữ mang thai biểu hiện qua những dấu hiệu sau:
1. Hay bị chuột rút, đau nhức cơ
Đau nhức cơ và chuột rút là một trong những biểu hiện cho thấy cơ thể thiếu nước, muối hoặc canxi. Trong trường hợp uống đủ nước và bổ sung đủ natri nhưng cơ thể thường xuyên bị đau nhức và chuột rút, mẹ bầu nên đánh giá hàm lượng canxi dung nạp trong mỗi bữa ăn.
Ngoài chức năng tạo xương, canxi còn tồn tại một lượng nhất định trong máu với chức năng chính là đảm bảo hoạt động co giãn cơ và các mô thần kinh. Chính vì vậy khi lượng canxi trong máu giảm, mẹ bầu có thể bị đau nhức cơ bắp và chuột rút (xảy ra 2 – 3 lần/ tuần).
2. Móng tay giòn, dễ gãy
Canxi là khoáng chất tham gia vào quá trình hình thành xương, móng tay và tóc. Do đó nếu không cung cấp đủ khoáng chất mà cơ thể cần, móng tay và móng chân có xu hướng vàng, giòn và dễ gãy hơn so với bình thường.
Ở những trường hợp thiếu canxi nghiêm trọng, móng tay có thể gãy và xây xước chỉ với tác động rất nhỏ. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể bị rụng tóc do thiếu hụt các khoáng chất thiết yếu.
3. Đau nhức, chảy máu chân răng
Canxi là khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Bổ sung canxi đều đặn giúp xương chắc khỏe, tránh tình trạng ê buốt và sâu răng. Ngược lại, thiếu hụt canxi khiến răng suy yếu, dễ lung lay, đau nhức và chảy máu chân răng – nhất là khi mang thai.
Ở mẹ bầu, hormone progesterone tăng lên đột ngột trong 3 tháng đầu thai kỳ với nhiệm vụ chính là giữ phôi thai trong tử cung và thúc đẩy tuần hoàn máu. Tuy nhiên, việc tuần hoàn máu tăng lên có thể khiến mô nướu trở nên nhạy cảm, dễ chảy máu và đau nhức. Nếu đi kèm với tình trạng thiếu hụt canxi, mẹ bầu có thể gặp phải hàng loạt các vấn đề nha khoa như viêm nướu răng, sâu răng, viêm nha chu, áp xe chân răng,…
4. Cơ thể mệt mỏi
Thiếu hụt canxi khiến mẹ bầu dễ bị đau nhức xương khớp, cơ bắp, chuột rút, căng thẳng và khó ngủ. Tình trạng này kéo dài có thể gây mệt mỏi và suy nhược. Nếu không xử lý sớm, không chỉ có thể trạng của mẹ mà sức khỏe của thai nhi cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
5. Co giật cơ tay và cơ mặt
Trong trường hợp thiếu hụt canxi nặng, mẹ bầu có thể bị co giật cơ mặt và cơ tay do nồng độ canxi huyết giảm thấp hơn 215mmol/l. Ngoài chức năng cấu tạo xương và răng, canxi còn tham gia vào tất cả quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Vì vậy, hạ canxi huyết có thể tăng kích thích thần kinh cơ dẫn đến hiện tượng co quắp tay chân,..
Thiếu canxi ở mẹ bầu có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, canxi là khoáng chất vô cùng cần thiết với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Thiếu hụt canxi trong giai đoạn mang thai đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi và tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ. Vì vậy nếu không bổ sung canxi kịp thời, mẹ bầu có thể phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề như:
- Cơ thể đau nhức, tăng nguy cơ loãng xương và mắc các bệnh xương khớp mãn tính
- Cao huyết áp, tiền sản giật và dễ gặp phải các biến chứng thai kỳ khác
- Trẻ sinh ra bị còi xương bẩm sinh, xương yếu, dị tật, suy dinh dưỡng, khò khè và chậm phát triển
- Bà bầu bị thiếu hụt canxi nặng có thể sinh ra trẻ bị rối loạn hệ thần kinh (căng thẳng hoặc hưng phấn quá mức), trẻ dễ bị rối loạn giấc ngủ và có hệ miễn dịch suy giảm
- Thiếu hụt canxi làm tăng nguy cơ suy nhược thần kinh và viêm loét đường tiêu hóa ở mẹ bầu
Thiếu canxi ở bà bầu gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề đối với cả mẹ và thai nhi. Vì vậy ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, mẹ bầu cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách bổ sung canxi an toàn.
