5 Cây thuốc nam chữa đau thần kinh tọa dễ tìm quanh nhà
Nội Dung Bài Viết
Lá lốt, cỏ xước, ngải cứu, gừng,… là các cây thuốc nam chữa đau thần kinh tọa dễ tìm, độ an toàn cao và chi phí thấp. Tuy nhiên, các bài thuốc dân gian chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm nhẹ cơn đau và các triệu chứng đi kèm.
Có nên dùng thuốc nam trị đau dây thần kinh tọa?
Đau thần kinh tọa (đau dây thần kinh hông to) là hội chứng thần kinh thường gặp ở người từ 30 – 60 tuổi. Hội chứng này điển hình với cơn đau nhói xuất hiện ở thắt lưng chạy dọc xuống mông, đùi và bắp chân. Cơn đau có thể khởi phát từ từ hoặc cũng có thể bùng phát đột ngột. Ngoài ra, bệnh còn gây ra một số triệu chứng do chèn ép dây thần kinh như có cảm giác buốt nhói, dị cảm, tê rần ở thắt lưng và chi dưới.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm, chấn thương, ảnh hưởng của các bệnh cột sống, giải phẫu cột sống bất thường, tư thế xấu,… Nếu được điều trị sớm, bệnh có thể thuyên giảm chỉ sau một thời gian nhất định và không gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên trong trường hợp chủ quan, đau thần kinh tọa có thể tiến triển nặng và dẫn đến các ảnh hưởng nặng nề như teo cơ, liệt chi dưới và hội chứng chùm đuôi ngựa.
Hiện nay, điều trị đau dây thần kinh hông to bao gồm nhiều phương pháp như bất động, sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh các phương pháp chính, bệnh nhân cũng có thể sử dụng phối hợp với các bài thuốc nam để hỗ trợ giảm nhẹ cơn đau, giải phóng dây thần kinh bị chèn ép và rút ngắn thời gian điều trị.
Các cây thuốc nam được dùng để chữa đau thần kinh tọa có tác dụng trừ phong thấp, thúc đẩy lưu thông khí huyết và cường kiện gân cốt. Các thảo dược này có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, hỗ trợ phục hồi chức năng vận động và tăng hiệu quả của các biện pháp y tế.
Tuy nhiên, hiệu quả của các bài thuốc nam chữa đau thần kinh tọa tương đối chậm. Vì vậy, bệnh nhân nên kiên trì áp dụng đều đặn để nhận thấy những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, cần tránh tình trạng phụ thuộc quá mức vì hầu hết các bài thuốc nam đều cho hiệu quả hạn chế và không thể thay thế cho các biện pháp y tế.
5 Cây thuốc nam chữa đau thần kinh xung quanh nhà
Nhân dân lưu truyền nhiều bài thuốc nam chữa đau dây thần kinh như sử dụng lá lốt, ngải cứu, tỏi, cây cỏ xước,… Nếu đang có ý định thực hiện biện pháp này, bệnh nhân có thể tham khảo một số bài thuốc được áp dụng phổ biến ngay sau đây:
1. Lá lốt – Cây thuốc nam chữa đau thần kinh tọa
Dùng lá lốt chữa đau thần kinh tọa là bài thuốc nam được áp dụng phổ biến. Với vị cay nồng, tính ấm, tác dụng chỉ thống (giảm đau), hạ khí và ôn trung tán hàn, thảo dược này được sử dụng để kích thích tiêu hóa, giảm chứng đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa do lạnh, đau nhức xương khớp, đau thần kinh tọa do nhiễm phong hàn,…
Ngoài ra các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, lá lốt có tác dụng chống viêm, giảm đau và kháng khuẩn. Chính vì vậy, bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa có thể tận dụng thảo dược này để giảm đau nhức và cải thiện các triệu chứng đi kèm.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bài thuốc đắp: Chuẩn bị lá lốt tươi 150g và muối hạt 200g. Đem nguyên liệu cho chảo, sao nóng và cho tất cả vào túi vải, sau đó chườm trực tiếp lên vùng thắt lưng trong 10 – 15 phút. Nhiệt độ cao sẽ đưa tinh chất từ lá lốt thẩm thấu vào da giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giải phóng dây thần kinh bị chèn ép và giảm nhẹ tình trạng đau nhức, tê bì.
