Top 12 Loại trái cây giàu Vitamin C bạn nên bổ sung
Nội Dung Bài Viết
Bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng cách sử dụng các loại trái cây giàu vitamin C là phương pháp đơn giản, an toàn, dễ thực hiện được nhiều người áp dụng. Thế nhưng, nhắc tới các loại trái cây giàu vitamin C, người ta thường chỉ biết đến cam và các loại trái cây họ cam, nếu chỉ thường xuyên sử dụng cam thì dễ ngán lại không tốt chút nào. Dưới đây là những loại trái cây giàu vitamin C tốt cho sức khỏe mà bạn có thể tham khảo để đa dạng khẩu phần ăn của mình.
Vai trò của vitamin C với cơ thể
Vitamin C là axit ascorbic, đây là một sinh tố có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, tham gia vào nhiều chức năng bình thường của cơ thể. Đây là loại vitamin thuộc nhóm tan trong nước, cơ thể không thể tự tạo ra loại vitamin này cũng không thể tích trữ nó. Do đó, chúng ta cần phải bổ sung loại vitamin này hàng ngày để tránh tình trạng thiếu hụt vitamin C, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể.
Vai trò của vitamin C với cơ thể như sau:
- Hỗ trợ đề kháng, giúp cơ thể chống chọi với virus, ngăn ngừa các bệnh cảm cúm, giúp vết thương mau lành
- Cần thiết trong việc tạo ra collagen, loại protein có tác dụng kết nối, hỗ trợ cho các mô của cơ thể như da, cơ, gân, sụn, xương
- Hỗ trợ tăng cường khả năng hấp thụ sắt, tăng lượng máu đến mắt giúp chống bệnh đục thủy tinh thể
- Là chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ tế bào của cơ thể khỏi sự tổn thương từ các gốc tự do, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, bệnh mãn tính, ung thư…
Các đối tượng dễ bị thiếu vitamin C là người bị bệnh kém hấp thu, người cao tuổi, người nghiện rượu bia, người hút thuốc lá thường xuyên. Khi thiếu vitamin C, có thể sẽ có các triệu chứng như thở nông, vết thương chậm lành, da dẻ thô ráp, người hay mệt mỏi, có những nốt xuất huyết. Thiếu vitamin có thể gây ra:
- Bệnh thiếu máu, do vitamin C giúp tăng cường khả năng hấp thu sắt
- Bệnh loãng xương, nguy cơ cao bị gãy xương nhất là phụ nữ, người cao tuổi
- Bệnh thoái hóa khớp do vitamin C tham gia vào tổng hợp collagen
- Bệnh tim mạch như thoát mạch, thành mạch kém bền
- Bệnh Scorbut với các triệu chứng như chảy máu chân răng, viêm lợi, xuất huyết dưới da, sưng khớp
- Nguy cơ mắc bệnh ung thư cao.
Thiếu vitamin C không tốt cho sức khỏe nhưng nếu thừa cũng không hề có lợi chút nào. Nếu dùng vitamin C liều cao kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa, giảm độ bền hồng cầu, cản trở hấp thụ vitamin A, B12, tăng tạo sỏi thận, bệnh gút, viêm bàng quang… Nếu phụ nữ dùng vitamin C liều cao trong thời gian dài có thể gây ra các bất thường cho thai nhi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu vitamin C theo từng lứa tuổi cụ thể như sau:
- Trẻ từ 6 đến 11 tháng: 25 – 30 mg/ngày
- Trẻ từ 1 đến 6 tuổi: 30mg/ngày
- Trẻ từ 7 đến 9 tuổi: 35 mg/ngày
- Tuổi vị thành niên 10 – 18 tuổi: 65 mg/ngày
- Người trưởng thành: 70mg/ngày
- Phụ nữ có thai: 80mg/ngày
- Phụ nữ cho con bú: 95mg/ngày.
