Trẻ sơ sinh khó ngủ: Nguyên nhân và cách xử lý nhanh chóng
Nội Dung Bài Viết
Chứng khó ngủ ở trẻ sơ sinh ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất và tinh thần. Do đó, phụ huynh cần xác định nguyên nhân và can thiệp các biện pháp cải thiện trong thời gian sớm nhất. Thực tế cho thấy, đa phần các trường hợp bé bị khó ngủ, mất ngủ đều thuyên giảm nhanh sau khi áp dụng các mẹo đơn giản tại nhà.
Một số thông tin cần biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe – đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời. Người trưởng thành cần ngủ khoảng 6 – 8 giờ/ ngày. Trong khi đó, trẻ sơ sinh dành khoảng 18 – 20 giờ để ngủ. Trẻ gần như ngủ hết thời gian trong ngày và chỉ thức dậy khi đói. Trung bình, một giấc ngủ của trẻ kéo dài khoảng 2 – 4 giờ. Sau đó, trẻ sẽ thức dậy để bú mẹ và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sau khoảng 30 – 60 phút.
Ở những năm đầu đời, giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy, tế bào não bộ phát triển mạnh mẽ nhất khi bé ngủ. Ngoài ra, ngủ đủ giấc còn kích thích hormone tăng trưởng sản xuất, giúp bé phát triển đều đặn về chiều cao và cân nặng.
Tình trạng khó ngủ, mất ngủ ở trẻ sơ sinh tác động không nhỏ đến sự phát triển thể chất và trí não của bé. Hơn nữa, tình trạng này còn làm gián đoạn giấc ngủ của mẹ và những người xung quanh. Vì vậy nếu trẻ sơ sinh bị khó ngủ, mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và tiến hành các biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Nhận biết trẻ sơ sinh bị khó ngủ, mất ngủ
Trẻ sơ sinh ít khi ngủ một giấc dài như người lớn. Giấc ngủ của bé chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 tiếng hoặc nhiều nhất là từ 4 – 5 giờ đồng hồ. Sau đó, trẻ thường thức dậy để bú mẹ và ngủ lại sau khoảng một thời gian ngắn. Chính vì giấc ngủ có tính chất khác với người trưởng thành nên một số phụ huynh không nhận ra sự khác thường trong giấc ngủ của bé.
Dưới đây là một số dấu hiệu giúp mẹ phát hiện tình trạng khó ngủ ở trẻ sơ sinh:
- Trẻ khó ngủ lại sau khi bú mẹ hoặc mất nhiều thời gian để chìm vào giấc ngủ (khoảng hơn 1 giờ đồng hồ)
- Thường xuyên thức giấc giữa đêm, quấy khóc và bỏ bú
- Ngáy to khi ngủ
- Dễ thức giấc
- Khó chìm vào giấc ngủ nhưng dễ tỉnh dậy khi có tiếng động
Nguyên nhân gây ra tình trạng khó ngủ ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí não. Chính vì vậy, tình trạng khó ngủ có thể xảy ra do những nguyên nhân sinh lý. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, tình trạng có xu hướng tự thuyên giảm khi trẻ được 3 tháng tuổi.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng trẻ sơ sinh bị khó ngủ có thể bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt, tác động từ môi trường hoặc cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng của một số bệnh lý. Do đó, việc xác định nguyên nhân khiến trẻ bị khó ngủ là vấn đề vô cùng quan trọng.
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng khó ngủ ở trẻ sơ sinh:
1. Nguyên nhân sinh lý
Giấc ngủ được chia thành 2 giai đoạn chính là Non-REM và REM. Ở người trưởng thành, giấc ngủ Non-REM chiếm 75% và giấc ngủ REM chỉ chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh, cả hai giấc ngủ đều chiếm khoảng 50% thời gian ngủ.
