10 Cây thuốc nam chữa thoái hóa cột sống thông dụng trong dân gian
Nội Dung Bài Viết
Thiên niên kiện, cỏ xước, cây mắc cỡ, lá lốt, ngải cứu,… là các cây thuốc nam thường được sử dụng để chữa thoái hóa cột sống cổ và thắt lưng. Mặc dù được đánh giá có độ an toàn khá cao, lành tính và chi phí thấp nhưng các bài thuốc này chỉ đem lại hiệu quả rõ rệt đối với những trường hợp bệnh mới khởi phát.
Có nên điều trị thoái hóa cột sống bằng thuốc Nam?
Thoái hóa cột sống là một trong những vấn đề xương khớp thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh xảy ra khi toàn bộ cấu trúc cột sống – đặc biệt là đốt sống và đĩa đệm bị thoái hóa, suy yếu và giảm chức năng vận động.
Tình trạng này thường xảy ra ở những vị trí phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể và các hoạt động thể chất như đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng. Ở giai đoạn đầu, bệnh chỉ gây đau nhức và tê bì nhẹ. Tuy nhiên nếu không xử lý sớm, cơn đau có thể tăng dần theo thời gian, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng thoái hóa cột sống là bệnh lý không thể chữa trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị được áp dụng chỉ có tác dụng kiểm soát cơn đau, làm chậm tiến triển và dự phòng biến chứng. Hiện nay bên cạnh các phương pháp Tây y, nhiều bệnh nhân lựa chọn thuốc Nam và thuốc Đông y để điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ và thắt lưng.
Chữa thoái hóa cột sống bằng cây thuốc nam được nhiều bệnh nhân lựa chọn vì có độ an toàn khá cao, không gây tổn thương gan và thận như tân dược. Hơn nữa, phương pháp này có chi phí khá thấp, nguyên liệu dễ tìm và cách thực hiện đơn giản hơn so với các bài thuốc Đông y.
Tuy nhiên cách chữa từ thuốc nam chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng và hầu như không đem lại hiệu quả rõ rệt đối với những trường hợp đau nặng. Do đó, phương pháp này chỉ được áp dụng khi cơn đau có mức độ nhẹ và chưa phát sinh bất cứ biến chứng nào. Bên cạnh những ưu điểm kể trên, điều trị thoái hóa cột sống bằng thuốc Nam còn có những hạn chế như hiệu quả không đồng nhất và phát huy tác dụng chậm.
Do đó, bệnh nhân bị thoái hóa cột sống không nên quá phụ thuộc vào các bài thuốc dân gian. Thay vào đó, nên linh động phối hợp giữa các biện pháp dân gian với các phương pháp từ y học hiện đại, đồng thời xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh để kiểm soát bệnh hoàn toàn.
10 Cây thuốc nam chữa thoái hóa cột sống an toàn
Nhân dân sử dụng nhiều loại thảo dược tự nhiên để giảm đau nhức, cứng cột sống và cải thiện một số triệu chứng khác do thoái hóa cột sống gây ra. Dưới đây là 10 cây thuốc nam được sử dụng phổ biến nhất:
1. Lá lốt – Cây thuốc nam chữa thoái hóa cột sống an toàn
Lá lốt là vị thuốc nam quen thuộc đối với người Việt. Thảo dược này có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng hành khí, chỉ thống (giảm đau), tán hàn và ôn trung. Nhân dân thường sử dụng lá lốt để tăng hương vị cho món ăn, kích thích tiêu hóa, hạn chế tình trạng đau bụng và tiêu chảy khi dùng các loại thực phẩm có tính hàn.
Ngoài ra với tác dụng tán hàn, trừ phong thấp, lá lốt còn được dùng để giảm đau nhức, làm ấm khớp và cải thiện khả năng vận động. Bài thuốc từ lá lốt thích hợp với người bị thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm và bệnh phong thấp. Người cao tuổi bị đau nhức và tê mỏi khắp người cũng có thể sử dụng bài thuốc từ dược liệu này để làm giảm cơn đau và cải thiện các triệu chứng đi kèm.