12 loại trái cây giàu vitamin C nên bổ sung
Vitamin C có nhiều trong các loại rau củ quả, do đó, bạn cần ăn phối hợp nhiều loại rau củ quả để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Mức tiêu thụ quả là 100g/người/ngày, ở trẻ em là 100 – 200g/người/ngày. Nếu không cung cấp đủ lượng vitamin C trong chế độ ăn thì cần uống thêm các thực phẩm chức năng chứa vitamin C. Các loại trái cây giàu vitamin C mà bạn nên bổ sung bao gồm:
1. Ổi – loại trái cây giàu vitamin C bậc nhất
Đứng đầu trong danh sách các loại trái cây giàu vitamin C không phải là cam mà chính là quả ổi. Ổi là trái cây cận nhiệt đới, có hàm lượng vitamin C cao gấp 4 lần cao, theo thống kê, cứ 100g ổi thì có khoảng 200mg vitamin C. Ngoài ra, ổi cũng giàu vitamin A, acid folic, các khoáng chất như đồng, kali, mangan. Ổi rất tốt cho sức khỏe, là thức ăn ít chất béo bão hòa, nhiều chất xơ, ít cholesterol và muối natri.
Cách ăn ổi đúng cách:
- Các chuyên gia khuyến cáo, khi ăn ổi, bạn nên ăn cả vỏ với trường hợp bạn biết chắc chắn đó là ổi sạch, vì vỏ ổi giàu vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, nếu bạn mắc bệnh tiểu đường thì bạn không nên ăn cả vỏ.
- Hạt ổi giàu chất xơ, có tác dụng kiểm soát sự hấp thu chất béo không bão hòa, ngăn chặn sự hấp thu mật, giảm cholesterol. Thế nhưng bạn phải nghiền nát trước khi nuốt, nếu chỉ nhai qua rồi nuốt sẽ khiến hạt ổi thành thứ thuốc độc hại.
- Ôi có chỉ số đường huyết GI=78 thuộc dạng cao, nên người mắc bệnh tiểu đường cần thận trọng khi ăn vì có nguy cơ gây các biến chứng như suy thận, mù lòa, hoại tứ chi
- Người bệnh dạ dày cần nhai kỹ ổi trước khi nuốt vì ổi cứng, sẽ khiến các cơn co dạ dày thêm nặng nề hơn, ổi cũng không tốt cho dạ dày vì có tính axit.
- Người mắc bệnh dạ dày, người suy nhược cơ thể, tiêu hóa kém nên sử dụng ổi ở dạng nước ép thay vì xay nhuyễn sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
2. Quả lý chua đen
Một loại trái cây có hàm lượng vitamin cao, chỉ đứng sau ổi chính là quả lý đen, tên tiếng anh là blackcurrant. Loại quả này sinh trưởng ở vùng khí hậu ôn đới hoặc ôn hòa, giàu vitamin C, dưỡng chất và các chất chống oxy hóa. Thường xuyên sử dụng sẽ mang đến các tác dụng tuyệt vời như chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu dạ dày, tăng cường sức khỏe của thận, giảm cholesterol trong máu, kiểm soát rối loạn mắt, cải thiện sức khỏe làn da.
Trong 100g quả lý đen có chứa gần 200mg vitamin C, gấp 4 lần lượng vitamin trong cam. Loại quả này có vị chua ngọt, ngày xưa thường được dùng pha siro, chế rượu mùi, chữa viêm họng. Trái lý đen có tác dụng tốt nhất khi được thưởng thức ở dạng quả tươi. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng loại quả này với sữa, nước trái cây, các món ngọt hay các loại rau, trái cây, làm nước ép hoặc ăn ở dạng mứt.
3. Ớt chuông
Nhắc đến các loại trái cây giàu vitamin C thì không thể không nhắc đến ớt chuông Đà Lạt. Ớt chuông, đặc biệt là loại ớt có màu đỏ có hàm lượng chất chống oxy và vitamin C đặc biệt cao. Theo các chuyên gia, cứ 100g ớt chuông có màu đỏ thì chứa khoảng 140 mg vitamin C, cứ khoảng 100g ớt chuông màu xanh thì có chứa khoảng 80mg vitamin C.
