Dùng muối trị mề đay liệu có hiệu quả?
Nội Dung Bài Viết
Cách dùng muối trị mề đay mẩn ngứa có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa tổn thương da lan rộng và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên mẹo chữa này chỉ có tác dụng hỗ trợ nên cần áp dụng đồng thời với cách chăm sóc khoa học và các biện pháp điều trị chuyên sâu.
Có nên dùng muối trị mề đay? Hiệu quả không?
Muối là loại gia vị phổ biến, có vị mặn và được sử dụng để nêm nếm khi chế biến món ăn. Ngoài tác dụng tăng hương vị và kích thích vị giác, muối còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị các chứng bệnh thường gặp.
Theo y học cổ truyền, muối có vị mặn, tính hàn, tác dụng lương huyết, giải độc, sát trùng, tiêu viêm và dẫn các thuốc khác vào kinh lạc. Chính vì vậy muối thường được dùng phối hợp với một số thảo dược tự nhiên khác nhằm gia tăng tác dụng điều trị.
Với đặc tính giảm ngứa, giải độc, sát trùng và tiêu viêm, muối thường được dùng để chữa các chứng bệnh ngoài da như mề đay mẩn ngứa, chàm, mụn nhọt và bệnh viêm da cơ địa. Trong đó mẹo dùng muối chữa mề đay thường được nhiều người áp dụng.
Cách chữa này tận dụng dược tính của muối để giảm viêm sưng và ngứa ngáy do mề đay mẩn ngứa gây ra. Bên cạnh đó muối còn có tác dụng sát trùng, giúp làm sạch da và ngăn ngừa viêm nhiễm.
Mặc dù mẹo dùng muối chữa trị mề đay được áp dụng khá phổ biến, tuy nhiên cách chữa này chỉ đem lại tác dụng tạm thời và không thể điều trị bệnh dứt điểm. Vì vậy bạn nên áp dụng song song mẹo chữa từ muối với biện pháp chăm sóc và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hướng dẫn 5 cách trị nổi mề đay bằng muối đơn giản
Muối có đặc tính dẫn các loại thuốc vào kinh mạch nên ngoài cách dùng muối đơn lẻ, nhân dân còn kết hợp dược liệu này với một số thảo dược tự nhiên khác như lá trầu không và ngải cứu.
1. Ngâm nước muối giảm ngứa do mề đay
Nếu mề đay chỉ xuất hiện khu trú tại tay hoặc chân (thường do côn trùng cắn, tiếp xúc với hóa chất, mang giày chật,…) bạn có thể làm dịu da và giảm ngứa bằng các ngâm nước muối ấm. Tuy nhiên bạn không nên ngâm nước quá nóng bởi nhiệt độ cao có thể gây kích ứng da và khiến mề đay lan rộng hơn.
Cách thực hiện:
- Đun sôi 2 lít nước rồi cho vào 2 thìa muối
- Khuấy đều và đổ nước vào thau
- Thêm nước lạnh vào đến khi nước có độ ấm vừa phải
- Ngâm tay/ chân đến khi nước nguội hoàn toàn
Sau khi ngâm tay/ chân với nước muối, nên rửa lại với nước sạch vì nước muối đọng lại trên da có thể gây rít, khó chịu và kích thích mề đay lan tỏa trên diện rộng.
2. Tắm nước muối và lá trầu trị mề đay
Cách dùng muối và lá trầu không chữa mề đay không chỉ có tác dụng giảm ngứa, sát trùng và tiêu viêm mà còn thúc đẩy và làm lành tổn thương da. Ngoài ra kết hợp lá trầu và muối còn giúp giải dị ứng và ngăn chặn triệu chứng ngứa bùng phát.
Vì vậy bạn có thể áp dụng cách chữa này vào buổi tối trước khi đi ngủ nhằm ngăn chặn triệu chứng bùng phát mạnh vào ban đêm và gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 2 thìa muối và vài lá trầu không tươi
- Đun sôi 2 lít nước, sau đó rửa lá trầu và bỏ vào đun thêm khoảng 5 phút
- Đổ nước đun vào thau, thêm muối và nước lạnh vào
- Dùng nước tắm để vệ sinh da và giảm ngứa
3. Chườm muối nóng giảm mề đay mẩn ngứa
Với những trường hợp mề đay do nhiễm lạnh hoặc do thức ăn có tính hàn, bạn có thể áp dụng cách chườm muối nóng lên da để tiêu sẩn đỏ, giảm ngứa và khó chịu.
