Tràn dịch khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nội Dung Bài Viết
Tràn dịch khớp cổ chân là một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Đây là tình trạng bao hoạt dịch khớp hoạt động quá mức hay còn được gọi là hiện tượng tràn dịch. Bệnh không quá nguy hiểm, có thể chữa khỏi nhưng dễ tái phát và gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Tràn dịch khớp cổ chân là gì?
Dịch đóng vai trò quan trọng trong việc bôi trơn và dưỡng sụn khớp hoạt động trơn tru. Thông thường, lượng dịch khớp tại đây rất ít và chỉ duy trì để hỗ trợ sự hoạt động của khớp. Tuy nhiên, nếu có sự tác động bất thường sẽ khiến lượng dịch tiết ra nhiều hơn và tích tụ quanh màng bao hoạt dịch làm thay đổi tính chất và hậu quả là gây tràn dịch khớp.
Khớp cổ chân là một khớp có cấu tạo khá phức tạp với 3 thành phần khớp chính gồm khớp cổ chân (khớp sên – cẳng chân), khớp gian cổ chân và khớp cổ bàn chân. Vì vậy, tràn dịch khớp cổ chân là tình trạng ứ dịch quá mức cho phép tại vùng khớp cổ chân gây ra các triệu chứng sưng phù, đau nhức, suy giảm khả năng vận động.
Tràn dịch khớp cổ chân thường gặp phải ở một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, gout, viêm khớp tự miễn dịch, chấn thương khớp, lao khớp…
Dấu hiệu nhận biết tràn dịch khớp cổ chân
Các dấu hiệu nhận biết của bệnh tràn dịch khớp cổ chân thường có nhiều sự khác biệt trong từng giai đoạn cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tuy nhiên, về cơ bản người bệnh vẫn có thể nhận biết được bệnh thông qua một số triệu chứng điển hình sau:
- Đau nhức khớp cổ chân: Xuất hiện các cơn đau đột ngột tại khớp cổ chân khiến người bệnh khó chịu vì đau đớn. Ban đầu chỉ là cơn đau âm ỉ, nhanh biến mất nhưng càng về sau mức độ đau càng tăng cao, đau dữ dội và kéo dài. Tình trạng đau càng trở nên nghiêm trọng khi người bệnh hoạt động, đi lại.
- Sưng đỏ khớp cổ chân: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh tràn dịch khớp cổ chân. Từ cổ chân lan xuống mắc cá chân bị sưng đỏ, căng bóng, sờ vào có cảm giác ấm nóng.
- Cứng khớp: Tụ dịch quá mức dẫn đến tràn ra khớp cổ chân sẽ khiến chúng tích tụ lại và gây ra co cứng các khớp, hậu quả là khớp mất đi sự linh hoạt vốn có.
- Suy giảm chức năng vận động: Khớp co cứng cộng với tình trạng đau nhức dữ dội khiến người bệnh khó có thể hoạt động hay đi lại như bình thường, càng cố gắng hoạt động thì cơn đau càng tăng.
- Dễ mệt mỏi và có cảm giác ớn lạnh: Với những trường hợp mắc bệnh tràn dịch khớp cổ chân do nhiễm khuẩn, virus sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu và ớn lạnh.
Ngoài ra, các dấu hiệu của bệnh tràn dịch khớp cổ chân còn phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu tràn dịch khớp cổ chân do chấn thương sẽ xuất hiện triệu chứng chảy máu, bầm tím, còn tràn dịch khớp cổ chân do nhiễm khuẩn thì kèm theo sốt cao, mệt mỏi, ớn lạnh…
Nguyên nhân gây tràn dịch khớp cổ chân
Các chuyên gia về xương khớp cho biết không chỉ một mà có rất nhiều nguyên nhân gây ra tràn dịch khớp cổ chân. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến như:
- Tuổi tác: Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lý về xương khớp. Tuổi càng cao cũng đồng nghĩa với nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp càng lớn. Đây là quy trình lão hóa tự nhiên của con người, hệ thống xương khớp cũng theo đó sẽ dần yếu đi, suy giảm chức năng và không còn sự linh hoạt, chắc khỏe như lúc tuổi trẻ, từ đó phát sinh ra nhiều bệnh hơn, trong đó có cả bệnh tràn dịch khớp cổ chân.