Thường xuyên sử dụng ớt chua sẽ giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa thiếu máu, hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, giúp da sáng khỏe… Theo các chuyên gia dinh dưỡng, loại ớt này có thể ăn sống hoặc chín, tuy nhiên, khi đun ở nhiệt độ cao sẽ khiến hàm lượng vitamin C bị hao hụt. Bạn có thể rửa sạch, ngâm nước muối là ăn sống được.
Tuy nhiên, ớt chuông giàu chất xơ, không tốt cho người có hệ tiêu hóa kém, mắc bệnh về đường ruột. Ngoài ra, người bị trĩ, viêm loét dạ dày, viêm thực quản, loãng xương cũng không nên ăn ớt chuông. Bên cạnh đó, chỉ nên ăn với một lượng vừa phải, không ăn quá nhiều với người mắc bệnh xương khớp.
4. Quả dâu tây
Dâu tây là loại quả mọng thơm ngon, được rất nhiều người yêu thích và có tác dụng rất tốt với sức khỏe. Quả dâu tây chứa 91% nước, 7,7% carbohydrate, một lượng nhỏ chất béo và protein. Trong 100g dâu tây tươi có chứa:
- Năng lượng: 32 calo
- Protein: 0,7g
- Carbs: 7,7g
- Đường: 4,9g
- Chất xơ: 2g
- Chất béo: 0,33g
- Nước: 91%
Dâu tây giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, hàm lượng vitamin C trong 100g dâu tây khoảng 80mg. Dâu tây là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, mangan và kali tuyệt vời, rất có lợi cho sức khỏe tim mạch, có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Thường xuyên ăn dâu tây giúp chống oxy hóa, giảm viêm, giảm stress, cải thiện chức năng mạch máu, giảm quá trình oxy hóa có hại của cholesterol LDL…
Tuy nhiên, dâu tây có thể gây dị ứng cho trẻ nhỏ, do trong loại quả này chứa protein liên quan đến dâu tây anthocyanin, thường gặp ở người nhạy cảm với phấn hoa bạch dương hoặc táo. Thường được gọi là tình trạng dị ứng thực phẩm phấn hoa, các triệu chứng dị ứng bao gồm đau đầu, nổi mề đay, ngứa ran trong miệng, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
5. Quả kiwi
Một trong những loại trái cây giàu vitamin C mà bạn không thể bỏ qua chính là quả kiwi. Kiwi không phải là loại quả của Việt Nam nhưng được nhập khẩu nhiều, có thể dễ dàng tìm thấy ở các quầy trái cây. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, kiwi là một trong những loại quả có giá trị dinh dưỡng cao nhất thế giới. Cứ 100g kiwi có chứa đến 70mg vitamin C, so với kiwi cam thì kiwi xanh chứa hàm lượng vitamin C nhiều gấp đôi.
Theo phân tích, trong trái kiwi có chứa các thành phần dinh dưỡng như vitamin A, vitamin B1, B2, vitamin C, vitamin E cùng 0,26mg niacin, 237 mg kali, 19 mcg folate, 26 mg photpho và một lượng nhỏ canxi, sắt, kẽm, đồng, mangan, magie, sodium… Thường xuyên sử dụng kiwi tốt cho phụ nữ mang thai, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, phòng ngừa bệnh tim mạch, giảm 27% các chứng ho, 28% hiện tượng chảy nước mũi, 32% chứng khó thở.
Nếu bổ sung vitamin C cho cơ thể, bạn nên sử dụng kiwi xanh vì kiwi xanh có hàm lượng vitamin C cao gấp đôi quả cam. Ngoài ra, hàm lượng vitamin K trong kiwi cũng cao hơn chuối, hàm lượng chất xơ cao hơn hàm lượng chất xơ trong 1 chén cơm. Tuy nhiên, nếu bổ sung vitamin và khoáng chất thì nên chọn kiwi vàng vì kiwi vàng không chỉ giàu vitamin C, mà còn cung cấp cho cơ thể 4% nhu cầu sắt của cơ thể, 13% axit folic, 15% vitamin E.