Khắc phục tình trạng thiếu canxi ở phụ nữ mang thai
Canxi có mặt trong nhiều loại thực phẩm và thức uống. Vì vậy, mẹ bầu hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu canxi mỗi ngày qua chế độ ăn uống. Tuy nhiên nếu cơ thể thiếu hụt canxi nặng, nên tìm gặp chuyên gia để được tư vấn bổ sung bằng các sản phẩm hỗ trợ.
Dưới đây là một số cách bổ sung canxi cho mẹ bầu an toàn và hiệu quả:
1. Cải thiện thiếu canxi ở bà bầu qua chế độ ăn uống
Bổ sung canxi qua chế độ ăn uống là cách đơn giản và an toàn nhất. Bên cạnh việc tăng cường các loại thực phẩm, thức uống chứa nhiều canxi và vitamin D (giúp tăng khả năng hấp thu canxi của cơ thể), mẹ bầu cũng cần hạn chế các loại thực phẩm làm giảm hấp thu canxi ở ruột non và tăng đào thải canxi qua thận.
Cách cải thiện tình trạng thiếu canxi ở bà bầu qua chế độ dinh dưỡng:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa là nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin D và protein. Vì vậy, mẹ bầu nên bổ sung từ 1 – 2 ly sữa mỗi ngày để cung cấp canxi cho cơ thể. Ngoài ra, thai phụ cũng có thể dùng các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, bánh ngọt,…
- Các loại hải sản như cá, tôm, cua, mực, nghêu,… chứa hàm lượng canxi và khoáng chất dồi dào. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mẹ bầu nên bổ sung 4 – 5 bữa cá/ tuần để cung cấp đầy đủ canxi và dinh dưỡng thiết yếu. Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm các loại hải sản khác từ 1 – 2 bữa để làm mới thực đơn và đa dạng nguồn dinh dưỡng.
- Ngoài ra, bà bầu cũng có thể bổ sung canxi qua một số loại trái cây và rau xanh như cam quýt, kiwi, chuối, dâu, súp lơ, mồng tơi,… Nhóm thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, dễ tiêu hóa và tốt cho sức khỏe nên mẹ bầu có thể bổ sung hằng ngày.
- Nếu thường xuyên bị đầy hơi do sử dụng sữa và hải sản, mẹ bầu có thể xen kẽ với canxi từ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như đậu, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt chia, đậu nành, đậu phụ, hạt vừng, khoai lang, đậu bắp, bí đao,…
- Bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin D (lòng đỏ trứng, các loại nấm, đậu) để tăng hấp thu canxi và tránh tình trạng canxi lắng đọng tại thận.
Song song với việc bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và khoáng chất, mẹ bầu nên tránh dùng các món ăn và thức uống làm giảm hấp thu canxi ở ruột và tăng đào thải canxi qua thận như:
- Nước trà xanh chứa chất tannin có thể giảm hấp thu canxi qua ruột non.
- Tránh cà phê và đồ uống chứa cồn vì caffeine và ethanol (cồn) đều tăng đào thải canxi qua thận.
- Hạn chế các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật,… Vì canxi có xu hướng bám theo chất béo không hòa tan đi ra khỏi cơ thể qua đường phân.
Bổ sung canxi qua chế độ ăn có độ an toàn cao và hoàn toàn không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên để cung cấp đủ lượng canxi mà cơ thể cần và tránh tình trạng tăng cân đột ngột, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cách xây dựng chế độ ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của mẹ.
