Thực đơn và chế độ ăn dành cho người bị tiểu đường
Nội Dung Bài Viết
Xây dựng thực đơn ăn uống cho người bị tiểu đường là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị bên cạnh việc sử dụng thuốc. Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp kiểm soát nồng độ glucose trong máu, hạn chế biến chứng lên thận, mạch máu, thần kinh và giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ đáng kể.
Vai trò của chế độ ăn đối với bệnh nhân tiểu đường
Tiểu đường (đái tháo đường) là tình trạng rối loạn chuyển hóa carbohydrate dẫn đến tình trạng nồng độ đường huyết tăng mãn tính. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra hàng loạt các hội chứng chuyển hóa trong cơ thể và làm phát sinh nhiều biến chứng ở nhiều cơ quan, đặc biệt là thận, thần kinh, tim, mạch máu, mắt,… hoặc thậm chí gây tử vong nếu không kiểm soát kịp thời.
Tiểu đường là căn bệnh tương đối phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh lý này dứt điểm. Các phương pháp được áp dụng chỉ có tác dụng cung cấp insulin cho cơ thể nhằm kiểm soát đường huyết và ổn định tiến triển của bệnh.
Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân bị tiểu đường cần phải kết hợp với lối sống khoa học và lành mạnh – đặc biệt là chế độ dinh dưỡng. Như đã biết, chế độ ăn là yếu tố có mối liên hệ vô cùng mật thiết đối với bệnh nhân bị tiểu đường (nhất là tiểu đường type 2). Ăn uống bừa bãi, không phù hợp có thể khiến nồng độ trong máu tăng cao, đồng thời làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa lipid, điện giải và protid.
Ngược lại nếu xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, bệnh nhân có thể đưa nồng độ glucose trong máu trở về mức bình thường, từ đó làm giảm tiến triển và hạn chế các biến chứng của bệnh như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, suy giảm, tổn thương dây thần kinh ngoại vi,… Mục đích xa hơn của việc điều trị dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường là cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Chính vì vậy bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân nên chú ý xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp để cung cấp cho cơ thể đầy đủ dinh dưỡng nhưng vẫn ổn định đường nồng độ đường huyết và hạn chế tối đa các rối loạn chuyển hóa thường gặp.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bị tiểu đường
Khác với người khỏe mạnh, chế độ ăn uống của người bị tiểu đường cần phải tuân thủ nghiêm ngặt một số nguyên tắc nhất định để tránh tình trạng tăng cân, đường huyết và lipid máu tăng cao.
1. Xác định nhu cầu năng lượng
Nhu cầu năng lượng ở mỗi người là hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào giới tính, chiều cao, cân nặng, mức độ vận động,… Do đó, nguyên tắc đầu tiên khi xây dựng thực đơn ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường là xác định nhu cầu năng lượng phù hợp.
Bước 1: Xác định cân nặng nên có
- NAM = Chiều cao (m) x chiều cao (m) x 22
- NỮ = Chiều cao (m) x chiều cao (m) x 21
Cân nặng nên có là mức cân nặng tối đa. Do đó, bệnh nhân có thể dựa vào kết quả tính toán cân nặng nên có để xác định được lượng calo cần dung nạp. Việc xác định nhu cầu năng lượng thông qua cân nặng nên có giúp đề phòng tình trạng tăng hoặc giảm cân ở bệnh nhân tiểu đường.