Không dùng kiwi nếu bạn từng bị dị ứng mủ cao su vì bạn sẽ có khả năng bị dị ứng khi ăn loại trái cây này. Ngoài ra, cũng không nên sử dụng cho người mắc bệnh sỏi thận, bệnh sỏi mật. Khi ăn kiwi, bạn chỉ nên cắt ra trước khi ăn và ăn khi vừa chín vì nếu cắt ra để lâu sẽ làm giảm hàm lượng vitamin C.
6. Đu đủ – loại trái cây giàu vitamin C
Đu đủ cũng là một trong những thực phẩm tốt cho sức khỏe, chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, carotene, vitamin A, folat. Hàm lượng vitamin C trong đu đủ khoảng 62mg trong 100g. Thường xuyên sử dụng đu đủ giúp ngăn ngừa táo bón, ngăn ngừa các bệnh như viêm khớp, gout, phù nề, tốt cho mắt, hỗ trợ giảm cân, hạn chế các cục máu đông, làm đẹp da, giảm đau trong chu kỳ kinh nguyệt…
Nếu ăn đu đủ như một loại hoa quả ăn vặt thông thường với mục đích tráng miệng thì bạn có thể ăn lúc nào cũng được. Tuy nhiên, nếu ăn kiêng thì nên ăn loại trái cây này vào bữa chính, tốt nhất là bữa trưa và đặc biệt là không được ăn hạt đu đủ. Khi ăn đu đủ, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không cho trẻ dưới 1 tuổi ăn đu đủ vì có thể khiến bé bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng gây mất nước.
- Không dùng đu đủ cho người bị vàng da, tiêu hóa kém, bị loãng máu, bị cao huyết áp, đau dạ dày…
- Không ăn đu đủ khi bị tiêu chảy vì đu đủ giàu chất xơ có thể khiến bạn bị mất nước nghiêm trọng.
- Không ăn mỗi ngày, không ăn trong thời gian dài, ăn nhiều đu đủ sẽ khiến da bàn chân, bàn tay bị vàng
- Đu đủ có tính hàn, tốt nhất là không nên để đu đủ trong ngăn mát tủ lạnh để tránh tác hại không tốt đến sức khỏe.
7. Quả cam
Trong bảng xếp hạng các loại trái cây giàu vitamin C thì cam chỉ đứng thứ 7. Cam và các loại trái cây họ cam quýt luôn được biết đến với tác dụng cung cấp vitamin C cho cơ thể, được mệnh danh là trái cây mùa đông giúp chống lại bệnh cảm cúm mùa lạnh. Hàm lượng vitamin C trong cam rơi vào khoảng 50mg trên 100g, có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Không những giàu vitamin, cam cũng giàu chất chống oxy, chứa acid citric và các khoáng chất tốt cho sức khỏe như canxi, kali, carotene, photpho, sắt, chromium, natri… Ăn cam giúp làm chậm hiệu ứng lão hóa tế bào, giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến khớp, máu, giúp tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch…
Nên ăn sau bữa ăn khoảng 1 – 2 giờ, không ăn lúc đói, vì nếu ăn cam lúc đói hoặc trước khi ăn sẽ khiến bạn giảm cảm giác ngon miệng, dễ bị xót ruột, cồn cào khó chịu. Tuy nhiên, cũng không nên dùng ngay sau khi ăn no vì sẽ khiến đường trong cam bị lên men, gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Một số lưu ý khi ăn cam bạn cần nhớ như sau:
- Chỉ được ăn tối đa 3 quả cam mỗi ngày, ăn quá nhiều sẽ gây tăng acid oxalic chuyển hóa có hại cho thận, tiết niệu và răng miệng
- Không uống sữa gần thời gian ăn cam vì trong cam chứa axit tartaric, vitamin C có thể khiến protein trong sữa bị vón cục gây hiện tượng đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy
- Không ăn cam cùng củ cải vì sẽ gây ức chế axit thioxianic về tuyến giáp, gây nguy cơ mắc bệnh bướu cổ
- Không uống nước cam vào buổi tối vì nước cam lợi tiểu gây tiểu đêm làm mất ngủ.