Một số cách dùng lá lốt giảm đau nhức do thoái hóa cột sống:
- Rượu lá lốt giảm đau nhức: Sử dụng khoảng 300g lá lốt (dùng cả lá, rễ và thân) cùng với 2 lít rượu trắng. Sơ chế dược liệu và cho vào bình ngâm với rượu trong 1 tháng là dùng được. Mỗi lần dùng 1 ít rượu xoa bóp lên vùng đau nhức để thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng chuyển hóa dinh dưỡng tại cột sống và tiêu sưng.
- Bài thuốc uống từ lá lốt: Rửa sạch khoảng 15 – 20g lá lốt, cho vào nồi và sắc với 1 ít nước. Chia nước sắc thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày. Sử dụng bài thuốc đều đặn trong 5 – 7 ngày hoặc đến khi cơn đau thuyên giảm hẳn.
Bệnh nhân đang bị nhiệt miệng, táo bón và nóng gan không nên dùng bài thuốc uống từ lá lốt. Bên cạnh các bài thuốc trên, người bệnh cũng có thể dùng các món ăn từ lá lốt để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ giảm đau nhức do thoái hóa cột sống.
2. Chữa thoái hóa đốt sống cổ và thắt lưng bằng cây nhàu
Cây nhàu là một trong những cây thuốc nam đã được y học hiện đại nghiên cứu và ứng dụng để sản xuất các chế phẩm hỗ trợ phòng ngừa – điều trị bệnh. Từ rễ, lá, vỏ thân và quả của loại thảo dược này đều chứa dược tính mạnh và được sử dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau.
Theo dân gian, cây nhàu có tác dụng hoạt huyết, chỉ thống và điều kinh. Do đó, nhân dân thường sử dụng thảo dược này để trị nhức mỏi xương khớp, đau lưng, cao huyết áp, sốt cao và điều hòa kinh nguyệt.
Nghiên cứu dược lý hiện đại cũng nhận thấy, hợp chất proxeronine trong quả nhàu có tác dụng giảm đau, tăng cường miễn dịch và chống oxy hóa mạnh. Các thực nghiệm lâm sàng được thực hiện cũng nhận thấy những cải thiện tích cực khi sử dụng thảo dược này trong điều trị các bệnh xương khớp mãn tính.
Cách dùng quả nhàu chữa đau nhức xương khớp:
- Chuẩn bị 300g quả nhàu non và 2 lít rượu 30 – 40 độ
- Rửa sạch quả nhàu, thái mỏng, sao khô và đem ngâm với rượu trong 2 tuần là dùng được
- Mỗi lần uống 30 – 40mg, ngày dùng 2 lần
Người có huyết áp thấp, đang sử dụng thuốc hạ áp hoặc đang bị viêm thận không nên dùng bài thuốc chữa thoái hóa cột sống từ quả nhàu.
3. Dây đau xương – Vị thuốc nam quý dành cho bệnh nhân thoái hóa cột sống
Dây đau xương có vị đắng, tính mát, tác dụng khu phong, trừ thấp và tư cân hoạt lạc và thường được sử dụng để điều trị chứng phong tê thấp và các chứng bệnh gây đau nhức xương khớp – trong đó có thoái hóa cột sống. Ngoài ra, thảo dược này còn chứa nhiều alcaloid có tác dụng chống viêm và hỗ trợ kiểm soát cơn đau.
Một số nghiên cứu cho thấy, dây đau xương ức chế thần kinh trung ương và tạo ra tác dụng an thần đối với động vật thí nghiệm. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng hiệu quả giảm đau của thảo dược này bắt nguồn từ cơ chế an thần và giảm căng thẳng thần kinh, từ đó làm giảm thụ cảm tín hiệu đau và tăng ngưỡng chịu đau.
Các bài thuốc chữa thoái hóa cột sống bằng dây đau xương:
- Bài thuốc chườm đắp từ dây đau xương: Chuẩn bị dây đau xương vừa đủ và một ít rượu trắng. Rửa sạch dược liệu, để ráo, giã nát và trộn với rượu trắng. Có thể cho chảo đảo lên cho nóng hoặc dùng hỗn hợp trực tiếp chườm đắp lên vùng đốt sống bị đau nhức trong 15 phút. Áp dụng bài thuốc này 1 – 2 lần có thể làm giảm cơn đau và hiện tượng tê cứng khớp rõ rệt.