Bước 2: Xác định nhu cầu năng lượng
- Điều trị tại giường: 25kcal x cân nặng nên có
- Lao động nhẹ (làm văn phòng): 30kcal x cân nặng nên có
- Lao động trung bình: 35kcal x cân nặng nên có
- Lao động nặng: 40 kcal x cân nặng nên có
Đây được xem là bước quan trọng nhất khi xây dựng thực đơn ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường. Việc xác định lượng kcal cần dung nạp giúp bệnh nhân kiểm soát cân nặng, cung cấp đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
2. Hạn chế tối đa chất bột đường
Nguyên tắc thứ hai cần đáp ứng khi xây dựng thực đơn ăn uống là hạn chế tối đa chất bột đường. Bởi thành phần này khi dung nạp vào cơ thể sẽ khiến nồng độ glucose trong máu tăng cao. Nồng độ đường huyết tăng đồng nghĩa với việc bệnh tiến triển nhanh và tăng tốc độ phá hủy thận, mắt, thần kinh, mạch máu,…
Ngoài chất bột đường, bệnh nhân tiểu đường cũng nên hạn chế sử dụng chất béo bão hòa (lipid). Tăng dung nạp lipid có thể gây rối loạn chuyển hóa dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe như tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ vữa động mạch và các vấn đề về tim mạch.
3. Cân đối tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng
Các thành phần sinh năng lượng chủ yếu là đường bột, chất đạm và chất béo. Để tránh tình trạng đường huyết, huyết áp bất ổn, bệnh nhân cần cân đối tỷ lệ giữa các thành phần này. Việc cân đối tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn hỗ trợ kiểm soát huyết áp và phòng ngừa các biến chứng của bệnh.
- Chất béo: Chỉ nên bổ sung sao cho năng lượng chất béo cung cấp chiếm 20 – 30% tổng số năng lượng trong khẩu phần ăn
- Chất đạm: Chiếm khoảng 12 – 20% năng lượng trong khẩu phần ăn
- Chất đường bột: Cung cấp từ 45 – 55% tổng số năng lượng
4. Chia nhỏ bữa ăn
Bệnh nhân tiểu đường nên chia nhỏ bữa ăn, tốt nhất là từ 5 – 6 bữa/ ngày. Đối với những bệnh nhân đang điều trị bằng insulin tác dụng chậm, nên dùng 1 bữa ăn phụ trước khi ngủ để tránh tình trạng hạ đường huyết đột ngột. Việc chia nhỏ bữa ăn giúp hạn chế tình trạng nồng độ glucose trong máu tăng lên đột ngột sau khi ăn.
Hơn nữa, việc chia nhỏ bữa ăn còn giúp cơ thể hấp thu tối đa dinh dưỡng, hạn chế tích lũy năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ. Đồng thời giúp quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh chóng, từ đó hỗ trợ kiểm soát cân nặng và hạn chế tăng cân đột ngột.
5. Một số nguyên tắc khác
Ngoài ra, bệnh nhân bị tiểu đường còn phải tuân thủ một số nguyên tắc khác như:
- Ưu tiên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, ít chất béo, ít chứa đường, nhiều vitamin và khoáng chất
- Hạn chế dùng các loại thực phẩm được chế biến sẵn, thực phẩm ngâm đường, muối chua,…
- Chế biến món ăn ở dạng luộc, hấp, canh súp để đảm bảo giá trị dinh dưỡng và hạn chế bổ sung quá nhiều năng lượng. Tránh món ăn ở dạng nướng, chiên xào,…
- Tuyệt đối không được bỏ bữa ăn sáng, ăn uống kiêng khem hoặc ăn uống quá mức. Tất cả các thói quen này đều ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Ăn chậm nhai kỹ, chú ý ăn chín uống sôi để tránh đau bụng, tiêu chảy.
- Bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần (khoảng 1 – 2 lít nước) tùy theo tình trạng sức khỏe và biến chứng lên thận.
Thực đơn mẫu cho người bị tiểu đường
Dưới đây là một số thực đơn mẫu cho người bị tiểu đường trong vòng 1 tuần.