- Không nên ăn cam sau phẫu thuật đường tiêu hóa,người mắc bệnh viêm loét dạ dày, khi đang dùng thuốc nhất là thuốc kháng sinh…
8. Quả xoài – loại trái cây giàu vitamin C nên bổ sung
Xoài đặc biệt giàu vitamin A và vitamin C, bên cạnh đó, xoài cũng chứa nhiều vitamin B2, B6, E, các khoáng chất như caroten, biotin… Xoài là nguồn cung cấp gluxit, lipit, protein, giàu axit amin có lợi cho người suy nhược thần kinh, thiếu sắt, thiếu máu. Loại quả này cũng chứa gallic, astragalin, fisetin, quercetin, có khả năng chống oxy hóa, cải thiện hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, ngăn ngừa ung thư ruột kết và bệnh về tuyến tiền liệt.
Mặc dù xoài rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu ăn nhiều xoài sẽ gây viêm da tiếp xúc, phản ứng dị ứng, bệnh tiêu chảy, tăng đường huyết làm hàm lượng đường trong máu tăng cao. Dù là xoài chín hay xoài xanh thì bạn cũng không nên ăn lúc đói, không dùng cho người có cơ địa dị ứng, người mắc các bệnh ngoài da vì hàm lượng đường trong xoài cao, có thể khiến cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Không ăn xoài cùng hải sản, đồ ăn cay nóng như gừng, ớt, tiêu, quế, hành, hẹ…
9. Dưa gang
Dưa gang là trái cây có tác dụng tốt trong việc giải nhiệt mùa hè, vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, là món ăn khoái khẩu của nhiều người cả trẻ em lẫn người lớn. Dưa gang vị ngọt thanh, tính mát, chứa đến 90% nước và chứa nhiều vitamin cùng khoáng chất, có tác dụng tuyệt vời với sức khỏe làn da.
Trong 100g dưa gang có chứa 40mg vitamin C, là loại quả giúp tăng cường, nâng cao sức đề kháng. Có tác dụng lợi tiểu, tốt cho hệ bài tiết, trị cảm nắng, giúp an thai, hỗ trợ cơ thể bài trừ độc tố do uống nhiều rượu… Bên cạnh đó, nếu xây dựng thực đơn hợp lý, dưa gang còn giúp giảm cân, duy trì vóc dáng cân đối. Tuy nhien, dưa gang tính mát, không nên dùng cho người chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, bị xuất huyết, cơ thể suy nhược…
10. Quả mâm xôi
Mâm xôi cũng là một trong những loại trái cây giàu vitamin C mà bạn nên bổ sung vào khẩu phần ăn. Cứ 100g quả mâm xôi thì có thể cung cấp 30mg vitamin C, chiếm 54% lượng tiêu thụ hàng ngày rất tốt cho sức khỏe. Mâm xôi cũng giàu chất xơ, protein, mangan, vitamin B, vitamin K, vitamin E, sắt, magie, kali, đồng…
Thường xuyên sử dụng mâm xôi sẽ hỗ trợ chống viêm, chống oxy hóa, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch ung thư… Có hàm lượng tanin và chất xơ cao, tốt cho việc kiểm soát chỉ số đường huyết, hỗ trợ làm giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, mâm xôi còn tốt cho sức khỏe xương khớp, giúp giảm viêm khớp, chống lão hóa da, giúp da dẻ hồng hào tươi tắn…
Một số lưu ý khi dùng:
- Không dùng cho phụ nữ mang thai vì quả mâm xôi có thể kích thích sự co bóp của tử cung, nếu sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây nguy cơ sảy thai
- Nếu dùng thuốc kháng sinh (đặc biệt là Linezolid) thì không nên sử dụng vì loại trái cây này có chứa hợp chất tyramine, có thể gây nguy hiểm cho huyết áp, khiến huyết áp gia tăng đột ngột
- Không dùng cho người rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, do có công năng như thuốc lợi tiểu, nhuận tràng, sử dụng có thể gây mất cân bằng điện giải, mất nước.