- Bài thuốc uống: Dùng 100g lá lốt tươi ngâm rửa sạch và sắc lấy nước uống thường xuyên. Nên áp dụng bài thuốc này trong 5 – 7 ngày liên tục để kiểm soát cơn đau và giảm nhẹ các triệu chứng đi kèm.
- Bài thuốc xoa bóp: Dùng rễ lá lốt 200g đem ngâm với rượu 40 – 50 độ (khoảng 500ml) trong vòng 1 tháng là dùng được. Sử dụng dịch rượu để xoa bóp nhằm kích thích tuần hoàn máu, giảm đau nhức và giải phóng dây thần kinh bị chèn ép. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể áp dụng bài thuốc xoa bóp từ lá lốt khi bị đau nhức xương khớp do thời tiết chuyển lạnh.
Lá lốt có tính nóng nên không áp dụng bài thuốc từ thảo dược này nếu bị đau thần kinh tọa do thấp nhiệt (nhiễm trùng) hoặc do chấn thương. Ngoài ra, người bị táo bón, nhiệt miệng,… cũng nên thận trọng khi áp dụng bài thuốc uống từ lá lốt.
2. Bài thuốc nam từ ngải cứu trị đau thần kinh tọa
Ngải cứu (ngải diệp) là cây thuốc nam quý có nhiều công dụng chữa bệnh. Thảo dược này có vị cay, đắng, tính ấm, tác dụng lý khí huyết, ấm kinh, an thai, cầm máu và đuổi hàn thấp. Do đó, nhân dân thường sử dụng ngải diệp để trị động thai cho bà bầu, điều hòa kinh nguyệt, trị rong kinh, băng huyết không ngừng. Bên cạnh đó, ngải cứu còn được dùng để giảm đau nhức do các bệnh xương khớp như đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống.
Với công năng làm ấm kinh và hoạt huyết, bài thuốc từ thảo dược này giúp giải phóng hàn khí tích trệ ở dây thần kinh tọa, thúc đẩy tuần hoàn máu và phục hồi chức năng vận động. Bên cạnh đó, một số hợp chất thực vật trong ngải cứu còn có tác dụng chống viêm và ức chế gốc tự do (một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm mãn tính ở các khớp, cột sống). Do đó, áp dụng bài thuốc này đều đặn có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh như đau nhức, tê mỏi, dị cảm, ngứa ran,…
Hướng dẫn thực hiện:
- Bài thuốc từ ngải cứu và mật ong: Chuẩn bị 100g ngải cứu tươi và mật ong vừa đủ. Đem ngải cứu ngâm rửa, để ráo nước, giã nhuyễn và vắt lấy nước. Sau đó hòa mật ong vào, khuấy đều và uống trực tiếp. Theo kinh nghiệm dân gian, nên áp dụng bài thuốc này đều đặn trong vòng 10 – 14 ngày để kiểm soát cơn đau hoàn toàn.
- Bài thuốc đắp từ muối và ngải cứu: Theo y học cổ truyền, muối có tác dụng dẫn thuốc vào kinh mạch. Do đó, kết hợp muối và ngải cứu có thể tăng hiệu quả hoạt huyết, ấm kinh và chỉ thống. Để giảm đau dây thần kinh tọa, nên sao vàng ngải cứu và muối biển. Sau đó cho vào túi vải và chườm đắp lên vùng thắt lưng trong 10 – 15 phút.