Đặc điểm của giấc ngủ REM là mặc dù ngủ nhưng các cơ quan trong cơ thể, bao gồm não bộ, tim và cơ quan hô hấp đều tăng hoạt động so với bình thường. Chính vì vậy ở giai đoạn giấc ngủ REM, cơ thể dễ tỉnh giấc và thức giấc khi có tác động từ bên ngoài. Đây cũng chính là lý do vì sao trẻ nhỏ dễ tỉnh giấc hơn so với người trưởng thành.
Mặc dù giấc ngủ REM kéo dài khiến trẻ bị khó ngủ nhưng đây lại là thời gian quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các nghiên cứu được thực hiện đã chứng minh, giấc ngủ REM có khả năng tăng trí tuệ toàn phần, giúp trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy trong thời gian mới sinh, trẻ có thể khó ngủ, ngủ chập chờn và dễ thức giấc.
2. Nguyên nhân bệnh lý
Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh có thể bị khó ngủ do ảnh hưởng của một số bệnh lý như:
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp:
Trẻ sơ sinh dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do sức đề kháng chưa phát triển hoàn chỉnh. Các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, thở khò khè,… đều ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp và khiến trẻ khó ngủ, dễ thức giấc.
– Thiếu vi chất:
Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh có thể biểu hiện qua tình trạng khó ngủ và mất ngủ – đặc biệt là thiếu canxi. Canxi không chỉ có vai trò hình thành xương, răng và tóc mà còn tham gia vào hoạt động sản sinh hormone melatonin của não bộ. Như đã biết, melatonin là hormone tạo ra cảm giác buồn ngủ và giúp cơ thể ngủ sâu giấc hơn.
Nguyên nhân gây thiếu hụt vi chất ở trẻ sơ sinh là do cơ thể mẹ suy nhược, chế độ ăn không hợp lý dẫn đến tình trạng sữa mẹ nghèo dinh dưỡng, không đáp ứng đủ nhu cầu của bé.
– Các bệnh lý khác:
Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị khó ngủ còn do ảnh hưởng của chứng trào ngược dạ dày, dị ứng, các bệnh viêm da mãn tính, bệnh lý tim mạch,… Các triệu chứng của những bệnh lý này thường bùng phát mạnh về đêm, dẫn đến kích thích não bộ và gây khó ngủ, mất ngủ ở trẻ sơ sinh.
3. Một số nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, chứng khó ngủ ở trẻ sơ sinh còn có thể xảy ra do những nguyên nhân và yếu tố sau đây:
- Phòng ngủ quá sáng hoặc quá tối, nhiệt độ không phù hợp
- Không gian ngủ bí bách, ồn ào, không thoải mái,…
- Trẻ ngủ nhiều vào ban ngày
- Tã/ bỉm bị ướt, giường chiếu và quần áo có chất liệu dày cứng, khó thấm hút mồ hôi hoặc không được làm sạch đều có thể khiến trẻ khó chịu, dẫn đến tình trạng khó ngủ và mất ngủ
- Trẻ bú quá ít hoặc quá nhiều
- Phụ huynh có thói quen ru trẻ ngủ trên võng hoặc bồng bế trên tay thường xuyên khiến bé không thể ngủ khi đặt trên giường
- Mẹ thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống chứa chất kích thích khiến nguồn sữa bị ảnh hưởng. Từ đó gián tiếp tác động đến sức khỏe và giấc ngủ của trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh bị khó ngủ có sao không?
Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ – nhất là trong những năm tháng đầu đời. Chính vì vậy, tình trạng khó ngủ ở trẻ sơ sinh có thể gây ra hàng loạt các ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được xử lý sớm.
Một số ảnh hưởng của chứng khó ngủ ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Làm gián đoạn sự phát triển thể chất, não bộ của trẻ nhỏ
- Gây suy giảm khả năng miễn dịch của bé
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như dị ứng, các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp,…
Trong những năm đầu đời, mẹ cần chú trọng đến chất lượng giấc ngủ của bé. Tình trạng khó ngủ, mất ngủ, thiếu ngủ,… đều ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực và thể lực. Do đó ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu khó ngủ, phụ huynh nên xác định nguyên nhân và tiến hành các biện pháp khắc phục kịp thời.