- Do chấn thương: Ngoài tuổi tác thì đây là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây ra bệnh tràn dịch khớp cổ chân. Khớp cổ chân là bộ phận được cấu tạo khá phức tạp nên khi chịu tác động áp lực mạnh từ bên ngoài sẽ khiến cho hệ thống xương, dây chằng, sụn khớp bị tổn thương. Sự tổn thương này làm mất đi tính ổn định của khớp, từ đó khiến dịch khớp tiết ra bất thường và gây ra tràn dịch khớp cổ chân.
- Do nhiễm trùng: Nếu để vi khuẩn, virus có cơ hội xâm nhập vào bên trong khớp cổ chân thông qua các vết thương hở sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy phát sinh bệnh, trong đó có tràn dịch khớp cổ chân. Vi khuẩn, virus làm ổ tại các khớp gây viêm và phá hủy cấu trúc khớp từ đó làm tăng tiết dịch quanh màng bao khớp. Một số trường hợp bị nhiễm trùng gây tràn dịch khớp cổ chân như bị viêm khớp, thay khớp nhân tạo, nhiễm HIV…
- Do mắc bệnh gout, bệnh tiểu đường: Đây là hai loại bệnh hàng đầu gây ra các bệnh lý về xương khớp, trong đó có tràn dịch khớp cổ chân.
- Viêm khớp: Các chuyên gia cho biết hầu hết những trường hợp bị viêm khớp cấp tính hay mạn tính đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tràn dịch khớp cổ chân.
- U nang hoạt dịch: Đây là tình trạng tích tụ chất lỏng nhiều quá mức bên trong các khớp và tạo thành khối u nang. Nếu các u nang này vỡ ra sẽ khiến hoạt dịch tràn vào khớp, khởi phát bệnh tràn dịch khớp cổ chân gây đau nhức, sưng đỏ.
Các cách chẩn đoán bệnh tràn dịch khớp cổ chân
Để xác định được chính xác bệnh tràn dịch khớp cổ chân thay vì các bệnh xương khớp khác, người bệnh cần thăm khám tại bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám lâm sàng và kết hợp thực hiện một số các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh gồm:
- Khám lâm sàng:
Đây là bước đầu tiên trong chẩn đoán bệnh tràn dịch khớp cổ chân. Người bệnh cần thông báo kỹ lưỡng những triệu chứng đang gặp phải để bác sĩ nhận biết rõ tình trạng ban đầu để đưa ra nhận định khách quan, sau đó chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Đối với bệnh tràn dịch khớp cổ chân, bác sĩ sẽ quan sát cổ chân xem mức độ sưng đỏ, có nóng không, sờ vào đau nhiều hay ít, kiểm tra khả năng đi lại vận động…
- Xét nghiệm hình ảnh:
Đây là một số các phương pháp quan trọng hỗ trợ chẩn đoán bệnh tràn dịch khớp cổ chân hiệu quả. Những xét nghiệm này cho kết quả bằng hình ảnh, từ kết quả này bác sĩ sẽ có cơ sở chẩn đoán chính xác bệnh cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ chỉ định thực hiện một số các xét nghiệm như:
-
- Siêu âm: Phương pháp này giúp phát hiện những tổn thương trong khớp, gân, dây chằng thông qua việc sử dụng sóng siêu âm và hiển thị hình ảnh các mô xương, mô liên kết tại khớp cổ chân.
- Chụp X quang, chụp CT: Cách này giúp phát hiện các tổn thương như xương có nứt gãy hay có khối u nào bên trong khớp hay không.
- Chụp MRI: Nhằm xác định trạng thái của các mô mềm bên trong khớp.
- Phân tích dịch khớp:
Đặc điểm của dịch khớp cũng là một trong những cơ sở chẩn đoán bệnh hiệu quả. Việc phân tích dịch khớp giúp xác định xem có sự hiện diện của vi khuẩn hay virus không, sau đó tiến hành loại trừ và xác định nguyên nhân gây ra tràn dịch.
Bình thường, dịch khớp có màu trắng và có độ nhớt tương tự như lòng trắng trứng. Tuy nhiên, khi xảy ra các vấn đề bất thường dịch khớp sẽ thay đổi về màu sắc và mùi.
- Dịch khớp có màu đục: Thường là do viêm khớp dạng thấp hoặc các dạng rối loạn tự miễn gây ra, tình trạng này dẫn đến sự gia tăng bất thường của các tế bào bạch cầu và khiến dịch khớp có màu đục.