- Bài thuốc ngâm từ ngải cứu: Nếu cơn đau lan tỏa xuống bắp đùi và bàn chân, bệnh nhân nên áp dụng bài thuốc ngâm từ ngải cứu. Nhiệt độ ấm của nước cùng với tinh chất từ thảo dược có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, hỗ trợ kiểm soát và ngăn ngừa cơn đau bùng phát khi ngủ. Ngoài ra, bài thuốc này còn giúp giảm căng thẳng và tăng chất lượng giấc ngủ.
3. Sữa tỏi – Bài thuốc nam chữa đau thần kinh tọa phổ biến
Sữa tỏi chữa đau dây thần kinh tọa là bài thuốc điều trị có nguồn gốc từ dân gian. Hiện nay, bài thuốc này vẫn được áp dụng khá phổ biến vì có thể giảm nhẹ một số triệu chứng của bệnh như đau nhức, tê bì, ngứa ran,…
Tỏi không chỉ là một loại gia vị đơn thuần mà còn đem lại cho cơ thể nhiều lợi ích. Trong đó, các vitamin và khoáng chất từ thảo dược này có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng và bảo vệ tế bào thần kinh. Các hợp chất thực vật trong tỏi có đặc tính chống viêm nhiễm, sát trùng và tiêu trừ các gốc tự do trong cơ thể.
Kết hợp tỏi cùng với sữa giúp bổ sung canxi và các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Do đó, bài thuốc này không chỉ có tác dụng giảm đau mà còn cung cấp năng lượng, giảm mệt mỏi và duy trì sức khỏe xương khớp.
Hiện nay, bài thuốc trị đau thần kinh tọa bằng sữa tỏi cũng đã được nghiên cứu khoa học trên cơ sở khoa học. Qua một số nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học thấy sữa tỏi có thể giảm nhẹ cơn đau và một số triệu chứng đi kèm ở bệnh nhân đau dây thần kinh tọa.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 5 – 6 tép tỏi và sữa bò tươi không đường 200 – 300ml
- Bóc vỏ tỏi và nghiền nát, sau đó cho vào sữa tươi và ngâm trong khoảng 15 – 20 phút
- Vớt tỏi và uống trực tiếp khi đói
- Nên áp dụng bài thuốc này từ 1 – 2 lần/ ngày trong thời gian dài
4. Gừng – Cây thuốc nam có tác dụng chữa đau thần kinh tọa
Gừng tươi (sinh khương) có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng giải độc, hành thủy, tiêu đờm, tán hàn và ôn trung. Dược liệu này thường được tận dụng để kích thích tiêu hóa, giảm đau bụng, buồn nôn và khó tiêu. Ngoài ra, gừng còn được sử dụng để trị đau đầu, ho, cảm và giảm đau nhức xương khớp do lạnh.
Với tính ấm, công năng hoạt huyết và chống viêm, bài thuốc từ gừng tươi có khả năng lưu thông máu, giãn cơ và giảm đau khá hiệu quả. Do đó, bệnh nhân cũng có thể tận dụng thảo dược này để giảm cơn đau và cải thiện một số triệu chứng do đau thần kinh tọa gây ra.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 3 – 5 củ gừng tươi, thêm chút muối, khăn sạch và giấm ăn
- Giã nát gừng và hòa với 200ml nước ấm
- Sau đó cho muối và giấm ăn vào
- Dùng khăn thấm hỗn hợp và đắp lên vùng đau nhức nhiều lần trong ngày để giảm đau và thúc đẩy tuần hoàn máu
5. Bài thuốc nam trị đau thần kinh tọa từ cây cỏ xước
Cỏ xước thường được sử dụng để trị táo bón, kinh nguyệt không đều và bệnh viêm gan. Bên cạnh đó với tác dụng mạnh gân cốt, trừ ứ và chỉ thống, thảo dược này còn được dùng để giảm đau xương khớp và đau dây thần kinh tọa.