Cách xử lý trẻ sơ sinh bị khó ngủ nhanh chóng
Có khá nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khó ngủ ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất là do tính chất giấc ngủ (giấc ngủ REM kéo dài), thói quen sinh hoạt của bé,… Vì vậy, đa phần những trường hợp trẻ khó ngủ và mất ngủ có thể cải thiện bằng các biện pháp tại nhà.
Dưới đây là một số cách xử lý nhanh tình trạng khó ngủ ở trẻ sơ sinh mẹ có thể áp dụng:
1. Thay đổi một số thói quen
Như đã đề cập, trẻ sơ sinh có thể bị khó ngủ do bú quá ít hoặc quá nhiều, không gian ngủ bí bách, nóng nực, ngủ quá nhiều vào ban ngày,… Do đó, mẹ nên điều chỉnh một số thói quen xấu để giúp ổn định giờ giấc và cải thiện chất lượng giấc ngủ của bé.
Để cải thiện giấc ngủ cho trẻ sơ sinh, mẹ nên thay đổi – xây dựng một số thói quen sau:
- Tránh cho trẻ ngủ nhiều vào ban ngày. Trung bình, trẻ sơ sinh ngủ khoảng 18 – 20 giờ/ ngày. Vì vậy, mẹ nên điều chỉnh cho bé ngủ khoảng 8 tiếng vào ban ngày và 10 tiếng vào ban đêm. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng trẻ khó ngủ, mất ngủ và dễ quấy khóc vào ban đêm.
- Trong 3 tháng đầu, trẻ gần như không thể phân biệt ngày – đêm. Để giúp não bộ của trẻ nhận thức được “thời điểm ngủ”, mẹ nên kéo rèm và giữ phòng ngủ tối khi trẻ ngủ. Biện pháp này sẽ giúp não bộ của trẻ dần dần ý thức được việc ngủ – thức theo giờ giấc.
- Đảm bảo vệ sinh giường và phòng ngủ thường xuyên. Lựa chọn các loại chăn mền, vỏ gối và trang phục có chất liệu cotton thấm hút tốt để tránh cảm giác khó chịu cho trẻ. Ngoài ra, mẹ cũng nên kiểm tra bỉm thường xuyên để hạn chế tình trạng ngứa ngáy.
- Cho trẻ bú vừa đủ để tránh tình trạng trẻ quá đói hoặc quá no. Bên cạnh đó, mẹ nên cho trẻ dùng gối chống trào ngược để hạn chế hiện tượng nôn trớ khi ngủ.
- Ngay từ khi mới sinh, nên cho trẻ ngủ trên giường hoặc nôi. Tuyệt đối không bế bồng trẻ để ru ngủ. Tình trạng này khiến trẻ khó chìm vào giấc ngủ và dễ thức giấc khi có tiếng động nhỏ.
- Hạn chế tối đa các âm thanh khi trẻ ngủ, giữ phòng ngủ yên tĩnh và mát mẻ.
Việc thay đổi – hình thành một số thói quen có thể giúp trẻ giảm khó ngủ và mất ngủ đáng kể. Ngoài ra, xây dựng thói quen ngủ ngay từ những năm tháng đầu đời giúp ổn định giờ giấc của trẻ về sau, đồng thời hạn chế được tình trạng trẻ quấy khóc nhiều vào ban đêm và giúp mẹ có thời gian để nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc sau thời gian chăm sóc bé.
2. Điều trị bệnh lý nguyên nhân
Nếu chứng khó ngủ bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh lý, mẹ nên tiến hành các biện pháp điều trị những bệnh lý này. Sau khi vấn đề sức khỏe được kiểm soát, tình trạng khó ngủ và mất ngủ ở trẻ sơ sinh sẽ được cải thiện đáng kể.