- Bài thuốc từ dây đau xương và các dược liệu khác: Sử dụng cốt toái bổ và dây đau xương mỗi thứ 100g, vỏ thân cây ô môi 50g và nhục quế 30g. Đem rửa sạch dược liệu, để ráo và ngâm với 1 lít rượu nếp trắng 40 độ. Ngâm trong khoảng 20 ngày là dùng được, ngày dùng 2 lần mỗi lần 30ml.
4. Bài thuốc giảm đau nhức do thoái hóa cột sống từ quả mộc qua
Mộc qua là loại cây được trồng nhiều ở Trung Quốc và các vùng núi Tây Bắc ở nước ta. Với vị chua, tính ôn, không độc và tác dụng hòa vị, hoạt lạc, thư cân, trấn thống và tiêu viêm, thảo dược này được sử dụng để trị tiêu chảy, nôn mửa, kiết lỵ và đau nhức xương khớp do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thực nghiệm trên chuột nhắt gây viêm bằng protein nhận thấy nước sắc từ quả mộc qua có tác dụng tiêu viêm rõ rệt. Vì vậy, hiện nay dược liệu này đã bắt đầu được nghiên cứu và ứng dụng vào các thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị các bệnh xương khớp mãn tính.
Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống từ quả mộc qua có tác dụng giảm đau nhức, chống viêm, cải thiện khả năng vận động và giảm tê bì. Ngoài ra, bài thuốc này còn hỗ trợ cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm đầy bụng và ăn uống kém.
Cách dùng quả mộc qua chữa thoái hóa cột sống:
- Chuẩn bị 500ml rượu, cành dâu 50g và mộc qua 30g
- Rửa sạch dược liệu, để ráo nước và đem ngâm với rượu trong 1 tháng là dùng được
- Mỗi lần dùng 1 ly nhỏ, ngày dùng 2 lần sau bữa ăn
Không dùng bài thuốc này cho người bị bí tiểu và trường vị có tích trệ.
5. Ngải cứu – Cây thuốc nam chữa thoái hóa cột sống
Ngải cứu là vị thuốc nam quen thuộc có nhiều tác dụng chữa bệnh. Theo y học cổ truyền, thảo dược này có vị đắng, cay, tính ấm, tác dụng an thai, ngừng máu, lý khí huyết và đuổi hàn thấp. Do đó, ngải cứu thường được dùng để điều hòa kinh nguyệt, cầm máu và giảm đau nhức do phong hàn xâm nhập. Ngoài ra, ngải cứu còn là một loại rau ăn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Nhân dân thường dùng ngải cứu để làm thuốc chườm đắp hoặc thuốc uống nhằm giảm đau nhức, tiêu sưng và cải thiện tình trạng tê cứng do thoái hóa cột sống, phong tê thấp và thoái hóa khớp gây ra. Mặc dù chưa được nghiên cứu cụ thể nhưng các bài thuốc chữa thoái hóa cột sống bằng ngải cứu được áp dụng rất phổ biến và đem lại hiệu quả lâm sàng khá rõ rệt.
Một số bài thuốc chữa thoái hóa cột sống bằng ngải cứu:
- Bài thuốc uống: Chuẩn bị 200g ngải cứu, sau đó đem ngâm rửa, giã nát và ép lấy nước. Hòa thêm 2 – 3 thìa mật ong vào, khuấy đều và uống trực tiếp. Áp dụng bài thuốc 1 lần/ ngày cho đến khi tình trạng đau nhức thuyên giảm hẳn.
- Bài thuốc chườm đắp: Cho lá ngải cứu lên chảo, thêm khoảng 100 – 200g muối hột vào và sao lên cho nóng. Đến khi ngải cứu khô lại, chuyển thành màu vàng úa và dậy mùi thơm thì tắt bếp. Cho tất cả vào túi vải và chườm đắp lên vùng đau nhức. Theo kinh nghiệm dân gian, áp dụng bài thuốc này vào buổi tối trước khi ngủ có thể giảm tình trạng cứng khớp và cột sống vào mỗi buổi sáng.