Ngoài ghi chép từ y học cổ truyền, hiệu quả giảm đau của cây cỏ xước cũng đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học. Các nghiên cứu gần đây nhận thấy, thảo dược này có tác dụng chống viêm, giảm đau và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Do đó, bài thuốc chữa đau thần kinh tọa từ cỏ xước có thể giảm nhẹ các triệu chứng và tăng mức độ chống chịu cơn đau của cơ thể.
Cách thực hiện:
- Bài thuốc 1: Dùng cỏ xước 100g đem ngâm với rượu trắng cùng với một số thảo dược khác như dứa dại 50g và sâm đại hành 30g. Ngâm trong 30 ngày là có thể sử dụng được. Mỗi lần dùng 1 chén nhỏ (khoảng 20 – 30ml) uống sau khi ăn, ngày dùng 2 lần.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị tầm gửi cây dâu 16g, rễ cỏ xước (sao với rượu), bạch thược, quế chi, sâm nam, độc hoạt, tần giao và phòng đảng sâm mỗi thứ 12g, tế tân 6g. Đem sắc uống liên tục trong 7 ngày sẽ nhận thấy cơn đau thuyên giảm đáng kể.
- Bài thuốc 3: Bài thuốc này thích hợp với người bị đau thần kinh tọa do chấn thương. Chuẩn bị cỏ mực, thổ phục linh mỗi thứ 20g, cỏ xước 40g, ké đầu ngựa và ngải cứu mỗi thứ 12g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang và áp dụng liên tục trong vòng 10 ngày.
Không áp dụng bài thuốc từ cây cỏ xước cho phụ nữ mang thai, nữ giới trong đang trong giai đoạn hành kinh, người có vấn đề về dạ dày, đường ruột và nam giới bị di mộng tinh.
Một số lưu ý khi dùng thuốc nam chữa đau thần kinh tọa
Sử dụng các bài thuốc nam chữa đau dây thần kinh tọa có thể cải thiện cơn đau, tình trạng tê bì, dị cảm và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động. Tuy nhiên trước khi áp dụng phương pháp này, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Các bài thuốc nam chữa đau thần kinh tọa chỉ có tác dụng hỗ trợ. Do đó, nên kết hợp với các biện pháp y tế để điều trị bệnh dứt điểm. Nếu chỉ phụ thuộc vào các bài thuốc dân gian, bệnh có thể tiến triển dai dẳng và gây ra một số biến chứng nặng nề.
- Hầu hết các cây thuốc nam trị đau dây thần kinh tọa đều chưa được kiểm chứng về mức độ hiệu quả trên cơ sở khoa học. Vì vậy để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
- Khác với thuốc Tây, thuốc nam có tác dụng chậm và hiệu quả kém. Để đạt được hiệu quả như mong đợi, nên áp dụng đều đặn trong thời gian dài (khoảng 7 – 10 ngày).
- Ngưng áp dụng bài thuốc nếu có các biểu hiện bất thường như nổi mề đay, phát ban, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng,…
- Phụ nữ mang thai, người đang cho con bú và mắc các bệnh nội khoa (tiểu đường, cao huyết áp,…) bắt buộc phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ phương pháp điều trị nào.
- Đau dây thần kinh tọa là hệ quả do cột sống chèn ép lên rễ thần kinh. Do đó bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân nên tập thể dục và thực hiện một số kỹ thuật vật lý trị liệu để giải phóng dây thần kinh bị chèn ép, giảm cơn đau và các triệu chứng đi kèm.
- Trên thực tế, một số thành phần trong thuốc nam có thể tương tác với thuốc điều trị. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi điều trị phối hợp.
Bài viết đã tổng hợp 5 cây thuốc nam chữa đau thần kinh tọa được nhiều bệnh nhân đánh giá cao. Tuy nhiên các bài thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ và không thể thay thế cho hiệu quả của các biện pháp y tế. Do đó, bệnh nhân nên phối hợp với lối sống khoa học và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh hoàn toàn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!