Thứ 2:
- Sáng (6 – 7:00): Phở gà + 2 múi bưởi
- Trưa (11 – 12:00): Một chén cơm vừa phải + thịt chưng trứng, nấm mèo + canh bí đỏ nấu thịt + dưa leo, cà chua, dưa hấu
- Chiều (15:00): 1 cái bánh flan nhỏ hoặc 1 hộp sữa chua không đường
- Tối (17 – 18:00): Một chén cơm vừa phải + dưa cải + thịt khô đậu hũ + 3 quả táo ta
Thứ 3:
- Sáng (6 – 7:00): 6 viên há cảo hấp + 1 quả quýt đường
- Trưa (11 – 12:00): Một chén cơm vừa phải + thịt kho trứng, rau muống luộc + canh cá hồi + ½ quả lê
- Chiều (15:00): 1 cái bánh flan nhỏ
- Tối (17 – 18:00): Một chén cơm + thịt kho đậu + canh cải xoong nấu tôm + dưa cải + 3 quả táo ta
Thứ 4:
- Sáng (6 – 7:00): Bánh canh thịt heo (ít bánh) + nho
- Trưa (11 – 12:00): Một chén cơm + canh bầu tôm, rau càng cua trộn giấm + xíu mại + 1 quả sapoche
- Chiều (15:00): Dùng bánh quy ít đường hoặc bánh quy được chế biến từ đường dành cho bệnh nhân tiểu đường
- Tối (17 – 18:00): Một chén cơm + gà nấu nấm + canh cải xanh nấu thịt đỏ + 1 – 2 miếng thanh đỏ
Thứ 5:
- Sáng (6 – 7:00): Bánh mì cá hộp + 1 – 2 miếng mãng cầu xiêm
- Trưa (11 – 12:00): Bún mọc + 1 bánh su kem tách béo, ít đường
- Chiều (15:00): Nửa trái bắp luộc
- Tối (17 – 18:00): Một chén cơm + cá hú kho + 4 quả chôm chôm + canh bắp cải nấu thịt + rau lang luộc
Thứ 6:
- Sáng (6 – 7:00): Một tô hoành thánh + ½ nửa quả vú sữa
- Trưa (11 – 12:00): Một chén cơm + đậu que luộc + canh cua nấu mồng tơi, rau dền + 2 quả hồng
- Chiều (15:00): 1 hộp sữa chua
- Tối (17 – 18:00): Một chén cơm + khổ qua xào trứng + canh bí đao nấu thịt + nửa quả táo
Thứ 7:
- Sáng (6 – 7:00): Một dĩa bánh cuốn + 1 miếng dứa
- Trưa (11 – 12:00): Hủ tiểu bò khô + 1 miếng dưa hấu nhỏ
- Chiều (15:00): Một cái bánh flan nhỏ
- Tối (17 – 18:00): Một chén cơm + mực nhồi thịt sốt cá chua + súp lơ xào tỏi + canh đậu hũ hẹ thịt + ½ trái ổi
Chủ nhật:
- Sáng (6 – 7:00): Một chén cháo trắng đậu đỏ + ½ quả cam
- Trưa (11 – 12:00): 1 tô mì quảng (ít bún, nhiều rau) + 3 quả măng cụt nhỏ
- Chiều (15:00): 1 miếng dưa lê/ dưa gang
- Tối (17 – 18:00): 1 chén cơm + cá chép chưng tương + canh khổ qua hầm + 1 miếng thanh long
Mặc dù không thể điều trị hoàn toàn nhưng bệnh nhân hoàn toàn có “chung sống hòa bình” với bệnh tiểu đường. Thực tế cho thấy, đa phần những bệnh nhân tích cực trong quá trình điều trị, ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên có thể kiểm soát hoàn toàn tiến triển của bệnh, hạn chế tối đa biến chứng và giúp kéo dài tuổi thọ đáng kể.
Thông tin về cách xây dựng thực đơn, chế độ ăn uống cho người bị tiểu đường trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Để được tư vấn cụ thể, bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ dựa trên độ tuổi, cân nặng, chỉ số đường huyết, phương pháp điều trị đang áp dụng và các biến chứng gặp phải (nếu có) để hướng dẫn thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!