Ngoài những bài thuốc từ ngải cứu, bệnh nhân cũng có thể bổ sung các món ăn từ thảo dược này để bồi bổ sức khỏe, giảm mệt mỏi và cải thiện tình trạng đau nhức do thoái hóa cột sống gây ra.
6. Bài thuốc trị thoái hóa cột sống từ gừng tươi
Gừng tươi (sinh khương) là vị thuốc nam quen thuộc và được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Gừng có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng giải độc, kích thích tiêu hóa, khử mùi và làm ấm tỳ vị nên thường được dùng kèm với các loại thực phẩm có tính hàn, khó tiêu hóa. Bên cạnh đó với tác dụng tán phong hàn, thảo dược này còn được sử dụng để giảm các chứng đau nhức do phong và hàn xâm nhập.
Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống từ gừng tươi được nhiều bệnh nhân thực hiện vì nguyên liệu dễ tìm và cách thực hiện khá đơn giản. Bài thuốc này có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm sưng đau, cải thiện tình trạng tê cứng khớp và tăng cường chức năng vận động. Bài thuốc từ gừng cũng có hiệu quả giảm đau do thay đổi thời tiết hoặc đau do vận động quá mức.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 củ gừng tươi, 1 củ hành tím, bột mì 30g
- Đem gừng và hành rửa sạch, giã nát rồi trộn cùng với bột mì
- Sau đó cho hỗn hợp lên chảo, đảo cho nóng rồi bọc trong miếng vải và chườm lên vùng đau nhức
- Hoặc bệnh nhân có thể cố định túi chườm và thay 1 lần/ ngày
- Thực hiện bài thuốc này trong 3 – 4 ngày sẽ nhận thấy cơn đau thuyên giảm đáng kể
7. Cỏ xước – Cây thuốc nam quý chữa thoái hóa cột sống
Cỏ xước là loại thực vật thân thảo, sống nhiều năm và mọc hoang nhiều tại các địa phương ở nước ta. Theo kinh nghiệm dân gian, thảo dược này vị đắng, chua, tính mát, tác dụng giải đau, giải nhiệt, bổ can thận và mạnh gân cốt. Do đó, nhân dân thường sử dụng cỏ xước để chữa đau nhức xương khớp, bầm máu, tăng huyết áp, táo bón và nóng bức trong người.
Cây cỏ xước không chỉ được sử dụng để chữa thoái hóa khớp mà còn được dùng để giảm đau do té ngã, chấn thương, do phong tê thấp và bệnh gout. Tuy nhiên, không nên áp dụng bài thuốc này nếu đang mang thai, đang trong giai đoạn hành kinh, có vấn đề về đường ruột, dạ dày hoặc nam giới bị di mộng tinh.
Cách dùng cỏ xước giảm đau nhức do thoái hóa cột sống:
- Chuẩn bị sâm đại hành 30g, dứa dại 50g, cỏ xước 100g và rượu trắng
- Đem ngâm trong ít nhất 30 ngày là dùng được
- Mỗi ngày dùng 15ml, ngày dùng 2 lần
8. Điều trị thoái hóa cột sống bằng cây xấu hổ
Cây xấu hổ (mắc cỡ) là loài cây mọc hoang nhiều ở những vùng đất ẩm. Theo kinh nghiệm dân gian, rễ xấu hổ có vị ngọt, hơi hàn, tác dụng giảm đau nhức xương khớp, đau lưng, tê liệt thần kinh và cứng khớp. Các tác dụng này được xác định là nhờ hàm lượng alkaloid trong dược liệu cao, có tác dụng gây tê và giảm đau khá hiệu quả.
Ngoài ra, rễ của cây xấu hổ còn có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu và tạo ra cảm giác an thần. Bệnh nhân dùng bài thuốc từ thảo dược này có thể cải thiện được tình trạng mất ngủ, khó ngủ, lo âu và ăn uống kém do cơn đau bùng phát thường xuyên.
Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống bằng cây xấu hổ:
- Chuẩn bị khoảng 20 – 30g rễ cây xấu hổ và 1.5 lít nước
- Rửa sạch dược liệu rồi cho ấm sắc với nước trong 15 – 20 phút
- Sau đó lọc bỏ bã, chia nước sắc thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày
9. Thiên niên kiện – Vị thuốc nam chữa thoái hóa cột sống an toàn
Thiên niên kiện là một trong những cây thuốc nam thường được sử dụng để chữa thoái hóa cột sống, trừ phong tê thấp và thoát vị đĩa đệm. Thảo dược này có vị cay, đắng, tính ấm, tác dụng mạnh gân xương, chỉ thống và trừ phong thấp. Hiện nay, thiên niên kiện đã bắt đầu được nghiên cứu và ứng dụng trong các chế phẩm hỗ trợ phòng ngừa – điều trị một số bệnh lý.
Nghiên cứu dược lý hiện đại nhận thấy, thiên niên kiện có tác dụng tăng lưu thông khí huyết, bồi bổ gân cốt và giảm đau nhức khá rõ rệt. Ngoài ra, một số hợp chất trong thảo dược này còn kích thích hoạt động tiêu hóa, phòng ngừa dị ứng và kháng virus.
Cách thực hiện bài thuốc chữa thoái hóa cột sống bằng thiên niên kiện:
- Chuẩn bị rễ bưởi bung 10g, quả dành dành 8g và thiên niên kiện 12g
- Đem rửa sạch dược liệu, sau đó cho vào ấm và sắc với 1 lượng nước vừa đủ
- Chia nước sắc thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày
10. Cây câu thụ giảm đau nhức do thoái hóa cột sống
Cây câu thụ (cây ráng) là loài thực vật sinh sống chủ yếu ở các vùng trung du và đồi núi. Nhân dân miền núi thường sử dụng thảo dược này để giảm đau nhức xương khớp, bồi bổ sức khỏe lợi tiểu, bổ thận và làm sáng mắt. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu nhưng bài thuốc từ cây câu thụ vẫn được lưu truyền khá rộng rãi.
Bài thuốc điều trị thoái hóa cột sống bằng cây câu thụ:
- Chuẩn bị khoảng 300g lá non, đem rửa sạch và luộc ăn hằng ngày
- Hoặc đem phơi trong bóng râm và dùng để sắc dần (mỗi lần 30g), uống cho đến khi triệu chứng thuyên giảm
Lưu ý khi điều trị thoái hóa cột sống bằng thuốc nam
Các bài thuốc nam chữa thoái hóa cột sống được nhiều bệnh nhân áp dụng vì nguyên liệu dễ tìm, tương đối an toàn và lành tính. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro khi áp dụng các bài thuốc này, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Hiện nay, một số thảo dược được sử dụng trong y học cổ truyền đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên các nghiên cứu này đều chỉ ở mức độ sơ bộ, chưa chuyên sâu. Vì vậy để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng các bài thuốc uống.
- Như đã đề cập, các bài thuốc nam chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm nhẹ cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Do đó trong trường hợp cần thiết, nên can thiệp các biện pháp y tế theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ngưng áp dụng bài thuốc nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, đau bụng, nổi mề đay, phát ban,…
- Không tự ý kết hợp bài thuốc uống từ các cây thuốc nam với thuốc Đông y và thuốc Tây. Các loại thuốc này có thể tương tác với nhau và gây ra một số tác dụng không mong muốn.
- Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân nên bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể qua chế độ ăn uống khoa học. Đồng thời nên nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục thường xuyên để kiểm soát tiến triển của bệnh.
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú và người mắc các bệnh nội khoa như cao huyết áp, tiểu đường không tự ý sử dụng bất cứ bài thuốc nào nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trên đây là 10 cây thuốc nam được sử dụng để chữa thoái hóa cột sống thông dụng nhất. Mặc dù được đánh giá an toàn và lành tính nhưng trên thực tế, các bài thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nếu thực hiện không đúng cách hoặc sử dụng quá liều. Do đó để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!