- Dịch màu vàng: Nếu kết quả cho thấy dịch khớp có màu vàng chứng thấy có sự xuất hiện của acid uric và các tinh thể muối urat trong các dịch khớp chứng tỏ người bệnh đang bị gout.
- Dịch màu xanh hơi vàng: Dịch màu vàng xanh chính là dấu hiệu của bệnh lý nhiễm trùng xương. Trong trường hợp này, kết quả phân tích sẽ cho thấy có sự xuất hiện mủ kèm theo dịch.
- Dịch khớp màu hồng hoặc đỏ: Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh tràn dịch do chấn thương gây xuất huyết.
Ngoài ra, trong trường hợp nghi ngờ bị tràn dịch khớp cổ chân do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch để nuôi cấy và xác định loại vi khuẩn, nấm đang tồn tại gây bệnh.
Phương pháp điều trị tràn dịch khớp cổ chân phổ biến và hiệu quả
Việc điều trị tràn dịch khớp cổ chân bằng phương pháp nào chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nặng nhẹ của bệnh và thể trạng của người bệnh, từ đó mới đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất.
Hiện nay, để điều trị tràn dịch khớp cổ chân thường áp dụng các phương pháp sau:
Phương pháp điều trị nội khoa
Nội khoa thực chất là người bệnh sử dụng thuốc kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà để cải thiện triệu chứng bệnh.
- Sử dụng thuốc:
Tùy vào mức độ tổn thương khớp mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch phù hợp với từng trường hợp. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến như: NSAID (thuốc chống viêm không steroid), thuốc kháng sinh (nếu bị nhiễm trùng), tiêm Corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc giảm đau, giảm co khớp.
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ liều dùng và thời gian sử dụng theo quy định của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc hay đổi thuốc, lạm dụng thuốc. Những người có vấn đề về viêm loét dạ dày cần hết sức cẩn trọng trong sử dụng vì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ.
- Chăm sóc tại nhà
Sử dụng thuốc kết hợp với một số biện pháp chăm sóc tại nhà là điều cần thiết để cải thiện triệu chứng bệnh nhanh hơn:
-
- Chườm đá: Đây là biện pháp hữu hiệu giúp cắt nhanh các cơn đau nhức mà lại khá an toàn, dễ thực hiện. Thực hiện chườm ngay khi bộc phát cơn đau sẽ giúp giảm đau nhanh, giảm sưng viêm, đặc biệt là những cơn đau mức độ nhẹ. Mỗi ngày chườm từ 2 – 3 lần, mỗi lần 10 phút sẽ đem lại hiệu quả rất tốt.
- Bên cạnh đó, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh hoạt đi lại nhiều và hoạt động thể chất quá mạnh để tránh gây áp lực cho khớp. Vì khi mắc bệnh, càng hoạt động thì khớp sẽ càng sưng và đau.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng một số mẹo dân gian từ các loại thảo dược thiên nhiên có tác dụng tốt cho sức khỏe xương khớp như:
- Củ đinh lăng: Đây là loại củ được sử dụng phổ biến trong Đông y và có tác dụng hữu hiệu trong điều trị tràn dịch khớp, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm,… Cách thực hiện cũng rất đơn giản, sử dụng 50g củ đinh lăng tươi thái thành từng lát mỏng, sắc với nước cho đến khi cô đặc lại và uống mỗi ngày. Kiên trì thực hiện trong vòng 2 tuần sẽ giúp cải thiện cơn đau, sưng đỏ.
- Cây trinh nữ: Trong Đông y, cây trinh nữ có tác dụng kháng viêm, giảm đau, an thần và ức chế hệ thống thần kinh trung ương rất hiệu quả. Chính vì vậy, cây trinh nữ thường được sử dụng trong chữa đau lưng, tràn dịch khớp, mất ngủ, thoái hóa cột sống… Chuẩn bị 30g rễ cây trinh nữ cùng với 20g rễ bưởi bung, 20g rễ cúc tần, 10g rễ đinh lăng và 10g cam thảo. Đem tất cả dược liệu sao nóng và sắc với 5 chén nước trên lửa vừa. Khi nước thuốc sắc xuống còn 3 chén thì lọc lấy nước uống mỗi ngày, ngày uống 2 lần. Kiên trì thực hiện lâu dài để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Phương pháp điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa là phương pháp chỉ dành cho những trường hợp mắc bệnh nhưng không đáp ứng hiệu quả khi dùng thuốc cũng như các biện pháp bảo tồn. Đây được xem là phương pháp cuối cùng trong điều trị bệnh tràn dịch khớp cổ chân, mặc dù đem lại hiệu quả cải thiện triệu chứng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro ngoài ý muốn.