Cách thực hiện:
- Rang nóng khoảng 100g muối
- Sau đó cho vào túi vải và đợi muối nguội bớt
- Vệ sinh vùng da cần điều trị và chườm túi muối ấm lên da
Dùng muối rang nóng trị mề đay có thể giảm ngứa và tiêu sẩn nhanh. Tuy nhiên bạn nên tránh áp dụng cách chữa này lên những vùng da nhạy cảm như mặt, cổ và bụng.
4. Giã đắp muối và lá ngải cứu
Giã đắp muối và lá ngải cứu là một trong những mẹo chữa mề đay bằng thuốc nam được nhiều người bệnh áp dụng. Ngoài tác dụng của muối, lá ngải cứu cũng có nhiều công dụng hữu ích đối với làn da nói chung và bệnh mề đay mẩn ngứa nói riêng.
Theo nghiên cứu hiện đại, tinh dầu trong lá ngải cứu có tác dụng giảm mẩn ngứa, tiêu viêm, kháng khuẩn và sát trùng nhẹ. Do đó kết hợp thảo dược này và muối có thể làm giảm tổn thương da và các triệu chứng cơ năng của bệnh mề đay.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá ngải cứu tươi
- Sau đó cho vào chảo rang nóng cùng với 50g muối
- Cho tất cả vào túi vải thô và để nguội bớt
- Chườm lên lòng bàn tay, bàn chân,… để giảm ngứa
Tương tự như biện pháp chườm muối nóng, mẹo chữa này có khả năng kích ứng cao nên cần tránh áp dụng lên những vùng da nhạy cảm.
5. Chườm đắp nước muối pha loãng
Nếu bị mề đay cấp do côn trùng cắn hoặc do tiếp xúc với nhựa thực vật, bạn có thể chườm đắp nước muối pha loãng lên da. Cách này có tác dụng làm dịu tình trạng viêm da, giảm ngứa, tiêu sưng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Hòa ½ thìa muối vào 300ml nước
- Dùng bông gòn thấm nước muối để làm sạch vùng da tổn thương
- Sau đó thấm đẫm bông gòn với nước muối pha loãng rồi đắp lên da trong 10 – 15 phút
- Thực hiện liên tục từ 2 – 3 lần có thể giảm sưng đau và ngứa do mề đay.
Những lưu ý khi dùng muối điều trị mề đay
Dùng muối điều trị bệnh mề đay mẩn ngứa có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa nhiễm trùng da. Tuy nhiên nếu thực hiện không đúng cách hoặc thiếu thận trọng khi áp dụng, bạn có thể gặp phải một số rủi ro như kích ứng da, mề đay lan rộng và kéo dài.
Vì vậy khi dùng muối chữa mề đay, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Cần làm sạch vùng da tổn thương trước khi áp dụng bài thuốc chườm và đắp từ muối.
- Cách dùng muối chữa mề đay chỉ là biện pháp hỗ trợ. Vì vậy bạn nên áp dụng song song với việc sử dụng thuốc và chăm sóc hợp lý.
- Không nên áp dụng mẹo chữa này lên vùng da bị lở loét, nhiễm trùng và chảy máu. Trong trường hợp mề đay bội nhiễm, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định kháng sinh tương ứng.
- Bên cạnh các phương pháp điều trị, bạn nên loại trừ các nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây nổi mề đay mẩn ngứa để tránh tổn thương da lan rộng và kéo dài.
- Với những trường hợp mề đay kèm các biểu hiện nặng nề như khó thở, nghẹt cổ họng, hen suyễn, chóng mặt, buồn nôn,… bạn nên đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Sử dụng muối chữa trị mề đay là mẹo chữa có tác dụng hỗ trợ và làm giảm triệu chứng tạm thời. Vì vậy bạn không nên quá phụ thuộc và lạm dụng biện pháp này. Để quá trình điều trị đạt được kết quả tối ưu, cần phối hợp đồng thời việc sử dụng thuốc và chăm sóc đúng cách.
Tham khảo thêm: Chữa mề đay bằng lá hẹ có thực sự hiệu quả?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!