2. Sử dụng các loại sữa dành cho mẹ bầu
Kể từ tháng 3 trở đi, nhu cầu dinh dưỡng nói chung và canxi nói riêng có xu hướng tăng lên đáng kể. Vì vậy bên cạnh chế độ ăn uống, mẹ bầu cũng có thể bổ sung canxi và dinh dưỡng cần thiết bằng các loại sữa bầu.
Ngoài canxi, các sản phẩm sữa dành riêng cho phụ nữ mang thai được thiết kế công thức tối ưu với đầy đủ các chất dinh dưỡng như protein, Omega 3, vitamin D, sắt,… Mặc dù giàu dinh dưỡng nhưng các sản phẩm này dễ tiêu hóa và không gây tăng cân đột ngột. Nếu đang có ý định sử dụng, bạn có thể tham khảo các loại sữa bầu được đánh giá tốt để dễ dàng đưa ra lựa chọn.
3. Dùng viên uống, TPCN bổ sung canxi
Ngoài việc bổ sung canxi qua chế độ ăn và các loại sữa bầu, thai phụ cũng có thể sử dụng TPCN và các viên uống bổ sung canxi từ tháng 4 đến thời gian sau sinh. Bởi đây là thời điểm thai nhi cần nhiều canxi để tạo dựng khung xương, phát triển răng, tóc và móng. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần một lượng canxi nhất định để duy trì sức khỏe xương khớp và hạn chế nguy cơ loãng xương.
Mặc dù cung cấp cho cơ thể một lượng lớn canxi nhưng nếu bổ sung không đúng cách, canxi có lắng đọng tại cơ quan tiết niệu dẫn đến sỏi thận, sỏi niệu quản và vôi hóa một số khớp xương. Bên cạnh đó, thừa canxi còn gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi hoặc thậm chí là hạ huyết áp và rối loạn nhịp tim.
Do đó trước khi sử dụng viên uống và TPCN bổ sung canxi, bà bầu cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn sản phẩm và liều lượng phù hợp với giai đoạn thai kỳ, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mẹ.
- Nên bổ sung vào buổi sáng để cơ thể hấp thu và chuyển hóa tốt canxi. Ngoài ra, bổ sung canxi vào thời điểm này còn hạn chế được nguy cơ tích lũy canxi ở thận.
- Sắt làm gián đoạn quá trình hấp thu canxi của cơ thể. Vì vậy, nên sử dụng 2 sản phẩm này cách nhau ít nhất 2 giờ đồng hồ.
- Hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm chứa oxalate trong thời điểm uống canxi vì có thể làm tăng lượng canxi đào thải qua nước tiểu và dễ dẫn đến sỏi thận.
- Uống nhiều nước trong thời gian dùng các viên uống bổ sung canxi.
- Cơ thể không hấp thu hoàn toàn một lượng lớn canxi (>500mg). Vì vậy, bạn chỉ nên dùng viên uống chứa hàm lượng canxi vừa phải. Bên cạnh đó, nên cung cấp thêm khoáng chất thông qua chế độ ăn uống.
4. Một số biện pháp khác
Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể kết hợp với một số biện pháp sau để tăng khả năng hấp thu canxi:
- Bổ sung thêm một số loại thực phẩm hoặc viên uống chứa vitamin D3, magie. Các thành phần dinh dưỡng này giúp cơ thể tăng hấp thu canxi và hạn chế tình trạng canxi tích lũy ở thận.
- Tia UVB trong ánh nắng có khả năng kích thích cơ thể tăng sản xuất vitamin D – thành phần cần thiết để hấp thu canxi. Vì vậy, mẹ bầu có thể tắm nắng từ 10 – 15 phút/ ngày.
- Cuối cùng, nên tập thể dục nhẹ nhàng từ tuần thứ 10 trở đi. Hoạt động thể chất không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn tăng hấp thu canxi vào xương và tránh tình trạng tích lũy khoáng chất ở cơ quan bài tiết.
Thiếu canxi ở bà bầu có thể cải thiện thông qua chế độ ăn uống, sử dụng sữa bầu và viên uống bổ sung. Tuy nhiên trước khi áp dụng các biện pháp này, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ để được đánh giá mức độ thiếu hụt canxi và tư vấn hướng khắc phục phù hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!