11. Quả cà chua
Mặc dù không thể so sánh với hàm lượng vitamin C trong các loại trái cây đã kể trên, tuy nhiên, cà chua cũng là thực phẩm giàu vitamin C mà bạn không nên bỏ qua. Trong 100g cà chua tươi chín sẽ cung cấp khoảng 33 – 50% nhu cầu vitamin C của cơ thể. Cà chua còn giàu vitamin A, vitamin B6, vitamin B1, B2, các chất dinh dưỡng như đạm, chất béo có lợi, sắt, kali…
Theo Đông y, cà chua tính bình, vị chua ngọt, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, giải độc, giúp thông tiểu tiện, chống khát nước, hỗ trợ tiêu hóa. Theo nghiên cứu hiện đại, cà chua giúp tăng cường thị lực, ngăn ngừa bệnh quáng gà, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, giảm nguy cơ đục thủy tinh thủy. Cà chua cũng chứa các chất chống oxy hóa như lutein, lycopene, zeaxanthin, có tác dụng phòng chống ung thư, ngăn ngừa lão hóa, cải thiện sức khỏe. Một số nghiên cứu gần đây còn phát hiện ra rằng, cà chua có tác dụng phòng bệnh xơ gan, ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn ở gan.
Một số lưu ý khi ăn cà chua:
- Không nên ăn cà chua với dưa leo vì vitamin C trong cà chua sẽ bị phá hủy bởi các enzyme catabolic có trong dưa leo
- Không ăn hạt cà chua vì ruột không thể tiêu hóa được sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển thức ăn của đường ruột
- Không ăn cà chua lúc đói do có chứa pectin và nhựa phenolic, không dùng cà chua được nấu chín trong thời gian dài, tức là khi đã bị nấu chín kỹ hoặc nấu để trong thời gian dài
- Không ăn cà chua xanh vì dễ bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, yếu sức…
12. Dưa hấu
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chỉ cần ⅛ quả dưa hấu là có thể đáp ứng được 34% nhu cầu vitamin C cần thiết trong một ngày của cơ thể. Thành phần dinh dưỡng trong 100g dưa hấu gồm:
- Nước: 91%
- Carbs: 7,6g
- Đường: 6,2g
- Protein: 0,6g
- Chất xơ: 0,4g
- Chất béo: 0,2g
Thường xuyên ăn dưa hấu có thể giảm stress, ngăn ngừa bệnh tim mạch, cải thiện chức năng phổi, ngăn ngừa các bệnh về mắt. Dưa hấu có chứa lycopene, có tác dụng chống oxy hóa, phòng ngừa bệnh ung thư. Loại trái cây này còn chứa cucurbitacin E, có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u, giảm viêm, ngăn ngừa nguy cơ chuyển biến tế bào bất thường chuyển biến thành tế bào ung thư. Đặc biệt, dưa hấu giúp cung cấp độ ẩm lý tưởng cho làn da, giúp da mịn màng, đầy sức sống.
Cách ăn dưa hấu tốt cho sức khỏe:
- Không nên bỏ hạt dưa hấu khi ăn vì hạt dưa có tác dụng hỗ trợ hình thành collagen, giúp cơ thể hấp thu canxi, giúp dễ ngủ, tăng cường hoạt động của trí não…
- Không nên ăn quá nhiều dưa hấu, vì ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây tổn hại tỳ vị, dễ làm chướng bụng, gây kém ăn, tiêu hóa không tốt
- Không nên ăn dưa hấu quá lạnh, chỉ nên đặt ở ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ 8 – 10 độ, không nên ăn quá 500g
- Dưa hấu nhiều nước, sẽ làm loãng dịch tiêu hóa trong dạ dày nên bạn cũng không nên ăn trước và sau bữa ăn.
Có thể thấy, có rất nhiều loại trái cây giàu vitamin C, giúp bổ sung vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất cho cơ thể mà bạn nên thêm vào thực đơn của mình. Bạn nên đa dạng chế độ dinh dưỡng, không nên ăn một loại trái cây quá nhiều trong thời gian dài để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!