Một số thủ thuật ngoại khoa phổ biến dùng trong điều trị như:
- Chọc hút dịch khớp: Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ dùng kim tiêm lớn để hút dịch nhầy dư thừa bên trong khớp ra ngoài. Đây được xem là thủ thuật ngoại khoa ít xâm lấn do không phải cắt rạch trên da thịt và rất hiếm trường hợp gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, thực hiện chọc hút dịch khớp chỉ mang tính chất tạm thời, không thể điều trị dứt điểm bệnh nên có tỷ lệ tái phát cao.
- Thay khớp cổ chân: Thực hiện thay khớp là biện pháp thay thế hoàn toàn phần khớp bị tổn thương bằng khớp mới. Tuy nhiên, phương pháp này chưa thực sự phổ biến, chỉ trong những trường hợp khớp cổ chân bị biến dạng nặng nề, biến chứng nhiều không thể khắc phục được mới được thực hiện. Khớp được thay thường là khớp nhân tạo để giúp người bệnh đi lại, vận động bình thường.
Sau khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh phải mất thêm một khoảng thời gian nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe khoa học, thực hiện vật lý trị liệu để làm quen với việc đi lại, phục hồi khả năng phạm vi di chuyển của khớp cũng như vệ sinh, chăm sóc phòng tránh các biến chứng như nhiễm trùng, trật khớp, hình thành huyết khối…
Một số lưu ý khi điều trị bệnh tràn dịch khớp gối
Tràn dịch khớp gối là một trong những căn bệnh xương khớp mạn tính dễ tái phát và rất khó điều trị dứt điểm. Vì vậy, bên cạnh thực hiện các biện pháp điều trị y khoa, người bệnh cũng cần thực hiện một số nguyên tắc chăm sóc, ăn uống sinh hoạt và thực hiện song song một số các động tác hỗ trợ để bệnh tiến triển tốt hơn.
- Ngoài sử dụng thuốc nên thường xuyên thực hiện chườm nóng, chườm lạnh, massage, xoa bóp, ngâm chân để giảm thiểu tối đa các cơn đau nhức, sưng viêm để hỗ trợ, tránh sử dụng thuốc quá nhiều.
- Nếu bị thừa cân béo phì tốt nhất nên thực hiện giảm cân càng sớm càng tốt. Vì trọng lượng cơ thể quá nặng cũng ảnh hưởng lớn đến sự khỏe mạnh của khớp, áp lực lớn khiến khớp cổ chân yếu ớt dễ phát sinh bệnh.
- Xây dựng một lối sống khoa học với các bài tập yoga, thiền định, bơi lội theo hướng dẫn của chuyên gia để cải thiện cấu trúc khớp, giảm đau nhức và tăng cường sự dẻo dai của khớp cũng như ức chế quá trình lão hóa hiệu quả.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, hút thuốc, tránh mang vác vật nặng, lao động quá sức khi khớp cổ chân đang bị tổn thương, duy trì thói quen vận động đúng tư thế khi ngồi, nằm, đứng…
- Hết sức thận trọng trong mọi hoạt động, nhất là hoạt động thể thao, lao động để hạn chế tối đa nguy cơ chấn thương khớp cổ chân.
- Tạo thói quen ngủ nghỉ đúng giờ giấc, duy trì trạng thái tinh thần vui vẻ, tránh stress kéo dài và ăn uống khoa học, ưu tiên các loại thực phẩm tốt cho xương khớp.
- Thường xuyên thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra mức độ hồi phục của khớp cổ chân cũng như sớm phát hiện các bất thường và xử lý ngay.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh tràn dịch khớp gối. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp quý bạn đọc có thêm kinh nghiệm trong việc đối phó với căn bệnh này. Hãy nhớ, việc thăm khám và điều trị cần được thực hiện sớm ngay khi có dấu hiệu bất thường để ngăn ngừa biến chứng cũng như giúp việc điều trị dễ dàng hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!