- Mẹ nên tăng cường bổ sung canxi và các loại khoáng chất thông qua chế độ dinh dưỡng hoặc sử dụng thêm viên uống bổ sung để cải thiện chất lượng nguồn sữa. Từ đó giúp khắc phục tình trạng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh – một trong những nguyên nhân gây khó ngủ và mất ngủ thường gặp.
- Nên cho trẻ sơ sinh bổ sung 400IU vitamin D/ ngày. Loại vitamin này là thành phần cần thiết để cơ thể hấp thu và chuyển hóa canxi.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm nhiễm hô hấp, các bệnh viêm da, trào ngược dạ dày,…
Trong trường hợp cần thiết, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, các bệnh lý này còn có thể tiến triển nặng và đe dọa đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ nhỏ.
3. Trị chứng khó ngủ ở trẻ sơ sinh bằng mẹo đơn giản
Sau khi điều chỉnh thói quen và khắc phục các bệnh lý nguyên nhân, phụ huynh cũng có thể áp dụng một số mẹo đơn giản để cải thiện chứng khó ngủ ở trẻ sơ sinh. Các mẹo chữa này còn giúp bé ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Một số mẹo đơn giản giúp khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bị khó ngủ:
- Trò chuyện với bé trước khi ngủ: Trẻ sơ sinh và mẹ và có mối liên hệ mật thiết. Vì vậy ngay cả khi chưa thể giao tiếp, trẻ vẫn có thể cảm nhận được giọng nói và cảm xúc của mẹ. Theo các chuyên gia, việc trò chuyện và chơi đùa với trẻ trong những năm đầu đời có vai trò quan trọng đến sự phát triển trí não của bé. Ngoài ra, điều này còn giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
- Dùng túi ngủ: Mẹ có thể cho bé kê đầu bằng các loại túi ngủ thảo dược (đinh lăng, hoa cúc, hoa oải hương,…). Tinh dầu thơm từ các loại thảo dược này có thể giúp não bộ thư giãn, trẻ dễ dàng chìm vào giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc hơn.
- Massage cho bé: Massage là biện pháp giúp cải thiện tình trạng khó ngủ và mất ngủ ở trẻ sơ sinh khá hiệu quả. Vào mỗi tối, mẹ có thể dùng tinh dầu massage cơ thể bé từ 5 – 10 phút. Biện pháp này có tác dụng thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, tạo cảm giác thoải mái, thư thái và giúp cải thiện giấc ngủ của bé rõ rệt.
- Hát ru cho bé: Hát ru là cách dân gian giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên khi hát ru, mẹ nên đặt bé trong nôi hoặc trên giường, tránh bồng bế trẻ trên tay. Biện pháp này giúp não bộ của trẻ thư giãn, kích thích hormone melatonin sản sinh và cải thiện chất lượng – thời gian ngủ đáng kể.
Trẻ sơ sinh bị khó ngủ – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khó ngủ là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu chủ động thực hiện các mẹo đơn giản tại nhà, thời gian và chất lượng giấc ngủ của bé sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
Phụ huynh nên chủ động đưa trẻ sơ sinh đến gặp bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng sau:
- Tình trạng khó ngủ kéo dài hơn 3 tuần và không có cải thiện khi áp dụng các biện pháp tại nhà
- Trẻ quấy khóc nhiều vào ban đêm ngay cả khi không ngủ quá nhiều vào ban ngày
Bài viết đã tổng hợp một số nguyên nhân và cách khắc phục chứng khó ngủ ở trẻ sơ sinh đơn giản. Nếu xử lý sớm, giờ giấc ngủ và sinh hoạt của bé sẽ nhanh chóng ổn định sau 2 – 3 tuần. Tuy nhiên nếu nhận thấy tình trạng nghiêm trọng dần theo thời gian, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!